Phim truyền hình 10 tỷ ‘Tiếng sét trong mưa’ chính thức lên sóng
Bộ phim truyền hình Tiếng sét trong mưa dài 54 tập, do NSƯT Nguyễn Phương Điền thực hiện sẽ phát sóng lúc 20h00 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1, bắt đầu từ ngày 2/9/2019.
Trailer Tiếng sét trong mưa
Tiếng sét trong mưa là dự án rất đặc biệt, được phóng tác từ vở cải lương nổi tiếng Lôi Vũ được chuyển soạn bởi 2 soạn giả Thế Anh – Thế Châu. Vở cải lương này từng được trình diễn bởi những tên tuổi lẫy lừng: Minh Vương, Lệ Thủy, Tô Kim Hồng, Diệp Lam, Thanh Nguyệt… Dù xuất phát điểm là kịch phẩm của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc), nhưng khi được chuyển soạn thành cải lương, nó trở thành một trong những tác phẩm kinh điển trên sân khấu cải lương Việt Nam. Sau mấy chục năm ra đời, tồn tại tác phẩm vẫn luôn được nhiều thế hệ khán giả nhắc nhớ. Tiếng sét trong mưa được biên kịch Hạ Thu phóng tác từ vở cải lương nói trên, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Nguyễn Phương Điền.
Tiếng sét trong mưa lấy bối cảnh Nam bộ xưa xoay quanh cuộc sống của Thị Bình – người đàn bà lam lũ, thật thà sống cùng cô con gái Kim Phượng, thiếu nữ 16 tuổi xinh xắn, dịu dàng. Bà Bình trở thành vợ của ông Quý sau biến cố đặc biệt cách đây đã 30 năm khi chính ông – với chiếc thuyền câu nhỏ bé đã cứu được bà cùng cậu con trai đỏ hỏn trong một đêm mưa gió. Từ đó, bà an phận sống ở vùng quê nghèo, nuôi con xa lánh thế sự còn ông Quý đi làm ăn xa nuôi gia đình. Phượng chính là kết quả của cuộc tình nhiều ân nghĩa hơn tình yêu giữa cả hai.
Một ngày, ông Quý – ba của Phượng từ thành phố trở về muốn đưa cả hai mẹ con lên thành phố sau khi xin được công việc tốt, với mong muốn tiện việc chăm sóc. Nhất mực không muốn rời làng quê nhưng trước sự kiên quyết của ông Quý, bà chấp nhận cho Phượng lên thành phố với yêu cầu, hai cha con phải hứa không được vào làm cho bất kỳ gia đình giàu có nào. Nhưng, số phận đưa đẩy Phượng trở thành người giúp việc cho gia đình ông Khải Duy – một chủ đồn điền cao su khét tiếng, độc ác và gia trưởng. Phượng bước vào gia đình giàu có kia với biết bao điều kì lạ. Bà ba Hạnh Nhi suốt ngày giam mình trong phòng, đắm chìm trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình lãng mạn, chỉ đến giờ cơm mới bước ra ngoài. Trong nhà, căn phòng của bà chủ lớn – được cho là đã mất khi sinh cậu Hai Bình được ông Duy giữ nguyên, nhưng luôn có cảm giác u ám, ghê rợn cùng lời đồn có ma. Sự thật năm xưa, chuyện con chung con riêng dần hé lộ với những kết cục vô cùng bi thảm đã xảy ra.
Tại buổi họp báo khi xem một số trích đoạn của phim, đã có rất nhiều nghệ sĩ cùng giới truyền thông rơi nước mắt trước sự khốc liệt của những cảnh quay. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền chia sẻ: Phim lấy của tôi rất nhiều nước mắt từ quá trình quay đến dựng. Khi phim từ một câu chuyện rất nổi tiếng của tác giả Tào Ngu, Điền cứ đắn đo mãi vì lo sợ ảnh hưởng văn hóa của họ. Quá trình làm việc cùng biên kịch Hạ Thu, chúng tôi trao đổi kịch bản này mình phải là chính mình.
Vấn đề kinh phí gặp nhiều khó khăn và cả ekip đã phải chạy vạy khắp nơi để có được những hình ảnh như mình mong muốn. Chúng tôi đặt ra mục tiêu hình ảnh miền Tây sông nước khi lên phim không chỉ đẹp mà còn phải làm nổi bật tính cách cho mỗi nhân vật. Có một điều tôi hơi tiếc đó là không thể giữ được nguyên bản gốc bối cảnh mỏ than. Ban đầu chúng tôi cũng tính đến phương án ăn gian hình ảnh. Nhưng nếu giữ chi tiết này, kinh phí đội lên sẽ rất lớn trong khi bối cảnh mỏ than lại ở miền Bắc. Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn rừng cao su, vừa có lợi về hình ảnh, dễ quay và lên phim, hình ảnh vẫn đẹp mà vẫn đảm bảo không rời xa kịch bản gốc.
Để có được những hình ảnh đẹp trong phim chúng tôi phải cố gắng đi rất nhiều lựa chọn bối cảnh. Có những lúc chạy đi khắp nơi tưởng chừng bế tắc nhưng may mắn cuối cùng mọi thứ đã vượt qua. Ví dụ tìm được bối cảnh như ngôi nhà bà hội đồng sau 24 năm là điều quá xa xỉ.
Trên thực tế những ngôi nhà quen thuộc, giá thuê 2 – 3 triệu/ngày quay. Nhưng sau quá trình khảo sát, Điền yêu cầu phải vào bằng được ngôi nhà đó. Đó là ngôi nhà cổ của một người nước ngoài. Khi hỏi về giá cả, họ yêu cầu phải trả 18 triệu/ngày. Cũng may sau khi tìm hiểu được biết vợ của chủ nhà vốn là một người Việt, chúng tôi đã thuyết phục và họ đồng ý giảm xuống còn 9 triệu/ngày quay. Với kế hoạch quay 16 ngày, chúng tôi thấy kinh phí đó khá ổn. Tuy nhiên, quá trình quay lại phát sinh thêm đến 8 ngày quay. Thật sự, lúc đó cả đơn vị sản xuất và Điền đều phải bật khóc bởi riêng khâu bối cảnh, đã tiêu tốn quá nhiều tiền. Ngôi nhà giữ được các vật dụng tương đối nguyên vẹn, đạt khoảng 70% yêu cầu nên đoàn chỉ cần mua thêm một số đồ dùng để bổ sung. Chúng tôi lên đình ở địa phương đó thuê bàn ghế, mua các bình cổ trang trí và làm đạo cụ cho phim.
Riêng chuyện mua bình cổ cũng là câu chuyện thú vị. Ví dụ một cặp bình nguyên vẹn giá khoảng 6 triệu, nhưng với những chiếc bình bị sứt mẻ một chút có thể chỉ cần mua 800.000 đồng. Có chi tiết, để tìm được cây bần ổi biên kịch nói cây này hiện đã tuyệt chủng nhưng tôi đến tận các vùng sâu, vùng xa tìm cho bằng được và may mắn còn được hai cây. Sau đó, tôi còn quyết định mua cả cây và trái – điều khiến người dân địa phương còn nghĩ tôi bị điên, vì với họ đó chỉ là cây dại. Trường đoạn khó khăn nhất là cuối phim. Tôi phải giấu kịch bản đến phút cuối mới bật ra. Tôi thực sự khâm phục vì biên kịch Hạ Thu viết quá xuất sắc. Ở hiện trường Lâm Minh Thắng khóc, đằng sau máy quay tôi cũng bật khóc. Chỉ một phân đoạn đó nhưng quay mất 3 đêm để đảm bảo racord ánh sáng, mưa, tâm lý nhân vật… chưa kể phải chạy theo lịch của diễn viên. Chủ nhà chỉ cho quay đến 2 – 3 giờ sáng, sau đó ekip phải xin ngủ lại qua đêm để mai được quay tiếp…
NSX Vũ Thị Bích Liên chân thành chia sẻ: Với Tiếng sét trong mưa, thật sự tôi không nhớ được kinh phí chi tiết cho mỗi tập phim. Theo báo cáo của công ty, có thể nói ra nhiều người không tin nhưng với số vốn bỏ ra gần 10 tỷ đồng sau 2 năm, chúng tôi lời chưa được 1 tỷ. Là người làm kinh doanh, đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại bỏ nhiều tiền như vậy và quá trình làm cũng rất vất vả, kể cả khi chọn kịch bản cũng rất khó khăn. Nhưng tôi xác định nó là nghề, không đơn thuần là kinh doanh. Ngay cả khi lợi nhuận thậm chí không bằng bỏ vốn ngân hàng nhưng tôi vẫn chấp nhận. Thực tế, nếu yêu cầu đài truyền hình trả nhiều hơn cũng làm khó cho đài. Trong những năm qua khi tình hình sản xuất phim truyền hình khó khăn nhưng anh Nguyên – nguyên giám đốc Đài THVL, vẫn cố gắng duy trì giờ phim Việt giờ vàng là điều khiến tôi rất nể phục với chiến lược và suy nghĩ đó. Anh từng chia sẻ, có thời điểm giờ vàng lúc 20h00 trên THVL1 chỉ có được 1,5 phút quảng cáo cho một tập phim. Với một phim đầu tư bình thường chưa chắc thu hồi vốn huống hồ những phim đầu tư kinh phí sản xuất cao. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, tôi nghĩ những người kinh doanh nghề này như mình cũng có máu diễn viên. Khi nhận được kịch bản này tôi rất thích và quyết tâm làm cho bằng được. Tôi cũng khẳng định 100% diễn viên trong phim đều đóng hay, không thể chê ai từ vai lớn đến vai nhỏ. Thậm chí có những người ít phân đoạn cũng ra. Ví dụ ngay cả vai của Cao Thái Hà, Thảo Trang lúc đầu giao vai không yên tâm lắm nhưng xem phim xong mọi người thật sự rất đạt.
Nhật Kim Anh vai Thị Bình chia sẻ: Khi được nhà sản xuất, đạo diễn gửi lời mời, tôi thậm chí còn không tin mình được giao vai. Vai diễn này đòi hỏi không chỉ diễn về mặt hình thể, cơ mặt mà đặc biệt phải lột tả được tâm lý qua ánh mắt. Sau 2 năm đóng phim, cảm xúc với tôi vẫn rất vẹn nguyên. Tất nhiên, để hoàn thành tốt vai diễn này không thể không cảm ơn các bạn diễn, những thành phần ekip đoàn đã hỗ trợ nhiệt tình.
Với cá nhân tôi, đây là vai diễn và là bộ phim kinh điển mà mình có cơ hội tham gia. Mọi thứ đều được thực hiện quá chỉn chu, kĩ lưỡng. Từ lúc đọc kịch bản đã khóc và sống cùng nhân vật suốt thời gian qua. Hai năm qua từ sau Tiếng sét trong mưa, đọc các kịch bản khác tôi đều không có cảm xúc và không nhập được vai nên đều từ chối. Gần đây nhất, tôi mới nhận lời tham gia dự án Vua bánh mì phiên bản Việt. Sau khi trải qua một số biến cố trong cuộc sống biết thông tin phim được lên sóng, tinh thần tôi phấn chấn rất nhiều. Tôi đã chờ đợi suốt 2 năm qua…
Cao Minh Đạt vai Khải Duy: Với Đạt lúc đầu đọc kịch bản áp lực phải nắm tính cách như thế nào để hấp dẫn khán giả và lột tả tính cách nhân vật. Khi phim đã hoàn thành, mọi thứ giống như cảm xúc vừa diễn ra. Đạt xin cảm ơn, vì lâu lắm mới có vai tính cách hay và hy vọng ở bộ phim, Đạt sẽ được một bước tiến nào đó trong nghề.
Theo thegioidienanh.vn
Cao Thái Hà: Cảnh tôi cưỡng bức Hứa Minh Đạt có 2 triệu lượt xem, mấy chục ngàn tương tác sau 1 ngày
Hứa Minh Đạt thì "đòi" quay đi quay lại nhiều lần cảnh bị Cao Thái Hà cưỡng bức, còn anh em trong đoàn, ai cũng muốn được... thế chỗ.
Cao Thái Hà lấy nước mắt khán giả bằng những vai chính hiền lành, đau khổ và cô cũng khiến khán giả ghét cay ghét đắng qua vai phản diện, độc ác tận cùng trong "Đồng tiền quỷ ám", "Chạm vào danh vọng" và mợ Hai trong "Tiếng sét trong mưa".
Hứa Minh Đạt đòi quay đi quay lại cảnh bị Cao Thái Hà cưỡng bức
Vai ác nhất mà Cao Thái Hà từng thể hiện là vai như thế nào?
Có lẽ là vai mợ Hai - con dâu bà hội đồng trong phim "Tiếng sét trong mưa". Phim này quay 2 năm rồi, là một trong những phim mà tôi rất trông đợi lên sóng.
Đó là vai phản diện duy nhất trong phim. Bao nhiêu giông bão đều do 1 tay mợ Hai làm ra hết. Vai ác tới mức chính tôi còn thấy sợ. Mợ Hai mưu mô xảo quyệt, không có con nên tìm mọi cách để có con, để cướp gia tài. Vì mưu đồ này nên mợ Hai không từ bất cứ thủ đoạn nào: cắt lưỡi, giết người, làm hết. Nói chung là ác vô cùng.
Khi nhận vai, tôi sợ mình bị quá sức nhưng vẫn cố gắng hết mình. Và khi phim hoàn thành, cả đạo diễn và nhà sản xuất khen tôi tròn vai.
Cảnh mà Cao Thái Hà ấn tượng nhất trong phim và được mọi người trong đoàn "quan tâm" nhất là cảnh nào?
Cảnh tôi cưỡng hiếp anh Hứa Minh Đạt. Khi dựng cảnh này, đạo diễn từng cắt ra clip chừng 3 phút và chia sẻ trên facebook cá nhân của anh ấy, không ngờ, chỉ sau 1 ngày, có tới 2 triệu lượt người xem và mấy chục ngàn lượt tương tác.
Diễn viên Cao Thái Hà.
Đóng cảnh nhạy cảm như thế, cảm xúc của Cao Thái Hà cũng như của diễn viên Hứa Minh Đạt và ê-kíp ra sao?
Tôi chưa từng đóng cảnh cưỡng hiếp người khác nên thật sự lúc đó cũng có chút áp lực. Cộng thêm việc mọi người trong đoàn chọc ghẹo làm tôi càng lo lắng.
Trước khi quay, tôi và anh Hữa Minh Đạt tập dượt với nhau, anh Đạt hay giỡn, anh cứ ghẹo tôi đòi đạo diễn phải quay đi quay lại nhiều lần. Còn mọi người trong đoàn thì cứ tranh nhau đòi làm đầy tớ người làm để được đóng cảnh này.
Nhưng tôi cũng "cứng cựa", vững tâm lý nên khi vào diễn là không để mình bị phân tâm, tập trung hóa thân vào nhân vật. May mắn là "1 text ăn ngay", không phải quay đi quay lại nhiều lần.
Tới khi xem lại, tôi cũng giật mình vì không biết tại sao mình diễn được cặp mắt dễ sợ đó. Đạo diễn hài lòng lắm.
Khi diễn cảnh này, Cao Thái Hà có phải tham khảo tiền bối không?
Không. Từ xưa đến giờ, khi đóng nhân vật nào, tôi thường tự cảm nhân vật, tự suy nghĩ để diễn, tới lúc quay là bộc lộ nét diễn đó. Tôi muốn sáng tạo để có nét riêng chứ không bắt chước hay tham khảo.
Đóng cảnh cưỡng hiếp, Cao Thái Hà có sợ bạn trai xem được sẽ e dè hoặc có phản ứng không hay?
Đã là bạn trai thì phải hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của tôi, nếu không thông cảm thì khó để đến với nhau lắm. Mình đi làm đã áp lực rồi mà bạn trai còn áp lực nữa thì thôi, không yêu cho xong.
Cao Thái Hà cưỡng hiếp Hứa Minh Đạt
Cao Thái Hà vào vai mợ Hai độc ác trong phim "Tiếng sét trong mưa".
Đạo diễn dặn "phim phát sóng, đừng về miền Tây, coi chừng bị bà con đánh"
Cao Thái Hà đã bao giờ bị chửi vì đóng vai ác?
Nhiều lắm. Hồi tôi đóng phim "Chạm vào danh vọng" là một ví dụ. Sau khi phim chiếu, có lần tôi ngồi coi lại trên youtube và vô tình thấy rất nhiều bình luận chửi bới của khán giả. Người ta lôi cả tên mình ra chửi thậm tệ.
Lúc đó, tôi bị mất ngủ. Khán giả không phân biệt được đâu là diễn xuất, đâu là ngoài đời. Nhưng giờ tôi nghĩ khác. Nếu ai cũng đóng vai chính, ai cũng được yêu thương thì ai sẽ đóng những vai phản diện. Nếu không phải là mình thì cũng là người khác.
Hơn nữa, tôi muốn cho mọi người thấy mình là diễn viên có thực lực, đa màu sắc thì phải thể hiện được nhiều loại vai. Không thể vì đó là vai phản diện mà mình từ chối được. Chỉ cần vai hay, tôi lập tức nhận lời.
Vậy khi đọc kịch bản và đóng vai mợ Hai, Cao Thái Hà có sợ lại bị khán giả phản ứng thái quá?
Hôm họp báo ra mắt phim, đạo diễn và nhà sản xuất dặn tôi: "phim này phát sóng, Hà đừng về miền Tây nữa nghe cưng, coi chừng bị bà con đánh".
Cách đây vài năm, tôi cảm thấy bị tổn thương, mất ăn mất ngủ khi khán giả chửi bới. Cảm giác khó tả lắm nhưng giờ thì tôi miễn nhiễm rồi. Tôi tự tin, mình làm khán giả ghét ở vai này thì cũng sẽ làm khán giả thương ở vai khác.
Tôi không bị rập khuôn vai phản diện. Minh chứng là giờ tôi đang đóng vai chính diện "Bão ngầm" của VTV. Tôi biết thực lực mình sẽ cân được hết. Ác hết nấc mà hiền thì cũng lấy được nước mắt khán giả.
Phim Hậu duệ mặt trời bị biết bao giông bão nhưng tôi vẫn được khen là đóng tốt. Tôi không ngại chuyện khán giả chửi bới, thậm chí còn vui vì mình có đóng thành công thì mới nhận được phản hồi đó. Đóng vai ác mà không ai ghét thì mới đáng bàn. Họ càng chửi tôi càng thích.
Cao Thái Hà không ngại bị khán giả chửi vì đóng vai ác quá đạt.
Theo Trí Thức Trẻ
Phim truyền hình Tiếng sét trong mưa : Đầu tư 10 tỷ trong hai năm, khảo sát hơn 100 ngôi nhà cổ để làm bối cảnh thời chiến Tại họp báo ra mắt bộ phim truyền hình "Tiếng sét trong mưa", đại diện nhà sản xuất cho biết, trong 2 năm ròng rã quay phim, cả công ty đã dồn số vốn lên đến gần 10 tỷ đồng, hình ảnh đều được chăm chút một cách kỹ lưỡng để không trùng lặp với bất cứ bộ phim nào cùng bối cảnh...