Phải giảm sâu lãi suất cho vay mới cứu được nền kinh tế
Chiều 31/3, trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid – 19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu các TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với DN, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra so với lãi suất thời gian trước dịch.
Để giảm lãi suất cho vay tới 2%, thực tế đã có gói tín dụng của HDBank cam kết giảm đến 4,5%, chắc chắn các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải hạ mục tiêu lợi nhuận năm 2020 tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, so với lợi nhuận các NH công bố thì phần hy sinh lợi nhuận đó không nhiều.
Chẳng hạn lãnh đạo Vietcombank cho biết thực hiện gói tín dụng hỗ trợ thì NH này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 300 – 400 tỷ đồng, nhưng nếu so với lợi nhuận trước thuế năm 2019 (23.122 tỷ đồng) chỉ chiếm 1,3 – 1,7%.
Không nên kỳ vọng nhiều vào các gói tín dụng hỗ trợ
Trong khi các NH lớn đang tỏ ra tích cực thì các NH thuộc nhóm có lợi nhuận trăm tỷ đồng, do nguồn lực tài chính yếu nên hầu như chưa có động thái nhiều hưởng ứng cam kết gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ DN và người dân. Hiện chỉ mới vài NH như KiênlongBank cam kết giảm lãi suất cho vay tới 3% hỗ trợ khách hàng DN và cá nhân, tương tự Viet CapitaiBank mức giảm là 2,5%. Hai NH này đều chưa công bố quy mô gói tín dụng hỗ trợ là bao nhiêu.
Giao dịch tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Phải nói ngay rằng cộng đồng DN và người dân đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của NHNN, sự chia sẻ của các NHTM và cũng đang chờ đón sẽ nhanh tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi đó. Kỳ vọng là tất yếu, nhưng mức hiệu nghiệm thực tế của liệu pháp các gói tín dụng hỗ trợ ra sao đang còn phía trước bởi các lý do sau:
Thứ nhất, đây không phải là gói tài khóa dưới dạng “phát chẩn” cứu đói tức thì người dân. Đối tượng hưởng lợi từ các gói tín dụng hỗ trợ chủ yếu là các DN có mức dư nợ thường xuyên đáng kể, khách hàng ưu tiên. Điều này giải thích đơn giản bởi nguồn vốn là giới hạn. Và, không phải “rụp là làm liền” như cách nói của người dân Nam Bộ. Việc giải ngân nguồn vốn từ các gói tín dụng cho dù hỗ trợ vẫn tuân thủ quy chế nghiệp vụ tín dụng nên sẽ có độ trễ nhất định.
Thứ hai, nói là Phó Thống đốc NHNN yêu cầu nhưng việc cam kết đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ là tùy tâm chia sẽ, phụ thuộc khả năng chịu đựng tài chính của mỗi NHTM. Thống đốc NHNN không thể kỷ luật được một Tổng Giám đốc NHTM nào đó vì không cam kết gói tín dụng hỗ trợ, bởi không có văn bản pháp lý từ NHNN. Việc nhiều NH nhỏ chưa tham gia làn sóng cam kết giảm lãi suất cho vay là minh chứng.
Thứ ba, mức độ lan tỏa là chỉ giới hạn trong số DN ưu tiên của từng NH cam kết. Hàng triệu DN nhỏ li ti, hộ kinh doanh dịch vụ, bán lẻ đang bị tác động trực tiếp nặng nề nhất. Đây là thị trường cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Chắc chắn đối tượng này rất ít cơ hội tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ hiện tại đang được các NH triển khai.
Video đang HOT
Thứ tư, mục tiêu lợi nhuận nên NHTM không thể móc hầu bao nhiều để san sẻ cho khách hàng. Họ hy sinh lợi nhuận không phải hoàn toàn vô tư để chia sẻ với DN mà cứu được DN tức đã cứu họ rồi. Các NH trước mắt sẽ quan tâm xử lý các khoản nợ đến hạn mà DN không có dòng tiền để trả thông qua không chuyển nhóm nợ xấu hơn, gia hạn nợ và cơ cấu thời hạn nợ. Điều này lợi cả đôi đường, DN tạm thời không bị vỡ nợ đe dọa, NH chưa phải trích thêm chi phí dự phòng và không ảnh hưởng tỷ lệ an toàn vốn (CAR).
Thứ năm, ngày 16/3 NHNN đã ban hành nhiều quyết định về hạ lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của NHTM, theo đó hạ lãi suất tiền gửi thời hạn dưới 6 tháng với mức tối đa là 4,75%/năm. Mục tiêu của NHNN là tạo dư địa để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Vì bị khống chế trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, từ 2/4 đến nay nhiều NH đã tăng lãi suất tiết kiệm online các kỳ hạn 6 tháng, từ 6 – 12 tháng và trên 12 tháng ở mức tăng khá cao. Điều này như câu chuyện ” Trống đánh xuôi Kèn thổi ngược” giữa NHNN và NHTM.
Thứ sáu, các gói tín dụng được các NH cam kết hỗ trợ cho DN và người dân ảnh hưởng bởi dịch covid-19 không mang tính bắt buộc nên không có cơ chế pháp lý giám sát. Việc cam kết cũng từ NH và thực hiện cũng do NH. Khách hàng của NH được biết và cũng chỉ biết vậy thôi. Tính hạn chế thực thi là chỗ đó.
Dịch Covid -19 đã diễn ra đã 3 tháng ở Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch. Giả định kịch bản tốt nhất, nước ta sẽ dập được dịch trong tháng 5 đi nữa thì hậu quả vẫn hết sức nặng nề do nền kinh tế có độ mở rộng. Các dãy cung ứng của nền kinh tế chằng chịt, nội địa với nội địa, nội địa với bên ngoài. Các DN và người dân chưa thể khôi phục hoạt đồng bình thường trở lại nếu dịch Covid -19 vẫn chưa được dập tắt cơ bản trên toàn cầu. Do đó, các gói tín dụng hỗ trợ dù quy mô có tăng thêm nữa thì cũng chỉ là liệu pháp tình thế mà thôi.
Giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay mới cứu được nền kinh tế
Từ giới chính trị gia đến các nhà kinh tế thế giới chưa thể đưa ra được kết luận cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra do dịch covid-19 là cuộc khủng hoảng với tên gọi là gì. Nhưng họ đều thống nhất cho rằng mức độ tàn phá của cuộc khủng hoảng này sẽ mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Mức độ rủi ro sẽ cao hơn đối với các quốc gia đang phát triển, đứng ở những mắt xích yếu trong các dãy cung ứng toàn cầu. Đương nhiên trong đó có Việt Nam.
Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) và các NHTW tại châu Âu, châu Á đã đồng loạt cắt giảm lãi suất, thậm chí Fed giảm lãi suất xuống gần 0% (0 – 0,25%) để cứu nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chưa thể cứu vãn, Chính phủ các nước còn tung ra những gói tài khóa hàng trăm, nghìn tỷ USD phát không cho người dân, hỗ trợ DN nhỏ và các đối tượng yếu thế khác.
Như đề cập ở trên, NHNN đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành vào ngày 17/3 vừa qua. Tuy vậy thực tế cho thấy, do cơ chế điều hành chính sách tiền tệ thận trọng nên mức lãi suất cắt giảm của NHNN dường như chưa có tác động đáng kể. Nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay của các NH vẫn giữ nguyên ở mức khá cao so với lợi nhuận của DN, trừ lãi suất của các gói tín dụng hỗ trợ DN.
Về lý thuyết, NHNN cắt giảm lãi suất là mở rộng tiền tệ, tức tăng cung tiền sẽ áp lực lên lạm phát. Nhưng cắt giảm lãi suất để chống đỡ suy thoái do dịch Covid-19 rõ ràng áp lực lên lạm phát không nhiều. Do khả năng hấp thụ vốn của DN đang khó khăn và chùng lại, dự báo ít nhất trong năm 2020 nên tăng cung tiền “ nóng” khó xảy ra. Tuy nhiên lạm phát chỉ trong vòng kiểm soát khi NHNN khống chế được dòng tiền giá rẻ đổ vào chứng khoán và bất động sản.
Dư địa lạm phát ủng hộ cho NHNN cắt giảm lãi suất là thuyết phục. Xét cả hai nguyên nhân kinh điển của lạm phát là lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí tăng. Về cầu, đầu tư và tiêu dùng của cả 3 khu vực là Nhà nước, DN, người dân chỉ cầm chừng. Về chi phí, nhóm nhiên vật liệu đầu vào chủ đạo của DN như xăng dầu, sắt thép, xi măng,… đang giảm và không có tín hiệu tăng lại mạnh, nên lạm phát chi phí đẩy khó xảy ra.
Giảm sâu mặt bằng lãi suất cho vay tức phải giảm sâu lãi suất tiền gửi, vậy người dân có muốn gửi tiền không? Câu trả lời ngay là vẫn gửi mạnh. Đa số người dân không quan tâm thị trường chứng khoán vì rủi ro cao. Thị trường chứng khoán chủ yếu chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và một số nhà đầu tư lướt sóng trong nước. Đa số người dân cũng không đủ khả năng đầu tư bất động sản. Thị trường bất động sản là của giới chủ đầu tư, những người đầu tư lướt sóng kiếm lời hoặc đầu cơ.
Trong điều kiện như vậy, đa số người dân sẽ lựa chọn kênh kiếm lời an toàn là gửi tiền vào ngân hàng. Đương nhiên nguyên lý của thu hút tiền gửi tiết kiệm là lãi suất thực phải dương (lãi suất tiền gửi trừ tỷ lệ lạm phát phải lớn hơn không). Như điều kiện hiện nay, nếu giảm sâu lãi suất tiền gửi xuống khoảng 6%/năm, lạm phát khống chế dưới mức 5% thì lãi suất tiền gửi thực dương là trên 1%/năm.
TS. PHAN VĂN THƯỜNG
Đề xuất vay 3 năm, lãi suất 0%: Khó khả thi
Các ngân hàng thương mại và chuyên gia kinh tế đều cho rằng khó khả thi với đề xuất các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 250.000 tỉ đồng với lãi suất 0% trong 3 năm
Một trong những đề xuất, kiến nghị giải pháp để các doanh nghiệp (DN) vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đưa ra mới đây là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Không phải tiền từ ngân sách
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khó khăn lớn nhất đối với các DN và hộ kinh doanh là dòng tiền, tính thanh khoản. Do đó, bên cạnh triển khai Thông tư 01 của NHNN về xem xét giãn, hoãn nợ, giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ..., các tổ chức tín dụng cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng khoảng 285.000 tỉ đồng (tăng so với mức đăng ký ban đầu là 250.000 tỉ đồng) lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-2,5%/năm.
Chiều 8-4, một lãnh đạo cấp vụ thuộc NHNN cho biết đến nay, gói tín dụng này đã giải ngân được trên 100.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn biểu lãi suất thông thường, tùy thuộc vào từng NH thương mại và từng đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng khẳng định, đây không phải là gói tín dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà do các NH thương mại tự đăng ký dựa trên cung cầu vốn của mình. Do đó, cho vay ưu đãi 0% lãi suất là không thể vì NH thương mại phải huy động vốn từ dân cư, trả lãi tiền gửi...
Các ngân hàng thương mại khó cho vay lãi suất 0% bởi vốn đầu vào đã phải trả lãi Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ghi nhận, đến nay hàng loạt NH thương mại đã công bố các gói tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN. NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỉ đồng với mục đích hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, lãi suất cho vay ưu đãi từ 7,8%/năm, giá trị được vay lên tới 100% giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản và được vay thêm không tài sản bảo đảm lên đến 10 tỉ đồng. NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19, lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng và từ 7%/năm đối với khoản vay từ 6-12 tháng...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết các gói tín dụng ưu đãi (đăng ký tham gia gói tín dụng 285.000 tỉ đồng do NHNN công bố) có lãi suất thấp hơn từ 0,5%-4,5%/năm so với biểu lãi suất chung, nhưng không thể có mức lãi suất 0% vì nguồn tiền không từ ngân sách. Đây thực chất là số vốn do nhiều NH thương mại đăng ký với NHNN nhằm hưởng ứng chủ trương hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Không sòng phẳng giữa các doanh nghiệp
Mức lãi suất cho vay thấp nhất được ghi nhận đến thời điểm này từ các NH thương mại là khoảng 4,5%/năm, bằng với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãnh đạo một NH thương mại phân tích, để có được nguồn vốn cho vay ưu đãi, mỗi NH phải huy động vốn từ dân cư, tổ chức và phải chi trả cho người gửi tiền lãi suất bình quân 5%-6%/năm. Nay nếu cho vay với lãi suất dưới 7%-8%/năm là NH đã bị lỗ, nhưng do DN gặp khó khăn vì Covid-19 nên mỗi NH đều phải giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoạt động để triển khai các gói tín dụng hỗ trợ.
"Do đó, với đề xuất và kiến nghị được vay lãi suất 0% trong thời gian 3 năm từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để các tập đoàn, tổng công ty vượt qua khó khăn là không khả thi. Bởi lẽ với lãi suất 0%, NH thương mại lấy tiền từ đâu để trả lãi người gửi tiền, bù đắp chi phí hoạt động?" - vị lãnh đạo NH này băn khoăn.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng 285.000 tỉ đồng là gói tín dụng được các NH thương mại đăng ký cho vay với lãi suất thấp hơn thị trường từ 1%-2,5%/năm và bất kỳ DN nào chịu tác động bởi dịch Covid-19 cũng đều có thể tiếp cận, được hỗ trợ, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm đại diện phần vốn nhà nước. Nhưng đề xuất DN được vay với lãi suất 0% là không có cơ sở và không phù hợp.
Thực tế, hiện lãi suất cho vay đang xuống thấp. Trước đây, cho vay bình quân khoảng 7%/năm thì giờ đã có NH thương mại chào vay chỉ khoảng 4,5%/năm, cao hơn một chút so với mức kỳ vọng lạm phát và đã tương đương với lãi suất tái cấp vốn của NHNN (dùng để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng). Do đó, đề xuất mức lãi suất thấp hơn nữa là rất khó.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần khác tại TP HCM nhìn nhận nếu chỉ cứu các tập đoàn, tổng công ty qua đề xuất được vay 0% lãi suất, trong khi các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng đang phải ngừng hoạt động, rời thị trường vì dịch Covid-19 thì không sòng phẳng.
THÁI PHƯƠNG - THY THƠ
HDBank tung gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) tung gói tín dụng ưu đãi tới 10.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5% cho các doanh nghiệp vay để bình ổn thị trường nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, từ nay đến khi có thông báo hết dịch bệnh Covid-19 chính thức từ Chính phủ Việt Nam,...