Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thư viện không phải chỗ giữ sách”
Thư viện thời đại 4.0 không chỉ là một nơi mọi người đến đọc sách mà là cả một thiết chế mà ở đó mọi người không nhất thiết phải đến mới được đọc sách.
“Lúc tôi mới ra trường, học nước ngoài về nước, vào đây ( Thư viện Quốc gia Việt Nam – PV) là không có mượn được sách, mình không mượn về nhà đâu mà chỉ rút ra đọc thôi cũng không được, khác hẳn ở nơi tôi học” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cởi mở chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” diễn ra tại Thư viện Quốc gia sáng 5/12.
Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” diễn ra tại Thư viện Quốc gia sáng 5/12.
Hội thảo chỉ ra rằng, hệ thống thư viện của Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn khi công nghệ thông tin truyền thông không ngừng phát triển với tốc độ như vũ bão, thay đổi thói quen đọc và tiếp nhận kiến thức của con người.
Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không thể chỉ kéo người đọc đến thư viện mà vấn đề sống còn đối với ngành thư viện là phải đối mặt với thách thức và nắm bắt được cơ hội mà công nghệ mang lại trong thời đại 4.0.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thư viện không chỉ là chỗ để mọi người đến để mượn sách đọc.
Thư viện thời 4.0
“Thư viện không phải là chỗ giữ sách” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tán thành quan điểm của nhiều đại biểu tại Hội thảo. “Thư viện không chỉ là chỗ để mọi người đến để mượn sách đọc.”
Theo các báo cáo đưa ra tại hội thảo, hiện Việt Nam có 1 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện và 3.257 thư viện cấp xã, 16727 phòng đọc sách làng, thôn, bản; hệ thống các thư viện đa ngành, chuyên ngành với gần 400 thư viện thuộc các trường cao đẳng và đại học, 25915 thư viện trường phổ thông, 100 thư viện thuộc các bộ ngành, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học, hơn 500 thư viện, hơn 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang.
Đến nay, 100% thư viện cấp tỉnh, 80% thư viện đại học, viện nghiên cứu đã triển khai ứng dụng CNTT với các mức độ khác nhau; nhiều thư viện đã chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin điện tử, thành lập phòng đọc đa phương tiện, kết nối internet, xây dựng cổng thông tin điện tử của thư viện…; đặc biệt, ứng dụng CNTT đã bước đầu triển hai ở thư viện cấp huyện, thư viện trường phổ thông.
Tuy nhiên, “thư viện Quốc gia Việt Nam có hàng triệu cuốn sách đang được lưu trữ mà không được số hóa thì độc giả phải đến tận đây mới đọc được. Rõ ràng, hiệu quả phục vụ rất kém” – đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người lâu nay gắn bó với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định. Ông cho rằng số hóa tư liệu phải là nhiệm vụ chính của ngành thư viện trong tương lai. Ông thẳng thắn đánh giá, dù Thư viện Quốc gia Việt Nam là một trong những nơi sớm nhất số hóa, nhưng còn khó sử dụng và rất vụn vặt, không có lịch trình số hóa và không biết đến bao giờ số hóa xong.
Video đang HOT
Là người thường xuyên khai thác tư liệu nước ngoài, đại biểu Dương Trung Quốc cũng chia sẻ rằng, điều những học giả như ông đánh giá cao nhất là việc thư viện các nước số hóa tài sản tri thức của họ như thế nào, ví dụ như việc Thư viện Quốc gia Pháp cập nhật lịch trình, tiến độ số hóa của họ mỗi ngày, hàng giờ, giúp những nhà nghiên cứu ở Hà Nội hay bất cứ đâu đều có thể tiếp cận bất cứ lúc nào.
Từ thành công của chương trình số hóa thư viện ở Đại học Quốc gia mà đại biểu chia sẻ tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lượt người tiếp cận với sách thư viện có thể tăng lên đến hàng trăm triệu so với gần 30 triệu lượt và 60 triệu bản sách như hiện nay.
Muốn làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thiết chế thư viện phải thay đổi, nghĩa là cán bộ thư viện, cách quản lý, quản trị thư viện phải thay đổi và Bộ chủ quản cũng phải thay đổi. Nhân viên thư viện phải là những chuyên gia về lưu trữ và tra cứu, là những người rất hiểu biết, những chuyên gia hướng dẫn cho người đọc.
“Sẽ không còn những sự thật rất đáng buồn như một đồng chí vừa chia sẻ ở đây rằng, người không biết làm gì thì đưa xuống làm thư viện” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong tương lai, có thể sẽ không còn thư viện công hay tư nữa mà việc số hóa sẽ biến thư viện trở thành kho tàng kiến thức mà tất cả mọi người có thể tiếp cận được ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, không cần phải trực tiếp đến nữa.
Phải làm gì với không gian thư viện truyền thống?
Sự phát triển của các thư viện trực tuyến không có nghĩa là thu hẹp không gian của hệ thống thư viện truyền thống bởi đây vẫn là nơi lưu trữ và cho phép tra cứu những tài liệu quan trọng.
Nhưng trong bối cảnh nhà nước đang tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, sáp nhập những đầu mối cơ quan có chức năng tương tự như nhau, hệ thống thư viện cũng không thể nằm ngoài guồng quay đó.
Bên cạnh đó, hiện các thư viện đang được đặt ở những vị trí đắc địa nhất của địa phương với tư duy truyền thống là để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với kho tàng tri thức. Tuy nhiên, khi thói quen đọc thay đổi, người dân ưa sử dụng thư viện trực tuyến hơn thì lượng người thực sự đến đọc sách và tra cứu sẽ không còn đông đảo như trước kia. Điều này đặt ra bài toán về hiệu quả kinh tế rằng, phải làm gì với không gian của thư viện để khỏi lãng phí.
Câu trả lời mở ra cơ hội cho các thư viện vừa làm văn hóa, vừa làm kinh tế.
Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ tại Hội thảo.
“Tôi cho rằng lúc này phải khai thác đúng nhu cầu” – đại biểu Dương Trung Quốc cho biết. “Không phải tự nhiên mà hiện nay xuất hiện nhiều mô hình vừa là văn hóa, vừa là kinh tế, kinh doanh. Chúng ta xây dựng ở những không gian có vị trí rất tốt. Bên cạnh thư viện, chúng ta tạo ra một không gian, đầu tư hạ tầng công nghệ, làm dịch vụ cho tốt, trong đó khai thác tư liệu của chính thư viện mình. Tôi cho đấy là mô hình khai thác không gian thư viện tốt nhất.”
Hiện nay, hệ thống thư viện Việt Nam, đi đầu là Thư viện Quốc gia đang từng bước chuyển đổi, không chỉ hướng tới số hóa tư liệu mà còn mở ra hướng kinh doanh với việc tổ chức các hoạt động triển lãm, hội thảo, hội nghị, những sự kiện gần gũi với cuộc sống, thu hút sự quan tâm của mọi người./.
Theo vov
GS.TS Vũ Dũng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam
Ngày 25/11, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã tiếp tục bầu GS.TS Vũ Dũng làm Chủ tịch Hội tâm lý học Xã Hội Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Đại hội lần thứ II Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam
Được thành lập từ năm 2013, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được 05 năm với nhiều đóng góp trong lĩnh vực tâm lý học xã hội cho đất nước. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn bộ máy tổ chức và phát triển Hội cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong 5 năm qua, Hội đã tập trung vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm là củng cố và phát triển Hội, từ 250 hội viên lúc ban đầu, đến nay đã có trên 1.000 hội viên tham gia hoạt động, 25 chi hội được thành lập ở hầu hết các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu và một số trung tâm ứng dụng tâm lý, giáo dục được phân bổ trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Hội đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, phản biện, giám định những vấn đề thuộc lĩnh vực Tâm lý học, đưa khoa học Tâm lý vào cuộc sống, đặc biệt vào nhiều lĩnh vực mới như kinh doanh, du lịch, thương mại, dịch vụ, quản lý hành chính, tư pháp, y tế, bảo vệ sức khỏe, môi trường, văn hóa, học đường, truyền thông và an toàn cho con người...
Ngày 25/11/2018, được sự nhất trí của các Bộ, Ban, Ngành liên quan, Ban chấp hành Trung ương Hội tổ chức Đại hội lần thứ hai, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, nhằm kiểm điểm, tổng kết việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội lần thứ nhất đề ra, đồng thời xác định phương hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018 - 2023.
Tại Đại hội, các đại biểu cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng trong thời gian tới đó là, tăng cường ứng dụng tâm lý học vào thực tiễn cuộc sống, đưa các tri thức tâm lý học đến mọi người, mọi nhà.
Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn công tác nghiên cứu khoa học vào những vấn đề thời sự của quốc gia, quốc tế hiện nay. Tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế...
Đại hội đã bầu 61 hội viên vào Ban chấp hành trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam khóa mới nhiệm kỳ 2018 - 2023. GS.TS Vũ Dũng tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội.
GS.TS Vũ Dũng
Nhân dịp này, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hội, đồng thời tặng Bằng khen cho các sinh viên xuất sắc.
Đại hội Tâm lý học xã hội Việt Nam lần thứ II đã thành công tốt đẹp
Được biết, trước đại hội, ngày 24/11, Hội tâm lý học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc gia "Tâm lý học và phát triển bền vững".
Hội thảo nhằm mục đích chỉ ra những tác động của tâm lý học đến sự phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững của đất nước. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 98 bài của các nhà khoa học từ các trường dại học,cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu, trường phổ thông, bệnh viện, trung tâm ứng dụng tâm lý và các nhà khoa học đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp... từ khắp mọi miền đất nước.
Tại hội thảo, GS Vũ Dũng cho biết, phát triển bền vững phản ánh sự tương tác giữa các lĩnh vực gối lên nhau là Kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa. Bốn trụ cột này luôn nằm trong mối liên hệ biện chứng và hữu cơ với nhau.
Từ mối quan này có thể khái quát thành 3 yếu tố cấu thành của phát triển bền vững là: Tăng trưởng kinh tế ổn định, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; Duy trì bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế và môi trường được bảo vệ và được giữ gìn trong sạch, lành mạnh.
Để phát triển và duy trì bất cứ thành tố nào của phát triển bền vững thì đều cần một nhân tố quan trọng, không thể thiếu được là con người - con người với một thế giới tâm lý phong phú, phức tạp; con người với nhận thức, thái độ và hình vi của mình; con người với tư cách cá nhân, nhóm và cộng đồng, dân tộc và quốc gia luôn là yếu tố quyết định cho các trụ cột của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa).
Theo GS Dũng, có thể nói trong nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, thì yếu tố tâm lý bao giờ cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi vì, tâm lý là yếu tố thúc đẩy nội tâm của hoạt động thực tiễn con người. Ở đâu có con người, có các nhóm người, có hoạt động của con người là ở đó có các yếu tố tâm lý được thể hiện và tác động. Các yếu tố tâm lý có thể thúc đẩy, tạo ra tính tích cực, hiệu quả làm việc của con người, song các yếu tố tâm lý cũng có thể kìm hãm, tác động tiêu cực làm cho hoạt động của con người kém hiệu quả và qua đó tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Tuyên dương 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật Dự lễ tuyên dương các nhà giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự cống hiến, hi sinh thầm lặng của các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật, coi đây là là tấm gương cho thế hệ trẻ. Tối ngày 15/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào...