Phát huy vai trò của người cao tuổi tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội
Cả nước hiện có 11,4 triệu người cao tuổi chiếm gần 12% tổng số dân. Thời gian qua, hưởng ứng phong trào “ Tuổi cao – Gương sáng”, các cấp Hội Người cao tuổi (NCT) trên cả nước đã có những đóng góp tích cực trong mọi mặt đời sống xã hội.
Nhiều tấm gương tham gia hoạt động kinh tế – xã hội
Dù đã có tuổi nhưng với những kinh nghiệm đúc kết trong cuộc sống, nhiều NCT vẫn tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội, trở thành những tấm gương trong phong trào tại địa phương.
Người dân tại khu dân cư Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đều biết đến ông Vương Văn Văn Thanh, 71 tuổi là lái xe cứu thương luôn hỗ trợ mọi người gặp nạn. “Là một người lính, từng vào sinh ra tử ở khắp các chiến trường, tôi làm công việc này không phải để nhận được vàng, bạc hay những lời khen, mà chỉ muốn báo ân cuộc đời”, ông Vương Văn Thanh tâm sự.
Ông Thanh đã từng chứng kiến quá nhiều vụ TNGT thảm khốc, mà cả thị trấn không có lấy một cái xe cấp cứu. Vì vậy, năm 1994, ông đã quyết định đăng kí chuyển hẳn sang hoạt động cứu thương, phối hợp với các bệnh viện và lực lượng công an địa phương cùng cứu người bị nạn. Ông sắm hai chiếc xe cứu thương, một chiếc dùng chở nạn nhân tử vong, một dùng chở người bị tai nạn tới các bệnh viện. “Tôi tiến hành sơ cấp cứu rồi chở họ đến bệnh viện, nhiều trường hợp tôi không biết họ là ai, làm nghề gì, và có khi cũng không có cơ hội được gặp lại họ lần thứ hai trong đời. Hầu hết những người được tôi cứu sống, phần lớn là người hoàn cảnh khó khăn nên dù họ có trả công, tôi cũng không lấy. Tôi cũng đã luống tuổi rồi, làm được gì thì làm” ông Vương Văn Thanh chia sẻ.
Ông Quàng Văn Hó (sinh năm 1951) là tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại tỉnh Sơn La. Ông thường xuyên cùng hội viên cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN
Trong khi đó, ông Võ Văn Em, 60 tuổi, ngụ xã Long Kiến, huyện Chợ Mới (An Giang) là một trong những NCT nông dân đầu tiên mang cây sầu riêng về vùng cù lao Chợ Mới để phát triển trên nền đất ruộng. Ban đầu, ông Em chỉ triển khai trồng thử nghiệm với diện tích 1 ha sau nhà để ghi nhận tính thích nghi, học hỏi, trau dồi kĩ thuật canh tác… Từ hiệu quả mang lại, đến nay, vườn sầu riêng của ông Em đã phát triển lên 5ha với các loại sầu riêng Ri6, Monthong (Thái Lan), Musang King (Malaysia)… Không chỉ phát triển vườn sầu riêng của gia đình, ông Em còn hướng đến chuỗi liên kết với những nông dân trong đó có NCT trong và ngoài tỉnh, hình thành vùng chuyên canh sầu riêng sạch, an toàn, kết nối cung ứng hàng hóa cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
Ông Em hiện cung ứng cho nông dân cây giống sầu riêng chất lượng, kèm theo đó là hỗ trợ kĩ thuật chăm sóc, kích thích ra hoa, đậu trái, cũng như thu mua lại sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.
Còn ông La Tráng Kiện, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành mạnh dạn đổi mới khi mang cây đậu nành rau về phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao và kí hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Nhờ được hỗ trợ kĩ thuật từ chăm sóc đến xử lí sâu bệnh, cung cấp giống, ông Kiện mạnh dạn mở rộng diện tích từ 4.000m2 trồng thử nghiệm ban đầu lên 80.000m2, đều có hợp đồng liên kết tiêu thụ. Theo ông Kiện, cây đậu nành rau có thời gian canh tác ngắn, khoảng 2 tháng đã cho thu hoạch. Liên kết tiêu thụ với Antesco, nông dân không phải lo đầu ra, chỉ tập trung canh tác để đạt năng suất cao, tăng lợi nhuận.
Cùng với định hướng của tỉnh, ngành chuyên môn, những mô hình tiên phong, có hiệu quả của NCT nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất sẽ là nền tảng giúp bà con nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung nâng cao giá trị, đa dạng các mặt hàng nông sản theo nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trên tuyến biên giới, ven biển, Hội NCT Thanh Hóa đóng góp hết sức quan trọng trong việc quản lí, bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; tích cực vận động hội viên, các gia đình, dòng họ, nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển.
Video đang HOT
Trên cơ sở phối hợp với bộ đội biên phòng, Hội NCT Thanh Hoá phát huy vai trò gương mẫu của NCT trên địa bàn biên giới trong việc tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp từ cơ sở. Tích cực vận động gia đình, dòng họ, người thân chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Hội NCT tham mưu, phối hợp với chính quyền cấp xã rà soát, bổ sung, kiện toàn 1 tập thể, 54 hộ gia đình, 104 cá nhân tham gia tự quản 213,6 km đường biên giới, 90 mốc quốc giới, 497 tổ tự quản an ninh – trật tự cấp thôn/1.625 thành viên, 422 tổ tàu thuyền an toàn/1.820 tàu thuyền/3.447 thành viên tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển; 110 bến, bãi tự quản/220 thành viên.
Người cao tuổi, già làng, người có uy tín ở Bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh làm vệ sinh cột mốc 349. Ảnh: TTXVN
Bộ đội biên phòng và Hội NCT Thanh Hóa thành lập 496 tổ hòa giải ở thôn, bản (trong đó có trên 800 hội viên NCT tham gia các tổ an ninh, tổ hòa giải) phần lớn giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phức tạp trên địa bàn liên quan đến an ninh – trật tự, truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người; vận động được 25 hộ với 174 người Mông từ bỏ sinh hoạt đạo trái pháp luật, 108 người thuộc diện cai nghiện, tội phạm ma tuý tái hoà nhập cộng đồng, vận động người dân giao nộp vũ khí, cảm hoá, giáo dục 661 người lầm lỗi trở về làm ăn lương thiện, tố giác gần 1.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị cho BĐBP và các cơ quan chức năng xử lí.
Điển hình như ông Lang Minh Huyền sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất nơi biên cương Bát Mọt (Thường Xuân, Thanh Hoá), bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới cũng đồng nghĩa với bảo vệ ngôi nhà của chính mình. “Còn sức khỏe là còn cống hiến, gương mẫu cho con cháu học tập và noi theo. Tôi muốn dẫn các đồng chí ấy đi cho quen đường xá, đỡ vất vả; cũng là góp sức lực bảo vệ vùng biên”, ông Lang Minh Huyền cho biết.
Toàn quốc hiện có hàng nghìn NCT trực tiếp tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể ở cơ sở; trong đó nhiều người trực tiếp tham gia cấp ủy chi bộ thôn, ấp, bản, tổ dân phố, đóng góp xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở các địa phương.
Bằng trí tuệ, vốn sống và kinh nghiệm được tích lũy qua thực tiễn lao động và công tác, NCT đang tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, làm cơ sở vững chắc để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từng địa phương; phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền.
Chung tay chăm sóc người cao tuổi tốt hơn
Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều người cao tuổi tiếp tục đóng góp ý kiến vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh tại cơ sở. Nhiều NCT trực tiếp phát hiện, phản ánh hoặc gửi đơn thư đến cơ quan chức năng về những sai phạm của cán bộ, đảng viên để kịp thời xử lí…
Các đảng viên cao tuổi có uy tín, được giao trọng trách tham gia cấp ủy ở cơ sở và các chi bộ, tham gia HĐND, các vị trí trưởng, phó thôn, ấp, bản, tiểu khu, tổ dân phố luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, sáng tạo, cùng tập thể cấp ủy và cán bộ đảng viên xây dựng và giữ vững danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở vững mạnh toàn diện.
Người cao tuổi đến Trạm Y tế xã Thạch Giám, huyện Tương Dương để tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2. Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN
Toàn quốc hiện có gần 700.000 NCT tham gia công tác Mặt trận, đoàn thể cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giám sát phản biện xã hội, góp phần tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân để triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc, bức xúc trong ngay tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Với vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền, các đơn vị tự quản là nơi trực tiếp xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết; phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa; khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong đó, NCT là lực lượng nòng cốt.
Ông Trương Xuân Cừ cho biết: Để chăm sóc người cao tuổi được tốt hơn khi Việt Nam bước vào gia đoạn già hoá dân số, Hội Người cao tuổi đã chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội, về pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi; nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Quyết định số 1336/QĐ-CP ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến 2025; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam; Chương trình quốc gia về người cao tuổi; chế độ bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế… tạo điều kiện để công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng được đẩy mạnh.
Hội Người cao tuổi luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc người cao tuổi như: Tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi theo quy định của pháp luật, thăm hỏi, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi từ cơ sở.
Vai trò của người cao tuổi tiếp tục được phát huy trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; gìn giữ, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi được đẩy mạnh.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hằng năm hơn 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, khoảng 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; hơn 95% người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.
Ở nhiều địa phương, Hội tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành một số quy định cụ thể hỗ trợ người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội; bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi.
Hội Người cao tuổi tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”. Thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi để phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, người cao tuổi tiếp tục phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban, bộ, ngành, đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ cho biết, triển khai Tháng hành động vì NCT Việt Nam 2022 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật NCT, chế độ chính sách liên quan đến NCT; những thách thức của quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Tổ chức vận động nguồn lực từ cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT về sức khỏe, vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, Hội NCT sẽ thăm hỏi, tặng quà NCT nghèo, NCT có hoàn cảnh khó khăn; khám, tư vấn về sức khỏe miễn phí cho NCT; mổ mắt thay thủy tinh thể giải phóng mù lòa cho NCT có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của NCT…
Nhiều người Việt không đủ tài chính cho tuổi già
Vợ chồng anh Quang, chị Huệ thuê nhà trọ sống 17 năm gần khu công nghiệp Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), không đủ tài chính để chuẩn bị cho cuộc sống về già.
Trong một khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Định, gần Khu công nghiệp Cát Lái (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), có đến gần 30 hộ gia đình đang thuê ở. Họ chủ yếu là người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Cát Lái và cảng Cát Lái.
Thâm niên ở trọ trong khu lâu nhất là vợ chồng anh Vũ Văn Quang và chị Nguyễn Thị Huệ, đã 17 năm. Với thu nhập của hai vợ chồng là 18 triệu đồng/tháng, anh Quang nói có thể mua được căn hộ trả góp, nhưng họ chọn ở thuê trong phòng trọ vỏn vẹn 20m2, cùng với tiền điện nước, mỗi tháng không dưới 3 triệu đồng.
"Nếu mua nhà trả góp, thấp nhất mỗi tháng cũng phải trả ngân hàng từ 7-10 triệu đồng. Khoản này so với thu nhập của vợ chồng tôi thì hơi quá sức. Chi phí sinh hoạt, tiền học hành của 2 con, cũng phải dành dụm một khoản để lâu lâu về thăm quê. Bằng ấy thứ thì không dư dả đồng nào, chưa kể ốm đau bất trắc", người công nhân 47 tuổi, với 19 năm làm việc trong khu công nghiệp Cát Lái, chia sẻ.
Những người "làm bữa nay, lo bữa mai" như anh Quang không phải ít. Số liệu từ khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" do Prudential Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học thực hiện trong năm 2020 trên 500 người ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, cứ 10 người thực hiện khảo sát, chỉ có 4 người đã lên kế hoạch tài chính chuẩn bị cuộc sống về già.
Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang nhanh hơn các nước phát triển. Ảnh: Freepik
Trong khi đó, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2015. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, người từ 60 tuổi chiếm 8,68% dân số, khoảng 7,45 triệu người. Đến năm 2019, con số này lên mức 11,86%, tương đương khoảng 11,41 triệu người. Dự báo đến năm 2036, tức trong vòng 15 năm, người cao tuổi chiếm khoảng 20% dân số.
Nhiều địa phương thậm chí đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn bình quân cả nước. Điển hình là chỉ số già hóa dân số của TP.HCM hiện đang ở mức 49,4%, cao hơn cả nước xấp xỉ 1%. Đáng chú ý, so với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số, cả trình độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam đều thấp hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đạt 3.561 USD, thấp hơn hẳn Thái Lan (đạt 7.189 USD), Malaysia (10.402 USD), Trung Quốc (10.500 USD), Singapore (59.798 USD), Hàn Quốc (31.755 USD), Nhật Bản (40.113 USD)...
Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển. Trong báo cáo "Việt Nam: thích ứng với xã hội già hóa" do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 10/2021, Việt Nam chỉ cần 20 năm sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Trong khi đó, Pháp cần 115 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm. Đáng lo ngại là quá trình giá hóa dân số của nước ta diễn ra khi mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội... Trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội. Cơ cấu và mô hình bệnh tật của người cao tuổi nước ta hiện nay cũng đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, chi phí chăm sóc y tế lên cao và thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện.
Kinh nghiệm "già hóa chủ động" của các nước phát triển có thể là bài học cho Việt Nam xây dựng chính sách. Nhiều nước dân số rất già nhưng vẫn nằm trong top những nước phát triển, có thu nhập cao là Nhật Bản, Hàn Quốc. Già hóa chủ động là chủ động chuẩn bị cho giai đoạn này trên ba trụ cột chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế, sức khỏe và sự tham gia các hoạt động xã hội của người cao tuổi.
Người Việt cần bắt đầu từ mỗi cá nhân trong việc chuẩn bị tài chính, sức khỏe và sẵn sàng các kế hoạch cho cuộc sống độc lập khi về già. Ảnh: Freepik
Có thể nói, ngay cả các quốc gia trong khu vực với Việt Nam cũng đã sớm chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số. Ví dụ, Chính phủ Thái Lan lập chương trình theo dõi tình trạng sức khỏe người dân, đồng thời mở rộng tầm bao phủ của bảo hiểm y tế, bắt buộc người dân, người lao động gồm cả khu vực chính thức và không chính thức tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.
10 năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ dân số già. Trong đó có việc cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội để thu hút nhiều người tham gia. Đây là chính sách quan trọng đảm bảo thu nhập và lương hưu cho người già sau này. Chính phủ cũng xây dựng các chương chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi.
Cuộc hội ngộ xúc động của 2 người lính: 40 năm mong tin chiến hữu Đối với những người lính, chẳng có gì vui hơn là được gặp lại đồng đội cũ. Dù từng đứng chung nơi chiến hào nguy hiểm, thế nhưng có rất nhiều người lại bị thất lạc đồng đội, không biết cách nào để liên lạc với nhau. Giống như hai người lính dưới đây, suốt 40 năm qua, lúc nào họ cũng mong...