Phong trào khuyến học: Động viên thầy trò thi đua dạy tốt, học tốt
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã quan tâm huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục đồng thời chia sẻ, động viên học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Món quà thiết thực
Tại Trường THPT Việt Yên số 2, cùng với chú trọng giáo dục văn hóa, nhà trường còn quan tâm đổi mới, nâng chất lượng hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Để đổi mới giờ chào cờ đầu tuần hoặc hoạt động ngoại khóa, các thầy cô đề xuất ý tưởng sử dụng màn hình led trên sân khấu nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí. Trước nhu cầu đó, Ban Giám hiệu đã vận động các doanh nghiệp (DN), cá nhân ủng hộ.
Cô giáo Đỗ Thị Tâm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn hướng dẫn học sinh ôn bài tại ký túc xá.
Đầu tháng 3/2021, ông Thân Văn Hùng, doanh nhân trên địa bàn huyện tài trợ 100 triệu đồng. Những ngày sau đó, một số phụ huynh, cựu học sinh đang lao động ở trong nước và nước ngoài cũng tham gia ủng hộ. Tổng số tiền đến nay huy động được gần 300 triệu đồng. Từ số tiền ủng hộ, nhà trường đã có 2 màn hình led rộng 10 m2 đặt ở khu vực sân khấu và màn hình 5 m2 tại hội trường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ có thêm màn hình lớn trên sân khấu với âm thanh rõ ràng, hình ảnh sắc nét, sinh động đã giúp trường tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục học sinh”.
Video đang HOT
Trước đây, để học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Trường Tiểu học Châu Minh (Hiệp Hòa) phải thuê máy vi tính từ các cơ sở dịch vụ, chi phí tốn kém mà hiệu quả không cao. Khó khăn này đã được Ban Giám hiệu báo cáo với cấp ủy, chính quyền để kêu gọi nguồn lực tài trợ. Đầu năm học 2020-2021, nhà trường được Hội đồng hương Châu Minh tại Hà Nội tặng 20 máy vi tính trị giá 120 triệu đồng.
Kinh nghiệm từ các trường làm tốt công tác xã hội hóa khuyến học, khuyến tài đó là tăng cường tuyên truyền hỗ trợ bằng hình thức trực tiếp, hướng tới lợi ích của giáo viên và học sinh. Trước khi vận động cần khảo sát để có đầy đủ thông tin cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, DN muốn tài trợ.
Sau khi nắm thông tin hai chị em Hoàng Thu Cúc (SN 2006), Hoàng Đình Vũ (SN 2009), là học sinh của Trường THCS Đại Lâm (Lạng Giang) mồ côi cha mẹ có thể sẽ phải nghỉ học, Ban Giám hiệu đã về gia đình đồng thời liên hệ với ban lãnh đạo thôn Trạng (nơi các em cư trú) và UBND xã Đại Lâm để bàn biện pháp phối hợp giúp đỡ. Cùng tham gia giúp đỡ các em, Chi đoàn Báo Bắc Giang, Đoàn Thanh niên Công an huyện Lạng Giang tặng một chiếc xe đạp (trị giá gần 1,5 triệu đồng) cùng 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, các thầy, cô giáo ở trường cũng tình nguyện nhận giúp đỡ chăm lo việc học của hai chị em cho đến hết bậc THCS.
Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường rà soát, lập danh sách tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” để làm căn cứ khen thưởng khi kết thúc năm học.
Lan tỏa phong trào
Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, phong trào khuyến học, khuyến tài 5 năm gần đây có sự phát triển rộng khắp. Đến tháng 2/2021, Quỹ Khuyến học toàn tỉnh đạt 53,8 tỷ đồng, trong đó hơn 50 tỷ đồng ở cấp cơ sở. Đáng chú ý, 783 cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đều thành lập được Chi hội hoặc Ban Khuyến học, đạt 100%. Công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai lồng ghép gắn với phong trào thi đua như: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, cuộc vận động “Tiếp bước em đến trường”…
Vào dịp khai giảng, đón Tết cổ truyền, tổng kết năm học, tại các trường diễn ra các hoạt động khen thưởng, tặng quà biểu dương cán bộ, giáo viên, học sinh giỏi; kịp thời chia sẻ khó khăn với học sinh hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2020, các cấp hội khuyến học trong tỉnh vận động được hơn 2,3 tỷ đồng biểu dương hàng nghìn học sinh giỏi, giáo viên giỏi lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Năm học 2020-2021 chưa kết thúc song ngành giáo dục ghi nhận nhiều tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Bà Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Để phong trào khuyến học, khuyến tài trong trường học lan tỏa sâu rộng, Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp với ban giám hiệu nhà trường rà soát, lập danh sách tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” để làm căn cứ khen thưởng khi kết thúc năm học. Cùng đó, các trường tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ giáo viên, học sinh hoàn cảnh khó khăn; vận động các DN, tổ chức, cá nhân tài trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần tạo động lực cho thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt.
Không để học sinh nhịn ăn sáng đến trường
Thời gian qua, Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) có rất nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh, không chỉ việc giảng dạy và học tập, mà còn chú trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần cho các em.
Điều đó đã giúp các em học sinh thêm gắn kết với giáo viên, nhà trường, tập trung học tập tốt.
Với phương châm không để học sinh nhịn ăn sáng đi học, vì khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng, giáo viên và nhà trường thể hiện sự quan tâm, đồng hành với học sinh, từ những hành động rất nhỏ nhưng chứa chan tình cảm.
Điển hình như việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) chia sẻ, gắn với hoạt động chuẩn bị đồ ăn sáng tiện lợi, như: mì ly, bánh mì ngọt, bánh gạo... cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị rơi mất tiền có một buổi ăn sáng, kịp thời bổ sung năng lượng cho những tiết học của mình.
Theo thầy Nguyễn Trường Giang (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo), phường Bình Đức nằm ở ngoại ô của TP. Long Xuyên nên điều kiện kinh tế của các gia đình có con em đi học tại trường khá khó khăn. Đa phần là làm thuê, mướn hoặc rời địa phương đi làm ăn ở xa, gửi con cho ông bà lớn tuổi, nên việc chăm sóc, gần gũi, quản lý chưa được quan tâm nhiều.
Đây là một trong những lý do nhà trường cũng như bản thân thầy Giang thành lập CLB chia sẻ, giúp đỡ kịp thời những học sinh khó khăn.
"Qua tìm hiểu, một số em đến trường nhưng phải nhịn ăn sáng, chờ đến học xong mới về nhà ăn trưa. Trong rất nhiều nguyên nhân, như: nhà xa, trễ giờ, mất tiền thì nhiều nhất vẫn là các em không có tiền ăn sáng. Khi được hỏi, các em trả lời là nhịn ăn sáng quen rồi, mình nghe mà thấy xót lòng" - thầy Giang chia sẻ.
Các em học sinh đến ăn sáng miễn phí tại phòng đoàn, đội tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Long Xuyên)
Từng trải qua và lớn lên trong gian khó, thầy Giang hiểu và cảm nhận những khó khăn của các em nên luôn ấp ủ những chương trình chia sẻ, giúp đỡ. Chính vì vậy, từ kinh phí của bản thân, cũng như vận động từ thầy, cô giáo trong trường, các nhà hảo tâm quen biết, thầy Giang mua các loại bánh ngọt, mì gói... để ở khu vực phòng đoàn, đội của trường.
Tại đây, có sẵn dụng cụ từ bình nấu nước, đồ ăn, nước uống... nên buổi sáng nếu đói, các em có thể tranh thủ thời gian đầu giờ đến để ăn sáng, nạp năng lượng cho một ngày học tập hiệu quả. Thật ra, hoạt động này đã được triển khai ngay tại trường từ nhiều năm học qua, tuy nhiên các em còn ngại nên số lượng đến ăn sáng chưa nhiều, mặc dù có kết hợp thông báo vào các buổi chào cờ đầu tuần.
"Ai cũng biết rằng, ăn sáng là buổi ăn quan trọng nhất trong ngày, các em đang trong tuổi ăn, tuổi lớn, cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, phải nhịn ăn sáng trong thời gian dài, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của các em, vừa ảnh hưởng đến chất lượng học tập ngay tại trường"- thầy Giang giải thích. Bởi vậy, trong năm học này, thầy Giang tăng cường tuyên truyền, tiếp cận, trao đổi với học sinh, củng cố hoạt động của CLB chia sẻ để các em mạnh dạn đến phòng đoàn, đội ăn bữa sáng.
Từ những chia sẻ của mình trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân, thầy Giang đã được nhóm Từ thiện tình thương hỗ trợ 1 triệu đồng để mua đồ ăn sáng cho các em học sinh của trường. Bên cạnh đó, nhóm Từ thiện tình thương còn hỗ trợ phiếu ăn miễn phí cho 10 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường. Có phiếu ăn này, các em học sinh sẽ được ăn, uống miễn phí ngay tại căn-tin của trường trong suốt năm học, đảm bảo sức khỏe tốt nhất, phần nào giúp các em vượt qua khó khăn hiện tại, không phải bỏ học giữa chừng.
"Khi mới đến nhận phần ăn sáng, đa phần các em đều thấy ngại, nhưng được thầy cô chia sẻ, động viên nên giờ đây đã mạnh dạn hơn. Mỗi ngày có từ 3-4 học sinh đến để ăn sáng. Mỗi ngày đến trường, biết được học sinh nào chưa ăn sáng thì mình kêu xuống phòng đoàn, đội có sẵn đồ ăn, cứ đến ăn rồi học tập cho tốt".
Biết rằng, đây chỉ là những điều rất nhỏ trong những điều tốt đẹp đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống này. Qua đó, đã tiếp thêm động lực rất lớn giúp các em học sinh nhận ra được bên cạnh mình luôn có người đồng hành, vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống, cố gắng phấn đấu trong học tập.
Hà Nội: Không kéo dài thời gian sơ kết học kì I, tránh hình thức Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành công văn hướng dẫn nội dung sơ kết học kì I và triển khai học kỳ II năm học 2020-2021 của các cấp học, ngành học. Kết thúc sơ kết học kỳ I, HS Hà Nội vẫn học bình thường. Theo đó, các trường cần chuẩn bị chu đáo nội dung sơ kết học kỳ đảm...