Phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, có thực sự xóa được “độc quyền”?
Bộ GD&ĐT vừa công bố 32 sách giáo khoa lớp 1 của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt áp dụng từ năm học 2020 – 2021.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này. Cụ thể, môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Mĩ thuật, Âm nhạc mỗi môn có 5 cuốn sách giáo khoa; môn Tự nhiên và xã hội có 3 cuốn; Giáo dục thể chất có 1 cuốn; Hoạt động trải nghiệm có 3 cuốn.
Trong thời gian thẩm định, có 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam có tới 4 bộ SGK được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá “Đạt”.
Về vấn đề có hay không chuyện một NXB có nhiều bộ sách sẽ dẫn đến chuyện độc quyền, TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, sẽ không có sự độc quyền cho dù có NXB được nhiều bộ SGK. “ Theo tôi, tính độc quyền chỉ có một bộ SGK, còn bây giờ có nhiều bộ, từ nhiều nhóm tác giả và nhà khoa học khác nhau đã thể hiện sự đa dạng trong viết SGK” – TS. Tài nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Thái Văn Tài, các NXB tổ chức biên soạn, in ấn, tuy nhiên việc lựa chọn bộ sách nào để áp dụng lại thuộc về các địa phương, đây cũng là hình thức cho thấy không có sự độc quyền. Trong đó, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở GDPT được quy định rõ tại điểm C, khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục. Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2020 – 2021 với lớp 1.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn việc lựa chọn SGK. Theo Bộ GD&ĐT, thành phần tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo nguyên tắc những sách thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng, công khai, minh bạch. SGK được lựa chọn phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học. Mỗi tỉnh nên chọn ít nhất 2 bộ SGK.
Một số chuyên gia nhận định, việc thẩm định SGK lần này có sự cạnh tranh và nhiều NXB có uy tín tham gia, các bộ sách được chọn chỉ là phê duyệt, việc sử dụng bộ sách nào do các địa phương quyết định. Điều này cũng xóa bỏ dần tính độc quyền trong xuất bản SGK, không còn tính độc quyền như trước đây.
Tuy nhiên, lựa chọn bộ sách nào các địa phương phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với học sinh nơi đó. Cần có sự đánh giá của ngành giáo dục, giáo viên, thậm chí là các học sinh từ các lớp trước…
Cũng theo Bộ GD&ĐT, kết quả thẩm định của các Hội đồng vừa qua cho thấy, nhiều bản mẫu SGK được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Video đang HOT
Trước câu hỏi về việc SGK được Hội đồng thẩm định đánh giá “Đạt” đã được thử nghiệm trong thực tiễn chưa, ông TS. Thái Văn Tài cho biết, trước khi NXB gửi bản mẫu SGK lớp 1 lên Hội đồng thẩm định quốc gia phải có hồ sơ thực nghiệm theo đúng quy định. Trách nhiệm của NXB phải tổ chức thực nghiệm với thời lượng theo đúng mạch nội dung của chương trình quy định. Bộ GD&ĐT kiểm tra các hồ sơ này trước khi nhận những bản thảo SGK để thẩm định.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các Sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các nhà trường tập huấn, nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản.
Theo giadinh.net
Sách giáo khoa mới, Nhà xuất bản nào sẽ chiến thắng?
Chúng ta thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa trong những năm tới đây.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục thực hiện trong những năm tới đây đặt "chương trình" lên trên sách giáo khoa bởi sách giáo khoa chỉ là một tư liệu cho việc dạy và học ở các nhà trường phổ thông.
Song, nhìn từ thực tế, việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa vẫn đang được Bộ rất chú trọng và vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1 đã cơ bản hoàn tất và chúng ta thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn đang là đơn vị có nhiều lợi thế trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa trong những năm tới đây.
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sẽ chiếm ưu thế trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn)
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang chiếm ưu thế
Năm học 2020-2021 tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện ở lớp 1 và thời gian qua thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1.
Đến nay, trong số 5 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 vượt qua 2 vòng thẩm định thì Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có 4 bản. Bản mẫu còn lại thuộc về 2 nhà xuất bản là Nhà xuất bản đại học sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chia sẻ ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 bản mẫu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lọt qua hai vòng thẩm định.
Và, 4 bộ sách này có tên là: "Kết nối tri thức với cuộc sống;" bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo;" bộ sách giáo khoa "Cùng học để phát triển năng lực"; bộ sách giáo khoa "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
Việc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang chiếm ưu thế khi có tới 4/5 bộ sách giáo khoa mới đã vượt qua 2 vòng thẩm định không bất ngờ đối với mọi người.
Bởi, thực tế đơn vị này đã có hơn nửa thế kỷ đảm nhận công việc này nên họ có đội ngũ chuyên gia viết sách, đội ngũ họa sĩ trình bày hùng hậu và ngoài ra còn có nhiều lợi thế khác nữa.
Song, vấn đề đặt ra là Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Liệu rồi đây có còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa như hiện nay?
Theo kế hoạch thì các địa phương, các đơn vị trường học có quyền lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình và Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sẽ không còn độc quyền xuất bản sách giáo khoa như hiện nay.
Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn liệu kế hoạch này có thực hiện được hay không thì thời gian mới trả lời được. Bởi, nhìn từ thực tế chúng ta sẽ thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi hiện nay họ đã có hệ thông phân phối sách giáo khoa ở khắp tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Các chi nhánh của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng được đặt ở nhiều nơi để thuận lợi cho việc in ấn, phát hành hàng năm.
Nhất là việc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam lại là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang là cơ quan lãnh đạo các Sở Giáo dục, dù sao thì dùng sách của "người nhà" vẫn hơn sách của "người ngoài".
Vì vậy, nói gì thì nói, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây vẫn tập trung vào sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là điều chắc chắn.
Ai sẽ là người chọn sách giáo khoa?
Theo dự kiến, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho đơn vị mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Trong đó, Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc Sở Giáo dục. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.
Trong các tiểu ban này có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn.
Nhìn vào cơ cấu này, chúng ta cũng thực sự yên tâm bởi có nhiều thành phần tham gia để lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình.
Nhưng, liệu " 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn" có phải là những người quyết định hay không lại là vấn đề rất khó khẳng định.
Trong bối cảnh mà ngành giáo dục nước ta vẫn đang xem trọng vấn đề thi cử, điểm số thì việc lựa chọn một phương án an toàn vẫn là giải pháp tối ưu cho các địa phương lựa chọn sách giáo khoa cho riêng mình.
Chọn sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (đơn vị trực thuộc của Bộ) sẽ tiện lợi hơn rất nhiều những bộ sách giáo khoa khác trong việc thi cử cho học sinh của mình.
Bởi, dù chương trình chung nhưng sách giáo khoa sẽ không thể nào giống nhau được, mỗi bộ sách có mỗi cách tiếp cận riêng trong nền tảng của của chương trình môn học. Vì thế, lựa chọn sách giáo khoa của Bộ đương nhiên là các địa phương phải hướng tới cho mình.
Dù chưa dám khẳng định nhưng nhìn từ thực tế, chúng ta cũng hình dung được việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây vẫn thuộc về Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bởi đơn vị này đang nắm rất nhiều ưu thế cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo:
//tuoitre.vn/nhieu-sach-giao-khoa-ai-duoc-chon-chon-the-nao-20191112222842173.htm
//www.tienphong.vn/giao-duc/nha-xuat-ban-giao-duc-se-tang-gia-ban-sach-giao-khoa-moi-1484886.tpo
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1: Có xóa bỏ được độc quyền? Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Theo đó, có 32 bộ SGK đã được phê duyệt và công bố trong đợt này. Họp báo công bố danh mục Sách giáo khoa lớp 1. Vậy quy trình biên soạn, thẩm định SGK được thực hiện...