Phê phán gay gắt sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có phải chỉ vì những “hạt sạn”?
Sự lên tiếng mạnh mẽ từ phụ huynh, các chuyên gia về những “hạt sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sau hơn 1 tháng bắt đầu năm học mới cho thấy, nhiều vấn đề cần có sự rà soát, điều chỉnh từ ngành giáo dục…
Cả nước có gần 35% trường tiểu học chọn bộ SGK Cánh Diều áp dụng cho học sinh lớp 1
Chính phủ, Quốc hội đều vào cuộc
Làn sóng phê phán gay gắt đến mức khiến Chính phủ và Quốc hội ngay lập tức đều vào cuộc. Ngay trong cuộc họp về sách giáo khoa (SGK) ngày 12-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng SGK Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD-ĐT phản hồi kịp thời.
Phó Thủ tướng cho rằng, có thể có những đánh giá gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Do đó, Bộ GDT-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục để bảo đảm chất lượng SGK mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 mới vừa qua, Bộ GD-ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.
Cũng trong ngày 12-10, tại phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu việc những ngày qua, dư luận bức xúc cho rằng bộ SGK có nhiều “sạn”. Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng ngày 13-10, cử tri và nhân dân Hải Phòng đã đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này có nhiều lỗi về văn phạm, câu chữ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi biên soạn SGK phải làm sao để trẻ em cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đều có thể hiểu được. Câu từ, cách gọi một sự vật, hiện tượng ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng tựu trung lại khi đưa vào SGK phải để trẻ em ở 3 miền vẫn hiểu được. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cần sớm vào cuộc để tìm hiểu, thẩm tra về vấn đề mà dư luận, cử tri và nhân dân nêu.
Bàn cãi chưa dứt, lỗi do ai?
Tại phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, dư luận đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này ra sao, có chặt chẽ không mà để xảy ra nhiều lỗi?
Không phải ai cũng thỏa mãn với việc sửa đổi, điều chỉnh SGK vì cho rằng nó không giải quyết tận gốc sự việc. Vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng là chương trình, SGK môn Tiếng Việt có vẻ trái ngược với tinh thần giảm tải khi cả giáo viên và học sinh đều đang vất vả làm quen. Bởi vậy, SGK chỉ là một trong nhiều vấn đề gặp phải của học sinh lớp 1 đang được áp dụng chương trình mới.
GS.TS Mai Ngọc Chừ – Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết, tất cả những vấn đề dư luận phê phán đều đã được Hội đồng phát hiện và có khuyến nghị khi thẩm định, nhưng nhóm tác giả bảo vệ quan điểm của mình. “Hội đồng đều đã khuyến cáo với các câu chuyện “Lừa, thỏ và cọp”, “Hai con ngựa”… nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, quan niệm mỗi người khác nhau, trong đó quan điểm của nhóm tác giả cho rằng đây là những người lừa lọc sẽ bị trả giá, giáo viên khi giảng trên lớp sẽ giúp học sinh rút ra bài học. Ở đây cách nhận thức khác nhau và nhóm tác giả giữ quan điểm của họ” – GS Mai Ngọc Chừ khẳng định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với cách giải thích này của GS Mai Ngọc Chừ và cho rằng để “sạn” còn trên trang sách học trò, chứng tỏ Hội đồng đã không làm hết trách nhiệm. Về phía Bộ GD-ĐT, dư luận cũng đặt ra câu hỏi khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người phê duyệt SGK.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là bộ phận có chức năng thẩm định SGK lớp 1.
Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm tra, nắm tình hình triển khai chương trình SGK cho thấy, SGK lớp 1 bước đầu đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu, báo cáo về Bộ trước ngày 17-10.
Sửa đổi SGK, vấn đề có giải quyết dứt điểm?
Ngày 15-10, Hội đồng quốc gia thẩm định môn Tiếng Việt lớp 1 đã đưa ra thông báo về việc thống nhất chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp như phản ánh của dư luận xã hội đối với SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều. Theo đó, Hội đồng đã rà soát, làm việc với tác giả trên tinh thần cầu thị và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” (trang 115); bài “Hai con ngựa” (trang 157), bài “Lừa, thỏ và cọp” (trang 163)…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”… Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”. Nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng thỏa mãn với việc sửa đổi, điều chỉnh SGK vì cho rằng nó không giải quyết tận gốc sự việc. Vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng là chương trình, SGK môn Tiếng Việt có vẻ trái ngược với tinh thần giảm tải khi cả giáo viên và học sinh đều đang vất vả làm quen. Không ít ý kiến thẳng thắn phản ánh từ phụ huynh cho rằng, con họ không theo kịp chương trình và phải mang bài trên lớp về nhà để học tiếp, trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên không giao bài về nhà cho học sinh lớp 1. Bởi vậy, SGK chỉ là một trong nhiều vấn đề gặp phải của học sinh lớp 1 đang được áp dụng chương trình mới.
Cùng với đó, những thắc mắc xung quanh quá trình thẩm định cũng được đặt ra với lo ngại những “hạt sạn” không chỉ dừng lại ở 1 cuốn SGK. Hiện có tới 49 cuốn được sử dụng trên toàn quốc và chưa rõ quá trình thực nghiệm được tiến hành ra sao bởi việc này được phó mặc cho tác giả và các đơn vị kinh doanh SGK.
Sách giáo khoa không phải sản phẩm mà cứ lỗi thì thu hồi, trả lại kinh phí
SGK không phải là một sản phẩm bình thường dành cho khách hàng bình thường. Đây là sản phẩm giáo dục được đưa vào cho học sinh lớp 1.
Nó không đơn thuần là có lỗi thì có thể thu hồi, trả lại kinh phí. Thay thế cũng không hề đơn giản khi liên quan đến kế hoạch giảng dạy. Hiện nay, với những bài đã thực hiện rồi, Hội đồng thẩm định phải lắng nghe ý kiến từ dư luận một cách nghiêm túc để tiếp thu, sửa chữa hoàn thiện tối đa.
Ở phần còn lại, tác giả phải hết sức cầu thị tiếp thu đầy đủ trực tiếp từ phụ huynh, giáo viên, chuyên gia. Những gì chưa đúng thì phải có hiệu chỉnh để đảm bảo việc tổ chức dạy học được liên tục, đúng kế hoạch. Năm học sau, cuốn sách này có được tái bản, sử dụng hay không thì thuộc về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố và sẽ có quy trình lựa chọn SGK khác.
Ở đây, bài học cho công tác quản lý cần rút kinh nghiệm nhiều hơn. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới, chắc chắn có khó khăn nhất định và các cơ quan quản lý phải lường tính trước vấn đề để xử lý phù hợp. Ngoài ra, việc thực nghiệm dài hơn, rộng hơn thì việc hoàn thiện, “nhặt sạn” SGK sẽ tốt hơn.
TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
“Nhặt sạn” nhanh nhất là lấy ý kiến của giáo viên lớp 1
Cần tổ chức 2 Hội đồng thẩm định, đó là Hội đồng thẩm định của các nhà chuyên môn và Hội đồng thẩm định của các giáo viên lớp 1 đang giảng dạy thì mới có thể giải quyết hết các vấn đề của SGK lần này. Nếu xây dựng Hội đồng thẩm định lại cuốn sách này thì chỉ cần lấy những giáo viên lớp 1 đang dạy SGK này, chúng ta sẽ có những ý kiến hợp lý nhất, bởi họ là người sử dụng hàng ngày. Họ sẽ nhận ra ngay những vấn đề chưa ổn, gây khó khăn đối với chính họ cũng như học sinh của họ để phản ánh kịp thời. Ý kiến này có thể đến từ nhiều địa phương trên cả nước thì ta sẽ “nhặt sạn” nhanh nhất.
TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia giáo dục Tiểu học
Hội đồng thẩm định đánh giá ra sao về sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều?
Trước khi đưa vào giảng dạy đại trà và có những tranh cãi, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều đã được 15/15 thành viên của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 đánh giá là "Đạt".
Trước khi có những tranh cãi, sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều được 15/15 thành viên của Hội đồng thẩm định SGK đánh giá "đạt".
Từng khuyến cáo nhóm tác giả về những chi tiết đang gây tranh cãi
Sau những tranh cãi của dư luận về sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1, Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu.
Theo GS-TS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, từ ngày 13.10, hội đồng đã bắt đầu tiến hành việc rà soát, khi có kết quả sẽ thông tin khách quan tới xã hội.
GS Trần Đình Sử cũng cho biết, trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phản ứng về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều đã được các thành viên của hội đồng thẩm định góp ý như dùng từ ngữ khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay và đề nghị tác giả điều chỉnh. Thực tế, tác giả cũng đã điều chỉnh nhiều.
Một số bài tập đọc đang gây tranh cãi trong sách Cánh Diều.
Các bài tập đọc như "Cua cò và đàn cá", "Hai con ngựa"..., Hội đồng cũng đã yêu cầu nhóm tác giả thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác.
Sau đó, các tác giả được quyền bảo vệ quan điểm của mình. Nhóm tác giả cho rằng các bài học trên không phải dạy thói khôn lỏi, mà bài học là nếu lừa lọc sẽ bị trả giá. Khi dạy trên lớp, cô giáo sẽ rút ra bài học để dạy học sinh, là các em phải sống chân thật.
Cuối cùng quan điểm này được chấp nhận và các thành viên trong hội đồng thẩm định đã đánh giá cuốn sách ở mức độ "đạt".
Bộ sách duy nhất được 100% phiếu "đạt"
Trước khi được phê duyệt trở thành SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tất cả các bản thảo đều phải qua thẩm định, đánh giá của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Vì vậy, khi để SGK có "sạn" lọt ra thị trường, có trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.
Thông tin của Lao Động, trong biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định Quốc gia môn tiếng Việt lớp 1 có đánh giá, sách tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều được biên soạn công phu, cẩn thận trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ sách có các tiếp cận riêng, tận dụng tốt vai trò của kênh chữ và đặc biệt là kênh hình nhằm hiện thực hóa các yêu cầu cần đạt cho từng kỹ năng đọc, viết, nói và nghe mà chương trình đề ra.
Sách có nhiều điểm mới đáng trân trọng, triển khai tốt việc tích hợp các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe trong một bài học, giúp học sinh không chỉ đươc phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn có cơ hội phát triển năng lực, phẩm chất khác phù hợp với trình độ học sinh.
Ngữ liệu trong sách được lựa chọn nhìn chung kỹ lưỡng, đảm bảo tỉ lệ cân đối hài hòa, một số ngữ liệu hay, hấp dẫn, phù hợp với trình độ học sinh.
Nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới... thể hiện hợp lý trong sách.
Biên bản cũng nêu một số bất cập như dư luận đang tranh cãi và đề nghị các tác giả chỉnh sửa. Và kết quả cuối cùng là 15/15 thành viên của hội đồng thẩm định đều đánh giá sách "Đạt".
Vì sao đã được hội đồng thẩm định thông qua, nhưng khi đưa vào giảng dạy đại trà, phụ huynh vẫn đánh giá sách còn nhiều sạn? Vì sao các thành viên hội đồng thẩm định yêu cầu chỉnh sửa, nhưng nhóm tác giả vẫn bảo vệ quan điểm và được thông qua?
Về vấn đề này, theo GS.TS Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1, không riêng gì SGK tiếng Việt mà cả những cuốn sách khác, Hội đồng thẩm định đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng. Tất cả những vấn đề được cho là "sạn", Hội đồng thẩm định đã từng đề cập đến.
"Theo quy định, những gì được cho là sai thì phải sửa, nhưng những chi tiết dư luận đang tranh cãi chỉ nằm ở mức độ khuyến cáo và nhóm tác giả đã bảo vệ được quan điểm của mình trước Hội đồng.
Ví dụ như từ "nhá", chúng tôi đã đưa ý kiến phải thay nhưng nhóm tác giả cho rằng bài học đó học sinh chưa học đến vần "ai", chỉ học đến "a" nên phải dùng từ "nhá".
Nhóm tác giả cũng thuyết phục được hội đồng thẩm định khi cho rằng, SGK tiếng Việt chủ yếu dạy âm và vần nên rất khó chọn từ ngữ đảm bảo các yếu tố, phải chọn từ ngữ phù hợp với âm của từng bài"- GS Mai Ngọc Chừ cho biết.
Cũng theo đại diện Hội đồng thẩm định, những ngày tới sẽ làm việc với nhóm tác giả, sẽ họp nghiêm túc để có hướng chỉnh sửa phù hợp.
Tranh cãi chuyện vở Bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 dùng từ chỉ bộ phận nhạy cảm, chuyên gia nói gì? Trang 60, vở bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 (thuộc bộ sách Cánh Diều) dùng những từ chỉ bộ phận cơ thể như "dương vật", "âm hộ" gây nhiều tranh cãi. * Trang sách này còn có nhiều tranh cãi, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng từ "dương vật"...