Phụ huynh Đắk Lắk băn khoăn với hình thức học trực tuyến đối với học sinh tiểu học
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các phương án dạy và học đối với các cấp học trong năm học 2021- 2022.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, địa phương đang áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các trường chọn hình thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn lẫn lo lắng với hình thức này, nhất là phụ huynh có con đang theo học ở cấp tiểu học.
Hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Nhung, ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột cố gắng sắp xếp công việc của mình để thay phiên nhau ở nhà túc trực, canh chừng việc học của 2 con: một cháu mới vào lớp 1, cháu còn lại lớp 3. Dù đã có sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các con học tập trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương nhưng vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Nhung không khỏi lo lắng.
Học sinh tiểu học ở thành phố Buôn Ma Thuột trong giờ học trực tuyến.
“Vẫn biết học trực tuyến là giải pháp tốt nhất hiện nay, nhưng mới có 1 tuần học làm quen mà phát sinh nhiều vấn đề. Cháu nhỏ lớp 1 nên cha mẹ phải ngồi bên con trong suốt quá trình học. Nếu không bé sẽ lơ đãng, chạy lung tung chứ không chịu ngồi một chỗ. Cháu lớn thì thỉnh thoảng lại gọi chỉnh máy. Nếu kéo dài cách học này là không ổn”-chị Nhung chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Như Mai, có con vào lớp 4 tại trường tiểu học Ngô Quyền, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Tuần sau, con của chị mới học chính thức. Từ thực tế của năm học trước chị cho rằng, phương pháp học trực tuyến đang tồn tại nhiều bất cập, là “bài toán” khó đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
“Năm học trước, cuối học kỳ 2, bé nhà tôi làm quen với việc học trực tuyến. Hầu hết các buổi học trực tuyến các con đều cần phụ huynh dạy lại vì tỷ lệ tiếp thu kiến thức của con rất thấp. Nhưng thực tế không phải phụ huynh nào cũng có thể đồng hành cùng con, công việc rất bận rộn, không thể ngồi hàng giờ chỉ từng ly từng tí cho con được”- chị Nguyễn Như Mai cho biết.
Video đang HOT
Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thừa nhận, việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong những năm gần đây, các trường tiểu học ở thành phố Buôn Ma Thuột đã đáp ứng được yêu cầu khi chọn hình thức học trực tuyến. Để hỗ trợ triển khai học trực tuyến hiệu quả, ông Phạm Đăng Khoa cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất với các đơn vị viễn thông trong việc hỗ trợ các phần mềm và đường truyền học trực tuyến đến các trường. Cùng với đó, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn để giáo viên nắm được tinh thần học trực tuyến khi truyền đạt kiến thức đến học sinh.
“Trên tinh thần giáo viên tập trung vào những kiến thức cốt lõi, kiến thức cơ bản để các em nắm được kiến thức cốt lõi. Những kiến thức nào các em có thể tự học thì hướng dẫn cho các em tự học và có sự phối hợp giữa gia đình học sinh với thầy cô giáo và các nhà trường trong việc dạy học trực tuyến”- ông Phạm Đăng Khoa cho biết.
Đắk Lắk hiện có hơn 450.000 học sinh theo học ở các cấp học, riêng cấp tiểu học gần 190.000 em. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành giáo dục Đắk Lắk đang nỗ lực, chủ động xây dựng các phương án dạy và học hiệu quả nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa đảm bảo chuyên môn vừa phòng chống dịch hiệu quả. Vì vậy, dù còn những lo lắng băn khoăn của không ít phụ huynh, hình thức học trực tuyến vẫn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay./.
Năm học mới 'đặc biệt' của học sinh TP.HCM
Học sinh TP.HCM bước vào năm học mới từ hôm nay (1/9) mà không có khai giảng, thầy trò sẽ cùng dạy và học trực tuyến.
Hôm nay thầy và trò trường THCS Minh Đức (quận 1) bắt đầu năm học mới bằng buổi sinh hoạt trực tuyến và trao đổi qua màn hình. Một năm học mới "đặc biệt" nhất từ trước tới nay. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt lớp trực tuyến với học sinh, sáng 2 khối, chiều 2 khối.
"Giáo viên kết nối với học sinh phổ biến nội quy đầu năm học mới, thăm hỏi các em, hỏi về hoàn cảnh gia đình, tìm hiểu khó khăn về học tập mà các em gặp phải. Trường luôn động viên chia sẻ, tạo tâm lý thoải mái để học sinh để bước vào năm học mới", côn An nói.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM và Phòng GD&ĐT quận 1, trường phổ biến cho phụ huynh, học sinh và phân công thời khóa biểu cho các thầy cô theo tinh thần dạy online 50%, còn 50% giao bài, theo dõi học tập, đánh giá kết quả cho các em.
Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM).
Ngoài ra, thầy cô trao đổi với học sinh về các quy định của nhà trường trong việc học trực tuyến. Học trực tuyến không giống như trực tiếp nên giáo viên xây dựng các bài giảng sao cho phù hợp và không yêu cầu các em phải ngồi trước màn hình quá lâu.
Mỗi tổ chuyên môn cũng đưa ra phương án, chủ đề học tập lên hệ thống học trực tuyến của trường để học sinh vào tham khảo bất cứ lúc nào và hoàn thành nhiệm vụ học tập. Nhà trường gửi thông báo đến phụ huynh để biết tình hình, kế hoạch dạy học sắp tới trong tình hình dịch bệnh. Trường cũng hỗ trợ các em gặp khó khăn như tặng trang thiết bị.
Tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm để triển khai kế hoạch năm học, đồng thời giáo viên cũng gặp mặt, trao đổi, hướng dẫn học sinh phần mềm học online, phương pháp đọc tài liệu, phương pháp làm bài trắc nghiệm cho lớp 12 cũng như phương pháp làm việc nhóm, chia sẻ thông tin, tuyên tuyền công tác phòng dịch.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, dù tất cả buổi sinh hoạt, gặp mặt đầu năm học mới này đều qua màn hình nhưng trường luôn cố gắng để tạo sự gần gũi với học sinh. "Gặp mặt trực tuyến nhưng thầy cô luôn giúp học sinh cảm thấy gần gũi với thầy cô, với nhà trường. Từ nay đến 5/9, mỗi ngày sẽ có một chủ đề gặp mặt để học trò làm quen với phương pháp học mới" , thầy Phú nói.
Thầy Huỳnh Thanh Phú.
Qua buổi trao đổi trực tuyến, trường nắm thông tin học sinh đang có thiết bị nào, đường truyền ra sao để hỗ trợ triệt để, không để học sinh vì thiếu thiết bị, điều kiện mà không tiếp cận được tài liệu, chương trình học online.
Nhà trường cũng tập huấn cho giáo viên dạy học qua cộng nghệ cách đây gần hai tháng. Dự báo năm học diễn ra hết sức khó khăn do dịch nên từ đầu tháng 7, trường đã soạn bài, giáo án cũng như tài liệu học trực tuyến, online.
"Việc dạy và học trực tuyến, nhà trường cũng không gặp nhiều khó khăn do 5 năm qua trường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, thầy cô và học sinh đều an tâm và nhận phản hồi tích cực" , thầy Phú chia sẻ.
Học sinh TP.HCM bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9 bằng hình thức trực tuyến, học sinh tiểu học bắt đầu từ ngày 8/9. Theo hướng dẫn hoạt động dạy học đầu năm học 2021-2022 của Sở GD&ĐT TP.HCM, với bậc THCS và THPT, từ 1 đến 4/9, các trường xây dựng kế hoạch, phân công đội ngũ, chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua môi trường internet và tài liệu học tập cho học sinh học tại nhà. Các trường cũng phải lập danh sách học sinh học à không thể học qua internet, tìm hiểu gia đình gặp khó khăn để phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ.
Từ ngày 6/9, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, mà triển khai các chủ đề dạy học trên internet và gửi tài liệu hướng dẫn cho học sinh học tập tại nhà. Cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch học tập trên hệ thống quản lý học tập để giúp học sinh hoàn thành các chủ đề học tập theo kế hoạch giáo dục nhà trường.
Trường học không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống thời khóa biểu khi học trực tiếp, bởi điều này sẽ gây quá tải cho người dạy, người học, không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên internet. Thời lượng dạy học được tính bằng tổng thời lượng tổ chức khóa/chủ đề dạy học của giáo viên bao gồm các hoạt động chuyển giao nhiệm vụ học tập, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, tổng kết, kết luận, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu học.
Trước đó, tại họp báo chuẩn bị cho năm học mới giữa tháng 8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị phương án tổ chức dạy học trên Internet đến hết học kỳ I. TP.HCM không tổ chức khai giảng và tựu trường.
"Không có khai giảng, tựu trường, tập trung. Từ ngày 1 đến 5/9 các trường tổ chức, chuẩn bị học liệu để sẵn sàng dạy và học trực tuyến. Nếu như trước đây học trực tuyến là giải pháp tình thế thì bây giờ học trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới nếu tình dịch dịch không được kiểm soát", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, nếu học trực tuyến kéo dài, thành phố sẽ tính toán sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất các lớp đầu, cuối cấp để bảo đảm chương trình, kết quả học tập.
Hà Nội dạy học online tối đa 3 tiết/ngày với học sinh lớp 1 Sở GD-ĐT Hà Nội chuẩn bị ban hành hướng dẫn dạy học trực tuyến, trong đó có nội dung dạy học cụ thể với từng cấp, từng lớp, nhất là lớp 1 định hướng rõ chỉ dạy tối đa 3 tiết/ngày. Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết thông tin nói trên. Theo đó,...