Phòng chống đuối nước: Phải giúp trẻ có kỹ năng
Từ trước đến nay, đuối nước luôn là nỗi kinh hoàng mỗi dịp hè về, không chỉ tại Nghệ An mà trên toàn quốc, những con số biết nói, rất đáng báo động. Đâu là giải pháp để giảm thiểu tình trạng này?
Lớp học bơi miễn phí tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng- Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy.
Đuối nước, tại sao?
Đuối nước luôn là nỗi “ám ảnh” với con người, đặc biệt là đối với học sinh và trẻ nhỏ vào các dịp nghỉ hè. Theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày nước ta có 6 trẻ em, trẻ vị thành niên tử vong do đuối nước.
Theo số liệu của Tỉnh Đoàn Nghệ An, tính đến ngày 12/7/2019, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ đuối nước làm 52 em tử vong, trong đó có 6 học sinh THPT. Thời gian tới, các tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp cần gấp rút phối hợp với nhà trường, gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp các em có thêm hiểu biết để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ở Việt Nam, tỉ suất đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Các cháu đuối nước thường dưới 16 tuổi, hoặc trong độ tuổi trẻ em. Đặc biệt, những vụ đuối nước thường xảy ra gần nhà chiếm đến 40%.
Vụ đuối nước xảy ra tại huyện Yên Thành vừa rồi là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Vào khoảng 12 giờ ngày 30/5/2019, tại đập Trại Xanh, xã Bắc Thành, xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Vụ việc khiến 5 học sinh THCS chết đuối. Trong 5 em thì có 4 bạn nữ, 1 bạn nam; có 4 học sinh cùng học chung lớp 8A Trường THCS Trung Thành. Nhóm học sinh mang theo đồ nấu ăn đến khu vực Trại Xanh (nằm trên địa bàn xã Bắc Thành) chơi. Đến trưa cùng ngày, kéo nhau xuống khu vực đập nước chơi thì không may bị sẩy chân xuống hố sâu.
Trên đây chỉ là một trong những vụ đuối nước xảy ra trong năm nay tại tỉnh Nghệ An.
Trong bài tuyên truyền phòng chống đuối nước năm 2019, BCH Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước hiện nay, đó cũng là nguyên nhân rút ra từ bài học của nhiều vụ đuối nước liên quan khác.
Nghệ An có nhiều sông ngòi, ao hồ, sông suối. Đây là một trong những môi trường không an toàn khiến tình trạng đuối nước luôn xảy ra. Bên cạnh đó, trẻ luôn thiếu sự giám sát của người lớn. Theo bản năng vốn có của trẻ, các em rất hiếu kỳ và mải mê chơi đùa cùng bạn bè đồng trang lứa, hễ có bạn thì rủ nhau cùng tổ chức chơi những trò chơi mà trẻ biết ở mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, không ít phụ huynh suốt ngày chỉ tất bật với công việc kiếm tiền mà sao nhãng đi việc quản lý, trông nom con em mình, để các em tự do đi lại, vui chơi.
Video đang HOT
Đặc biệt, việc trẻ không biết bơi được xem là nguyên nhân hàng đầu bị đuối nước.
Chuyện không của riêng ai
Mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trên ghế nhà trường, mà ngay tại gia đình mình, việc giáo dục con cái, dạy cho các con kĩ năng trong môi trường nước, cách ứng cứu khi cứu các bạn sẩy chân rơi xuống nước là điều rất cần thiết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lương, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An, chia sẻ: “Việc tìm ra giải pháp để giảm thiểu tai nạn đuối nước là nhiệm vụ và chức năng của Tỉnh đoàn và các đơn vị liên quan. Ngoài tuyên truyền cho các bậc phụ huynh thì Tỉnh đoàn cũng thực hiện đẩy chức năng, nhiệm vụ giảm thiểu đuối nước lên thành chiến dịch. Ngay trong trường học, luôn tổ chức các đợt sinh hoạt đầu giờ, đầu tuần để cảnh báo cho các em. Tại địa phương, Đoàn – Đội cơ sở tổ chức các lớp dạy bơi, dạy kĩ năng sống khi gặp tai nạn.
Ngoài ra, tại các bản tin phát thanh của cơ sở, phải luôn tuyên truyền để các em hiểu rõ hơn về tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, các đơn vị cơ sở cũng thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức cắm biển cảnh báo ở ao, hồ, sông, suối, nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước”.
Mặc dù vậy, hiện nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa thực hiện được. Chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy học bơi lội nên việc đưa môn bơi lội vào dạy ngoại khóa cho học sinh còn khó, chưa nói đến học chính khóa. Chính vì thế, cơ hội học bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS còn rất khó khăn.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mỗi độ hè về, trách nhiệm không chỉ riêng mỗi gia đình, mỗi trường học mà đó là của cả xã hội. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải chung tay bảo vệ, tìm ra giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ. Để kỳ nghỉ hè không còn là nỗi lo, nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh thì hơn ai hết, chính các bậc phụ huynh phải vào cuộc đồng hành. Bên cạnh công việc, thì việc giám sát con mình là cần thiết và bắt buộc. Chỉ cần một phút lơ là thì hậu quả không thể lường trước được. Chính cha mẹ là trường học vĩ đại của mỗi trẻ. Hãy bày dạy cho các cháu kĩ năng phòng tránh đuối nước, cứu bạn khi bị đuối nước. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ con trẻ, để kỳ nghỉ hè trở nên đúng nghĩa vui khỏe, an toàn.
Lưu Khuyên
Theo kinhtenongthon
Phòng tránh đuối nước bằng chủ động dạy kỹ năng bơi lội
Mỗi dịp mùa hè đến cũng là thời điểm số vụ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng. Những vụ tai nạn thương tâm có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, thiếu kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích ở trẻ em.
Thực trạng này là tiếng chuông cảnh báo về nạn đuối nước ở trẻ em với các cấp, ngành địa phương và gia đình.
Còn nhiều nguy cơ đuối nước
Chỉ cần gõ cụm từ "đuối nước ở Nghệ An", công cụ tìm kiếm Google đã hiển thị hàng loạt vụ việc thương tâm. Chỉ trong 1 tháng qua, tại Nghệ An đã có trên 10 trường hợp tử vong do đuối nước, chủ yếu là các em học sinh. Điều đáng nói, so với các năm trước, những con số đáng báo động này không hề suy giảm.
Mới đây, do thời tiết nắng nóng, cuối buổi chiều ngày 23/6, nhiều người lớn và trẻ em đã ra sông Lam, đoạn qua xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để tắm. Do sơ sẩy, 3 em học sinh Nguyễn Thế Hoàng (13 tuổi), Nguyễn Quang Thông (18 tuổi) và Nguyễn Gia Tiến (18 tuổi) đều trú ở xã Thanh Tường đã bị đuối nước tử vong.
Một buổi dạy phương pháp cấp cứu cho người bị đuối nước.
Thương tâm hơn, vào khoảng 8 giờ 25-6, tại địa bàn xóm 3 xã Đại Sơn - Đô Lương đã xảy ra vụ đuối nước. Nạn nhân là cháu Lê Anh Công sinh năm 2012, cháu đi xuống ao vớt cá mà không có sự trông coi của người lớn và bị đuối nước dẫn đến tử vong. Những vụ việc thương tâm trên phần lớn do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
Một vấn đề đặt ra là, sau 9 tháng được nhà trường quản lý, học sinh an toàn hơn trước tai nạn đuối nước. Vậy tại sao những vụ việc chủ yếu lại xảy ra vào mỗi dịp hè? Đây là câu hỏi mà mỗi phụ huynh và cả nhà trường, các tổ chức có trách nhiệm với các em phải suy nghĩ.
Ngoài lý do các bậc bố mẹ vì công việc mà thiếu quản lý con cái thì có một thực tế là: thời gian chính khóa trong chương trình giáo dục đang "bóp nghẹt" những buổi ngoại khóa, trải nghiệm thực tế của học sinh. Điều quan trọng để phòng tránh đuối nước cho học sinh là dạy các em phải biết bơi thì phần lớn các nhà trường chưa thể thực hiện, bởi vậy, các em đang rất thiếu kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Thời gian nghỉ hè là thời gian trải nghiệm thực tế đối với trẻ em, học sinh, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Thiếu sân chơi cộng với thời tiết nắng nóng dễ dẫn các em đến với sông hồ và nguy cơ đuối nước luôn rình rập ở đây. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu các nhóm học sinh vẫn chọn hồ đập làm điểm đến để vui chơi, liên hoan chia tay cuối năm mà không xin phép nhà trường cũng như gia đình.
Những vụ đuối nước thương tâm đã cho thấy: Thực tế khác quá xa với những điều các học sinh được biết. Năm nào cũng vậy, khi được bàn giao chịu trách nhiệm chính đối với trẻ em và học sinh trong mỗi dịp hè, các cấp Đoàn đều không khỏi lo lắng, bởi những hoạt động cấp tốc trong một thời gian ngắn không thể giúp hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình của các em.
Chủ động nhiều biện pháp phòng chống đuối nước
Cũng phải thấy rằng, từ nhà trường cho đến xã hội đang thiếu cơ sở hạ tầng để dạy bơi cho học sinh. Đặc biệt ở các huyện, điều này lại càng ít được quan tâm.
Chứng kiến từng đoàn học sinh kéo nhau về trung tâm vui chơi do một cá nhân xây dựng ở huyện Yên Thành để đá bóng, thỏa thích bơi lội mới biết những sân chơi an toàn trong hè là nhu cầu bức thiết như thế nào đối với các em. Những vụ việc đuối nước thương tâm chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều khi có những trung tâm như thế này, dù mô hình này vẫn chưa phổ biến tại các địa phương cấp huyện.
Em Tô Thị Phương Mai, học sinh huyện Yên Thành bộc bạch: "Chúng cháu rất vui khi được đến trung tâm vui chơi giải trí để chơi, vừa bổ ích, vừa an toàn". Chia sẻ của anh Trần Trọng Phong - Chủ Trung tâm vui chơi giải trí Phong Liên, huyện Yên Thành: "Quan điểm của tôi, không chỉ ở Yên Thành mà các huyện lẻ khác nên có cơ chế ủng hộ, tạo điều kiện để xây dựng các điểm vui chơi cho các cháu, vừa đảm bảo an toàn, vừa bổ ích, nhất là trong dịp nghỉ hè".
Còn ở TP Vinh, với đặc thù riêng, TP Vinh cũng tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước rất cần được cảnh báo. Các bể bơi là một trong các điểm đến thu hút người dân trong đó có nhiều trẻ em đến giải nhiệt trong mùa hè.
Theo thống kê, hiện nay ở thành phố Vinh có khoảng 11 bể bơi cố định và 3 bể bơi di động. Việc học bơi là rất cần thiết tuy nhiên nếu phụ huynh hoặc hướng dẫn viên lơ là, thiếu sự giám sát cũng dẫn đến nguy cơ đuối nước. Tai nạn dễ xảy ra từ tình huống chuột rút hay các sự cố đột ngột của cơ thể.
Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã rà soát các điểm đen có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ và tiến hành cắm biển báo nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng, chống đuối nước đến trẻ em và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Riêng TP Vinh đã cắm 86 biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Tổ chức dạy và hướng dẫn kỹ năng bơi, cách bảo vệ an toàn cho các em học sinh ngay tại trường học và các bể bơi. Hỗ trợ áo phao tại các điểm dạy bơi, thành lập các tổ thanh niên tự quản, tham gia tuần tra theo dõi và phát hiện các vụ việc để kịp thời xử lý.
Thực tế cho thấy, nguy cơ tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra tại ao hồ sông suối hay bể bơi mà có thể xẩy ra ngay trong nhà với các tình huống ít ai ngờ tới. Vì thế, ngoài việc trang bị cho các em những kỹ năng kiến thức phòng, tránh và ứng phó tình huống về tai nạn đuối nước, điều quan trọng nhất đó là rất cần sự quản lý giám sát của gia đình, cộng đồng, để mùa hè của con trẻ thực sự an toàn và bổ ích.
Một người chết đuối tại bãi tắm tự phát
Chiều 28-6, tại khu vực hạ lưu đập Bara Đô Lương (tỉnh Nghệ An) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Khi đang tắm cùng 2 con gái và 1 cháu nhỏ ở đập, anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1977) trú tại xã Đông Sơn bị sẩy chân xuống hố cát sâu và tử vong. Trước khi bị đuối nước, anh Toàn cùng 3 cháu nhỏ tắm tại đập Bara, trong đó có 2 cháu gái là con của anh Toàn (1 cháu học lớp 6 và 1 cháu học lớp 1). Trong quá trình tắm, anh Toàn và 3 cháu nhỏ bị sẩy chân chới với tại một hố hút cát sâu hơn 2m, đường kính khoảng 10m. Lúc đó, anh Toàn bị chìm xuống trước. Mọi người từ xa nhìn thấy liền nhảy xuống cứu 3 cháu nhỏ, còn anh Toàn đã chìm sâu xuống dưới nước. Một lúc sau, người dân mới vớt được thi thể anh Toàn.
Điều đáng báo động là tại bãi tắm tự phát dưới thân đập Bara mỗi ngày có hàng trăm người đến tắm. Tuy nhiên nhiều người không biết bơi và cũng không mặc áo phao, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người dân cần thận trọng khi đi tắm ở các bãi tắm tự phát - MT
Minh Tâm
Theo CAND
Nghệ An phát động toàn dân tập bơi, phòng chống đuối nước Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An về phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước trẻ em. Ngày 26/5, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành tổ chức Lễ...