PGS.TS Phạm Tất Thắng lên tiếng về đề xuất chia nhỏ kỳ nghỉ hè của Chủ tịch Chung
Không thể thấy các nước làm được là áp dụng luôn vào Việt Nam. Phải có nghiên cứu, đánh giá và thí điểm nếu cần. Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Quốc hội trước đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ cho học sinh Việt Nam.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.
Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.
Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS. Phạm Tất Thắng Phó chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Quốc hội cho rằng, từ trước đến nay, giáo dục Việt Nam vẫn thực hiện hai học kỳ/năm với một kỳ nghỉ hè; khác với các nước xứ lạnh có nhiều kỳ nghỉ.
Chính vì vậy, ông cho rằng việc cho học sinh nghỉ như thế nào phải dựa trên các yếu tố: Thứ nhất là điều kiện tự nhiên.
Video đang HOT
Học sinh Việt Nam nghỉ học vào mùa hè. Đây là mùa được coi là khắc nghiệp nhất đối với khu vực phía Bắc và miền Trung; không chỉ nắng nóng mà còn là mùa mưa bão, lũ lụt.
Yếu tố thứ hai là truyền thống, thói quen. Thứ ba là điều kiện thực hiện và ưu nhược điểm của mỗi phương thức.
Vì vậy, PGS. TS. Phạm Tất Thắng khẳng định, muốn điều chỉnh, phải nghiên cứu cả 3 yếu tố này. Phải xác định xem thay đổi như thế có tốt hơn không. Hiện nay khung thời gian năm học được coi là phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta.
Giờ muốn thay đổi, phải nghiên cứu xem có thuận tiện hơn, phù hợp hơn cho học sinh so với phương án hiện tại hay không.
Do đó phải có nghiên cứu đánh giá ưu, nhược điểm của mỗi phương thức; xem thay đổi có cần thiết, có phù hợp không và cũng làm thí điểm.
NGHIÊM HUÊ
GS.TS Phạm Tất Dong nói gì về đề xuất cho nghỉ học nhiều kỳ của Chủ tịch Hà Nội?
Liên quan đề xuất chia nhiều kỳ nghỉ mỗi năm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, khó có thể thực hiện vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Ông Dong cho rằng, xuất phát từ thực tế toàn quốc cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh như giai đoạn hiện nay nên Chủ tịch UBND TP Hà Nội có đề xuất như trên. Tuy nhiên, cho học sinh nghỉ học thời điểm nào khác ngoài nghỉ hè cần phải có nghiên cứu, có kết quả cụ thể.
Theo ông Dong, từ xưa, khi Pháp sang Việt Nam, tổ chức trường học và họ thấy thời tiết, khí hậu Việt Nam mùa hè nóng nực, không thể học được nên mới có đề xuất cho học sinh nghỉ hè. Chúng ta không có kỳ nghỉ đông vì mùa đông của ta ít khi dưới 10 độ C. Trong khi các nước lại có kỳ nghỉ đông là vì thời tiết ở đó mùa đông quá khắc nghiệt.
GS.TS Phạm Tất Dong
Vì thế, đa số các nước cho học sinh nghỉ học dựa trên điều kiện thời tiết chứ không phải vì một lý do nào đó. Như hiện nay, nếu rút ngắn thời gian nghỉ hè, học sinh sẽ phải đến trường vào tháng 6, tháng 7 trời nắng như đổ lửa. Khi đó, học sinh sẽ học vào giờ nào? Không phải trường học nào cũng có điều hòa, máy lạnh nên việc dạy học chắc chắn không có hiệu quả. Từ thực tế đó, cho thấy, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội rất khó khả thi.
Hoặc có thực hiện cũng phải trưng cầu ý kiến người dân, giáo viên. Nhất là giáo viên, có bao nhiêu người đồng thuận về việc đó. Vì về mặt nội dung, kiến thức, học sinh học một lèo sẽ tốt hơn bị gián đoạn bởi các kỳ nghỉ. Trên thực tế hiện nay, học sinh chúng ta cũng đã nghỉ 2 kỳ/ năm đó là nghỉ hè và nghỉ Tết nguyên đán.
Học sinh đang có 3 kỳ nghỉ
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) lại cho rằng, năm nay như một năm thí điểm ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bởi sau kỳ nghỉ Tết, học sinh có thêm một kỳ nghỉ vì dịch bệnh và rút ngắn thời gian nghỉ hè. Thay vì kết thúc năm học vào cuối tháng 5, năm nay học sinh sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.
Các nhà trường, địa phương chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để thực hiện các việc như: thi tuyển lớp 10, tuyển sinh 10; thi THPT quốc gia; xét tuyển ĐH. Liệu những việc đó có thực hiện hết được trong thời gian nghỉ hè ngắn hơn hay không?
Về việc này, ông Dong cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của việc chia nhỏ kỳ nghỉ ra có ảnh hưởng đến chất lượng học tập hay không? Việc này, cần có ý kiến của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục. Chúng ta không thể nói khi không dựa trên một căn cứ, đánh giá nào cả. Phải đảm bảo kết quả học tập cũng như sức khỏe học sinh sau đó mới tính đến các yếu tố khác. "Phải đặt học sinh làm trung tâm, không thể vì kích cầu kinh tế hay yếu tố giao thông mà có thể tùy tiện điều chỉnh việc nghỉ học của học sinh", ông Dong nói.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid -19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/ năm cho học sinh như nhiều quốc gia khác.
Ông Chung cho rằng, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng. Trong đó kỳ nghỉ hè nên kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Theo ông Chung, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.
"Tới đây, chúng ta có thể có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Bộ Nội vụ để tính toán lịch. Chúng ta nghiên cứu xem các nước làm thế nào, nếu có hiệu quả, ứng dụng được thì có thể áp dụng ngay từ năm tới", ông Chung đề xuất.
Theo Tiền phong
Đã có kho 500 video bài giảng theo chuyên đề trên Youtube, cha mẹ hãy bật ngay cho con để ôn tập tốt cho kỳ thi sắp tới Không phải là các bài giảng dài cả tiếng đồng hồ gồm nhiều nội dung mà đây là các nội dung đã được chia theo từng chuyên đề, nhóm kiến thức cụ thể giúp học sinh dễ dàng tổng hợp, tiếp thu bài học. Những ngày nghỉ học ở nhà vì dịch Covid-19 này, các sĩ tử đang chuẩn bị cho kỳ thi...