Phụ huynh đừng so sánh con mình với ‘con nhà người ta’
Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với cô giáo Hồ Thị Hương – Trường THCS Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) giáo viên chủ nhiệm của Thủ khoa Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019.
Áp lực phải khuyến khích được học trò
P.V: Chào chị, xin chúc mừng chị và nhà trường với kết quả ấn tượng ở Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Chị có bất ngờ không, khi vị trí thủ khoa toàn tỉnh lại là một học sinh của lớp mình?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Trong thâm tâm, tôi rất tin tưởng các học trò của mình vì các em đã tham gia rất tốt các kỳ thi từ đầu năm học đến nay. Trước kỳ thi, thật ra tôi từng đặt hi vọng vào hai bạn khác của lớp (trong đội tuyển học sinh giỏi) nhưng cuối cùng kết quả khiến tôi rất bất ngờ. Vì có thể, nếu là thủ khoa của thị xã Hoàng Mai thì là tự tin, nhưng thủ khoa của cả tỉnh thì tôi quá vui sướng. Tôi đã nói với học trò của mình: Các em đã làm được quá nhiều thứ mà cô mong đợi.
Tập thể lớp 9A, Trường THCS Quỳnh Thiện. Ảnh: Đức Anh
Khi học sinh tham gia xong kỳ thi, các em cũng đã tập trung đến nhà tôi, có bạn khóc, có bạn vui nhưng đa phần đều nói rằng “đề thi khó, chúng em không đọc kỹ đề”. Riêng Lưu Đức Tài (thủ khoa lớp 10 với 47 điểm) thì rất điềm tĩnh, hầu như không mấy khi thể hiện quan điểm. Tài chỉ nói “em làm được sơ sơ”, nhưng kết quả thì như đã thấy, thật đáng để tự hào.
Đây cũng là một kỳ thi với rất nhiều thành công khác của tập thể lớp bởi lớp có 40 em thì 37 học sinh đạt trên 35 điểm và học sinh của lớp giữ vị trí Thủ khoa, Á khoa của Trường THPT Hoàng Mai, ngoài ra còn có 6 em nằm trong tốp 10 của thị xã. Trước đó, thành tích của lớp cũng rất đáng tự hào vì có 37 học sinh đạt học sinh giỏi thị xã, 17 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, trong đó có 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba, 7 giải Khuyến khích.
PV: Ngay sau khi công bố kết quả thủ khoa, trên các diễn đàn nhiều ý kiến cho rằng “học sinh trường huyện, học sinh vùng xa trung tâm thường đạt điểm cao hơn vì các em được phát triển tự nhiên, không chịu nhiều áp lực thi cử”. Chị có đồng ý với ý kiến này không?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Nói vậy là chưa chính xác. Như ở thị xã Hoàng Mai kỳ thi lớp 10 năm nay có rất nhiều áp lực. Bởi lẽ, Trường THPT Hoàng Mai 2 trước đây hầu hết thí sinh thi đều đậu thì năm nay lại là một trong hai trường có tỷ lệ chọi cao nhất tỉnh (2 chọi 1). Trường THPT Hoàng Mai, dù tỷ lệ chọi “khiêm tốn” hơn nhưng lại đa phần tập trung học sinh khá giỏi và điểm đầu vào thường nằm trong tốp đầu cả tỉnh.
Cô giáo Hồ Thị Hương và em Lưu Đức Tài – Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019. Ảnh: Đức Anh
Trước kỳ thi chúng tôi rất lo cho học sinh. Bên cạnh đó, áp lực của giáo viên chủ nhiệm cũng rất lớn bởi kết quả của kỳ thi không chỉ đơn giản là các em đậu mà còn cố gắng đạt điểm cao để nâng điểm sàn cho lớp, cho trường. Để có kết quả tốt, cô và trò đã có một năm lăn lộn khá vất vả, ngoài dạy kiến thức, còn phải hướng dẫn các em các kỹ năng làm bài. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải soạn đề, hướng dẫn tỉ mỉ cho học sinh…
Điều khác biệt, có chăng đó là học sinh ở đây không học tủ, không học lệch mà chúng tôi yêu cầu các em phải trải rộng tất cả chương trình, hướng các em đến phát triển toàn diện để theo môn học trong một thời gian dài chứ không phải chỉ học để thi.
Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh sáng tạo trong quá trình làm bài để các em được phát huy hết khả năng của mình. Trước mỗi kỳ thi, chúng tôi dành nhiều thời gian để an ủi, động viên học sinh, khuyên học sinh thoải mái, tự tin khi làm bài.
Video đang HOT
Ông bà ta có nói “có thi thì phải có học”. Vì thế, áp lực trong một hoàn cảnh nào đó là rất tốt. Nhưng, chúng ta nên tạo ra áp lực ở một mức độ nhất định, làm sao áp lực nhưng vẫn khuyến khích được học sinh. Thực tế, nhiều học sinh chính nhờ áp lực khiến các bạn vượt trội.
Đừng so sánh con mình với “ con nhà người ta”
PV: Để có được thành tích tốt thì vai trò của người giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng. Bản thân chị, trong quá trình chủ nhiệm khóa học vừa rồi, có những kỷ niệm nào đặc biệt?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Đó là kỳ họp phụ huynh đầu năm học, tôi đã tổ chức một cuộc họp phụ huynh không giống bình thường. Trước cuộc họp này, tôi đã cho tất cả học sinh trong lớp viết về suy nghĩ của các em với bố mẹ và để các em được bày tỏ những mong muốn của mình.
Tại buổi họp, khi tôi đọc bài viết của học sinh, rất nhiều phụ huynh xúc động. Bản thân tôi cũng thực sự bất ngờ khi đọc bài viết của các em. Bởi nhiều học sinh bình thường ít nói nhưng các em lại suy nghĩ sâu sắc, người lớn. Các em cũng đã bày tỏ nhiều quan điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở. Chẳng hạn một học sinh dù học khá giỏi nhưng vẫn thấy áp lực từ bố mẹ và chỉ mong bố mẹ đừng so sánh và đừng mong con như “con nhà người ta”. Có em lại chỉ mong “bố đừng uống rượu, bố uống ít thôi và hãy luôn vui vẻ với con”.
Sau cuộc họp, dù tôi không đọc rõ tên của học sinh nhưng phụ huynh dễ dàng nhận ra đó là con của mình và có một số người đã gặp tôi để chia sẻ. Tôi cũng thấy rằng, lâu nay học sinh thường rất ngại khi chia sẻ với bố mẹ và tôi muốn mình sẽ làm cầu nối để bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn, để có thể thông cảm và bố mẹ sẽ đồng hành với các con trong quá trình các con trưởng thành. Qua sự chia sẻ của các em, tôi cũng nhìn lại vai trò làm bố, làm mẹ của mình ở gia đình… Tôi hiểu các em hơn để làm tốt vai trò của một giáo viên chủ nhiệm.
Một buổi sinh hoạt về chuyên môn của giáo viên Trường THCS Quỳnh Thiện (TX Hoàng Mai). Ảnh: Đức Anh
PV: Chị đã đang là chủ nhiệm một lớp học với rất nhiều học sinh khá giỏi. Nhưng nếu là học sinh cá biệt thì chị ứng xử như thế nào?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Tôi đã có hơn 10 năm công tác và làm chủ nhiệm ở vùng khó, từng có không ít học sinh cá biệt. Tôi không sợ học sinh cá biệt. Thực tế, có nhiều học sinh “cá biệt” là do hoàn cảnh đưa đẩy như bố mẹ đi làm ăn xa, không có người chăm sóc, nhiều học sinh trong suốt bốn năm học chưa bao giờ có bố mẹ đi họp phụ huynh.
Học sinh cá biệt ở bậc trung học không quá phức tạp, chủ yếu “cá biệt” là vì bỏ học, trốn học, trong giờ học không tập trung và các em không hào hứng vì chương trình học không phù hợp. Trước mỗi trường hợp, tôi thường tìm hiểu hoàn cảnh, tiếp xúc từ gia đình và gần gũi với học sinh, cố gắng nói chuyện riêng với từng học sinh nhằm tìm hiểu về suy nghĩ, tình cảm và mong muốn của các em. Tôi cũng thường nhìn vào các mặt tốt của các em để khuyến khích. Không ít học sinh học không tốt nhưng các em lại thích nấu ăn, thích thể thao và sau đó tôi hướng các em vào những mặt tích cực để phát triển và có phương phương pháp riêng để các em tiến bộ hàng ngày.
PV: Được biết, chị đã từng từ chối cơ hội tốt hơn để chuyển về dạy ở Trường THCS Quỳnh Thiện, từ chối chủ nhiệm lớp “chất lượng cao” của thị xã. Vì sao lại như vậy?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Lúc mới được điều về, tôi từ chối vì tôi sợ áp lực, sợ mình không đảm đương được vai trò của mình. Sau này, để vượt qua áp lực, tôi thực sự phải học hỏi rất nhiều. Ngoài dạy ở trường, khi về nhà tôi đã phải đọc sách, phải luyện tập rất vất vả và phải tự học để thi lấy các chứng chỉ quốc tế.
Để có được kết quả tốt, chúng tôi cũng phải chấp nhận thất bại. Như năm ngoái, đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh của tôi bị “trắng tay”. Nhận được kết quả, tôi rất ân hận, thất vọng về bản thân mình. Thậm chí tôi từng nghĩ “hay là khả năng của mình chưa đến”. Sau đó, tôi đã xem lại cả quá trình ôn tập của cô và trò, tìm hiểu những hạn chế để khắc phục… May mắn sao, sau những cố gắng, năm nay đội tuyển Tiếng Anh của chúng tôi cả 5/5 học sinh đi thi đều đạt học sinh giỏi tỉnh.
Giáo viên chủ nhiệm giỏi – tôi nghĩ danh hiệu không quan trọng. Điều quan trọng là giáo viên thì phải có tâm, gần gũi với học sinh, giúp đỡ để học sinh tiến bộ. Trong lớp học, không chỉ chú trọng đến học sinh giỏi, học sinh khá mà còn phải quan tâm đến tất cả học sinh, để các em được phát triển toàn diện các kỹ năng. Với tôi, trong công tác chủ nhiệm tôi không tiết kiệm lời khen và khen đích danh. Nhưng nếu chê thì góp ý với từng cá nhân, để học sinh không mất ý chí hoặc xấu hổ trước tập thể.
PV: Từng có ý kiến cho rằng, nghề giáo viên thực sự nhàm chán. Quan điểm của chị?
Cô giáo Hồ Thị Hương: Tôi đến với nghề giáo một cách tự nhiên bởi gần 20 năm trước, gia đình nào cũng có suy nghĩ đơn giản, đó là: con gái thì nên đi sư phạm. Gắn bó với nghề đã khá lâu, tôi chưa bao giờ ân hận với lựa chọn “ngẫu nhiên” của mình, dù có thời điểm rất vất vả, rất áp lực. Sống với nghề, tôi được gần gũi học sinh, được tiếp xúc với học trò thường xuyên và nhờ đó, cảm thấy như mình được quay về với thời thơ ấu.
Nghề giáo không nhàm chán. Nếu quan tâm đến nghề nghiệp thì sẽ thấy mỗi một năm có một đối tượng học sinh khác nhau. Và mỗi một học sinh khác nhau, một phiên bản khác nhau, người giáo viên phải trăn trở, phải suy nghĩ mới có một phương pháp tiếp xúc và truyền dạy hiệu quả.
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi!
Mỹ Hà
Theo baonghean
Khoe điểm con: Oai bố mẹ, hại cho con
"Giá như con em được một phần như con nhà chị". "Ôi, con em mà được thế này, thích gì em cũng chiều"... đủ cảm xúc của phụ huynh trước mùa "khoe điểm" của con lại rầm rộ trên mạng xã hội.
Đua nhau khoe điểm của con
"Điểm đợt 1 - Học kỳ 1: Ngữ văn 9 - 7; Toán 10-10; Vật lý 10 - 10; Sinh học 10 - 10; Lịch sử 10; Địa lý 10; GDCD 10; Tiếng Anh 6 - 9,5; tin học 9 - 10; Công nghệ 7 - 10. Các môn Âm nhạc/Mỹ thuật/Thể dục: Đ. Học lực: Giỏi/ Hạnh kiểm: Tốt/ Xếp hạng: 7".
Thông tin được một phụ huynh có con học lớp 6 tại TPHCM chia sẻ sau khi có điểm học kỳ của con. Và đây cũng dạng thông tin hết sức quen thuộc được đăng tải trên trang cá nhân của nhiều phụ huynh, khi mùa vụ "khoe điểm" của con lại đến. Tiếp đó là những phản hồi của mọi người với nhiều trạng thái như ngỡ ngàng, khen ngợi hay có chút tiếc nuối cho một vài con điểm chưa thật tròn trĩnh.
Mới đây, cơn mưa chúc mừng cũng được gửi đến phụ huynh có con học tại Trường THCS nổi tiếng ở quận 1, TPHCM khi con xếp hạng thứ 2 lớp với điểm trung bình học kỳ đạt 9,7. Trong niềm tự hào của mình, người mẹ cũng nhấn mạnh đây là một ngôi trường điểm, nhiều học sinh giỏi nên để đạt được kết quả này con mình phải thật sự có tố chất.
Quanh trạng thái "khoe điểm con", thể hiện rất nhiều tâm trạng của phụ huynh mà ít nhiều đề "đè nặng" lên con trẻ - mà thể hiện rõ nhất là tâm trạng "con nhà người ta". Có người suýt soa: "Giá như con em được một phần như con nhà chị". "Ôi, con em mà được thế này, thích gì em cũng chiều".
Phụ huynh lại vào mùa khoe điểm học kỳ của con
Hay có bà mẹ, sau khi khoe kết quả điểm của con san sát là 10, chỉ có một môn 9,5 liền lên mạng "động viên" con trước bàn dân thiên hạ đầy khiêm tốn: "Mẹ vui nhưng mẹ chưa hài lòng. Con sẽ còn phải cố gắng thêm vì còn rất nhiều bạn giỏi hơn".
Có thể với phụ huynh chỉ là lời nói đầu môi, giao tiếp qua lại, thể hiện sự khiêm nhường... Nhưng những câu chữ này, cảm xúc này với con trẻ chẳng khác nào những nhát dao.
Thỏa lòng bố mẹ nhưng hại con
Việc "khoe" điểm, xếp hạng của con với nhiều phụ huynh đơn giản có thể chỉ là chia sẻ niềm vui, chút hân hoan về kết quả của con sau một thời gian nỗ lực. Trong thế giới mạng, có khi cũng đơn giản như họ khoe đôi giày mới, chiếc áo, đồng hồ hay nỗ lực của một buổi tập thể dục... trước hết là để thỏa mãn bản thân.
Thế nhưng, khác với việc khoe tất cả mọi thứ, việc khoe điểm số của con trước mọi người dù ít hay nhiều đều tác động đến thêm chủ thể quan trọng nhất - đó là đứa con. Phụ huynh nghĩ đơn giản, có sau đâu nhưng với những đứa trẻ thì khác, nhiều em không thích, thậm chí sự thỏa mãn của bố mẹ là áp lực đáng sợ với các em.
Vào tháng 4/2018, một học sinh giỏi của Trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự vẫn vì điểm tổng kết không như kỳ vọng
Trong lần chia sẻ với phụ huynh ở TPHCM về áp lực học tập của con trẻ, ThS Đinh Thanh Phương nhấn mạnh, mọi người thường chỉ nghĩ học sinh yếu mới bị áp lực học tập, điểm số thế nhưng các em học giỏi, đạt thành tích tốt mới là những người gánh những áp lực khủng khiếp.
Trong đó, những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người xung quanh dần dần hình thành sự căng thẳng vô tình lên tinh thần con trẻ. Các em không dám dừng lại, luôn gồng mình chí ít phải giữ được thành tích cũ, rồi phải đạt kết quả tốt hơn. Các em dễ rơi vào trạng thái, nếu mình không đạt kết quả cao hơn thì mình sẽ không được chấp nhận, mình sẽ gây hụt hẫng.
Bà Phương cảnh báo thực tế có không ít bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng rằng rộng mở nhưng kết cục các em lại hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cái chết.
Có nhiều phụ huynh thắc mắc, mình không gây áp lực học tập, điểm số gì cho con hết mà sao con vẫn cứ rất căng thẳng, tự gây áp lực. Áp lực từ điểm số đến từ nhiều phía, con trẻ lại vốn cực kỳ nhạy cảm. Chỉ cần một ánh mắt khen ngợi, thèm thuồng của bố mẹ trước thành tích của một đứa trẻ khác đã đủ để các em hiểu "vị thế" của mình trong mắt bố mẹ.
Đã có không ít nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ học giỏi, thành tích cao, học sinh trường chuyên lớp chọn bị áp lực, căng thẳng hơn nhiều học sinh bình thường, yếu. Mới đây nhất, đề tài khoa học cấp bộ về hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh THCS của 9 nhà nghiên cứu tại TPHCM thực hiện đưa ra kết quả rất đáng lưu tâm: nhóm có xu hướng tự hủy hoại bản thân tập trung ở học sinh khá, giỏi.
Ở mức độ thấp chỉ dừng ở suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, áp lực hành vi ở mức vừa như bứt tóc, đấm, đánh, cào, cấu chính mình... Còn ở mức cao thì tự tử, tổn thương thân thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe... nguy hiểm đến tính mạng.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Trại hè có thực sự bổ ích như quảng cáo? Cứ mỗi dịp hè, tình cảnh "không biết gửi con ở đâu" lại trở thành nỗi lo của không ít ông bố bà mẹ ở thành phố. Đánh trúng tâm lý đó, các trại hè cho thiếu nhi được mở ra và hoạt động hết công suất. Trước những lợi ích khó cưỡng mà các trại hè đưa ra, nhiều phụ huynh hồ...