Phạm Huỳnh Tam Lang cái tên đi vào huyền thoại
Với những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, thật bất ngờ khi sáng 2.6 nhận được thông tin là cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang đã ra đi sau cơn đột quỵ. Ông từng nhiều tháng nay bị bệnh, cứ ngỡ bệnh Gut chỉ làm ông đi lại khó khăn chứ nào nghĩ chính bệnh này làm ông bị đột quỵ và mãi mãi ra đi.
Đã từ rất lâu, cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang đã trở thành quen thuộc với giới hâm mộ túc cầu giáo cả nước. Ông từng là cựu cầu thủ của đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng Hòa, rồi là nguyên huấn luyện viên trưởng CLB bóng đá Cảng Sài Gòn và nguyên là huấn luyện viên ĐTQG Việt Nam. Phạm Huỳnh Tam Lang được coi là một trong những trung vệ xuất sắc trong lịch sử bóng đá Việt Nam và Châu Á.
Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14.2.1942 tại Gò Công, Tiền Giang. Cha ông là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1945. Khi còn là học sinh, ông thi đấu cho đội tuyển của trường Trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). Năm 1957, lúc mới 15 tuổi, ông vào thi đấu ở đội Ngôi sao Chợ Lớn. Bóng đá đã tạo ra số phận và sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang. Vì đam mê khiến ông bỏ dự định vào đại học để chuyển sang sự nghiệp bóng đá. Năm 1960, khi 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam. Ông sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam. Năm 1993, Phạm Huỳnh Tam Lang được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang đã qua đời sau cơn đột quỵ.
Trước đó, năm 1966, Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, ông cùng đội tuyển đã giành được cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á”. Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS (Association de la Jeunesse sporttive) và Cảng Sài Gòn. Năm 1981, Ông được ngành TDTT Thành phố Hồ Chí Minh cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Kết thúc khóa học, Tam Lang nhận được bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu.
Video đang HOT
Trên cương vị huấn luyện viên, Tam Lang ông giành phần lớn sự nghiệp của mình ở đội Cảng Sài Gòn và giành được nhiều danh hiệu quan trọng nhất trong lịch sử của đội này. Ông góp công lớn mang về cho đội bốn chức vô địch vào các mùa bóng: 1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002 và hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia 1992 và 2000, cùng hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam. Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam. ông cũng đảm nhận vai trò huấn luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.
Năm 2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn bị xuống hạng, Tam Lang cũng chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, kết thúc 28 năm nắm đội Cảng Sài Gòn. Ông đã tạo ra một thời kỳ lịch sử quan trọng của đội bóng này. Sau khi rời Cảng Sài Gòn, Tam Lang được mời về với Câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh để huấn luyện cho các cầu thủ trẻ. Lứa cầu thủ trẻ tài năng này đã thăng hạng nhất ngay sau đó.
Nhưng đáng nhớ nhất với ông chính là nỗi đau khi Cảng Sài Gòn rớt hạng năm 2003, một năm sau ngày đoạt chức vô địch. Sau lúc đưa Cảng Sài Gòn đến với chức vô địch thứ ba trong lịch sử CLB, ông xin rút để giữ chân cố vấn kỹ thuật nhưng lãnh đạo không đồng ý. Đến lúc rớt hạng thì trách nhiệm trút hết lên đầu và ông bị quy kết là nguyên nhân chính khiến CLB rớt hạng.
Trong cuộc đời mình ông cũng không bao giờ quên thất bại cay đắng trong ba năm liền của bóng đá VN khi làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Đó là những cột mốc mà chúng ta đánh rơi chức vô địch ngay trong tầm tay. Tất nhiên buồn nhiều mà vui cũng nhiều, vui nhất là việc ông đã giúp bóng đá nước nhà có được những cầu thủ tài hoa, đi lên bằng chính tài năng bẩm sinh như Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Khải…
Ông Tam Lang từng bộc bạch: “Bóng đá đã giúp tôi thành danh. Qua bóng đá tôi may mắn được nhiều người biết đến. Nhiều khi cần làm một việc gì đó tự nhiên có người yêu quý giúp đỡ. Những cổ động viên, những khán giả yêu mến đôi khi gặp trên đường mọi người nhận ra, “ới” một tiếng – niềm hạnh phúc mà với tôi không gì sánh được”.
Tết này, ông Tam Lang đã bước sang tuổi 73, nhưng dù sức khỏe không còn như xưa, nhưng hiếm khi nào thấy ông vắng mặt tại các sự kiện của làng túc cầu giáo TPHCM.
Theo VNE
Cầu thủ 'thế hệ vàng' tiếc thương Tam Lang
Hồng Sơn, Minh Chiến, Đỗ Khải... bày tỏ sự hụt hẫng sau cái chết bất ngờ của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang.
Phạm Huỳnh Tam Lang (phải) là một trong số rất ít người làm bóng đá được nhiều thế hệ tôn kính. Ảnh: Đức Đồng.
Cựu danh thủ Tam Lang qua đời hôm nay 2/6 ở tuổi 72, sau một cơn đột quỵ. Sinh thời, ông là cầu thủ tài năng thi đấu nhiều năm cho đội tuyển miền Nam, và đạt nhiều thành tích ấn tượng trên cương vị HLV trưởng câu lạc bộ Cảng Sài Gòn - đỉnh cao là chức vô địch Quốc gia năm 1986, 1993, 1994 và 2002. Dưới bàn tay của ông, Cảng Sài Gòn gây ấn tượng với lối chơi nhỏ, kỹ thuật và cống hiến.
Nhớ về người thầy cũ vừa khuất núi, cựu tiền vệ Lư Đình Tuấn không khỏi bồi hồi. "Tôi cùng nhiều đồng đội bước vào đội trẻ Cảng Sài Gòn năm 18 tuổi. Chú chính là người uốn nắn cho chúng tôi cả về chuyên môn lẫn tính cách. Hồi ấy, tôi cùng bạn bè đồng trang lứa tìm đến Cảng Sài Gòn cũng vì mê lối đá đẹp mắt, phong cách fair-play được tạo dựng từ hồi chú còn làm cầu thủ. Bất luận thời gian qua đi, chúng tôi vẫn coi đó là người chú, người cha tinh thần của mình", ông Tuấn chia sẻ với PV.
"Lúc chú bệnh tật, anh em cũ ở đội Cảng Sài Gòn luôn tranh thủ vào thăm nom, động viên. Biết rằng tuổi tác, bệnh tật là khó tránh khỏi nhưng tôi vẫn sốc khi được đồng đội cũ báo tin chú mất sáng nay".
Không có nhiều thời gian gắn bó với cựu HLV Tam Lang, nhưng những ấn tượng của Trần Công Minh về người anh, người thầy cũ là không hề nhỏ. "Sáng nay tôi bận việc giỗ chạp ở dưới Đồng Tháp nên giờ mới biết tin thầy mất. Thật buồn", cựu hậu vệ phải lừng danh nói. "Khoảng thời gian làm việc với thầy trôi qua đã lâu, nhưng nhớ lại cứ thấy như mới hôm qua. Có lẽ thời gian gần gũi nhất giữa chúng tôi là lúc cùng làm việc tại trung tâm huấn luyện Thành Long năm 2005. Tôi học được rất nhiều từ thầy về sự nghiêm túc, chỉn chu trong công việc. Thầy thực sự là phần không thể thiếu lịch sử bóng đá Việt Nam".
Cựu danh thủ đội Hải Quan và đội tuyển quốc gia Đỗ Khải từng được xem là "truyền nhân" của Tam Lang với lối chơi khéo léo và tài hoa dù cùng chơi ở vị trí hậu vệ. Khi hay tin tượng đài của bóng đá miền Nam qua đời, anh cũng không tránh khỏi cảm giác chấn động. "Thời còn là cầu thủ trẻ, tôi đã mê lối đá phòng ngự hiệu quả nhưng không cố tình làm đối thủ chấn thương của chú Tam Lang. Lúc đá chuyên nghiệp rồi lên tuyển, chú cũng luôn giúp đỡ, đóng góp để tôi hoàn thiện chuyên môn", anh nói. "Đến tận lúc giải nghệ không còn theo bóng đá, mỗi lần ra sân đá bóng với chú, tôi vẫn chưa mất sự háo hức như thời còn được chú hướng dẫn ở tuyển Việt Nam. Chú Tam Lang chính là nguồn cảm hứng cho nhiều cầu thủ đàn em, đàn cháu học hỏi".
Sau khi đưa Cảng Sài Gòn trở lại giải vô địch quốc gia năm 2003 cựu HLV Tam Lang giải nghệ. Ông được mời về làm công tác đào tạo trẻ tại câu lạc bộ TP HCM.
"Là người có nhiều danh hiệu tầm cỡ nhưng khi làm công tác đào tạo trẻ, thầy Tam Lang cũng nghiêm khắc lắm", cựu tiền đạo Nguyễn Minh Chiến nói. "Sinh thời thầy từng nói 'Phải xem bóng đá trẻ như gốc rễ phát triển bóng đá chuyên nghiệp'. Tôi thấy đó là điều thấm thía và theo con đường đào tạo trẻ suốt nhiều năm qua cũng vì thế. Thầy Tam Lang mất đi khiến tôi và nhiều anh em hụt hẫng. Bóng đá Việt Nam cũng mất đi cuốn 'từ điển sống' của một quá khứ huy hoàng đã qua".
Trong khi đó, cựu danh thủ Thể Công và đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn nói anh luôn ngưỡng mộ cựu HLV Tam Lam vì nhân cách sống và lòng yêu nghề bất chấp mọi khó khăn của ông. "Được làm việc thời gian ngắn ở tuyển Việt Nam cùng chú Tam Lang là may mắn với những anh em lứa thế hệ của tôi", anh nói. "Sự nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên đồ sộ cùng chân lý chơi bóng mang phong cách Tam Lang là điều người hâm mộ và các lứa cầu thủ sau này không bao giờ quên".
Theo VNE
Cuộc hôn nhân dang dở của Phạm Huỳnh Tam Lang Cựu danh thủ 72 tuổi kết hôn với NSND Bạch Tuyết năm 1967 nhưng mối duyên của hai người chỉ kéo dài 7 năm. Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết - người vợ đầu của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Ảnh: TTVH. Sáng 2/6, người vợ đầu tiên của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang - nghệ sĩ nhân dân...