Phải thay đổi chất lượng giáo dục đại học từ môn… thể dục!
Một buổi học thể dục của học sinh. Ảnh minh họa.
Có lẽ, chẳng ở đâu như nước mình: Học đại học mà hết một phần ba thời gian chỉ để học thể dục, chính trị, quốc phòng(!) Bài viết này chỉ lạm bàn một lĩnh vực thôi, ấy là môn học thể dục, được gọi bóng bẩy là môn giáo dục thể chất.
Ai chẳng biết cái thể chất – cơ địa của con người là quan trọng nhất. Không có nó thì chẳng làm được gì, cả cái chuyện ngồi ngáp cho tròn môi.
Trước hết, là tên gọi. Thể chất có “giáo dục” được hay không là chuyện đáng bàn. Nếu nhờ giáo dục mà có thể chất thì chắc chắn kéo dài tuổi thọ con người chẳng mấy khó khăn. Tuy nhiên, lịch sử sống – chết của loài người cho biết rằng thể chất không thể giáo dục mà chỉ có tập luyện (rèn luyện) thôi. Đã là rèn luyện thì chắc chắn, không có chuyện khơi khơi mỗi tuần mất đứt một buổi ra vươn thở, khởi động… mà thể chất có thể thay đổi, tiến nhanh, tiến mạnh… Nếu đúng thế, thì cha ông nói khổ luyện thành tàiđể làm chi?
Video đang HOT
Thử xem chương trình giáo dục thể chất cho SV trong 4 năm gồm những gì (tất nhiên các trường ĐH có thể không giống nhau): Học kỳ 1, học… chạy(!) Xin thưa là chạy ở đây đúng với nghĩa đen của từ này. Học kỳ 2, 52 động tác thể dục. Học kỳ 3, bóng chuyền. Học kỳ 4, bóng đá. Học kỳ 5, tự chọn… cái gì đó (thầy cô chọn chứ không phải SV vì lỡ SV chọn môn bơi mà trường không có bể bơi thì làm sao?).
Câu hỏi thứ nhất, 18 tuổi, tốt nghiệp THPT, nếu không đi học ĐH thì ít nhất, cũng đủquyền công dân, tức là đủ để bước hẳn vào đời, chẳng lẽ không biết cách để tập thể dục? Nếu thế thì “sinh ra” THPT để làm gì? Đã là trình độ trung học đến mức phổ quát mà không biết cả cái yêu cầu tối thiểu là phải biết tự bảo vệ sức khỏe thì thất bại rành rành…
Câu hỏi thứ hai, sau 18 năm chạy ngược, chạy xuôi, chạy đôn chạy đáo cùng mẹ cha khắp thành thị, ruộng đồng để kiếm sống, đỡ đần; chẳng lẽ vô đến ĐH lại còn phải tập chạy cho đúng, cho đủ, cho ngoan, cho giỏi nữa sao?
Câu hỏi thứ ba, mỗi tuần về lý thuyết chỉ có 1-2 tiết học nhưng thực chất là mất một buổi. Chuẩn bị trang phục và mồ hôi nhễ nhại, bụi đất đầy mình, lên giảng đường học tiếp… toán chẳng hạn, thì chất lượng ở đâu?
Câu hỏi thứ tư, thể thao là năng khiếu bẩm sinh. Ví dụ, người viết bài này có tập đá bóng 24/7 suốt 30 năm, không thể thành… Messi là cái chắc. Do vậy, nếu không biết, không thích đá bóng chẳng hạn, thi lên thi xuống, thi trượt, thi lại hành hạ, tiêu cực liên miên là chuyện rất đỗi bình thường. Bộ GD-ĐT có biết chuyện này không? Xin thưa với đảm bảo chắc chắn rằng, một trong những môn khó thi đỗ nhất ở ĐH chính là môn… thể dục!
Câu hỏi thứ năm, có bao nhiêu trường ĐH có đủ hồ bơi, sân tập thể thao đúng nghĩa để các em SV học xong còn… hành? Nếu không biết thực hành, không có chỗ thực hành, không có thời gian để thực hành thì, dĩ nhiên, sẽ bị… thầy hành.
Câu hỏi thứ sáu, mùa thi, mỗi môn học có hàng chục câu hỏi với 9-10 môn, vậy mà còn phải lo học và thi cho qua môn thể dục thì rõ ràng là sự bất cập rất khó biện bày.
Câu hỏi thứ bảy, nếu bớt được mỗi học kỳ học thể dục sẽ tạo ra quỹ thời gian để thêm một giáo trình mới (30 tiết học) cho chuyên môn, về nguyên tắc – còn, trên thực tế thì thêm nhiều lắm, sau khi SV đã tự “kiếm” cho mình môn thể thao ưa thích để tự rèn luyện thường xuyên trong môi trường thể thao mà nhà trường đã tạo ra. Tại sao lại không làm?
Đọc đến đây, cái giản dị của “nan đề” đã rõ rành rành: Tại sao không dạy cho SV những kỹ năng cơ bản của một số môn thể thao phổ biến trong một hay hai học kỳ rồi tạo cho các em lựa chọn theo sở thích, khả năng tập luyện một hay vài môn thể thao đó?
Tại sao không bắt buộc các trường đại học PHẢI CÓ bể bơi, sân chơi thể thao mà chỉ có xây nhà lên rồi bắt học mà chẳng có sân chơi, sân rèn, sân hành như cha ông vẫn dạy? Ở một đất nước mà mỗi năm có hàng ngàn trẻ em, thanh niên chết vì đuối nước mà không được học bơi thì vô lý là cái sự miễn bàn…
Năm 1974, đất nước khó khăn là thế; vậy mà, lũ SV ĐHTH Hà Nội chúng tôi vẫn được đi học môn bơi ở bể bơi Đống Đa, cách Mễ Trì vài ga tàu điện. Đừng viện cớ là bây giờ vất vả hơn…
Chất lượng giáo dục là kết quả hài hòa, đồng bộ của chất và lượng. Nếu cứ lãng phí thời gian học những gì vô bổ như học chạy chẳng hạn thì thời giờ đâu để nâng cao trình độ chuyên môn?
Bộ GD-ĐT rất cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thời lượng cần thiết cho môn… thể dục để sớm có một bước thay đổi dứt khoát khi quyết định giới hạn cần – đủ – nên đối với môn giáo dục thể chất. Xin mạo muội nhấn mạnh rằng, một trong những nguyên do tạo ra cái lỗ hổng về chất lượng có cội nguồn là gánh nặng từ môn… thể dục!
Theo motthegioi.vn