Phải đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình
Chiều 14.6, tại Hội trường Diên hồng, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Đây là dự án luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội rất quan tâm nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng xuất phát từ thực tiễn. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phiên thảo luận toàn thể dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Dự án Luật công phu, nghiêm túc
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành cao với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án luật công phu, nghiêm túc, nghiên cứu kỹ tình hình thực tế trong nước và soi chiếu với pháp luật của các quốc gia khác.
Về vấn đề phòng chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực tế, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%. Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của các em.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm
Đại biểu cũng cho rằng, đặc điểm của bạo lực gia đình xảy ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế nữa, nạn nhân bị bạo hành lại là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng, dẫn đến thời gian qua xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật để có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình, nhưng tránh sự chồng lấn, sự mâu thuẫn giữa hai luật này.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng kiến nghị, rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật Trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đề nghị áp dụng cả đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND xã, cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.
“ …Phải nâng cao nhận thức, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, bởi nếu không thay đổi nhận thức thì sẽ khó thay đổi được hành vi. Việc Quốc hội cho phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận cũng là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Về công tác tư vấn trong phòng, chống bạo lực gia đình, đây là vấn đề không hề đơn giản, do vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu làm thế nào để tư vấn có tính chuyên nghiệp chuyên sâu nhưng phải phát huy được yếu tố xã hội trong vấn đề tư vấn, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, Hiệp hội các câu lạc bộ… “.
(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng )
Về hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dự thảo luật đã cố gắng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để thể chế hóa chủ trương Chỉ thị 06 của Ban Bí thư là phải chú trọng đến đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết phân biệt đó chính là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi cha mẹ mắng chửi, chì chiết thì mức độ tổn thương về ngôn ngữ, tinh thần và thể xác của trẻ em là hoàn toàn như nhau. Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến cho trẻ em cảm thấy tội lỗi, tự ti, dằn vặt bản thân và cho rằng mình là luôn là người kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em- những đối tượng còn non nớt chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình.
Đại biểu cũng dẫn chứng, theo số liệu gần đây của UNICEF, xét trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòn roi, đánh đấm; 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, ném đồ vật vào người con cái, còn khoảng 56,6 % bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cần quy định cụ thể chỉ rõ để dễ nhận diện được những hành vi, những cái loại hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.
Mục tiêu là xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với các ý kiến đóng góp tâm huyết, cụ thể, sâu sắc của các đại biểu, đồng thời cho biết, việc xây dựng các quy định của Bộ luật có những khó khăn nhất định, đó là phạm vi rộng, lại liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định và quy định của các bộ luật khác đang còn hiệu lực. Vì vậy, các quy định được xây dựng trong luật này phải phù hợp với Hiến pháp, với các quy định hiện hành của các bộ luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng phải hài hòa với việc phát huy truyền thống văn hóa gia đình, với thuần phong, mỹ tục chứ không rập khuôn máy móc, sao chép các quy định pháp luật của các quốc gia khác. Nguyên tắc là bảo vệ quyền con người được quy định trong Hiến pháp, phòng mà chống, chống để phòng, nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Bộ trưởng cho biết, 21 ý kiến đóng góp của các đại biểu, đề cập rất nhiều nội dung được thể hiện trong Dự thảo, được nhóm lại thành 5 vấn đề lớn.
Trước hết, đó là nhóm vấn đề liên quan đến các chính sách cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích cho nhóm đối tượng đặc thù là trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Bộ trưởng cho biết, các vấn đề này đã được cơ quan soạn thảo thiết kế tại Điều 5, Điều, 4 Điều 14, Điều 33, Điều 34, Điều 36 trong Bộ luật. Theo Bộ trưởng, mặc dù Ban soạn thảo đã cố gắng khu trú lại trong các điều luật này nhưng trước đề nghị của các đại biểu về việc phải có quy định cụ thể hơn, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bàn với các cơ quan liên quan, đặc biệt là nghiên cứu sâu về vấn đề giới và xin ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh.
Nhóm vấn đề thứ hai là hành vi bạo lực gia đình. Theo Bộ trưởng, dự thảo đã phân loại ra thành 4 nhóm, trong đó việc nhận diện và khu trú nhóm hành vi bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục là rất khó. Căn cứ vào thực tiễn, dự thảo đã khu trú được 18 hành vi, và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến đã có sự nhận diện và khu trú đầy đủ, chính xác.
Về nhóm vấn về thứ 3 là vấn đề hòa giải, Bộ trưởng cho rằng hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình có tính đặc thù. Dự thảo đã quy định có 3 loại hình hòa giải là hòa giải do gia đình, dòng họ tổ chức thực hiện; hòa giải do cơ quan, tổ chức thực hiện; hòa giải do tổ hòa giải thực hiện theo Luật Hòa giải cơ sở. Đối với các hành vi bạo lực bị xử lý hình sự, hành chính sẽ không có áp dụng hòa giải. Theo Bộ trưởng, mục đích của hòa giải để giữ cho được gia đình thực sự ấm no, tiến bộ, hạnh phúc nên mọi việc trong gia đình phải bắt đầu giải quyết từ gia đình.
Vấn đề thứ tư, trong cụ thể quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, nhiều đại biểu băn khoăn phải làm rõ nội dung và trách nhiệm của các Bộ, ngành. Theo Bộ trưởng, nội dung này đã được quy định tại các điều luật từ Điều 52 đến Điều 60 của Dự thảo. Trách nhiệm của các Bộ, ngành được lượng hóa theo chức năng, nhiệm vụ. Bộ trưởng cũng nêu rõ, một việc chỉ nên giao cho một cơ quan chủ trì còn các cơ quan các cơ quan khác sẽ phối hợp.
Vấn đề thứ năm, là các biện pháp phòng, chống bạo lực. Bộ trưởng tán thành với ý kiến của các đại biểu là phải nâng cao nhận thức, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, bởi nếu không thay đổi nhận thức thì sẽ khó thay đổi được hành vi. Bộ trưởng dẫn chứng, việc Quốc hội cho phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận cũng là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bộ trưởng cũng ghi nhận các ý kiến của đại biểu về quy định cấm tiếp xúc để có sự điều chỉnh trong Dự thảo. Vấn đề công tác tư vấn trong phòng, chống bạo lực gia đình, theo Bộ trưởng là vấn đề không hề đơn giản, do vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu làm thế nào để tư vấn có tính chuyên nghiệp chuyên sâu nhưng phải phát huy được yếu tố xã hội trong vấn đề tư vấn, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, Hiệp hội các câu lạc bộ.
Bộ trưởng cũng đồng ý với các đại biểu về vấn đề nguồn lực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Bộ trường, dự thảo đã có quy định vấn đề huy động nguồn lực tài chính để có thể tạo thêm nguồn lực trong công tác phòng, chống bạo lực, xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ cho người bị bạo lực. Nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng, mong muốn của đại biểu không chỉ dừng lại nguồn lực tài chính mà còn có những nguồn lực được hiểu theo nghĩa rộng hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ VHTTDL, chỉ quản lý ở góc độ văn hóa của gia đình còn các yếu tố khác thì không phải là nhiệm vụ của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, khi được giao nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo Luật, Bộ đã cố gắng bám sát cơ quan thẩm tra, chủ động phối hợp từ sớm, từ xa như chỉ đạo của Ban Thường vụ của Quốc hội; chủ động làm việc với các nhóm chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia về giới bằng cách tổ chức rất nhiều hội thảo. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nghiên cứu thực tiễn, Ban soạn thảo đã cố gắng để dự thảo được hoàn chỉnh. “Mặc dù đã cố gắng như vậy, nhưng đây là lĩnh vực khó, chúng ta có thể nhận diện ở chỗ này chỗ khác biểu hiện nay bằng biểu hiện khác, nhưng để viết thành một điều luật không hề giản đơn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đại biểu đóng góp giúp cho cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện để hoàn thành trách nhiệm trước Quốc hội”, Bộ trưởng chia sẻ.
Tăng cường các giải pháp tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình
Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ là những giải pháp nhằm tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình ở nước ta.
62,9% phụ nữ từng bị bạo lực gia đình
Tại Hội nghị triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình do Bộ VHTTDL, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp tổ chức, bà Naomi Kitahara- Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA tài trợ đã chỉ ra rằng, gần 2/3 số phụ nữ (62,9%) từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế cũng như các hành vi kiểm soát từ chồng và một nửa trong số đó chưa từng nói với ai về chuyện này.
Ảnh minh họa
Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng các cuộc gọi tới đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Thực trạng này xảy ra không chỉ ở xã hội Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cam kết, trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ cho Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình quốc gia của Việt Nam để đạt mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến BLGĐ và bạo lực giới vẫn tồn tại ẩn khuất, len lỏi vào mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn. Đại diện Vụ Bình đẳng giới Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới hiện nay vẫn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam, thể hiện ở sự mất cân bằng về giới tính, nạn tảo hôn và đặc biệt là quan điểm phân biệt vị trí chênh lệch giữa con trai, con gái... Theo kết quả nghiên cứu của ISDS, số người được khảo sát cho biết, dự định sẽ chỉ chia nhà, đất ở cho con trai, gấp hơn 6 lần những người dự định chia cho con gái; 52,78% nam giới sở hữu nhà và đất thổ cư so với 21,29% nữ giới.
Vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong gia đình cũng bị phân biệt khác nhau, nam giới là trụ cột, lo việc xã hội, kiếm tiền, ra quyết định lớn, phụ nữ lo công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, làm công việc "vô hình", "không tên", không mang lại thu nhập, phải chịu những hình thức phân biệt đối xử và bị lạm dụng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, đó là các chuẩn mực giới, khuôn mẫu giới duy trì đặc quyền của phái mày râu và hạn chế quyền tự chủ của phụ nữ; Tình trạng nghèo đói, kém phát triển, thất nghiệp, lạm dụng các chất gây nghiện, tệ nạn xã hội...; Thái độ dung túng hoặc biện minh cho hành vi bạo lực là bình thường hoặc có thể chấp nhận được; Truyền thông về các vụ việc bạo lực, quấy rối tình dục thiếu nhạy cảm giới, đổ lỗi cho nạn nhân; Trải nghiệm bạo lực thời thơ ấu và/hoặc chứng kiến bạo lực trong gia đình, môi trường sống xung quanh; Sự cam chịu, chấp nhận bị bạo lực của nạn nhân...
Sáng tạo trong truyền thông PCBLGĐ
Đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế về công tác PCBLGĐ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh đặt câu hỏi: Vì sao đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà vẫn có hơn 90% phụ nữ không lên tiếng và giữ im lặng? Liệu có thể đếm chính xác được con số phụ nữ bị giết, bị đánh đập trước khi đến được tòa án, thậm chí còn bị hành hung ngay trước cổng tòa hay không? Đáng nói là các cơ quan truyền thông cũng đã bộc lộ quan điểm và định kiến về giới ngay cả ở những bài báo đề cập tới các vụ việc cụ thể về bạo lực giới hay xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Những câu hỏi như đổ lỗi của tòa án hay của cơ quan truyền thông rất dễ làm tổn thương chính những nạn nhân bị bạo lực. Bà Vân Anh cũng chia sẻ, Bộ VHTTDL đang xây dựng Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để có một đạo luật đáp ứng được thực tiễn với sự vào cuộc của toàn xã hội.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình (ảnh minh họa)
Một số địa phương như Bắc Ninh, Hậu Giang, Hội Nông dân Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Người cao tuổi Việt Nam... đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả cho công tác PCLBGĐ, đồng thời có những đóng góp cụ thể để xây dựng Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Điển hình như Hội Nông dân Việt Nam đã thu hút sự tham gia tích cực, hiệu quả của nam giới khi triển khai các mô hình, lựa chọn nam giới là đối tượng truyền thông, đồng thời đào tạo nam giới và khích lệ họ trở thành các tuyên truyền viên cộng đồng để nâng cao nhận thức cho các nam giới khác về PCBLGĐ, nhân rộng mô hình Người cha trách nhiệm tại một số tỉnh, thành trong cả nước...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, với trách nhiệm được giao quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, Đề án, Chương trình của lĩnh vực gia đình giai đoạn 2010-2020, từ đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Trong dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 có rất nhiều những nội dung quan trọng được đặt ra: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về PCBLGĐ; Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ, Thông tin, giáo dục, truyền thông PCBLGĐ; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ; Hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, thực hiện pháp luật về PCBLGĐ.
Các mục tiêu chính của Chương trình về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trong tình hình mới đến năm 2025 bao gồm: trên 70% người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với BLGĐ; 95% nạn nhân phát hiện bị BLGĐ được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc y tế; 95% xã, phường, thị trấn triển khai và duy trì Mô hình Phòng chống BLGĐ; và 90% người trực tiếp tham gia công tác phòng chống BLGĐ được đào tạo về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ phòng chống BLGĐ, cùng với những nội dung khác.
Bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP Kết quả điều tra cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP, tăng 0,2% so với năm 2012. Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến... Chiều ngày 16.4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban...