Phân tích tâm lý sinh viên khi học online suốt 2 năm: Không biết “mùi” đại học thế nào, sợ ngành học của mình bỗng dưng… biến mất
2 năm là quãng thời gian đủ để sinh viên thích nghi với kiểu học mới – học online. Tuy là đối tượng dễ làm quen nhất, song việc học trực tuyến cũng khiến cho nhiều bạn trẻ lo ngại về định hướng tương lai sau này của mình.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hơn 70.000 cử nhân bị chậm tốt nghiệp, có nguy cơ công việc bị ảnh hưởng trong tương lai do dịch Covid-19.
Đó là con số “biết nói” về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sinh viên. Hàng loạt câu hỏi mà người trẻ phải đối mặt như: Ra trường làm gì? Học ngành này có ổn? Công việc có bị ảnh hưởng bởi dịch?…
Một đối tượng phải chịu ít nhiều tác động của việc học online kéo dài. Để sinh viên phải học cách thích nghi, không phải là điều dễ dàng…
Tâm lý bất ổn: Không biết “mùi” đại học thế nào, học online stress và áp lực
Sinh viên là một trong những nhóm người cảm nhận rõ nhất những tác động của việc học online kéo dài. Không giống nhóm đối tượng học sinh, sinh viên có xu hướng dễ dàng học online hơn, nhưng sẽ bị tác động lâu dài do công việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Phạm Hoàng (18 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn) vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đầy khó khăn. Cậu bạn cũng đã có 2 năm thích nghi và sống chung với việc học online.
Nhận kết quả đậu đại học từ những ngày cuối tháng 9, đến nay đã sắp hoàn thành học kỳ 1 của năm nhất trên môi trường Đại học, mọi thứ diễn ra với Hoàng đều là online, khai giảng online, ngày hội chào đón tân sinh viên cũng online,…
Hoàng còn cho biết thêm: “Mình đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, mệt mỏi với việc ngày ngày phải dán mắt vào màn hình laptop. Mọi việc đều là trải nghiệm online, trải qua một kỳ học nhưng mình chẳng cảm nhận được mình đã và đang học đại học.
Thật sự, qua một kỳ học thứ mình nhận là stress khá nhiều vì chưa thích nghi được với sự thay đổi môi trường và cách học. Cứ phải đứng trước sự ngờ vực của việc học đúng ngành chưa, mình có đang được là mình không. Nó ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe tinh thần, mệt mỏi và muốn thoát ly thật nhanh”.
Cũng không khá hơn trong tâm trạng và cảm xúc, Hoàng Dương (sinh viên năm nhất Đại học Tôn Đức Thắng) tâm sự rằng: “Thật sự, 12 năm học phổ thông trôi qua mình chưa từng học online bao giờ, đây là lần đầu. Mình mất rất nhiều thời gian trong việc thích nghi hình thức học tập mới, chuyện gia đình, chuyện học và cả số ca bệnh tại quê nhà làm mình căng thẳng hơn trong cách hành xử và kiểm soát cảm xúc”.
Sinh viên năm cuối: Không được đi thực tập, bị trì hoãn kế hoạch tương lai
Kỳ thực tập vào tháng 7 để đúng với lộ trình kết thúc 4 năm tại giảng đường đại học, giờ đây mọi thứ vẫn “đóng băng” chưa được quyết định ngày giờ. Thời điểm này đáng lẽ các sinh viên năm 4 đã được yên vị tại chỗ thực tập và chuẩn bị hoàn thành các môn học, đồ án, luận án để tốt nghiệp và xin việc làm.
Nhưng năm nay, mọi thứ đã bị trì hoãn vô thời hạn, nhiều sinh viên không biết thời gian tới mình sẽ đi đâu, về đâu do mọi thứ diễn ra online.
Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những bạn trẻ đang trên con đường khẳng định bản thân. Họ luôn trong trạng thái chông chênh, gồng mình vượt qua, nhưng không phải may mắn chia đều cho tất cả. Đứng trước con đường tương lai có phần mịt mù, họ phải lựa chọn và đối diện với những khó khăn thử thách.
“Mình thật sự không muốn nhớ và nhắc lại khoảng thời gian suốt 7 tháng vừa qua, những lần họp lớp online, những tin nhắn và thông báo trong group lớp làm mình cảm thấy bế tắc. Đến thời điểm hiện tại, mình đã nhận 7 lần thông báo về việc thay đổi kế hoạch thực tập. Mong chờ rất nhiều và sau đó mình nhận lại được là thất vọng” – Phương Anh (sinh viên năm cuối, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn) cho biết.
Video đang HOT
Nữ sinh Phương Anh
Việc học trực tuyến còn khiến cho nhiều bạn trẻ không có cơ hội đi thực tập trực tiếp. Cô bạn Hạnh Trang (sinh viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho hay:
“Đặc thù chuyên ngành báo chí của mình thì học online thực sự rất khó khăn vì mình không thể đi thực tế để làm bài tập. Mình đã dự định sẽ đi đến một số địa phương để hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi đây ở kỳ học này, nhưng đành chôn chân ở nhà. Việc không thực hiện đúng kế hoạch của bản thân do dịch bệnh đã làm mình mất đi nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế”.
Sinh viên đau đầu không biết ra trường sẽ làm gì, lo lắng công việc mình chọn bỗng dưng… biến mất
Đại dịch đã buộc nhiều sinh viên đại học và sinh viên mới tốt nghiệp phải suy nghĩ lại về kế hoạch nghề nghiệp của chính mình. Ngành nào bị tác động? Ngành nào hụt nhân sự?… Đó là loạt câu hỏi khó trả lời trước khi bước ra trường.
Khi ai đó nhắc đến chuyện tốt nghiệp, tìm việc làm – điều này đã dần trở thành một nỗi ám ảnh và áp lực đối với Thanh Mai. Cô bạn may mắn hoàn thành và xong chương trình cử nhân Sư phạm đúng hạn và tốt nghiệp vào tháng 10 vừa qua. Nhưng nỗi niềm trăn trở lúc này là xin việc làm. Theo như kế hoạch đã được định sẵn, Mai sẽ hoàn thành mọi thủ tục trước tháng 10 để kịp nộp hồ sơ thi viên chức trong năm nay. Nhưng dịch bệnh cùng khoảng thời gian giãn cách kéo dài đã khiến cô phải trì hoãn tất cả.
“Mình đã rất khó khăn để đủ điều kiện tốt nghiệp, kỳ thi Tiếng Anh lấy chứng chỉ đã dời hạn rất nhiều lần làm mình không biết phải xoay xở thế nào. Giờ đây, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay thì cũng đã quá hạn thi viên chức. Mình cố gắng nhưng thật sự bất lực vì không thể xoay chuyển tình hình được. Đành đợi chờ và mong năm sau mọi thứ sẽ ổn hơn với mình”.
Tính đến tháng 4/2021, có hơn 22 triệu việc làm đã “biến mất” tại Mỹ, khiến sự ổn định về việc làm trở thành mối quan tâm hàng đầu trong tâm trí của nhiều sinh viên. Tại Việt Nam, hơn 70.000 cử nhân không kịp tốt nghiệp và bị gián đoạn về tương lai, cũng như những cơ hội trong cuộc sống.
Những con số “biết nói” này còn thể hiện được cả tâm trạng của sinh viên đại học và sinh viên mới tốt nghiệp. Đại dịch kéo đến làm những cô cậu sinh viên như đứng trước ngã ba đường, luôn phải chọn lựa và đáp án vẫn là một năm phí hoài và chưa có sự ổn định. Thanh Thanh (sinh viên vừa tốt nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cùng nỗi niềm.
“Khi Hà Nội giãn cách, mình đã một mình mắc kẹt ở giữa Hà Nội này chờ đợi cơ hội. Mình chờ mãi, chờ rất lâu… Mình đã từng muốn về quê, sống gần gia đình, mình cũng từng nghĩ rằng thứ mình mong muốn có lẽ không có duyên với mình. Nhưng mình vẫn miệt mài, kiên trì thật nhiều. Sau khi hết giãn cách, mình đã đi phỏng vấn ở nhiều nơi, nhưng cũng rất mệt mỏi, vì thất bại nối tiếp”.
Sinh viên cần phải làm gì để ổn định tâm lý khi học online kéo dài?
Chia sẻ về cảm xúc sinh viên khi học online, Thạc sĩ Nguyễn Viết Chung, giảng viên bộ môn Tâm thần và Tâm lý học Lâm sàng tại ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
“Học online sẽ làm các bạn sinh viên mất phương hướng, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Sinh viên là người trẻ muốn thể hiện mình, cần trải nghiệm thực tế, cần cộng đồng nên khi mọi thứ online các bạn không được bộc bạch suy nghĩ, từ đó dẫn đến các bạn tự ti hơn và mơ hồ về mục đích của cuộc sống.
Việc học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập chung cũng như tương tác xã hội của học sinh. Bởi khi đi học trực tiếp, học trò được đi ra ngoài, đến trường, nói chuyện với bạn bè… cũng là cách để giải toả stress và tăng tính sáng tạo. Nếu học online kéo dài sẽ mất đi nguồn năng lượng ấy, khiến cho học sinh dần trở nên cô độc, chán nản, không được giải toả năng lượng trong mình.
Khi đó các bạn dễ mắc các căn bệnh tâm lý như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… hoặc nhẹ nhất cũng là nhìn nhận mọi thứ xung quanh tiêu cực. Trẻ con lại là đối tượng dễ bị tác động hơn cả”.
Anh Chung cho rằng nếu sinh viên không có gì làm thêm cũng sẽ quanh quẩn, mất động lực. Vị bác sĩ cũng gửi lời khuyên cho các bạn sinh viên nên học cách thích nghi vì đây là điều thực tế không thể thay đổi được để vượt qua giai đoạn này.
Dù khó khăn vẫn còn phía trước, dịch bệnh vẫn đang diễn ra nhưng hơn hết một tín hiệu tích cực đã trở lại với ngành giáo dục khi trường học đang dần được mở cửa và đón sinh viên trở lại trường. Trước những bỡ ngỡ và thách thức, một lần nữa chúng ta sẽ, đã và đang cùng nhau tiếp tục tìm hướng giải quyết các vấn đề xoay quanh, trong đó có những nỗ lực cải thiện tâm lý học đường cho học sinh, cố gắng chia sẻ và hiểu nhau hơn giữa thầy và trò, gắn kết giữa gia đình, nhà trường và học sinh.
Sinh viên cũng khổ sở với học online
Việc học online đối với cả sinh viên ở bậc cao đẳng, đại học cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì.
Không chỉ mệt mỏi, hiệu quả học giảm sút mà nhiều sinh viên còn rơi vào tình thế phải thi lại, bị cấm thi... vì trục trặc kỹ thuật, rớt mạng...
Sợ điểm danh, rớt mạng
Đối với nhiều sinh viên phải học online kéo dài, điều ám ảnh nhất là "mất mạng" và điểm danh. Những tai nạn này có thể ảnh hưởng đến kết quả của cả quá trình học tập. Thảo Phương, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng, cho rằng, một trong những khó khăn khi vừa vào ĐH là vấn đề học online.
Có nhiều môn phải làm kiểm tra trực tuyến nên khi đường truyền mạng không ổn định, gặp trục trặc dẫn đến không kịp giờ làm bài xảy ra thường xuyên. Khi rớt mạng, không thể chuyển sang điện thoại để lên 4G làm bài được, bởi học trên điện thoại thường chỉ nghe giảng, trao đổi với lớp chứ không thao tác làm bài.
Giảng viên Phạm Quỳnh Anh trong giờ dạy online
Nhiều sinh viên cho biết rất sợ rớt mạng khi học, nhất là nếu trúng vào đoạn giảng viên điểm danh mà không hay biết thì coi như bị tính vắng cả buổi đó. Chưa kể, trong đợt thi vừa rồi, không ít sinh viên bị rớt mạng, trục trặc kỹ thuật phải lập tức chụp lại màn hình làm bằng chứng gửi email về cho trường. Nếu kịp giờ làm bài tiếp thì sẽ vào lại làm luôn (sẽ không được bù giờ), không kịp thì phải chờ trường xem xét sắp xếp cho thi lại buổi sau.
Một sinh viên trường cao đẳng tại TPHCM mới đây đã yêu cầu nhà trường giải quyết học vụ, xem xét cho tham gia thi môn tin học. Nguyên nhân khiến sinh viên này không có tên trong danh sách thi là do nghỉ quá số tiết quy định. Việc nghỉ quá số tiết bị cấm thi là đúng, tuy nhiên, theo trình bày gửi đến nhà trường, sinh viên đưa ra lý do để xin được thi là lúc còn học trực tiếp có đi học trễ vì thường xuyên đi làm khuya; lúc học online thì do trục trặc kỹ thuật không nghe giảng viên nói gì nên có lần đã bỏ lỡ điểm danh...
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM, chia sẻ: Thực tế, trong quá trình dạy online sẽ có nhiều vấn đề, từ kỹ thuật cho đến kỹ năng ứng phó với sinh viên. Không ít sinh viên cũng có "chiêu" nhờ người học giùm, đưa đường link để hacker tấn công vào phòng học... Vì vậy, bắt buộc thầy cô phải có nhiều cách để giúp sinh viên học hiệu quả, chuyên cần, mà điểm danh hoặc kiểm tra đột xuất là một trong số đó.
Trường, khoa sẽ có quy định về tỷ lệ số giờ học được phép vắng, cách tính điểm của một môn học bao gồm điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Từ đó, giảng viên của từng môn sẽ "giao kèo" với sinh viên về tỷ lệ điểm chuyên cần, điểm danh hoặc kiểm tra sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu...
Với những giảng viên cởi mở, năng động thường không quá quan trọng điểm danh mà sẽ kiểm tra, đóng góp ý kiến, thuyết trình. Nhưng một số giảng viên chọn theo hướng truyền thống thì điểm danh đều đặn.
Không gian mở cần cách quản lý mở
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, học online là không gian mở, chú trọng nhiều hơn vào khả năng tự học và thích nghi của người học với nguồn học liệu mở dồi dào. Vì vậy, chúng ta cũng phải mở với cách quản lý lớp học, sinh viên.
Đôi khi người học không cần phải có mặt đầy đủ tất cả buổi trên lớp học ảo mà tâm trí đang lướt Facebook hoặc "check in" trên Instagram. Thay vào đó, sinh viên có thể tích lũy kiến thức từ các nguồn tài liệu, ghi âm và nghe lại bài giảng... miễn sao đạt được yêu cầu.
Hướng đến hiệu quả
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Do trường đã triển khai việc học online khá bài bản nên những khiếu nại, phản ánh về sự cố dẫn đến thiệt thòi cho người học trong thời gian qua rất ít. Thỉnh thoảng, vẫn có tình trạng sinh viên bị "out" khỏi lớp, rớt mạng thì báo ngay với giảng viên xin lại file ghi âm bài giảng của giảng viên (các chương trình có bản quyền như Zoom, MS Teams... đều có chức năng ghi âm, ghi hình lớp học).
Trong trường hợp sinh viên không đủ điều kiện học online tốt thì trường sẵn sàng hoàn trả học phí và các em sẽ tích lũy học phần đó sau khi quay lại học trực tiếp. Còn trong thời gian thi gặp sự cố về đường truyền, kỹ thuật, nhà trường có thể sắp xếp để sinh viên thi lại vào buổi khác...
Trong tình thế học online thế này thì bản thân giảng viên và nhà trường cần có cách xử lý linh động, không nên cứng nhắc, việc cấm thi cũng phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn là chỉ căn cứ vào quy định. Ngoài ra, bản thân người học cũng phải chuyên cần học tập, có khó khăn gì phải báo ngay với giảng viên, khoa, phòng đào tạo để được hỗ trợ giải quyết.
Giảng viên Phạm Quỳnh Anh, Khoa Cơ bản Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho rằng: Để một lớp học online diễn ra hiệu quả, tạo động lực cho sinh viên, khiến sinh viên tích cực, chủ động trong học tập, bên cạnh việc tập trung vào kiến thức, bản thân giảng viên cũng cần thay đổi.
Thứ nhất, hãy luôn nhấn mạnh mục tiêu môn học hướng đến. Khi sinh viên hiểu được giá trị môn học mang lại, các bạn sẽ có thái độ nghiêm túc để tiếp thu kiến thức và không bỏ lỡ các buổi học.
Thứ hai, đa dạng các hoạt động tương tác, khuyến khích sự tham gia của người học. Khác với phương pháp dạy học cũ - giảng viên nói, sinh viên nghe và ghi chép, phương pháp học tập qua trải nghiệm rất phù hợp với hình thức dạy học online. Mỗi môn học đều có đặc thù khác nhau, nhưng việc sinh viên được chia sẻ kiến thức, bày tỏ quan điểm sẽ giúp các em có những kỹ năng, cởi mở, tự tin, dễ dàng thích nghi, linh hoạt, lớp học trở nên sôi nổi.
Thứ ba, phải làm chủ các công cụ dạy học trực tuyến. Tổ chức trò chơi trực tuyến, các hoạt động tương tác, đóng góp ý kiến thông qua các công cụ sẽ làm cho lớp học thú vị hơn. Bằng không, người học sẽ nhàm chán khi phải ngồi trước máy tính nhiều tiếng đồng hồ mà không được tham gia bất cứ hoạt động nào.
"Tôi muốn nhấn mạnh từ "làm chủ" - có nghĩa là giảng viên không nên quá lạm dụng các công cụ. Nếu giải quyết được các vấn đề trên thì không cần đến cách điểm danh truyền thống sinh viên vẫn có mặt trên lớp. Tất nhiên, việc đánh giá sinh viên sau khi kết thúc môn học phải dựa vào quy định của môn học (về số buổi tham gia lớp học, kết quả thực hiện bài tập...) cũng như sự tương tác, tích cực trong giờ học. Vì thế, sinh viên cũng cần phải hết sức cố gắng, chuyên cần", cô Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Nhiều sinh viên không hài lòng chất lượng bài giảng online
ĐH Quốc gia TPHCM vừa công bố về sự tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐH này do Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện. Với hơn 37.000 phản hồi từ sinh viên, nghiên cứu đã phác họa rõ nét những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch mang tới đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Sinh viên có xu hướng lo lắng vì lý do trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, sự mất đi nền nếp của trường học...
Gần 59% sinh viên lo lắng về khả năng đóng học phí. Có đến 56,8% sinh viên cho biết thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, thể hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn COVID-19 còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến...
Trường đại học đầu tư phim trường cho sinh viên trải nghiệm
Ngày 9/11, Trường đại học Hoa Sen đưa vào sử dụng phim trường You Rock Studio để phục vụ giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và trải nghiệm học tập. Đây sẽ là không gian để sinh viên thể hiện ý tưởng sáng tạo, tổ chức hội thảo, talk show, cuộc thi, chụp hình, quay phim, sinh hoạt câu lạc bộ...
Phim trường được thiết kế theo mô hình hiện đại có thể sử dụng cho cả hoạt động trực tuyến và trực tiếp, phát huy đúng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực từ giảng dạy online đến việc tổ chức các buổi webinar, online workshop... Ngoài ra, có thể kể đến chức năng ghi hình bài giảng, chức năng minh họa sống động giúp tăng tính hứng thú, hấp dẫn hơn cho các buổi học.
Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, cho biết: Nhà trường sẽ tiếp tục lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của người học để đầu tư thêm các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để sinh viên có thể trải nghiệm, thực chiến được hầu hết các hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Qua đó, gia tăng giá trị trải nghiệm nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, tự chủ, thúc đẩy tư duy thực chiến cho người học trên con đường học thuật và phát triển sự nghiệp sau này.
Tiêu Hà
Sau thời gian dài học online, sinh viên ngại ngần, hoang mang trước lúc trở lại trường Sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh, hiện nhiều trường đại học bắt đầu chuẩn bị các biện pháp an toàn phòng chống dịch để sẵn sàng đón sinh viên trở lại trường. Tuy nhiên, nhiều sinh viên lại có tâm lý ngại ngần khi đi học trực tiếp. Vấn đề này sẽ là một bài toán tâm lý mà...