Phát huy quyền dân chủ học sinh qua chương trình “Đối thoại mùa xuân”
Thông qua chương trình này, nhà trường nắm bắt những tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh để có những điều chỉnh hợp lí trong quá trình dạy và học.
Nhiều năm qua, trường công lập bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “Đối thoại mùa xuân” vào thời điểm học sinh chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, sau khi học sinh kiểm tra xong học kì 1, các trường tổ chức chương trình này nhằm lắng nghe tiếng nói của các em qua nhiều phương diện.
Học sinh tự do bày tỏ ý kiến của mình về việc dạy của giáo viên, các hoạt động phong trào của trường lớp và những mong muốn khác mà các em gửi gắm.
Học sinh phát huy quyền dân chủ
Trước khi chương trình “Đối thoại mùa xuân” diễn ra khoảng một tuần, lớp trưởng của từng lớp tiến hành khảo sát ý kiến của các thành viên sau một học kì.
Học sinh tự do nêu ý kiến của mình về phương pháp giảng dạy, cách ứng xử của giáo viên, nhân viên nhà trường. Các em cũng có quyền đánh giá các hoạt động phong trào của trường, lớp hoặc điều kiện vui chơi giải trí nơi mình đang theo học.
Cùng với đó, học sinh cũng có thể đề xuất những cách làm hay có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng học tập, sinh hoạt.
Ý kiến riêng của thành viên được xem như ý kiến chung của tập thể lớp nên học sinh không phải lo sợ lộ danh tính cá nhân.
Sau đó, lớp trưởng tập hợp các ý kiến, phân loại thành những nội dung chính và trực tiếp gửi cho Ban Giám hiệu nhà trường.
Với cách làm này, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn gần như không can thiệp đến học sinh khi các em có ý kiến trái chiều về thầy cô, trường lớp.
Cũng nhờ cách làm này, học sinh ở đơn vị chúng tôi đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, chân tình cho thầy cô, kể cả Ban Giám hiệu.
Học sinh được phát huy quyền dân chủ. (Ảnh mang tính minh họa: Phunuonline.com.vn)
Video đang HOT
Lắng nghe học sinh trải lòng
Trường chúng tôi dành hẳn một buổi trong tuần tổ chức chương trình “Đối thoại mùa xuân” để lắng nghe học sinh trải lòng.
Mỗi lớp cử hai học sinh tham dự, đó là lớp trưởng (hoặc lớp phó học tập) và Bí thư chi Đoàn.
Về phía nhà trường, có đủ các thành phần tham dự từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, trợ lí thanh niên và các thầy cô tổ trưởng chuyên môn.
Bắt đầu cuộc đối thoại, giáo viên điều hành chương trình nêu những ý kiến chung nhất từ phản ánh của các lớp về học tập và các hoạt động khác có liên quan.
Tham dự cuộc đối thoại, chúng tôi nhận thấy học sinh có nhiều ý kiến rất thẳng thắn từ việc dạy của thầy cô đến các hoạt động khác diễn ra ở trường.
Có lớp, học sinh cho biết giáo viên môn Toán giảng dạy rất nhiệt tình, cách truyền đạt dễ hiểu. Thế nhưng, thầy cũng hay cáu gắt với những bạn làm bài còn nhiều sai sót khiến đôi lúc không khí lớp học nặng nề.
Lớp khác các em không hài lòng vì cô giáo dạy tiếng Anh phát âm chưa chuẩn so với giáo viên người bản ngữ và cho bài tập về nhà quá nhiều.
Cũng có lớp phản ánh nhà vệ sinh ở trường còn bẩn, nhiều lớp tình trạng xả rác bừa bãi do một số bạn còn thiếu ý thức.
Hoặc học sinh cũng tỏ ra bất bình khi tình trạng bán hàng rong tràn lan trước cổng trường hay phụ huynh đón con đỗ xe lộn xộn…
Thầy cô thấu hiểu, chia sẻ
Sau khi lắng nghe ý kiến học sinh, thầy cô phụ trách mảng nào sẽ có trách nhiệm phản hồi, giải đáp với các em ở mảng đó.
Chẳng hạn như với ý kiến thầy giáo dạy Toán hay cáu gắt khi học sinh làm bài sai, tổ trưởng chuyên môn Toán đứng lên chia sẻ với các em về vấn đề này.
Tổ trưởng bày tỏ sự thấu hiểu với đồng nghiệp khi dạy hoc sinh yếu thường rất nhọc nhằn nên đôi lúc không tránh khỏi nóng tính. Cùng với đó, tổ trưởng nói với đại diện học sinh sẽ trao đổi thêm với giáo viên bộ môn để thời gian tới lớp học tiết toán được nhẹ nhàng hơn.
Hoặc giáo viên dạy môn tiếng Anh phát âm chưa chuẩn so với người bản ngữ, tổ trưởng Anh văn hứa với các em sẽ đi dự giờ thăm lớp để kiểm chứng và tìm cách tháo gỡ.
Hay Hiệu trưởng khẳng định sẽ nhờ dân phòng, cảnh sát khu vực hỗ trợ dẹp trật tự với những người bán hàng rong trước cổng trường để lập lại mĩ quan học đường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Sau cuộc đối thoại, chúng tôi quan sát thấy đa phần học sinh đều rất phấn khởi bởi thầy cô đã thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của các em và giải quyết thấu tình đạt lí đầy trách nhiệm.
Điều đọng lại là, khi học sinh đã không né tránh những chuyện bất cập ở chốn học đường thì thầy cô cũng phải nhìn nhận lại mình để sửa đổi cho tốt.
Thông qua chương trình “Đối thoại mùa xuân”, nhà trường đã tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh.
Và đây là một trong những cách làm dân chủ nhằm xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở môi trường giáo dục ngày nay.
Ánh Dương
Theo giaoduc.net
Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò lớn trong việc mở rộng không gian học tập, lĩnh hội tri thức của học sinh, sinh viên trong tương lai. AI cũng sẽ tác động không nhỏ đến môi trường học tập và phương pháp giảng dạy của người giáo viên trong tương lai.
Nhưng liệu AI sẽ thay thế được giáo viên hay chỉ đứng vai trò trợ giảng?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen quanh chủ đề này.
- Những thành tựu nổi bật của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được nhiều trường học áp dụng. PGS có thể cho biết thành tựu nổi bật của công nghệ này?
- Với giáo dục, AI được sử dụng nhiều trong giảng dạy tiếng Anh vì dữ liệu ngôn ngữ tiếng Anh hiện nay rất lớn và nhu cầu đối với các dịch vụ AI hỗ trợ học tiếng Anh cũng rất cao.
Thành tựu nổi bật nhất của công nghệ AI trong giảng dạy ngoại ngữ các năm gần đây là các hệ thống hỗ trợ dịch nói và dịch viết tự động. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng đã có những bước tiến dài và được tích hợp vào khá nhiều các ứng dụng dạy học ngoại ngữ hiện đại.
- Tại hội thảo về ứng dụng AI vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy mới đây, nhiều học giả cho rằng; tương lai "trợ lý ảo" sẽ đóng vai trò lớn trong hỗ trợ giảng viên dạy học. PGS có thể cho biết ưu và nhược điểm của AI?
- Trong giảng dạy ngoại ngữ, các hệ thống AI giúp học viên nhận được nhiều phản hồi có giá trị cho việc học gần như tức thời. Từ đó, sự hứng thú của học viên và thời lượng tiếp nhận ngữ liệu ngoài giờ học truyền thống tăng lên. Tuy nhiên, AI xét cho cùng cũng chỉ là các thuật toán xử lý dữ liệu nên không thể đưa ra đề xuất, đánh giá tốt cho mọi tình huống.
- Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới dạy và học, hướng đến việc học của học sinh, sinh viên không còn giới hạn và không gian. Nhưng nó cũng để lại nhiều lo ngại nơi đội ngũ giảng viên. Theo PGS "trợ lý ảo" có thể thay thế được giáo viên trong tương lai không?
- Thực tế, kiến thức và kĩ năng là kết quả của nhiều loại tương tác, như tương tác giữa người học với nhau, tương tác giữa giáo viên và học viên, tương tác giữa học viên với nhân viên, với trường, lớp, sách vở, thư viện... "Trợ lý ảo" hiện nay mới chỉ tăng cường tương tác giữa người học với máy tính và làm nền tảng giúp việc tương tác giữa người thật với nhau được nhanh, hiệu quả hơn. Vì vậy, trong tương lai gần, "trợ lý ảo" chưa thể thay thế giáo viên được.
- Không gian học thuật mở rộng, công nghệ tích hợp nhiều giải pháp giảng dạy mới, người giáo viên chắc chắn phải thay đổi. PGS có thể cho biết, khi áp dụng công nghệ AI sâu và mạnh vào việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên cần phải thay đổi gì?
- Như tôi đã nói, AI sẽ không thay thế giáo viên, nhưng giáo viên biết sử dụng các hệ thống AI sẽ thay thế những giáo viên không biết sử dụng chúng. Tôi nghĩ giáo viên cần làm quen với các công cụ AI và tìm cách ứng dụng trong công việc cụ thể của mình.
- Phương pháp giảng dạy thay đổi, môi trường và không gian học tập thay đổi, người học (HS-SV) có cần phải thích ứng và thay đổi theo không, thưa PGS?
- Người học nên theo dõi, cập nhật các tiến bộ của công nghệ để tránh rơi vào tình huống phải cạnh tranh việc làm trực tiếp với AI. Tôi nghĩ khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ nghệ thuật, rung động trước cái đẹp, kĩ năng giao tiếp là những yếu tố nhà tuyển dụng nào cũng cần mà AI hiện nay lại gần như không có.
- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ!
Nguyễn Tú (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Đổi mới các bước lên lớp: Làm sao để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức? Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải thay đổi từ cách tiếp cận kiến thức chuyên môn tới phương pháp giảng dạy. Việc tổ chức các hoạt động lên lớp của giáo viên sẽ hướng đến chủ thể chính là người học. Đây là khâu rất quan trọng trong tiến trình giáo viên truyền thụ kiến thức cho học...