Phu gánh dưa ở Tây Nguyên
Một năm hai lần, hàng trăm lao động vùng đồng bằng ngược lên Tây Nguyên đầy nắng gió, “ăn bờ, ở bụi”, mưu sinh bằng nghề gánh dưa hấu thuê.
Chiều muộn ngày đầu tháng 4, trên cánh đồng dưa rộng hàng chục hecta ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa đông đúc hơn mọi khi. Họ là những thương lái, chủ vườn, nhân công…, và dân địa phương. Ôtô chở dưa rầm rập ra vào, bụi tung mù mịt.
Những lao động chạy xe máy cả 100 km từ Phú Yên lên Gia Lai làm nghề gánh dưa thuê. Ảnh: Trần Hóa
18h, anh La Lang Vắng, 40 tuổi, cùng hàng chục lao động chạy xe máy tiến vào ruộng dưa. Mỗi người lái một chiếc, sau xe chở theo hai cái giỏ, một đòn gánh, và nhiều đồ dùng cá nhân. Nhóm anh Vắng nhận gánh khoán giá 350.000 đồng một sào (500 m2).
Trước khi bắt tay vào công việc, anh Vắng lấy trong túi đồ một lon nước uống lấy sức. Ba lao động cầm kéo đi dọc luống cắt dưa, những người còn lại nhặt dưa vào giỏ, gánh vài chục mét về dồn lại từng đống trên đồng – nơi đã được họ lót rơm từ trước. “Mỗi gánh 50-60 kg, nặng nhọc vô cùng”, giọng anh Vắng ngắt quãng giữa hơi thở hổn hển. Và cũng như anh, tất cả đều làm việc quần quật, nhịp nhàng, gánh này rồi gánh khác, mồ hôi vã ra, ướt đẫm áo.
Khi bóng tối bao trùm, đèn pin trên đầu mỗi người đồng loạt bật sáng. Thỉnh thoảng, vài người vấp ngã, dưa vương vãi, song mọi việc đều trở lại bình thường. Anh Vắng giải thích rằng, ban ngày trời nắng nóng cắt dưa sẽ nhanh héo, dễ bị thối, nên phải đợi đến chiều mát, cắt xong gánh ngay, bốc lên ôtô tải trong đêm.
Tuần trước, mùa thu hoạch dưa ở Tây Nguyên bắt đầu, cũng là lúc anh Vắng khăn gói lên huyện Krông Pa, Gia Lai. Để lại rẫy mì khô khốc cho vợ chăm sóc. Chuyến đi lần này, người đàn ông quê ở Đồng Xuân, Phú Yên hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn những lần trước, để lo cho hai đứa con ăn học, nhất là cậu con trai sắp vào đại học.
Mỗi gánh dưa nặng khoảng 50 – 60 kg, với quãng đường vài mét đến vài trăm mét. Ảnh: Trần Hóa.
Nhưng hơn một tuần lên mảnh đất đầy nắng gió, anh Vắng và 11 người trong nhóm chỉ nhận gánh được 3 vườn, tiền công mỗi người hơn một triệu. Hôm nay, gặp ruộng dưa rộng, sản lượng cao họ gánh đến rạng sáng hôm sau mới xong. Thu nhập mỗi người tùy lúc, hôm ít thì 200.000 đồng, nhiều 600.000 – 700.000 đồng.
Bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và tháng 10 đến giáp Tết, hàng trăm lao động ở Phú Yên, Bình Định chạy xe máy vượt cả 100 km lên Gia Lai. Họ đi từng nhóm, mỗi “biệt đội” gánh dưa đều có một người được gọi là “ông bầu”. Ông bầu sẽ liên hệ với các chủ dưa ở khắp các vùng để tìm mối rồi chia việc cho từng người tùy theo diện tích ruộng dưa và yêu cầu của chủ để quyết định số người trong một nhóm.
Người khỏe thì nhận nhiệm vụ gánh dưa, đối với phụ nữ hoặc người có tuổi, họ được giao cắt và bốc dưa lên ôtô.
Để tiết kiệm chi phí, những người làm thuê mang theo võng, cột dưới những rừng cao sau nghỉ ngơi sau một đêm lao động vất vả. “Đó là khách sạn ngàn sao của chúng tôi”, anh Vắng khôi hài. Họ mua cơm ở quán, tắm rửa đều ra sông suối.
Video đang HOT
Bốn năm làm nghề gánh dưa, anh Đoàn Văn Tiến, 39 tuổi, quê huyện Tuy An, Phú Yên thấu hiểu sự nặng nhọc của nghề, song anh không có lựa chọn nào khác. Đất đai ở quê hiếm hoi, bạc màu, nếu không lên Tây Nguyên gánh dưa thuê, thì anh cũng chẳng biết làm gì để nuôi gia đình.
Hôm đó, anh Tiến và 14 người khác dự định gánh xong 30 sào dưa trước 11h đêm, nhưng từ 6h đến 9h chưa hết nửa vườn. Cả nhóm thấm mệt và đói, họ dọn cơm ra giữa đồng ăn. Bữa cơm chỉ có vài miếng thịt và rau luộc.
Bữa cơm vội của những phu gánh dưa. Ảnh: Trần Hóa.
Anh Tiến kể cuối năm ngoái, gánh dưa ở huyện Krông Bông, Đăk Lăk, kiếm chục gần chục triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền sắm Tết. Đợt này giá dưa trên 10.000 đồng một kg – tăng gấp nhiều lần những năm trước, nên thu nhập của mọi người cũng đỡ hơn. “Mới lên đây 10 ngày, tôi đã kiếm được gần 4 triệu đồng”, anh Tiến nói.
Mang thùng nước đá ra cho hàng chục lao động đang thu hoạch vườn dưa rộng 40 sào của mình uống, ông Nguyễn Văn Trọng, 46 tuổi, cho biết, những năm trước, giá dưa thấp nên việc tìm nhân công khó khăn. Nhiều nhà vườn không tìm được người gánh dưa, đành bỏ ruộng hoặc thuê lao động địa phương với giá cao.
Tuy nhiên, sau Coivd -19, giao thương mở cửa trở lại, giá dưa tăng nên giá khoán gánh dưa cũng cao hơn các năm trước, 300.000 – 400.000 đồng một sào, tùy thuộc địa hình và sản lượng. Nhờ vậy, lao động gánh dưa cũng dễ tìm hơn các năm trước. “Trước khi thu hoạch, mỗi ngày có 4-5 cuộc gọi đến hỏi có cần thuê người cắt dưa không. Thậm chí có vài nhóm vào tận vườn muốn nhận gánh thuê”, ông Trọng cho biết.
Toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng gần 1.500 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, và Kông Chro – nơi vừa xảy ra dịch Covid -19.
Canh tác theo chương trình cảnh quan bền vững, tăng thu nhập thêm 30%
Nông dân trong các vùng canh tác cây công nghiệp ở Tây Nguyên theo chương trình cảnh quan bền vững có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha, chủ yếu từ các cây trồng xen.
Chương trình cảnh quan bền vững là sản xuất thuận tự nhiên làm giảm các yếu tố đầu vào trong nông nghiệp một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm.
Nông dân trồng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đã được hưởng lợi thông qua việc tham gia Chương trình cảnh quan bền vững (ISLA) do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) thực hiện.
Đến năm 2025, chương trình sẽ được mở rộng hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn trên diện tích 90.000ha.
Ông Nguyễn Văn Huy ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, bên vườn cà phê tái canh của gia đình. Ảnh: Quang Yên.
Nông dân hưởng lợi
Trong hơn 2 năm vừa qua, người dân ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), đã giảm được chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và thu nhập khi tham gia thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả hóa chất nông nghiệp trong sản xuất cà phê.
Ông Nguyễn Văn Huy (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cho biết, gia đình có hơn 2 ha rẫy cà phê. Qua tham gia thực hiện mô hình tái canh cà phê cải tiến bằng giải pháp cảnh quan đã giúp giảm chi phí đầu tư và nhân công.
Theo ông Huy, khi thực hiện mô hình, gia đình đã giảm được chi phí chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu, tưới nước. Trước đây, phân bón bỏ nhiều gấp 3 lần như hiện nay nhưng cây trồng lúc nào cũng trong tình trạng cằn cỗi. Tuy nhiên khi tham gia chương trình, ông đã học được phương pháp làm đất tối ưu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thảm cỏ cải thiện đất...
Hiện gia đình không còn phải phụ thuộc vào duy nhất cây cà phê mà có nguồn thu nhập từ nhiều loại cây trồng xen khác.
Trong khi đó, tham gia thực hiện mô hình phục tráng vườn cà phê bằng các giải pháp cảnh quan đã giúp hộ ông Vũ Minh Đãi (ngụ thị trấn Buôn Trấp) phục hồi được 1 ha cà phê già cỗi trồng từ hơn 20 năm trước. Theo đó, ông Đãi đã thực hiện các giải pháp như phân tích đất để bón phân hợp lý hơn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý độ phì đất bằng thảm cỏ tự nhiên...
"Từ khi thực hiện mô hình, vườn cà phê già cỗi đã hồi sinh, cây tươi tốt, cành ra nhiều cho thu nhập cao. Mặc dù vườn cà phê được hồi sinh nhưng chi phí để cải tạo rất ít", ông Đãi nói thêm.
Ông Đoàn Văn Thống, Phó Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, người dân khi tham gia mô hình cảnh quan cà phê bền vững đã mang lại rất nhiều lợi ích.
Cụ thể người dân khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất cảnh quan đã giảm được chi phí đầu vào (bón phân cân đối, giảm nước tưới, và thuốc BVTV), chất lượng sản phẩm cà phê được cải thiện rõ nét. Những hộ trong HTX đã áp dụng và tuân thủ quy trình chăm sóc thu hái theo hướng dẫn của Công ty Simexco và đã bán được giá cộng cao hơn giá thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/1kg cà phê nhân.
Theo ông Thống, mô hình đã tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ với tỷ lệ cây che bóng, cây chắn gió cao trong vùng, tạo nên vùng cảnh quan xanh trong khu vực.
Ngoài ra khi tham gia chương trình, đã giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc sản xuất bền vững, giảm bón phân hóa học, thuốc BVTV, tăng cường bón phân hữu cơ. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, và nguồn thu tư cây trồng xen là rất đáng kể.
Tổ chức IDH hướng tới vùng nông nghiệp mang đặc tính của rừng (hệ sinh thái rừng). Ảnh: Quang Yên.
Ông Phạm Văn Tương, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết, địa phương có hơn 50 ha cà phê tái canh theo mô hình của hương trình cảnh quan bền vững (ISLA).
Sau hơn 2 năm chương trình thực hiện, đã hỗ trợ địa phương triển khai 3,1 km đường cây xanh, trồng hoa 2 bên đường, tạo thảm thực vật, và thu gom rác. Chương trình cũng hỗ trợ người dân trong việc cải tạo ao hồ nhỏ, xây dựng hồ cộng đồng, từ đó giúp người nông dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn tài nguyên nước, tưới nước tiết kiệm.
Giúp nông dân tự phát triển
TS Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức IDH cho biết, Chương trình cảnh quan bền vững là sản xuất thuận tự nhiên làm giảm các yếu tố đầu vào, tiết kiệm nhân công, sử dụng thuốc BVTV, phân bón và hóa chất trong nông nghiệp một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm. Mô hình đem lại sự bền vững cho nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tổ chức IDH đã hỗ trợ các đối tác (người dân) các can thiệp cảnh quan bền vững. Theo đó, các giải pháp được triển khai trên thực địa qua các mô hình tái canh cải tiến, phục tráng vườn cây...
Nông dân được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới, dựa vào thảm phủ, thúc đẩy sự cộng sinh giữa các yếu tố cây trồng. Từ đó, giúp cây cà phê, cây trồng xen phát triển tốt.
Tổ chức IDH không chỉ đầu tư cho các nông hộ bằng kinh phí, mà chuyển giao cho người dân các biện pháp kỹ thuật tốt, các kỹ sư giỏi..., nông dân tự nguyện chia sẻ và hợp tác. Từ đó, nông dân có thể thành công hơn trong trồng trọt.
Tiến sĩ Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức IDH hướng dẫn người dân cách tái canh cà phê. Ảnh: Quang Yên.
Cũng theo TS Trí, trong vùng cảnh quan cà phê bền vững có các điểm nhấn là thúc đẩy cây cà phê cùng với cây trồng xen và các thành tố khác tạo ra hệ canh tác nông nghiệp mang đặc tính của rừng (hệ sinh thái rừng). Từ đó, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập. Chương trình hướng đến mô hình sản xuất thuận tự nhiên mà tổ chức IDH và các đối tác đang thúc đẩy.
Tây Nguyên được biết đến như một trong những vùng nguyên liệu hàng đầu trên thế giới cho các mặt hàng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao... Tăng trưởng nóng đã dẫn tới những thách thức liên quan tới chất lượng và giá xuất khẩu, ảnh hưởng tới tính bền vững của sự tăng trưởng và phát triển.
Trong khi đó, thị trường các mặt hàng nông nghiệp đã và đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ bắt nguồn từ các cam kết như tới năm 2025, 100% sản phẩm cà phê và hồ tiêu thu mua được sản xuất có trách nhiệm của các nhà mua lớn như Nestle, JDE, Tchibo, McCormick...
Tuy nhiên hiện tại, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20%. Để đạt được mục tiêu này, các yêu cầu kiểm tra, giám sát đối với cà phê và hồ tiêu xuất khẩu ngày càng được thắt chặt.
Tổ chức IDH giúp thu nhập của người nông dân tăng lên thông qua thực hành bền vững và đa dạng hóa hệ thống cây trồng. So với nông dân ngoài vùng thí điểm, nông dân trong các vùng VSA có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha ở Krông Năng, chủ yếu từ các cây trồng xen.
Thành công với nông nghiệp hữu cơ Tây Nguyên có đất đai màu mỡ và khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp để phát triển nông nghiệp. Tận dụng ưu thế của địa phương, cùng với niềm đam mê nông nghiệp, nhiều bạn trẻ đã chịu thương chịu khó, nỗ lực vươn lên làm giàu trên quê hương mình. Điển hình là anh Nguyễn Đức Thành, sinh năm 1998,...