Phạm tội sau khi sử dụng rượu, bia: Không được xem xét tình tiết giảm nhẹ
Sau khi Báo ANTĐ có bài viết phản ánh về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, một trong những vấn đề “ nóng” ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế- xã hội, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Công ty Luật S&B về thực trạng này.
Lạm dụng rượu bia đang là hiện trạng đáng lo ngại, để lại nhiều hậu quả tiêu cực
- PV: Ông đánh giá như thế nào về những quy định liên quan đến việc kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng rượu bia hiện nay?
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thực tế, những quy định về kiểm soát rượu bia chủ yếu tập trung vào các sản phẩm do Nhà nước sản xuất và nhập khẩu. Cơ sở nào có giấy đăng ký kinh doanh là được nhập khẩu, lưu hành. Trong khi đó, vấn đề kiểm soát nhu cầu về bia rượu hay hành vi tiêu dùng đang bị bỏ ngỏ, hậu quả là tỷ lệ vị thành niên và thanh niên sử dụng rượu bia gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Mặc dù việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu rượu, bia và đồ uống có cồn đã được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật, nhưng vẫn chưa cụ thể và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc tăng cường quản lý, kiểm tra đối với hành vi buôn bán, nhập khẩu, sản xuất rượu giả, không bảo đảm chất lượng, gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.
- Thực tế cho thấy nếu không có biện pháp kiểm soát, định hướng, Việt Nam sẽ đón những hậu quả xấu từ bia, rượu?
- Trong suy nghĩ nhiều người, việc sử dụng rượu bia còn là cần thiết trong mọi hình thức giao tiếp, biếu xén, làm ăn, lễ lạt, hiếu hỷ. Điều đáng nói là xu thế này ngày càng gia tăng và trở nên khó kiểm soát. Ước tính phí tổn do rượu bia bao gồm cả dung nạp và giải quyết hậu quả do rượu bia gây ra chiếm từ 2-8% GDP của nhiều quốc gia. Tác hại của rượu bia đến xã hội đã quá rõ ràng, nhưng hiện nay, việc sử dụng rượu bia vẫn diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 42,7% người đã từng sử dụng rượu bia trước 14 tuổi. Trong nhóm tuổi bị cấm sử dụng rượu bia (14-17 tuổi), 21% cho biết đã từng say. Vì vậy, việc kiểm soát bia rượu là một trong những vấn đề “nóng”, cần được quan tâm, tránh những hệ luỵ lâu dài cho xã hội.
- Pháp luật có nên xem xét tình tiết giảm nhẹ cho đối tượng gây án sau khi sử dụng rượu bia?
- Không có chuyện xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các đối tượng gây án sau khi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Điều 14 – Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Bởi, bất kỳ một lý do lớn, nhỏ, tiềm ẩn hay bộc phát nào đó, khi đối tượng có chất kích thích trong người và bị tác động bởi một số yếu tố bên ngoài, sẽ không thể kiểm soát được hành vi phạm tội và trở thành tội phạm. Nếu người bị các chất kích thích điều khiển mà xâm phạm thân thể người khác dẫn đến thương tích, sẽ bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích”. Nếu tước đoạt đi mạng sống người khác, tội phạm sẽ bị truy cứu về hành vi “giết người”. Pháp luật rất nghiêm minh và kẻ phạm tội đến đâu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đúng với tội danh đã gây ra.
Video đang HOT
- Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 244 nhằm phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn đến năm 2020 sẽ không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Đây có phải là biện pháp mạnh để giảm số lượng tiêu thụ rượu, bia của người Việt xuống mức thấp, thưa ông?
- Theo Quyết định này, mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến năm 2020 là sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đồng thời phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững; tăng cường một số giải pháp như không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trên vỉa hè, bán bằng máy bán tự động, bán cho người có biểu hiện say, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai… Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cộng đồng không lạm dụng đồ uống có cồn trong đám tang, lễ hội, đám cưới, hộ gia đình không nấu rượu…
Tuy vậy, chúng ta cần đưa ra các giải pháp đồng bộ khác như kiểm soát việc sử dụng, cung cấp, giám sát và xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hành vi nhập lậu liên quan đến các sản phẩm này. Có như vậy mới giải quyết được những vấn nạn liên quan đến bia, rượu và giảm tỷ lệ lượng rượu, bia mà Việt Nam tiêu thụ xuống mức thấp.
Theo ANTD
Một cô gái giả mạo facebook của diễn viên Diễm Hương để vay tiền: Có phạm tội lừa đảo không?
Sáng 26-3, qua Facebook, nhiều người nhận được thông tin diễn viên điện ảnh Diễm Hương bị tai nạn giao thông tại vòng xoay TP Vũng Tàu khi đi tìm cơ hội đầu tư nhà hàng tại đây. Diễm Hương bị đứt dây chằng gối và sẽ được phẫu thuật vào 15 giờ cùng ngày. Tiếp theo, một số bạn bè của diễn viên này nhận được tin nhắn hỏi mượn tiền để lo chi phí cho ca phẫu thuật.
Nội dung vụ án
Nội dung tin nhắn: Do chồng Diễm Hương chưa kịp gửi tiền từ Canada về cho cô và tiền mang theo cô trót cho nghệ sĩ N.C.T, đạo diễn P.S mượn nên hiện không còn tiền. Nếu bạn bè giúp đỡ cho mượn tiền thì con gái riêng của Diễm Hương có nickname là Tina đang ở TP.HCM sẽ đến nhận. Cũng từ tin nhắn của Facebook Diễm Hương lưu ý: Trưa 19-3, Tina đã bị cướp giật giỏ xách trong đó có nhiều tiền, hộ chiếu, hợp đồng làm ăn.
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nick, hình ảnh Diễm Hương kết bạn với nhiều giới nghệ sĩ trong và ngoài nước. Nick Diễm Hương thông báo cô đã về Việt Nam sống trong căn biệt thự tại Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) cùng các con. Khoảng cuối năm 2013, nick Diễm Hương thông tin con gái riêng là Tina vừa tốt nghiệp thạc sĩ báo chí ở Mỹ và sắp vào làm việc tại một tờ báo lớn ở TP.HCM.
Thông tin Diễm Hương bị tai nạn đã được phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM xác minh. Được biết trong hai ngày (25 đến 26-3) không có vụ tai nạn giao thông nào tại vòng xoay Vũng Tàu. Tại các bệnh viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chẳng có ca mổ dây chằng gối nào cho bệnh nhân nữ. Giữa diễn viên Diễm Hương và nghệ sĩ N.C.T thì từ lâu không gặp nhau và họ không hề vay mượn tiền bạc gì.
Kết cục đó chỉ là nick mạo danh của diễn viên điện ảnh Diễm Hương do một cô gái có tên là N.P.H.M, hiện ở quận 7 tạo dựng. Theo H.M, từ lúc giả nick Diễm Hương, cô chỉ đóng vai diễn viên này để điện thoại trò chuyện với các diễn viên, nghệ sĩ mà mình ái mộ. Gần đây, do thiếu tiền đóng học phí (H.M đang là sinh viên) nên H.M dựng lên kịch bản Diễm Hương bị xe tông ở Vũng Tàu nhưng chưa lừa lấy tiền của ai thì bị phát hiện. Ngoài ra, H.M thú nhận cô còn giả Facebook của hoa hậu Mai Phương Thúy. Đến 16 giờ ngày 26-3, toàn bộ các Facebook do H.M lập ra mạo danh Diễm Hương, Mai Phương Thúy đã bị khóa.
Vấn đề đặt ra là cô gái P.T.H.M. đã có hành vi vi phạm những điều luật nào và nên xử lý ra sao?
Ý kiến bạn đọc
Đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cô gái H.M. mạo danh một diễn viên nổi tiếng để gây dựng quan hệ sau đó vay mượn tiền, là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cô gái này có động cơ lừa đảo, được thể hiện rõ bởi cô đã có sự giả mạo trước, chiếm lòng tin sau đó mới dựng chuyện để chiếm đoạt tiền. Hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật, dùng lời nói dối trá, giả danh người có uy tín để sau đó dễ vay mượn tiền của người khác là hành vi chiếm đoạt tài sản. Với những thủ đoạn này, người có chủ ý lừa đảo làm cho người chủ tài sản tin nhầm tưởng giả là thật, tưởng kẻ gian là người ngay mà "tự nguyện" trao tài sản để họ chiếm đoạt. Cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 139 Bộ Luật Hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi giả mạo trên mạng viễn thông để lừa đảo hiện nay xảy ra nhiều, bạn đọc nên cảnh giác, mặt khác các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần nghiêm trị các đối tượng này.
Nguyễn Thị Linh (TP Hạ Long, Quảng Ninh)
Chỉ là thích quan hệ với những người nổi tiếng
Theo tôi, cần có cái nhìn vị tha hơn đối với cô gái nhỏ này. Thấy diễn viên Diễm Hương xuất hiện ở Việt Nam, cô gái này đã giả mạo tên diễn viên này, lập tài khoản Facebook có tên Diễm Hương để tạo điều kiện quan hệ với các diễn viên, ca sĩ. Trong một năm, qua điện thoại, qua trang mạng mang tên Diễm Hương, cô gái này đã làm quen, trao đổi với rất nhiều diễn viên, ca sĩ nhưng chưa bao giờ cô có hành vi vay mượn, xin xỏ hoặc kiếm lợi từ các mối quan hệ này. Chỉ đến khi gặp khó khăn trong đời sống, bí quá, cô mới sử dụng các mối quan hệ này để vay tiền. Bài học này với một cô sinh viên trẻ cũng đã đắng cay lắm rồi. Tôi tin cô gái này sẽ nhận ra lỗi lầm của mình sau sự kiện này.
Ông Trần Văn Dũng (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội)
Có dấu hiệu quan trọng của tội lừa đảo
Hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc mạng viễn thông gây án đang phát triển. Với ưu thế có thể ẩn danh, không kiểm tra, kiểm soát được, tình trạng giả danh để chiếm đoạt tài sản đang diễn ra hàng ngày. Cô H.M này có thể không có động cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lập tài khoản Facebook mang tên diễn viên Diễm Hương, nhưng cô có động cơ lừa đảo khi dựng chuyện diễn viên Diễm Hương bị tai nạn. Gian dối để chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu quan trọng nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của cô gái này đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ các quan hệ ảo dễ dẫn đến quan hệ thật và vì có sự cho phép ẩn danh, những hành vi lừa đảo dễ xảy ra.
Tôn Nữ Bích Hằng (Đường Tôn Đản, TP Huế)
Bình luận của luật sư
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng các thủ đoạn gian dối, cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác thành tài sản của mình. Điểm cơ bản để phân biệt tội này với các tội xâm phạm sở hữu khác được quy định trong BLHS bởi đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản, cụ thể là: trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và người phạm tội phải đồng thời thực hiện hai hành vi là hành vi gian dối với nạn nhân và hành vi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Vậy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản về nguyên tắc phải có người bị hại và có tài sản bị chiếm đoạt. Trong vụ việc này, cô gái H.M đã có các hành vi gian dối, có ý định vay mượn, nhưng như nội dung vụ việc cho thấy, chưa ai cho cô H.M vay mượn và chưa ai bị chiếm đoạt tài sản. Chưa có người bị hại và không có tài sản bị chiếm đoạt, về mặt pháp lý, cô H.M chưa phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhưng cô H.M vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật. Đó là xâm phạm lợi ích và làm tổn hại danh dự của diễn viên Diễm Hương qua việc mạo nhận là nữ diễn viên, thêu dệt những chuyện không có như tai nạn, thiếu tiền... trên các mạng xã hội. Hành vi này được quy định tại điều 122 - Bộ luật Hình sự với tội vu khống với nội dung: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và với tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù tới 7 năm.
Lưu ý là nội dung của thông tin sai sự thực phải thể hiện sự xúc phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu người phạm tội nhầm tưởng thông tin mình loan truyền là đúng sự thực thì hành vi không cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, cô H.M đã lan truyền những tin không có thật như diễn viên Diễm Hương bị tai nạn phải phẫu thuật, hoa hậu Diễm Hương bị kẹt tiền... những thông tin sai này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi và danh dự của diễn viên Diễm Hương. Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật tố tụng hình sự thì tội vu khống (nếu không có tình tiết tăng nặng) chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp này nếu diễn viên Diễm Hương yêu cầu khởi tố cô H.M, cơ quan điều tra sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của cô H.M. Nếu diễn viên Diễm Hương không khiếu kiện, cô H.M cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thật sự đây sẽ là bài học nhớ đời cho cô gái trẻ H.M và là bài học cho tất cả những người thường lợi dụng internet để phục vụ những mục đích riêng của mình. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Theo ANTD
Vụ Huyền Như: Lý lẽ của Viện Kiểm Sát tại Tòa Phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như đã bước sang phần nghị án, dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 27/1. Xung quanh phiên xét xử siêu lừa này, còn rất nhiều vấn đề pháp lý cần được làm rõ. Phiên toà xét xử vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tạm khép lại trong thời gian chờ HĐXX nghị...