Mang tình yêu con chữ đến với học trò vùng cao
Cách đây gần 20 năm, học trò vùng cao yêu ngô, sắn hơn yêu cô giáo và con chữ. Thế mà, sau khi ra trường đặt chân đến vùng đất nghèo thuộc huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), cô Nguyễn Thị Huệ đã khiến những đứa trẻ nơi này thích được đến trường học chữ.
Gian nan những ngày đầu cắm bản
Vốn sinh ra ở mảnh đất miền xuôi huyện Vĩnh Lộc, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Huệ được phân công lên công tác tại Trường Tiểu học Giao An, huyện miền núi Lang Chánh. Những ngày chuẩn bị đi miền núi, vẫn biết nhiều khó khăn và gian nan ở phía trước nhưng có lẽ khi thực sự đặt chân đến mảnh đất của những bản làng nghèo khó, đói ăn, “khát chữ” để thực hiện ước mơ đứng lớp của mình, cô Huệ mới thực sự thấm thía những khó khăn và gian nan.
Cô Nguyễn Thị Huệ đã sáng tạo ra cách cho các học sinh ngồi thành từng nhóm nhỏ để học bài hiệu quả hơn.
Giao An cách thị trấn Lang Chánh 12km đường rừng. Người Giao An trước đây nghèo, họ đói ăn, đói chữ nên toàn vào rừng đào củ sắn, của mài về ăn qua bữa vì thế cũng không có tiền cho con đi học, nhiều bản xa trường nữa nên các em muốn đến trường cũng khó.
Ngày đầu tiên đến trường nhận công tác, cô Huệ ngỡ ngàng trước ngôi trường tuềnh toàng hở cả 4 vách, lợp bằng mái tranh, ngăn vách bằng những tàu lá cọ, học sinh được hơn chục em ngồi bi bô đánh vần. Tan giờ dạy thì hành trình của những giáo viên cắm bản là đi đến từng nhà vận động người dân cho con em đến trường.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, hàng ngày điều làm cô Huệ sợ nhất là phải đi bè mảng vượt sông Âm để đến trường. Bản thân rất sợ nước, lại không biết bơi nên mỗi lần ngồi tròng trành trên bè là cô Huệ lại nhắm chặt mắt lại không dám nhìn cho đến khi lên đến bờ bên kia.
Những ngày đầu đi dạy ấy khiến cô thấy nản lòng, muốn từ bỏ núi rừng, những đứa học trò đen nhẻm, chân trần, tiếng Kinh còn chưa sõi để về dưới xuôi. Nhưng rồi khi nhìn ánh mắt ngây thơ của lũ học trò ấy, tim cô như nghẹn lại. Cô bắt đầu tập cho mình quen dần với núi rừng hoang vu, quen dần với những khó khăn để tiếp tục ở lại truyền con chữ cho học trò.
Trăn trở chuyện học trò bỏ học
“Học cũng ăn ngô ăn sắn, không học cũng ăn ngô ăn sắn thì thà ở nhà lên rẫy kiếm cái ăn cho no cái bụng còn hơn” – đó là những ý nghĩ đã được hình thành bao đời nay của người dân tộc thiểu số trên mảnh đất Giao An. Vì thế, ngày đầu tiên khi đến trường, lớp của cô Huệ không đầy chục em, sau khi vận động, sĩ số tăng được vài em nhưng rồi cứ mỗi một trận mưa xuống hoặc nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ gì là học trò cũng vô tư nghỉ luôn, lớp học lại thưa dần. Điều đó khiến cô Huệ ngày đêm trăn trở, phải làm cách nào đó để học trò biết yêu con chữ.
Video đang HOT
Cô Huệ ân cần giảng giải cho từng học sinh trong giờ thảo luận.
Nói là làm, cứ tan giờ dạy, cô Huệ hì hục cuốc bộ cả chục km đường rừng để đến từng nhà động viên bố mẹ cho các em đi học. Những ngày nghỉ, cô lại đến giúp gia đình các em làm việc, tạo sự gần gũi giữa cô và trò.
Với cô Huệ, dạy chữ cho các em nơi này không đơn thuần chỉ là việc dạy đánh vần, tập viết mà còn truyền cả trái tim của mình vào trong đó, không đơn giản là cách mang “mặt chữ” đến với học trò mà còn phải khiến “con chữ” ấy sinh sôi, nảy nở thành những mầm xanh vươn xa hơn, đó chính là những trăn trở của cô Huệ. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, cô luôn tìm mọi cách để giúp các em dễ hiểu nhất, để học trò không chán học mà phải càng yêu con chữ.
Chỉ sau một thời gian, sự nhiệt tình của cô đã được bù đắp, học trò không còn bỏ học mà học rất tiến bộ, phụ huynh càng ngày càng thương cô giáo, họ thấy “vui cái bụng” vì thấy con họ biết hát, biết đánh vần.
Chia sẻ động lực khiến mình gắn bó cuộc đời mình với trẻ em vùng cao như thế, cô Huệ kể: “Ngày 20/11 năm đó, một phụ huynh đạp chiếc xe đạp cọc cạch hàng chục cây số, váy buộc túm, chân đất vì đường lầy lội, mang theo trên ghi đông xe một túi đựng gạo nếp nhưng chỉ còn được một vốc nhỏ. Gặp tôi, chị phụ huynh đó bảo mang gạo nếp làm quà cho cô giáo mà do cái túi bị rách nên gạo đổ suốt dọc đường. Đi đến đây mới biết thì túi gạo chỉ còn một vốc nhỏ. Thấy thế, tôi không cầm được nước mắt, thấy vừa hạnh phúc mà vừa thương họ. Cũng chính cái ngày hôm đó khiến cho đến bây giờ, chưa một lúc nào tôi thấy chán cái nghề mình đang theo. Và cũng từ đó cho đến sau này, dù có gặp khó khăn đến mức nào thì nhớ về cái ngày hôm đó tôi lại cảm thấy mình phải cố gắng”.
Sau 4 năm công tác trên mảnh đất nghèo Giao An (1994-1998), cô Huệ lại được chuyển về Trường Tiểu học Quang Hiến trên mảnh đất cằn cỗi thêm 4 năm nữa (1998-2002). Và sau khi được trao danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh (2001-2002) cùng với những cống hiến của mình, cô được chuyển về Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh và giảng dạy cho đến bây giờ.
Chính nhờ sự miệt mài, sự tâm huyết của cô đối với học trò, năm học 2008 – 2009, lớp cô có 2 học sinh đạt giải Nhất, Nhì cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, giải Nhất chỉ huy liên đội giỏi cấp tỉnh. Gần đây nhất là năm học 2010 – 2011, lớp cô chủ nhiệm có 8 em học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì… 10 năm trở lại đây, năm nào cô Huệ cũng được khen thưởng từ các sở ban ngành như giấy khen về thành tích giảng dạy của Phòng giáo dục, của UBND tỉnh, của UBND huyện Lang Chánh, của Liên đoàn Lao động tỉnh… Học sinh của cô giờ đây không chỉ giỏi ở lớp, ở trường mà các em còn đua tài, đua trí cùng học sinh trong toàn tỉnh, mang vinh dự về cho trường.
Nhận xét về cô Nguyễn Thị Huệ, thầy Lê Thiên Quang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh chia sẻ: “Từ ngày cô Huệ về đây, lớp cô chủ nhiệm năm nào cũng đứng đầu về thành tích học tập, vượt cả chỉ tiêu của nhà trường đề ra. Đặc biệt, cô Huệ đã biết phân loại học sinh giỏi và học sinh yếu kém ra để có cách dạy giúp các em nhanh tiến bộ. Đối với đồng nghiệp, cô luôn thân thiện, giúp đỡ cả về chuyên môn và cuộc sống đời thường. Đó là tấm gương sáng để nhiều giáo viên trẻ noi theo”.
Nguyễn Thùy – Duy Tuyên
Theo dân trí
Trường mầm non có 5 thầy giáo dạy trẻ
Chuyện thầy dạy trẻ xưa nay không phải là hiếm, nhưng cũng không có nhiều người biết về những người "bố hiền". Ấy thế mà giữa đại ngàn heo hút nơi Trường Mầm non Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có tới 5 thầy giáo dạy những học trò độ tuổi bi bô chưa tròn chữ.
Cái duyên đến với trẻ
Có dịp ngược vùng cao vào một ngày giữa tháng 11, ghé thăm Trường Mầm non Thanh Quân, chúng tôi mới thật ngỡ ngàng khi thấy nơi đây ngoài các cô giáo, còn có cả những thầy giáo đứng lớp. Lũ trẻ với hơn chục cháu nhao nhao đòi làm nũng, thầy giáo với mái tóc điểm vài sợi bạc nhẹ nhàng ân cần như người mẹ dỗ dành đàn con thơ.
Trường Mầm non Thanh Quân hiện có 320 học sinh, 31 giáo viên trong đó có tới 5 thầy giáo dạy trẻ là các thầy Vi Văn Hướng, Vi Văn Dương, Hoàng Thanh Tình, Vi Văn Tiến và Lương Văn Cường. Các thầy đều là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôi trường mầm non Thanh Quân này.
Thanh Quân là một xã rộng với 12 thôn bản, có hai thôn xa nhất là làng Trung và Thống nhất, thầy Dương và thầy Cường ngày ngày vẫn phải vượt rừng băng suối 4, 5 cây số đến hai khu lẻ này để dạy cho những "đứa con thơ" của mình. Chứng kiến những trái tim người thầy giáo đang thầm lặng, miệt mài gieo chữ, ươm những mầm non cho đất nước mà thấy ấm lòng hơn giữa cái lạnh đầu đông nơi miền sơn cước.
Thầy Hoàng Thanh Tình và thầy Vi Văn Tiến đang cho các cháu tập hát.
Những thầy giáo mầm non ở đây đến với nghề cũng bởi cái duyên, rồi từ cái duyên, họ gắn bó cuộc đời với nghề với những đứa trẻ quê nghèo. Ngày ấy, cách đây hơn 15 năm, Thanh Quân là vùng đất cằn cỗi, người dân ở đây chăm lo "cái bụng" chứ không lo học chữ. Thế rồi cán bộ vào làng động viên con em nhà nào học hết lớp 10 thì cho đi học Sư phạm để mang chữ về cho dân bản. Con gái ở làng lớn lên theo cha mẹ lên nương rẫy rồi lấy chồng, thanh niên làng theo học hết lớp 10 vô cùng hiếm. Các thầy là những người may mắn đủ điều kiện để học lên Sư phạm.
Mặc dù chọn cho mình ngành Sư phạm Mầm non nhưng các thầy đều khẳng định ngày ấy vẫn chưa cắt nghĩa được học "Sư phạm Mầm non" ra để làm gì. Thầy Hoàng Thanh Tình chia sẻ: "Ngày đó cùng không hiểu sao mình chọn ngành Sư phạm mầm non để học nữa, đến lúc vào học mới biết sau này mình sẽ làm nghề trông trẻ. Lúc đầu cũng ngại lắm, nhất là cái khâu múa hát, hay dỗ dành lũ nhỏ. Sau đó thấy các cô làm thì mình cũng làm theo, dần dần thấy yêu nghề, yêu sự ngây thơ của chúng lắm. Ngày nào không đi dạy, không nghe chúng nó làm nũng lại thấy nhớ nhớ".
Những cử chỉ ân cần của các thầy không kém gì các cô.
Cũng đôi lần các thầy nản vì điều kiện lúc đó khó khăn, "miếng cơm manh áo" nhiều lúc cũng khiến các thầy suýt bỏ nghề nhưng rồi được sự động viên của bà con, của gia đình và hơn hết là tình thương trẻ lại như níu bước chân của những "ông bố hiền" này.
Buồn vui chuyện nghề
Chuyện các thầy kể đến đầu tiên trong nghề đó là việc bắt đầu đứng lớp, thầy phải múa, phải hát, phải kể chuyện với cái giọng truyền cảm để các cháu học theo. Nhưng các thầy lúc đầu thì tay chân cứng cáp nên việc múa dẻo, kể chuyện dễ thương cho các cháu cũng thật là khó. Dạy trẻ mầm non có những khó khăn đặc thù nhưng dạy trẻ mầm non cho trẻ vùng cao còn khó hơn nhiều, một câu tiếng Kinh bẻ đôi các cháu cũng không biết, trong khi dạy, thầy không được phép nói tiếng bản địa. Thế là thầy phải một lúc dùng hai thứ tiếng mới dạy được học trò.
Cái khó khăn tiếp nữa là ngày đó, Thanh Quân vẫn chưa có trường lớp, các thầy phải mượn tạm gầm nhà sàn của các hộ dân hay dựng lên những căn nhà tranh vách nứa rồi đến từng gia đình vận động các cháu đến lớp học. Không những thế, đường đất đi lại khó, khe suối, lầy lội, xe đạp cũng không thể đi được nên các thầy đành phải quần xắn qua gối, xách dép đi bộ hàng chục cây số để đến lớp với học trò.
Cũng những năm tháng ấy, lương giáo viên chỉ là 1kg gạo/tháng, nhưng tận 6 tháng mới được nhận một lần. Điều kiện lúc đó đã khó khăn, lại cộng thêm việc dạy những đứa trẻ mầm non như múa hát, tô vẽ... lại càng làm cho nghề dạy trẻ mầm non đối với các thầy gian nan hơn.
Không những thế, khi đã lựa chọn cho mình cái nghề đáng ra là của phụ nữ, các thầy thật thà tâm sự rằng mỗi khi đi đâu hay gặp gỡ bạn bè họ đôi lúc rất ngại cho biết mình làm nghề gì. Ngay cả đến bây giờ khi vô tình bắt gặp ánh mắt chúng tôi nhìn các thầy trong giờ dạy, các thầy vẫn tỏ ra bẽn lẽn pha chút thẹn thùng. Nhưng khi chia sẻ về công việc của mình, các thầy đều khẳng định: cho đên bây giờ, sau hơn 16 năm gắn bó với lũ trẻ bi bô chưa tròn chữ, họ yêu nghề và yêu trẻ hơn bao giờ hết.
Thầy Vi Văn Hướng tâm sự: "Làm nghề này phải biết kiên trì, không cho phép mình nóng nảy, từ ngày làm cái nghề này tính mình nhuần hẳn, mình yêu cái nét đáng yêu, ngây thơ của những đứa trẻ. Có những câu nói của chúng làm mình cứ nhớ mãi như: thầy thương bạn ấy hơn thương con". Nói rồi thầy Hướng cười bảo: "Ngoài 40 tuổi rồi nhưng mình vẫn trẻ được như bây giờ là nhờ lũ nhỏ".
Niềm vui mỗi ngày của thầy Hướng là được đến trường với lũ nhỏ.
Cô Trịnh Thị Hồng - hiệu phó Trường Mầm non Thanh Quân cho biết: "Trường có một chút đặc biệt đó là trong khi các trường mầm non thường toàn các cô thì ở trường mình có tới 5 thầy. Có các thầy phong trào của trường cũng sôi nổi và vui vẻ hẳn. Những khi có công việc nặng nhọc hay như dạy những điểm lẻ thì các thầy đểu xung phong xông xáo gánh vác đỡ cho các cô. Mặc dù về chuyên môn đối với trẻ mầm non, các thầy nhiều thứ còn chưa được bằng các cô nhưng xét một cách toàn diện, các thầy cũng đã làm rất tốt, các cháu học sinh bây giờ lại thích học với thầy nhiều hơn, vì thầy hay sáng tạo ra nhiều đồ chơi".
"Hàng năm, các thầy cũng luôn đạt thành tích như lao động xuất sắc, sáng kiến kinh nghiệm hay giáo viên có thành tích cấp cơ sở...", cô Hồng cho biết thêm.
Gắn bó với nghề như một cái duyên rồi cũng từ cái duyên, trái tim yêu lũ học trò bé nhỏ ngây thơ đã "cột chặt" cuộc đời các thầy với cái nghiệp trồng người. Cho đến bây giờ cũng đã hơn 16 năm, những người thầy nơi đại ngàn heo hút ấy vẫn cần mẫn miệt mài ươm những chồi non tương lai...
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Theo dân trí
Những nữ giáo viên vượt khó trồng người Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, các cô giáo chính là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó...