Pháo đài bay B-52, vũ khí Mỹ răn đe Trung Quốc trên Biển Đông
Sự hiện diện của B-52 trên Biển Đông được coi là biện pháp răn đe hiệu quả của Mỹ, đồng thời trấn an các đồng minh về cam kết bảo vệ tự do hàng hải.
Một Pháo đài bay B-52 của Mỹ bay tuần tra trên biển. Ảnh: USAF
Ngày 12/11, các quan chức Mỹ xác nhận rằng hai chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52, được mệnh danh Pháo đài bay, đã bay qua gần các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp ở khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và vẫn tiếp tục hành trình sau khi nhận tín hiệu liên lạc của kiểm soát viên không lưu Trung Quốc, theo Reuters.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao sau khi Lầu Năm Góc điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp. Hải quân Mỹ khẳng định họ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tương tự với tần suất ít nhất hai lần mỗi quý.
Tờ The Hill dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hai chiếc B-52 này đã “bay qua” trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp, và khẳng định một trong hai chiếc oanh tạc cơ này đã thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải”. Lầu Năm Góc không xác nhận thông tin này, và nhiều tờ báo lớn của Mỹ cũng nói rằng hai chiếc B-52 chỉ bay gần chứ không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp.
Những tiết lộ này khiến dư luận quốc tế nhớ đến câu chuyện xảy ra vào tháng 11/2013, khi không quân Mỹ điều hai chiếc Pháo đài bay B-52 không có chiến đấu cơ hộ tống bay ngang qua biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc vừa tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Việc Mỹ đưa hai chiếc B-52 không có lực lượng bảo vệ này bay qua ADIZ Trung Quốc vừa thiết lập mà không báo cáo được cho là hành động thách thức mạnh mẽ của Washington đối với tham vọng áp đặt quyền kiểm soát các vùng biển quốc tế của Bắc Kinh.
Theo giới phân tích, việc sử dụng B-52 để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đưa ra là hành động mang tính biểu tượng của Mỹ, bởi chiếc Pháo đài bay là lá bài chiến lược thể hiện sức mạnh răn đe và uy thế của lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, đồng thời là sự hiện thực hóa cam kết của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.
Hồi tháng 7, Mỹ cũng đã điều hai chiếc B-52 thực hiện một sứ mệnh mang tên “trấn an và răn đe bằng oanh tạc cơ” (BAAD) bay liên tục 44 giờ từ căn cứ không quân ở Louisiana tới Australia và thực hiện các cuộc tập trận ném bom với không quân Australia.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 là một biểu tượng của sức mạnh và công nghệ quân sự Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Được chế tạo từ thập niên 1950, B-52 trở thành một trong những mũi nhọn răn đe hạt nhân của Mỹ, với khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa trong thời gian ngắn trên phạm vi toàn cầu.
Được trang bị tới 8 động cơ mạnh mẽ, B-52 có thể mang tới 32 tấn vũ khí, kể cả bom thông thường và bom hạt nhân, để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến tầm xa có phạm vi lên tới 7.210 km. Từ năm 1955 đến nay, B-52 được sử dụng liên tục trong không quân Mỹ để thực hiện các sứ mệnh tuần tra, răn đe tầm xa và là một công cụ quan trọng để Mỹ phô diễn sự hiện diện quân sự của mình tại các khu vực chiến lược trên thế giới.
Video đang HOT
Khả năng vận hành ưu việt ở vận tốc cận âm cùng chi phí hoạt động tương đối thấp khiến B-52 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tác chiến của không quân Mỹ, bất chấp sự ra đời của nhiều loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại sau này như B-1 Lancer, B-2 Spirit. Khi kỷ niệm 60 năm hoạt động vào năm ngoái, B-52 vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư của không quân Mỹ với các gói nâng cấp quan trọng, giúp nó có thể tiếp tục hoạt động đến những năm 2040.
Theo các chuyên gia phân tích, sự hiện diện của B-52 Mỹ tại các điểm nóng như Biển Đông là một trong những biện pháp răn đe và phô diễn sức mạnh hiệu quả nhất, đồng thời phát đi một thông điệp chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ.
“Những chuyến bay như thế này là một trong nhiều cách để Mỹ thể hiện cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấ – Á – Thái Bình Dương. Ngoài việc nâng cao kỹ năng và sự thông thuộc địa hình cho phi hành đoàn, nó còn giúp tăng cường khả năng ứng phó với bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào”, Đô đốc hải quân Australia Cecil Haney phát biểu sau khi B-52 thực hiện chiến dịch BAAD ở nước này.
Răn đe âm mưu lập ADIZ
Oanh tạc cơ B-52 có thể mang theo tới 32 tấn vũ khí. Ảnh: Wikimedia
Chuyên gia phân tích Ankit Panda của tờ Diplomat cho rằng việc Mỹ công khai thông tin về chuyến bay B-52 gần đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là một động thái nhằm ngăn ngừa, răn đe khả năng Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Từ lâu, các chuyên gia và quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, hoàn thiện các đường băng và điều các chiến đấu cơ, vũ khí phòng không ra để thiết lập ADIZ trên vùng biển chiến lược này.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đăng tải những hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã diễn tập trên đường băng được cho là nằm tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định việc đưa J-11 xuống Hoàng Sa là tiền đề để Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự xuống xa hơn về phía nam Biển Đông.
Hồi tháng 10, một thẩm phán Philippines trong chuyến thăm đến Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc gần như đã thiết lập tình trạng “bán ADIZ” trên Biển Đông. “Trên thực tế, giờ đây họ gần như đã thi hành ADIZ phi chính thức ở khu vực quần đảo Trường Sa”, thẩm phán Antonio Carpio cho biết.
Các quan chức Mỹ nói rằng khi B-52 bay tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, phi công của họ có nhận được tín hiệu liên lạc từ phía đài kiểm soát mặt đất của Trung Quốc, nhưng không hề nói rằng các kiểm soát viên không lưu này xua đuổi hay cảnh báo B-52, giống như những gì họ đã làm với chiếc máy bay trinh sát P-8A của Mỹ trước đây.
Khi B-52 Mỹ bay qua biển Hoa Đông hồi năm 2013, họ cũng không nhận được bất cứ tín hiệu cảnh báo từ mặt đất hay hành động ngăn chặn nào của chiến đấu cơ Trung Quốc. Theo giới phân tích, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả với những chiếc pháo đài bay của Mỹ thực hiện những chiến dịch mang tính răn đe.
Ông Panda cho rằng, nếu như kiểm soát viên không lưu Trung Quốc liên lạc với phi công B-52 mà không đưa ra bất cứ lời cảnh báo hay xua đuổi nào, đây có thể chỉ là hành động liên lạc thông thường với máy bay quân sự nước ngoài để đảm bảo an toàn hàng không.
Gần đây Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thống nhất về quy tắc ứng xử giữa tàu chiến và máy bay quân sự hai nước khi chạm mặt. Theo những thông tin mà Lầu Năm Góc và các quan chức Mỹ đưa ra, những gì diễn ra với hai chiếc B-52 bay qua khu vực Trường Sa đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy tắc ứng xử này.
“Với những chiếc B-52 này, chúng tôi sẽ trấn an các đồng minh trong khu vực rằng chúng tôi có thể xuất hiện và tác chiến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, và chúng tôi muốn họ tiếp tục tận hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không mà chúng tôi ủng hộ”, đại úy Jared Patterson, phụ trách vũ khí và chiến thuật của phi đội ném bom 96 Mỹ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7.
Trí Dũng
Theo VNE
Sang Singapore, ông Tập Cận Bình: 'Các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7.11 tuyên bố tại Singapore rằng những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa (?), và đề nghị tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua đối thoại và cam kết không "bắt nạt" những nước láng giềng yếu hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore, ngày 7.11.2015 - Ảnh: Reuters
"Xin hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa", ông Tập nói trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore, nhân chuyến thăm Singapore ngày 7.11, theo AFP.
"Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc", ông Tập nhấn mạnh.
Trung Quốc thời gian gần đây đẩy mạnh việc xây dựng những đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" phi lý nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Ông Tập cho rằng "những hòn đảo của Trung Quốc" trên Biển Đông đang bị các quốc gia láng giềng chiếm đóng (?), và nói rằng những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình.
"Người Trung Quốc chúng tôi tin rằng... người giàu và mạnh không nên bắt nạt người nghèo và yếu thế", ông Tập nói.
Ông Tập cho biết thêm: "Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại".
Mỹ trước đó đã cảnh báo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.
Vào ngày 27.10, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quan những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa. Trung Quốc phản ứng gay gắt trước động thái của Mỹ và điều hai tàu khu trục bám đuôi USS Lassen.
"Chưa từng có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không và cũng sẽ không có vấn đề gì trong tương lai, bởi vì Trung Quốc cần vận chuyển hàng hóa thông qua Biển Đông hơn bất kỳ quốc gia nào khác", ông Tập nói.
Chủ tịch Tập cho biết thêm "các nước không phải ở châu Á nên hiểu và tôn trọng điều này và nên có những đóng góp tích cực hơn", được cho là ám chỉ Mỹ.
Nhân chuyến thăm Singapore, ông Tập sẽ hội đàm với lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Đây được đánh giá là cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Khu trục hạm Trung Quốc diễn tập đối kháng trên Biển Đông Tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải đến một khu vực không tiết lộ trên Biển Đông diễn tập đối kháng, không lâu sau khi một tàu hải quân Mỹ tuần tra trong khu vực để khẳng định tự do hàng hải. Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Trung Quốc tham gia diễn tập đối kháng trên biển ở Biển...