PGS.TS Trần Thành Nam: Bạo lực học đường bị thổi phồng qua mạng xã hội
Để phòng chống bạo lực học đường nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách, quy định, điều luật… Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn đang là vấn nạn của trường học trên toàn cầu.
Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) xoay quanh biện pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Bạo lực học đường có thể xuất phát từ những xích mích nhỏ, nhưng không được phát hiện và hòa giải kịp thời. (Ảnh mang tính minh họa).
Bị mạng xã hội chi phối
- Ông có đánh giá như thế nào thực trạng BLHĐ ở Việt Nam?
Để đánh giá hiệu quả của chính sách mang tính quốc gia đối với vấn nạn bạo lực học đường thì phải xem xét trên những số liệu về tình trạng này trước và sau khi áp dụng các giải pháp, chính sách.
Sau khi áp dụng giải pháp chính sách thì yếu tố nào thực sự được kiểm soát, các chỉ số nào giảm? Ví dụ như số lượng, tính chất nghiêm trọng của các vụ việc?…
Ở nước ta, từ trước đến nay, phải thẳng thắn nhìn nhận việc đánh giá tình trạng bạo lực học đường mới chỉ qua số liệu của một số bộ ngành, dựa trên báo cáo từ cấp dưới, hoặc các vụ việc mà truyền thông, mạng xã hội nêu.
Điều đó chưa phản ánh đúng thực tế của tình trạng bạo lực học đường. Số vụ bạo lực học đường, tính chất nghiêm trọng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn những gì mà dư luận hình dung qua các thông tin trên truyền thông và mạng xã hội.
Vì vậy, chúng ta cũng không thể chắc chắn được là tình trạng bạo lực học đường hiện nay tồi tệ hơn hay tốt hơn trước đây 5 năm. Cộng đồng có thể cảm nhận bạo lực học đường hiện nay nhiều hơn, nghiêm trọng hơn chỉ vì các vụ việc được truyền thông đưa tin liên tục, một vụ việc được nhiều đơn vị đưa tin, đưa tin nhiều kỳ, nhắc lại nhiều lần, dẫn đến số lượng kết quả tìm kiếm trên mạng về các vụ bạo lực học đường tăng lên đáng kể.
Có thể nói chúng ta chưa định kỳ khảo sát về bạo lực học đường cũng như chưa có một cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia đầy đủ, nhất quán và khoa học về vấn nạn này.
- Ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh bạo lực học đường có thể bị thổi lên qua mạng xã hội?
Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của mạng xã hội, của thông tin số, có thể nhiều vụ việc bạo lực học đường dư luận không biết đến, được nhìn nhận là “điều bình thường” nên không được phản ánh rộng khắp.
Còn hiện nay, khi người dân ý thức hơn về quyền trẻ em, quan tâm hơn đến kỷ luật tích cực, họ phản ứng mạnh mẽ hơn về những sự việc bị phát hiện, đưa lên truyền thông, mạng xã hội… Khi nhiều sự việc bạo hành trở thành tâm điểm gây chú ý dư luận, rất nhiều bình luận viên công chúng có thể đưa ra quan điểm cá nhân trên các trang mạng xã hội, khiến cộng đồng hoang mang và nghĩ rằng có thể còn có nhiều vụ việc hơn nữa.
Video đang HOT
Và một khi các vụ việc bạo lực học đường trở thành “món ăn” thông tin gây sự chú ý của nhiều người, sẽ có nhiều bài viết, thông tin không chính xác, hoặc được chế biến theo hướng bạo lực học đường để thỏa mãn niềm tin tiêu cực và nỗi sợ hãi của cộng đồng.
Rồi khi niềm tin của cộng đồng về nhà trường, GV trở nên tiêu cực, nhiều hành động giữa GV với HS, HS với HS có thể được diễn giải dưới góc độ bạo lực.
Ví dụ, ảnh chụp một cái đập vai thân thiện giữa hai HS có thể trở thành minh chứng của một vụ đánh nhau; hình ảnh cô giáo cầm thước để chỉ bài giảng có thể sẽ được diễn giải là GV đe dọa HS…
PGS.TS Trần Thành Nam: “Một mình ngành giáo dục không thể ngăn chặn bạo lực học đường”.
Ngành Giáo dục không thể “đơn độc”
- Theo ông, phải làm thế nào để có thể nhìn nhận chính xác mức độ của tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam?
Cần phải có những nghiên cứu và đánh giá thường xuyên về mức độ và tình trạng của bạo lực học đường. Cũng cần phải có một hệ thống khảo sát định kỳ các chỉ báo liên quan đến bạo lực học đường sau khi áp dụng một biện pháp, chính sách phòng chống bạo lực học đường. Từ đó mới có thể đánh giá tác dụng, hiệu quả của chính sách.
Tuy nhiên, bạo lực học đường đang diễn ra rất phức tạp dưới ảnh hưởng của mạng xã hội. Bạo lực học đường không đơn giản chỉ là đếm số vụ việc xuất hiện trên thực tế mà còn phải kể đến rất nhiều vụ việc bắt nạt trực tuyến nữa.
Cũng còn rất nhiều mầm mống bạo lực học đường là những xích mích nhỏ, có khả năng bùng phát thành những vụ việc nghiêm trọng chưa được quan tâm giải quyết. Thời gian gần đây chúng ta mới chỉ quan tâm, giải quyết bạo lực học đường ở các vụ việc đã xảy ra, xử lý hậu quả của BLHĐ, chứ chưa đẩy mạnh được phòng, chống.
- Thưa ông, ngành giáo dục liệu có “đơn độc” trong việc đưa ra các giải pháp, hành động phòng chống bạo lực học đường hay không, khi mà trách nhiệm đang được dư luận chỉ thẳng vào GV, nhà trường và quản lý các cấp?
Trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường trước hết là của nhà trường, của ngành GD. Có rất nhiều chương trình GD cần triển khai, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Trong đó, GD kỹ năng, giá trị sống cho HS là nền tảng quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường. Hay chương trình quản lý hành vi của HS dành cho GV; chương trình giúp GV tăng nhận thức về biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần của HS, cũng góp phần sớm nhận ra những HS bị tổn thương, nhằm ngăn chặn bạo lực học đường.
Rồi phải có các chương trình đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường để phân loại xử lý bạo lực tiềm tàng. Những HS rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc, nếu được phát hiện sớm, được hỗ trợ, sẽ không dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường.
Tuy nhiên, phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành GD, một mình ngành GD không thể làm được. Cần phải có chương trình GD hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình, đó là nền tảng rất quan trọng góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Hoặc chương trình an toàn trong khu dân cư, phố (thôn, xóm), phường (xã)… thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành GD, đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống bạo lực học đường.
- Xin cảm ơn ông!
An Nhiên (thực hiện)
Theo GDTĐ
Toa thuốc nào để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường?
Thời gian gần đây, bạo lực học đường xảy ra thường xuyên với tính chất ngày một nghiêm trọng, và đang trở thành vấn nạn chưa có lời giải. Câu hỏi không ít người đặt ra là: Các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường của ngành giáo dục có thực sự mang lại hiệu quả?
Cần sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh minh họa.
Còn nhớ, 20 năm trước, để liên lạc với cha mẹ học sinh nhà trường có sổ liên lạc. Chức năng của cuốn sổ bé bằng nửa tờ giấy A4 đó là mỗi cuối tuần, tổ trưởng và cán bộ lớp sẽ nhận xét về ý thức kỉ luật của mỗi bạn trong lớp, bằng cách viết nhận xét, sau đó giáo viên chủ nhiệm sẽ kí.
Mọi tình hình về điểm số trên lớp, các hoạt động tập thể và thái độ với các bạn trong lớp đều được ghi lại rõ ràng. Tuần nào phụ huynh cũng được yêu cầu kí và nộp lại vào thứ hai tuần tiếp theo.
Tôi còn nhớ năm lớp 6, bạn tổ trưởng khi ấy nhận xét tôi trong sổ: Còn trầm tính, chưa xung phong tham gia các hoạt động của trường. Cô giáo tôi cũng ghi ở phần nhận xét: Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và động viên cháu mạnh dạn hơn. Khi ấy lớp tôi sĩ số 36 nên giáo viên có thể đọc và nhận xét từng học sinh một cách tỉ mỉ.
Sau này không còn hình thức sổ liên lạc viết tay nữa mà đổi sang sổ liên lạc điện tử, thuận tiện và nhanh hơn. Mọi thay đổi về lịch học, thông báo lịch thi đều được thực hiện qua tin nhắn. Còn về tình hình kỉ luật của học sinh, chỉ khi nào đặc biệt nghiêm trọng mới bị gọi hoặc có tin gửi riêng.
Cùng là một hình thức nhằm tạo mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình nhưng có thể thấy, mối liên kết đó đã bị phai nhạt nhiều. Để rồi đến bây giờ khi mà cả mạng xã hội biết thì mới tới nhà trường và phụ huynh biết, như trong vụ việc bạo hành nữ sinh lớp 9 tại THCS Phù Ủng (Hưng Yên).
Một nhóm 5 học sinh nữ lớp 9 lột quần áo, liên tiếp đấm đá vào vùng mặt một nữ sinh cùng lớp tại trường khiến nữ sinh này phải nhập viện điều trị và có sang chấn tâm lí. Đây không còn là sự việc riêng của một nhóm học sinh nữa mà nó đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại của không ít nhà trường, phụ huynh, học sinh.
Thống kê từ Bộ Công an cho biết, mỗi năm Việt Nam phát hiện từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em. Thực trạng này đã đến mức báo động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Các em học sinh là nạn nhân không chỉ hứng chịu sự đau đớn về thể xác mà còn ám ảnh tinh thần trong thời gian dài.
Riêng cuối tháng 3, đầu tháng 4, hàng loạt các vụ bạo lực học sinh đã diễn ra tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh. Đối tượng chủ yếu là các em học sinh THCS và THPT. Bạo lực học đường xảy ra hàng năm nhưng tính chất nghiêm trọng lại ngày một cao ở một số vụ việc trong thời gian gần đây. Nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành giáo dục.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng đã gây bức xúc xã hội.
Trong tọa đàm "Ngăn ngừa bao lực học đường" do báo Tiền Phong tổ chức, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu những lí do dẫn đến tình trạng trên: "Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kĩ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.
Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh. Công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng còn thiếu, hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai."
Xét theo góc nhìn pháp luật, đánh người là hành vi phạm pháp cố ý gây thương tích. Trong trường hợp trên nạn nhân còn bị xé quần áo, quay clip và chia sẻ trên mạng xã hội, hành vi đó có thể bị kết vào tội cố ý xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm.
Nhưng điều mà dư luận cũng như các bậc phụ huynh quan tâm lúc này không chỉ dừng lại ở việc giải quyết một sự việc mà làm thế nào để tình trạng bạo lực học đường phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Mọi quy trình đều cần có thời gian đề thực hiện và điều chỉnh, chứ không phải là những biện pháp "rầm rộ" trong một thời gian rồi lại rơi vào quên lãng, sau đó khi phát giác ra những sự việc mới và nghiêm trọng hơn, người ta mới buông một câu thở dài và tự hỏi: Trong suốt thời gian qua chúng ta đã làm được những gì? Mọi giải pháp có thực sự mang lại hiệu quả?
Sự việc học sinh đánh nhau cần nhận được trách nhiệm từ nhiều phía. Có thể kể đến là sự theo dõi từ phía phụ huynh. Sự tin tưởng tuyệt đối, gửi gắm con em mình cho nhà trường là một khoảng trống vô hình được tạo ra cho bố mẹ và các em. Các bậc phụ huynh cần để ý và quan tâm, đôi khi chỉ một câu hỏi đơn giản về mối quan hệ với bạn bè trên lớp cũng đủ để phát hiện và ngăn những vụ việc bạo hành đau lòng.
Trên thực tế, Việt Nam đang có cơ sở pháp lý đầy đủ, có hành lang bảo vệ nhưng phải chăng vì chúng ta đang thờ ơ, vì thế mà về lâu về dài đã biến thành tật xấu chung của xã hội - đó là sự im lặng trước tội ác. Do vậy, muốn chống được vấn nạn này phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về pháp luật. Các nhà trường nên lồng ghép chương trình giáo dục trẻ em vào nội dung giảng dạy,...
Theo cô giáo Trịnh Thị Bích Vân, Giáo viên Toán trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: "Để xã hội tốt, mỗi gia đình cần là cái nôi tốt trước đã. Đừng bất cứ chuyện gì xảy ra với một đứa trẻ, cũng đổ hết trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường. Chúng ta, những bậc làm cha mẹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Chúng ta hãy dành cho con cái nhiều yêu thương, nhiều sẻ chia hơn."
Đứng trên quan điểm là một phụ huynh, nhà báo Hoàng Anh Tú, Phóng viên báo Sinh viên Việt Nam cho rằng, cần dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các con, không chỉ là những vấn đề về kiến thức hay điểm số, mà đó còn là những lời khuyên về kĩ năng sống, và hướng dẫn các con nhỏ cách xử lý khi bị bắt nạt ở trường.
Về phía nhà trường, ban lãnh đạo và các thầy cô giáo cần phát huy vai trò của mình. Theo cô Nguyễn Thị Lệ Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Hào: "Giáo viên chủ nhiệm giữ vị trí then chốt trong việc giảm thiểu bạo lực học đường. Giáo viên cần phải nghiên cứu học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý và tình hình học tập của từng em, từ đó có giải pháp tác động phù hợp. Xây dựng tập thể đoàn kết, yêu thương nhau bằng cách cho học sinh thảo luận về một số chuyên đề như kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, kỹ năng ứng phó với stress. Qua đó, học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân và học hỏi được những điều cần thiết."
Còn các em học sinh, cả người đánh và bị đánh, đều là nạn nhân. Điều các em cần bây giờ là sự quan tâm và giáo dục có định hướng từ nhà trường và gia đình. Những biện pháp xử phạt là cần thiết để răn đe song những giải pháp lâu dài để các em phát triển tốt toàn diện là điều cần thiết hơn cả.
Để các em có thể hiểu rằng vấn đề nên giải quyết bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực, và khi xảy ra bạo lực, các em phải lên tiếng và chống lại chứ không phải là vô cảm đứng nhìn.
Giáo dục đạo đức và kiến thức giờ đây phải được song hành với nhau, nếu một trong hai thứ bị xem nhẹ sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Nhà trường và gia đình phải là cầu nối để các em có những bước đi vững chắc trên hành trình trở thành công dân có ích.
Thanh Hằng
Theo congluan
Tuyên truyền phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em vào giờ chào cờ Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng đội TP Hà Nội, các liên đội trên địa bàn thành phố sẽ đồng loạt tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em với khẩu hiệu "Hành động của bạn - Tương lai của em" vào giờ chào cờ thứ hai đầu tuần. Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai...