Phụ huynh áp lực học sinh, nhà trường áp lực nhà giáo
Ngày 14/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp”. Tọa đàm được đặc biệt quan tâm bởi nhiều vụ bạo hành trường học diễn ra vừa qua.
Đánh vì nghĩ giáo viên phải đưa học sinh vào khuôn khổ
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Phụ huynh, học sinh, xã hội…
TS. Trần Bá Trình – Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo viên. Áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên trong hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp nhưng nếu quá lớn sẽ dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả; ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.
Ngược lại, nếu không có áp lực thì có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục, có bề dày truyền thống hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa – xã hội của người Việt Nam.
Tuy nhiên đứng trước áp lực, một số giáo viên chủ động lấy chính áp lực là động lực phát triển nghề nghiệp nhưng lại có giáo viên thụ động trông chờ các giải pháp của ngành.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý.
“Lâu nay, học sinh được dạy là phải ngoan, nên khi học sinh hư là giáo viên bức xúc, đánh học sinh, vì giáo viên nghĩ trách nhiệm của mình là đưa học sinh vào khuôn khổ. Khi bức xúc, các thầy cô hành xử không giống ai. Đó là là điều các thầy cô phải thay đổi”, ông Hòa nêu quan điểm.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, với áp lực số lượng học sinh vào trường rất cao nên giáo viên trong trường cũng chịu áp lực bởi không phải phụ huynh nào cũng chủ động ôm hôn giáo viên.
Thay vì để học sinh đi chơi, nói tục, chửi bậy, nhiều dự án được phát động để gắn kết tình yêu thương. Chẳng hạn để để học sinh không nói tục, không phải nhà trường kêu gọi: “nói tục rất xấu” mà triển khai rất nhiều hoạt động để thể hiện tình yêu thương như: Làm các phong bao lì xì để bán lấy tiền mua dép tổ ong cho học sinh vùng cao…
“Khi tất cả học sinh đều thấy mình có giá trị, nhà trường sẽ giảm bớt những hiện tượng tiêu cực như báo chí đã đưa ra gần đây”, cô Thu Anh cho biết.
TS. Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số
“Bắt bệnh” áp lực, bà Phan Hồ Điệp, giáo viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội cho hay, điều phụ huynh thường gặp hiện nay là áp lực điểm số.
Video đang HOT
“Nhà gần một số trường tiểu học nên tôi chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Sau khi tan trường, bố mẹ hỏi con thi được mấy điểm, và cau mày khi con không được điểm như mong muốn. Có người còn xé bài kiểm tra trước mặt con”.
Cô giáo này cho rằng, nhiều phụ huynh đang dạy con bằng nỗi sợ, độc đoán, uy quyền, khiến học sinh bị sợ hãi. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy.
Phụ huynh “vẽ nên không gian u ám” về nhà trường đối với học sinh, khiến các em sợ hãi nhà trường, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.
Hoặc phụ huynh quá ỷ lại nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Ví dụ, phụ huynh đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất chẳng hạn nên không giáo viên nào thấy thoải mái trong trường hợp đó.
Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, bà Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu.
Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, bà Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện cha mẹ, để phụ huynh cảm thấy thoải mái hơn.
Nên có hoạt động hướng dẫn phụ huynh cách giao tiếp với con cái, thầy cô, bằng những cuốn sách nhỏ, nhẹ nhàng. Giảm sự nặng nề, hình thức của những cuộc họp phụ huynh hiện nay, hoặc có thể họp phụ huynh từng nhóm theo năng lực học sinh để không có sự so sánh học sinh nào.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng, hiện nay việc dạy học vẫn chạy theo điểm số. Học sinh đi học về, nhiều cha mẹ hỏi con câu đầu tiên là mấy điểm, chạy theo thành tích như vậy nên giáo viên cũng bị áp lực.
Phụ huynh áp lực lên con, nhà trường áp lực lên giáo viên. Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số và kết quả học.
Cùng với đó, chúng ta chưa tạo được môi trường học đường thân thiện, trường chưa là chỗ dựa cho giáo viên, học sinh.
Do vậy, ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải đứng ra đào tạo hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng là người chuyển biến giáo viên, phải là “thầy của giáo viên”.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến thay vì "chăm ngoan, học giỏi"
90% học bạ của học sinh giỏi câu đầu tiên là "chăm ngoan, học giỏi". Trong khi đó, bây giờ mục tiêu của chúng ta là phải hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến.
Ngày 14-12, tại Hà Nội, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm "Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp". Tọa đàm diễn ra sau hàng loạt vụ việc sai phạm của giáo viên vừa qua, vì thế nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ tiếp tục đi đến tận cơ sở để trực tiếp lắng nghe ý kiến của các giáo viên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì tọa đàm
"70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ"
Tại tọa đàm, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi, đây là vấn đề nghiêm trọng, cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý.
Theo thầy, lâu nay, học sinh được dạy là phải ngoan, nên khi học sinh hư là giáo viên bưc xúc, đánh học sinh, vì giáo viên nghĩ trách nhiệm của mình là đưa học sinh vào khuôn khổ. Khi bức xúc thì các thầy cô hành xử không giống ai. Đó là là điều các thầy cô phải thay đổi.
90% học bạ của học sinh giỏi câu đầu tiên là "chăm ngoan, học giỏi". Trong khi đó, bây giờ mục tiêu của chúng ta là phải hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến.
Mặt khác, hiện nay dạy học vẫn chạy theo điểm số. Học sinh đi học về, nhiều cha mẹ hỏi con câu đầu tiên là mấy điểm, chạy theo thành tích như vậy nên giáo viên cũng bị áp lực.
Phụ huynh áp lực lên con, nhà trường áp lực lên giáo viên. Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số và kết quả học.
Cùng với đó, chúng ta chưa tạo được môi trường học đường thân thiện, trường chưa là chỗ dựa cho giáo viên, học sinh.
Mục tiêu nhà trường thân thiện phải được thực hiện, còn nhà trường mà lúc nào cũng áp lực, căng thẳng thì cả học sinh, phụ huynh, giáo viên đều bị áp lực.
Tập huấn giáo viên cũng phải thay đổi, để giáo viên tự sáng tạo. "Thầy cô giáo phải là nhà giáo dục, người truyền cảm hứng, đó là yêu cầu đối với trường sư phạm. Giải pháp quan trọng nhất là phải tạo cảm hứng để thầy cô sáng tạo, tự thay đổi, tự làm mới mình. Đào tạo cho giáo viên giá trị sống và kỹ năng sống", thầy Nguyễn Văn Hòa nói.
Ông cũng cho rằng, phải làm rõ mục tiêu giáo dục phổ thông là dạy người, không phải chạy theo dạy kiến thức. Muốn thế phải đổi mới thi cử, đổi mới cách xếp loại học sinh theo kiểu gây áp lực hiện nay. Thay đổi cách đánh giá giáo viên, học sinh.
"Trường tôi quan tâm hơn đến chỉ số tiến bộ của học sinh, chỉ số hạnh phúc của học trò", thầy Hòa cho biết.
Thầy Nguyễn Văn Hòa cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải đứng ra đào tạo hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng là người chuyển biến giáo viên, phải là "thầy của giáo viên".
"Đề nghị triển khai ngay mục tiêu của Nghị quyết 29 về dạy người, không cần đợi đến Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường cần bắt đầu ngay và thấm nhuần tinh thần Nghị quyết 29: giáo viên không phải là người dạy kiến thức sách giáo khoa cho học sinh, mà phải là người truyền cảm hứng cho học sinh, là một nhà giáo dục", thầy Hòa cho hay.
Cô Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những phân tích áp lực đối với giáo viên từ phụ huynh.
Cô cho rằng, phụ huynh đặt áp lực điểm số lên con, đặt kỳ vọng quá cao lên con, bỏ qua những sở thích của con, khiến học sinh đến trường học vì kỳ vọng của bố mẹ. Nhiều phụ huynh đang dạy con bằng nỗi sợ, độc đoán, uy quyền, khiến học sinh bị sợ hãi. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy. Phụ huynh "vẽ nên không gian u ám" về nhà trường đối với học sinh, khiến các em sợ hãi nhà trường, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Hoặc là phụ huynh quá ỷ lại nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Ví dụ, phụ huynh đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất chẳng hạn, chẳng giáo viên nào thấy thoải mái trong trường hợp đó.
"Hãy để trường học là "thánh đường" của đứa trẻ. Có những việc rất nhỏ, ví dụ không nên để cô giáo phải trả lại tiền thừa cho học sinh, ảnh hưởng đến hình tượng cô giáo. Hay chuyện phụ huynh mặc đồ ngủ đến trường và nói những lời không hay với thầy cô, khiến các em tiếp nhận những hình ảnh tiêu cực về nghề giáo", cô Điệp nêu.
Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, cô Phan Thị Hồ Điệp đề xuất trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện cha mẹ, để phụ huynh cảm thấy thoải mái hơn.
Nên có hoạt động hướng dẫn phụ huynh cách giao tiếp với con cái, thầy cô, bằng những cuốn sách nhỏ, nhẹ nhàng. Giảm sự nặng nề, hình thức của những cuộc họp phụ huynh hiện nay, hoặc có thể họp phụ huynh từng nhóm theo năng lực học sinh để không có sự so sánh học sinh nào.
"Hãy dạy trẻ con những điều tử tế nhỏ nhất, như biết mỉm cười, biết chia vui sẻ buồn với bạn, quan tâm đến bạn. Hy vọng với Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được làm chủ quá trình học tập của mình, được thực hành nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Cha mẹ không nên chỉ chú trọng việc học hành mà hãy để các em cùng được lao động, trải nghiệm cùng gia đình", cô nói.
Lương chưa phải là giải pháp căn cơ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng gần đây dư luận xã hội bàn nhiều, lo lắng về các thầy cô, Bộ trưởng cũng rất trăn trở.
"Đại đa số các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, nếu không yêu nghề không vượt qua được khó khăn. Lương giáo viên cũng là một vấn đề nhưng để theo được nghề và cao hơn là yêu được nghề thì lương chưa phải là giải pháp căn cơ. Muốn yêu nghề, muốn cống hiến phải ổn định công việc, thu nhập ổn định, đây là nhu cầu chính đáng. Vị thế của các thầy cô rất lớn, đây là nghề cao quý, nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực. Do đó, chúng ta phải chủ động để tìm ra nguyên nhân và giải pháp", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, áp lực của giáo viên cần nhìn từ rất nhiều thành tố, trước hết từ chính thầy cô và môi trường các thầy cô đang hoạt động. Môi trường rất quan trọng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp... Rồi đến môi trường xã hội, gia đình, thậm chí là học sinh.
Thực tế hiện nay là mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên tạo điều kiện hết mức cho con. Bên cạnh đó có những gia đình chiều con quá mức. "Tuy nhiên, dù giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vin vào áp lực để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Đó là điều ngành giáo dục không chấp nhận và trừng phạt nghiêm. Chúng ta cũng không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát chung lên toàn đội ngũ làm cho các thầy cô lo lắng. Ngành giáo dục phải làm cho các thầy cô yên tâm. Sai phải sửa, không sửa được đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: "Cần rà soát chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có còn phù hợp không. Đào tạo sư phạm hiện nay, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực thì cần phải được chú trọng hơn".
Thực tế, thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống sẽ chủ động hơn, ít bị áp lực hơn. Ngược lại những thầy cô chưa được trang bị, thậm chí không phù hợp với nghề, hay thầy cô ở những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên... thì chắc chắn bị áp lực nghề, từ đó có thể dẫn đến sai phạm.
Về phía Bộ GD-ĐT, ngành sẽ có nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường. Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất.
"Làm sao để giáo viên không bận tâm bởi vấn đề cơm áo gạo tiền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là phải lo vấn đề lương cho nhà giáo. Bên cạnh đó những vấn đề đạo đức nhà giáo, yêu nghề mến trẻ. Nhưng điều đó cũng phải dựa trên việc giải quyết được việc học xong ra trường thì phải có việc làm, có lương để đủ sống. Trách nhiệm của Bộ là tham mưu để giải quyết các vấn đề này", Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định.
PHAN THẢO
Theo sggp
Tôi rất lo khi khen học sinh là biết 'vâng lời'! Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết ông rất lo khi đọc hàng trăm cuốn học bạ của học sinh giỏi thì đều có câu khen là biết "vâng lời". Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng mục tiêu giáo dục học sinh biết vâng lời cần phải thay đổi...