Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục từ những việc nhỏ nhất
Tại hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 của ngành giáo dục, nhiều địa phương lo về vấn đề thừa thiếu giáo viên, chất lượng dạy ngoại ngữ chưa tốt.
Cần nghiên cứu giải pháp thật căn cơ về giáo trình, về phương pháp dạy ngoại ngữ
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, cần nghiên cứu giải pháp thật căn cơ về giáo trình, về phương pháp dạy ngoại ngữ để 10, 15 năm tới, người Việt Nam phải nói được tiếng Anh. “Chứ như hiện nay, dạy ngoại ngữ không căn bản, đồng bộ thì dù có đề án quốc gia cũng không hiệu quả dù tỉnh Hải Dương đã đầu tư 300 tỷ đồng cho dạy tiếng Anh”, ông Hiển cho biết. Đồng thời, việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới phải làm khẩn trương, chất lượng, thẩm định của Bộ phải khách quan, bảo đảm có những bộ SGK tốt nhất. Nên miễn giảm thuế cho những nhà xuất bản in SGK.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng phát biểu, hiện vẫn chưa giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên, đòi hỏi công tác đào tạo phải được làm bài bản hơn. Phải có sự rà soát, kết nối giữa nhu cầu của các địa phương và các trường sư phạm để giải quyết điều này. Cùng với đó, cần chấn chỉnh tình trạng vi phạm của đội ngũ cán bộ giáo dục và nhà giáo. Giải quyết vấn đề chính sách cho nhà giáo, nhất là vấn đề thang bảng lương. Việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương cần làm đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng cao. Hiện nay, tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm, vấn đề thừa thiếu giáo viên cần được giải quyết bài bản, thận trọng. Việc sắp xếp các trường ĐH-CĐ là cần thiết nhưng không được máy móc, nhiều trường yếu kém nhưng phải tìm rõ nguyên nhân, là do yếu kém nội tại của trường đó hay do vấn đề cơ chế chính sách, không nên máy móc, thậm chí ép giải thể, sáp nhập. “Số trường ĐH-CĐ của chúng ta không nhiều so với dân số. Số sinh viên bình quân trên vạn dân còn thấp. Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là hợp lý; nhưng không nên nghĩ chúng ta thừa mà ép số lượng xuống”, GS Trần Hồng Quân nói. Mặt khác, phải đầu tư, quan tâm, thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách, muốn giáo dục là quốc sách thì phải đầu tư, quan tâm thật sự. “Nói Sở GD-ĐT có thể nhập vào Sở khác là không hợp lý. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tổ chức Sở GD-ĐT tất yếu phải có ở địa phương”, GS Trần Hồng Quân nêu quan điểm.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: tương lai của mọi người, của dân tộc đều phụ thuộc vào giáo dục, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. “Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội nhưng hiếm có chính sách nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhận định điều này để chúng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành giáo dục đã xác định”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một mặt là phát huy giá trị dân tộc, nhưng cũng cần tiếp cận tiên tiến của thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, cần bảo đảm đủ giáo viên, đủ lớp học và trường học gần nhà để học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhà nước lo chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trường học phổ thông không chỉ là thiết chế đơn thuần mà là thiết chế cộng đồng. Chúng ta cần nhìn nhận đúng và tin tưởng vào Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh
Năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngành giáo dục cần quan tâm đến các vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục quan tâm đến dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Thứ hai, giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên. Thứ ba, đổi mới sinh hoạt Đoàn – Đội, giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ từng thầy cô, cán bộ giáo dục. Đổi mới phải lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến việc dạy làm người. Thầy cô phải làm gương cho học sinh. “Nhiều trường để vườn trường rêu mọc như để hoang, tại sao thầy cô không tổ chức, cùng học sinh lao động, làm đẹp trường lớp. Nhiều giáo viên bị bệnh chây ỳ, không đổi mới, sáng tạo, không tự học thuộc giáo án. Nhiều giáo viên hô hào học sinh học vi tính, ngoại ngữ nhưng bản thân mình không biết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng, trong giờ học nào cũng có thể nói chuyện đạo đức và giáo viên phải làm gương. Không cần giáo dục những điều cao xa mà người tốt việc tốt xung quanh ta. Thầy cô, học sinh cùng nhân lên những điều tốt đẹp xung quanh mình. “Tăng cường nhà trường, gia đình, xã hội vào giáo dục đạo đức lối sống. Tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ. Cùng với đó, ngành giáo dục phải tiếp tục rà lại các thủ tục hành chính, sổ sách để giảm thiểu cho thầy cô, kiên quyết dẹp bỏ nạn chạy theo thành tích.
Bên cạnh đó, giải quyết bài toán về giáo viên và đào tạo sư phạm. Nghị quyết của Trung ương là phải giảm biên chế giáo viên, tức là giảm những người hưởng lương từ ngân sách. Vì thế sẽ phải đẩy mạnh tự chủ, để nhiều trường chất lượng cao có thể từ học phí lo được lương cho giáo viên, dành lương từ ngân sách để lo cho giáo viên ở những vùng khác. Cùng với đó là cân đối số giáo viên về hưu và đào tạo, hiện nay số giáo viên về hưu mỗi năm khoảng 20% nhưng số đào tạo mới lên tới 50%, đào tạo sư phạm thì Nhà nước bao cấp nên đào tạo tràn lan, chất lượng kém. Bây giờ chúng ta đã thống kê được nhu cầu giáo viên thì bắt buộc phải thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, trường sư phạm nào tốt sẽ được địa phương đặt hàng đào tạo. Song song đó, phải bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo. Như vậy, sắp xếp các trường sư phạm phải theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả trong đào tạo, bồi dưỡng.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, phải thực hiện tự chủ đại học thực sự.
PHAN THẢO
Theo SGGP
Phụ huynh có tâm lý "khoán trắng" con em mình cho nhà trường
Công tác phối hợp trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ, một bộ phận phụ huynh vẫn có tâm lý "khoán trắng" cho thầy cô và nhà trường.
Chiều 26/7 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 về Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, như: nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực; mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội...
Nguyên nhân là do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, còn ngành Giáo dục và Đào tạo chưa có các giải pháp căn cơ, hiệu quả đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Thảo luận tại cuộc họp các thành viên của Ủy ban chỉ ra rằng, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý "khoán trắng" cho thầy cô và nhà trường.
Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: "Vai trò của gia đình phải rõ hơn và trách nhiệm gắn chặt hơn và vai trò của các bên thứ 3 khác liên quan đến lực lượng xã hội khác tham gia vào giáo dục đấy. Nếu chúng ta vẫn nhìn vấn đề giáo dục là vấn đề của nhà trường thì cho dù nhà trường có cố gắng đến mấy thì không thể giải quyết được triệt để vấn đề giáo dục đạo đức, vì nó liên quan đến nền tảng đạo đức của xã hội nói dung, nếu mình giao đứt một chỗ thì không thể giải quyết được".
Các thành viên hội đồng đề xuất một số phẩm chất đạo đức cần có để đưa vào trong chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông và chỉ ra một số nội dung trọng tâm có thể tập trung giải quyết trong thời gian trước mắt để việc giáo dục đạo đức cho học sinh đạt hiệu quả như mong muốn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Phải xử lý nghiêm các trường hợp vô kỷ luật, không chỉ giáo viên mà cả học sinh. Những trường hợp xé quần, xé áo nhau xong quay video rồi đưa lên mạng mà chúng ta vẫn chỉ tạm đình chỉ 5 ngày thì không giải quyết vấn đề gì. Chúng tôi nghĩ, những đối tượng ấy phải đưa vào môi trường giáo dục riêng, ví dụ trường giáo dưỡng. Còn sau này, nếu em khắc phục được thì chúng ta lại đưa về môi trường bình thường. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì tôi nghĩ câu chuyện này rất khó chấm dứt".
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông là vấn đề lâu dài, trong đó có những vấn đề mang tính dân tộc và thời đại. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới, việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần có sự đổi mới từ các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và từ chính phụ huynh./.
Minh Hường
Theo VOV1
Có vì học sinh không khi các em phải ngồi 'đội nắng' trong ngày khai giảng? Tại cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016 - 2021, chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi "soi" vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu "tất cả vì học sinh thân...