Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen: Tự học ở nhà, con tôi phải quay lại trường
Theo một số chuyên gia giáo dục, tự học ở nhà là mô hình tốt nhưng cũng tồn tại nhiều khuyết điểm và có phần chưa phù hợp với số đông học sinh Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm chuyên đề Home Schooling – Lựa chọn nào cho con bạn, được ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 28/5, các vị khách mời đều nhất trí rằng học tại nhà (Home School) chỉ dành cho một vài trường hợp đặc biệt.
Cân nhắc được – mất
Gần đây, học tại nhà được xem như giải pháp ưu việt của một số phụ huynh khi hệ thống trường học tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Một vài trường hợp thành công ban đầu có thể sẽ khiến cha mẹ có cái nhìn không toàn diện về mô hình tự học này.
GS Vũ Đức Vượng, GS.TS Trương Nguyện Thành, nhà báo Thu Hà (từ trái qua) trong buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nhật
GS Vũ Đức Vượng, nguyên giám đốc chương trình giáo dục tổng quát của ĐH Hoa Sen cho rằng phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định cho con học tại nhà.
“Học theo mô hình Home School rất khó, không đơn giản chỉ là việc học ở trường bất cập, nhiều tiêu cực rồi cho con nghỉ, học ở nhà. Một đứa trẻ cần được phát triển toàn diện kể cả kiến thức và tâm, sinh lý, nhân cách, đạo đức. Không phải ai cũng có đủ thời gian, tiền bạc và quan trọng nhất là kiến thức, kỹ năng để dạy con mình những điều đó”, ông Vượng cho biết.
Nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình nuôi dạy con của mình. “Tôi cho các con mình theo học hệ thống giáo dục ở các trường công lập tại Việt Nam vì cảm thấy điều này phù hợp và tốt cho chúng”.
Chị cho biết bản thân biết và rất hiểu những bất cập, áp lực của học sinh khi ở trường. Nhưng bà mẹ này cho rằng đó là điều cần thiết và phải dạy cho các con thích nghi và rèn luyện trước khi bước ra xã hội.
“Mai này, các con phải sống trong môi trường xã hội, với rất nhiều mối quan hệ phức tạp. Cha mẹ không thể chọn cho con môi trường hoàn toàn vô trùng, cũng như không thể nào bao bọc chúng mãi. Những áp lực, bất công ở trường buộc chúng ta cùng con phải đối diện và giải quyết chứ không thể nào chạy trốn mãi”, nữ phụ huynh nêu quan điểm.
Kiến thức chỉ là phần rất nhỏ
Kiến thức hay kỹ năng và giao tiếp, chọn lựa và làm cách nào để dung hòa những yếu tố này khi cho con học ở trường, kể cả tự học ở nhà, là câu hỏi của nhiều phụ huynh đặt ra trong chương trình.
Video đang HOT
Phụ huynh chia sẻ quan điểm của mình về học tại nhà. Ảnh: Minh Nhật.
GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, người từng sinh sống và làm việc gần 40 năm ở Mỹ, cho rằng: “Nên chăng, phụ huynh cứ để con được tới trường để tiếp xúc môi trường thầy cô, bạn bè nhưng không tạo áp lực điểm số. Thay vào đó, thời gian được nghỉ hãy để con được làm, học hỏi những điều chúng thích và cần thiết, tạo một môi trường cộng hưởng tốt hơn trên nền tảng sẵn có”.
Từng cho con trai nghỉ học ở trường tại Mỹ để tự học các khóa học online ở nhà, ông Thành tưởng mọi chuyện tốt đẹp khi con trai hoàn thành tốt các khóa học và dễ dàng kết thúc chương trình phổ thông của Mỹ chỉ trong 1,5 năm. Nhưng cuối cùng, GS.TS Trương Nguyện Thành phải cho con vào trường học trở lại.
Giáo sư thừa nhận độ tuổi dưới 18 là khoảng thời gian con người phát triển tâm, sinh lý và điều này tốt nhất nên diễn ra trong một môi trường được gắn kết với mọi người, thay vì trong không gian khép kín.
GS.TS Trương Nguyện Thành khuyên các vị phụ huynh đừng nên chạy theo kiến thức, theo đuổi sự thông minh ở một đứa trẻ, mà suy nghĩ kỹ điều gì quan trọng với con mình.
Đồng ý với quan điểm của phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, nhà báo Thu Hà cho rằng thành công sau này của mỗi người không phụ thuộc nhiều vào kiến thức mà phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Một nghiên cứu trong vòng 75 năm của Đại học Harvard chỉ ra hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào chất lượng của những mối quan hệ.
Từ đó, nữ nhà báo nói một môi trường chỉ xoay quanh cha mẹ và một vài bạn bè là không đủ để trẻ phát triển toàn diện về tâm sinh lý, đạo đức, nhân cách.
“Cha mẹ dù muốn nhưng không thể tự dạy được hoàn toàn cho con mình. Liệu rằng các con có được ‘tiêm vắc xin’ trong môi trường đã được chọn lọc kỹ lưỡng?”, bà Hà đặt câu hỏi.
Theo Zing
Phụ huynh làm gì khi con bị cô giáo mầm non đánh dã man?
Cách nhận biết con bị bạo hành và biện pháp giải quyết vụ việc là mối quan tâm của nhiều cha mẹ có con nhỏ trong thời gian gần đây.
Nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non bị phát hiện khiến dư luận hết sức lo lắng.
Không ít phụ huynh cho biết họ khá lúng túng trong việc hành xử nếu chẳng may con mình bị giáo viên bạo hành. Bên cạnh đó, việc quan sát, phát hiện những dấu hiệu lạ khi con bị đánh cũng rất quan trọng.
Phải hiểu tâm lý con mình
Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Trang Nhung, cha mẹ nên kiểm tra trên cơ thể con thường xuyên xem có các vết bầm tím, trầy xước không. Nếu con thay đổi thói quen thường ngày hoặc có phản ứng lạ, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ.
Khi bị bạo hành, trẻ có thể không thích tắm, không đùa giỡn với người lớn, sợ không gian kín (có thể từng bị nhốt), sợ những đồ vật vẫn chơi, trốn tránh hoặc khóc lúc gặp giáo viên, lầm lì hay khóc nhiều khi cha mẹ đón về, sợ đi học...
Một vài trường hợp trẻ nôn ọe khi được cha mẹ cho ăn dù không bị ép hoặc dọa nạt (có khả năng do ám ảnh ở mỗi bữa ăn bị bạo hành). Bé có xu hướng sợ hãi người khác hoặc bạo hành ngược với bạn.
Nữ chuyên gia tâm lý cho rằng trường hợp phát hiện trẻ bị bạo hành, người lớn thường chỉ quan tâm những vết thương, tình trạng sức khỏe mà ít chú ý tâm lý trẻ. Trong khi đó, hành vi đánh đập, dọa nạt có thể để lại di chứng tâm lý rất sâu sắc với bé.
Trẻ có thể bị trầm cảm hoặc dễ bị kích động. Các bé sẽ suy nghĩ rằng cách để giải quyết vấn đề với người khác là đe dọa, đánh đập hoặc cô lập, tương tự những gì mình gặp phải.
Một số bé hình thành cơ chế thích ứng. Khi bị ngược đãi, đánh đập, trẻ dần coi đó là sự trừng phạt cho lỗi lầm của mình. Nếu thích ứng được với sự trừng phạt đó, các bé không coi chuyện vi phạm là quan trọng nữa.
Những bé bị dọa nạt, mắng chửi có thể sợ hãi, mất niềm tin với những người xung quanh. Sự căng thẳng leo thang khiến việc học tập, vui chơi, hòa nhập cùng bạn bè bị ảnh hưởng.
Thạc sĩ Nhung khuyên nếu thấy con mình có những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cũng không nên khẳng định ngay bé bị bạo hành. Cha mẹ nên để ý nhiều hơn, quan sát, hỏi han trẻ về những việc ở trường, mối quan hệ với những bạn nhỏ khác tại lớp và kể cả nơi mình sống.
Nếu thực sự trẻ bị đánh đập, hành hạ, người thân cần tìm hiểu đối tượng dùng bạo lực với con là ai để có sự can thiệp phù hợp, tránh những tình huống vì mất bình tĩnh mà hành động đáng tiếc.
Nếu người bạo hành là giáo viên, cha mẹ nên có sự phối hợp với phụ huynh khác để củng cố tiếng nói bảo vệ quyền lợi của các bé.
Hiện nay, đa số nhà trẻ đều lắp đặt camera theo dõi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người chủ ý đánh đập học sinh sẽ đưa ra góc khuất nên việc tìm bằng chứng rất khó khăn.
Nếu nhà trường không xử lý thích đáng việc bạo hành, cha mẹ cần tố cáo với cơ quan chức năng.
Tập cho trẻ thói quen tốt
Thực tế, nhiều phụ huynh yêu chiều, bao bọc con quá mức và vô tư đáp ứng những đòi hỏi của chúng.
Chính cách dạy dỗ hàng ngày của phụ huynh cũng là nguyên nhân khiến trẻ có thái độ không tốt ở lớp. Nhiều trẻ biếng ăn, quậy phá, ngang bướng khiến các cô giáo bất lực.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung đưa ra lời khuyên cha mẹ hãy luyện cho trẻ tính tự chủ, giờ nào việc đó, ăn ngủ đúng bữa, không chiều chuộng thái quá dẫn đến tâm lý nhõng nhẽo, ăn vạ.
Tính tự chủ, nề nếp trong sinh hoạt cũng có thể được coi là kỹ năng để các bé tự bảo vệ mình.
Nhiều trường hợp, cha mẹ bênh con thái quá, chưa tìm hiểu sự việc đã kích động dẫn đến hậu quả không đáng có.
Bên cạnh đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo các chuyên gia giáo dục, để tránh những trường hợp đáng tiếc hoặc những ngờ vực không đáng có, trước khi chọn trường mầm non cho con, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ thông tin.
Chị Nguyễn Ngọc (quận 1, TP.HCM) tâm sự chị từng tham khảo đồng nghiệp, hàng xóm. Họ đã cung cấp những thông tin quý giá giúp người mẹ cân nhắc chọn nơi gửi gắm niềm tin.
Chị Thanh Trang (quận Thủ Đức, TP.HCM) - mẹ của hai bé - chia sẻ khi chọn trường, chị yêu cầu cho xem giấy phép hoạt động và cả bằng cấp của cô giáo của lớp con mình. Nữ phụ huynh cũng tìm hiểu, chọn trường có camera trong lớp học.
Chị Hồng Quỳnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng dù chọn trường nào để gửi con, phụ huynh phải thực sự tin tưởng và hợp tác với nhà trường, giáo viên.
"Con đi học lúc 5 tháng rưỡi nên mình cũng khá lo. Mình ở cùng cho đến khi con quen và quan sát các cô chăm bé như thế nào. Khi hài lòng với môi trường nhà trẻ, cách chăm sóc của cô và sự phối hợp của nhà trường, mình mới yên tâm gửi con", người mẹ tâm sự.
Theo Zing
Giáo viên mầm non: 'Tôi được cho tiền để không đánh trẻ' Một giáo viên mầm non ở Lâm Đồng chia sẻ bài viết thể hiện sự day dứt khi phụ huynh đưa tiền để con họ không bị đánh. Cô giáo tự hỏi còn giữ được cái tâm với nghề trong bao lâu. Mấy ngày gần đây, chúng tôi vẫn lên lớp bình thường, cố gắng để xua hình ảnh những giáo viên bạo...