Phải xác định trách nhiệm của ban giám hiệu khi để thực phẩm độc hại “tuồn” vào trường học
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến suất ăn của trẻ trong các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Nào là, thực phẩm ôi thiu; thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng sán; suất ăn của trẻ bị bớt xén…
Những vụ việc như thế khiến cho những bậc làm cha, làm mẹ rất hoang mang, lo lắng… Một vị lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô đã gọi những việc làm nêu trên là “tội ác”. Vậy, phải làm thế nào để trả lại những bữa ăn sạch, đủ dinh dưỡng cho các em?
Khi vụ việc một doanh nghiệp tại Bắc Ninh cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non và 2 trường tiểu học ở tỉnh này bị phụ huynh phát hiện có nhiễm sán trong thịt lợn khiến hàng nghìn phụ huynh hoang mang, đưa con đi xét nghiệm chưa kịp lắng xuống, thì vào ngày 3-4 vừa qua, phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã “phục” từ 6h sáng, đúng thời điểm Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt giao thực phẩm cho bếp ăn bán trú tại nhà trường; qua đó phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh có mùi ôi thiu nồng nặc.
Hàng nghìn phụ huynh học sinh ở tỉnh Bắc Ninh đưa con em đi xét nghiệm sán lợn. Ảnh: CTV.
Phụ huynh học sinh đã cùng đơn vị giao hàng lập “Phiếu nhận xét đánh giá” xác định số thực phẩm bị ôi thiu. Ngay sau đó, số thực phẩm này đã được đổi bằng thực phẩm mới. Đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt thừa nhận có sự việc trên, xin lỗi và hứa sẽ không tái diễn.
Không chỉ có thực phẩm bẩn xâm nhập vào trường học, đã có nhiều phụ huynh học sinh còn phản ánh, ghi hình lại các suất ăn cho trẻ bị bớt xén như vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; vụ việc tại Trường Tiểu học An Dương, TP Hải Phòng…
Lo lắng trước tình trạng trên, một số phụ huynh học sinh đã tự nấu cơm, thức ăn, bỏ vào cặp lồng cho con mang đi học.
Trở lại vụ phát hiện thịt gà ôi thiu tại Trường Tiểu học Chu Văn An, chúng tôi rất hoan nghênh việc phụ huynh học sinh kiểm tra và phát hiện thực phẩm bẩn, không để đưa vào bếp ăn của nhà trường.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt dấu hỏi: Liệu việc kiểm tra này có duy trì thường xuyên, hằng ngày được hay không? Và liệu ngoài phụ huynh học sinh tại Trường Tiểu học Chu Văn An, các phụ huynh học sinh ở các trường khác có tiếp cận được với bếp ăn, bữa ăn của các em hay không? Bởi, đằng sau cánh cổng trường học khép lại, không phải phụ huynh học sinh nào cũng được vào để trực tiếp kiểm tra nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn của con em mình!
Nêu vấn đề trên, bởi thực tế, còn có ban phụ huynh học sinh được “bầu” ra một cách hình thức, chỉ để biến thành “ê kíp”, hoặc “công cụ” cho nhà trường và cô giáo chủ nhiệm trong việc thu các quỹ, các khoản chi phí ngoài qui định lấp sau cụm từ “tự nguyện”. Họ không dám đấu tranh, giám sát, phản ánh những việc làm không đúng của cô giáo và nhà trường, vì sợ ảnh hưởng đến con em mình.
Bởi vậy, việc phụ huynh học sinh tham gia kiểm tra nguồn thực phẩm cung cấp cho con em họ; hoặc giám sát khẩu phần ăn hàng ngày của các con là việc làm thiết thực, nên làm để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho con mình. Việc này cần có qui định bắt buộc đối với các ban phụ huynh học sinh trong các trường mầm non, tiểu học.
Video đang HOT
Hiện nay, có một hình thức “đối phó” trách nhiệm của một số nhà trường; đó là, không duy trì bếp ăn tại trường mà mua suất ăn của các doanh nghiệp, đưa vào phục vụ bữa ăn cho học sinh. Nếu có xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc bị soi xét về chất lượng bữa ăn thì do doanh nghiệp chịu trách nhiệm, Ban giám hiệu “vô can”.
Với phương thức này thì phụ huynh học sinh không thể kiểm tra nguồn thực phẩm cho con em mình có đảm bảo chất lượng hay không, mà chỉ kiểm tra qua các giấy tờ chứng nhận. Nếu thực phẩm bẩn, ôi thiu được tẩm ướp phụ gia, chế biến thì rất khó phát hiện.
Qua vụ một doanh nghiệp ở Bắc Ninh cung cấp thực phẩm cho hơn 20 trường mầm non, tiểu học đã đặt ra dấu hỏi, phải chăng, có sự “bao thầu”, chỉ định của cấp trên đối với nguồn cung ứng thực phẩm trong các nhà trường? Nếu điều đó xảy ra, thì một doanh nghiệp gần như độc quyền phân phối vì lợi nhuận sẽ khó tránh khỏi làm ăn thiếu trung thực, khuất tất vì đã có “ô dù” che chở…?
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển lành mạnh về thể chất cho con em chúng ta, chúng tôi đề nghị ngành giáo dục:
Thứ nhất, cần có qui định bắt buộc, thành lập một tổ kiểm tra, thành phần gồm đại diện phụ huynh học sinh, y tế phường, các hội đoàn thể ở địa phương cùng tham gia, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất nguồn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, chất lượng bữa ăn. Nên chăng, cũng cần có qui định bắt buộc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp, ban giám hiệu nhà trường ăn chung bữa ăn cùng với các em để có điều kiện giám sát, kiểm chứng chất lượng bữa ăn.
Thứ hai, các nhà trường hiện nay đều sử dụng “Sổ liên lạc điện tử” để thông báo tình hình học tập, điểm số của các em; tại sao không sử dụng kênh thông tin này để thông báo thực đơn ăn hàng ngày của trẻ đến phụ huynh học sinh, để cha mẹ biết được con em mình đã ăn những gì, đối chiếu giữa tin nhắn với việc hỏi trực tiếp các con sẽ phần nào giảm bớt được tiêu cực.
Thứ ba, cần mở cửa nhà trường, khuyến khích phụ huynh học sinh vào xem xét, kiểm tra bữa ăn của các con. Đối với học sinh bán trú, có thể không ăn bán trú tại trường, hoặc có thể tự mang khẩu phần ăn trưa đến lớp.
Thứ tư, cần xử lý kỷ luật nghiêm đối với tập thể ban giám hiệu và hiệu trưởng nếu để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc có dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn của các em, cho dù, nhà trường có tự tổ chức nấu ăn hay mua suất ăn bên ngoài, nếu để xảy ra sai phạm thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính, không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn mà nhà trường lại “vô can” được.
Đào Minh Khoa
Theo CAND
Hà Nội: Nhiều học sinh Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc đau bụng sau bữa ăn trưa tại trường
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang học ở Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), ngày 29/3 nhiều học sinh bị đau bụng sau bữa trưa ở trường.
Theo các phụ huynh, sự việc xảy ra vào ngày 29/3, sau khi đón con từ trường về nhà, nhiều phụ huynh lo lắng khi con nói đau bụng, rồi bị tiêu chảy liên tục.
Một số người chia sẻ thông tin lên các hội, nhóm phụ huynh của lớp để hỏi tình hình. Họ càng lo lắng khi biết không chỉ con mình, mà rất nhiều cháu khác cũng gặp tình cảnh tương tự.
Nghi ngờ bữa ăn ở trường của các con có vấn đề, các phụ huynh đã thông báo với giáo viên chủ nhiệm, ý kiến với nhà trường để mong có câu trả lời.
Trường tiểu học Thanh Xuân Bắc (Hà Nội)
Ngày 2/4, bà Đỗ Thị Tố Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp thông tin cho báo chí về việc kiểm tra an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú, sau khi nhận phản ánh từ phụ huynh rằng con họ bị rối loạn tiêu hóa.
Bà Nga cho biết, ngày 30/3, sau khi nhận phản ánh 17 trường hợp học sinh biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ở nhà, phòng y tế quận, trung tâm y tế quận, lãnh đạo phường đã đến trường làm việc và kiểm tra bữa ăn bán trú ngày 29/3. Bữa ăn hôm đó gồm: bún giò gà, bánh kem Hải Hà và sữa tươi học đường.
Nhà trường cũng lập tức báo cáo quy trình giao nhận thực phẩm và tình hình học sinh tại thời điểm trước và sau khi các em ăn ngày 29/3, niêm phong mẫu thức ăn của bữa trưa, sữa học đường.
Ngày 31/3, trường mời một số phụ huynh đến buổi gặp gỡ trao đổi về thực đơn bữa trưa ngày 29/3. Trong buổi làm việc, một số phụ huynh vắng mặt, một số vị khác cho biết tình trạng học sinh đã ổn định.
21h cùng ngày, giáo viên và phụ huynh phản ánh không có học sinh nào nhập viện, một học sinh được gia đình đưa đến bệnh viện Bưu điện để kiểm tra, xét nghiệm phân và bị chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, 3 học sinh khác có biểu hiện đau bụng.
Đến 1/4, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc có văn bản báo cáo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân về việc xác minh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú ngày 29/3.
Đau bụng do thiết kế thực đơn có vấn đề?
Tuy nhiên, ngay sau khi nhà trường cung cấp con số học sinh bị đau bụng, một số phụ huynh cho hay, con số 17 em bị đau bụng mà nhà trường báo cáo chưa trung thực.
Ngày 4/4, thông tin với báo chí, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân xác nhận, đúng là ngày 29/3, có hiện tượng học sinh của Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc bị đau bụng, đi ngoài sau khi ăn bữa trưa và bữa phụ ở trường.
Khu cung cấp suất ăn trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Website nhà trường
"Sáng 30/3, tôi có nhận được phản ánh là nhiều cháu bị đau bụng. Tôi đã điện báo cáo đồng chí lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân. Sau đó, đồng chí Chủ tịch quận đã chỉ đạo cử đoàn kiểm tra về trường làm việc.
Sau khi kiểm tra đột xuất, có trích camera, xác định không phát hiện ai ra vào trường, mẫu lưu thực phẩm còn nguyên vẹn, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu lưu thực phẩm đi kiểm nghiệm. Dự kiến trong ngày mai sẽ có kết quả"- Trưởng Phòng GDĐT quận Thanh Xuân thông tin.
Nói về con số 17 học sinh bị đau bụng, ông Hữu cho biết đây là số liệu lãnh đạo Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc báo cáo.
"Con số này là nhà trường báo cáo, lấy từ thống kê đại diện phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm các lớp gửi lên. Nếu phụ huynh nói con số học sinh bị đau bụng, đi ngoài nhiều hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh. Nếu ai báo cáo sai thì người đó phải chịu trách nhiệm"- ông Hữu nhấn mạnh.
Về nguyên nhân ban đầu khiến nhiều học sinh bị đau bụng sau bữa ăn ở trường, ông Hữu cho biết, qua trao đổi với cơ quan chuyên môn, có thể do việc thiết kế thực đơn chưa hợp lý.
"Khoảng 11h15 ngày 29/3, các học sinh ăn trưa với thực đơn: Bún, giò, gà. Đến 13h40 cùng ngày, học sinh ăn bữa phụ là bánh cuộn và đến 15h15 uống sữa theo chương trình sữa học đường".
Các món trong 3 bữa đều là món ăn lạnh, đang vào thời điểm giao mùa, có thể khiến học sinh bị đau bụng.
Chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường rút kinh nghiệm, thiết kế lại thực đơn bữa ăn hằng ngày phù hợp hơn, trong điều kiện học sinh dùng sữa học đường. Còn kết luận cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin vào ngày mai, sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn tại trường"- ông Hữu cho biết thêm.
Minh An
Theo moitruong.net.vn
Bữa ăn bán trú an toàn - Bài 1: Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm Việc đảm bảo an toàn từ nguồn thực phẩm đến khâu chế biến cho bữa ăn bán trú là điều đặc biệt quan trọng. Bếp ăn Trường mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân). Ảnh: TTXVN phát Nguồn gốc thực phẩm rõ ràng Trường Mầm non Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đang tổ chức bếp ăn bán trú tại trường với...