Giáo viên loay hoay vì tinh giản nội dung theo sách khác thực tế dạy học
Nhiều giáo viên đang giảng dạy chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn khi nội dung tinh giản lại theo sách Tiếng Anh hệ 7 năm.
Tại Việt Nam hiện nay, phổ biến trên toàn quốc là hệ 7 năm và hệ 10 năm. Ảnh: HN
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn thực hiện giảm tải nội dung dạy học của học kỳ II năm học 2019-2020, sau khi học sinh phải nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19.
Tuy vậy, một giáo viên dạy chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện giảng dạy chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm được 4 năm. Khi xem công bố chương trình tinh giản môn Tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chỉ có hệ 7 năm. Hai chương trình này có nội dung khác nhau khá lớn nên để giáo viên tự điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng rất khó khăn”.
Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm đang là chương trình thí điểm, chưa được ban hành chính thức. Tỉ lệ học sinh đang học theo chương trình này cũng nhiều nhưng không phải tất cả. Đây là tinh giản chương trình nên chỉ làm cho chương trình cơ bản”.
Ông Thành nhấn mạnh: Trong công văn hướng dẫn cũng đã nêu rất rõ: “Đối với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung công văn này để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù của môn học”.
Chương trình Tiếng Anh cũng tương tự như vậy, từ hệ 7 năm, các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nhưng không được thấp hơn chương trình tinh giản đã ban hành.
“Tiếng Anh thường được chú trọng ở năng lực ngôn ngữ nghe – nói – đọc – viết. Các bài trong từng chương trình là ngữ liệu khác nhau tuy nhiên về chất lượng giống nhau”, ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi với số lượng học sinh học chương trình 10 năm tương đối lớn, hàng chục tỉnh thực hiện tại sao không ban hành thêm một chương trình tinh giản, ông Thành cho biết chương trình hệ 10 năm đang là thí điểm nhưng sẽ được triển khai thành chương trình trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo lộ trình chưa tới thời điểm thực hiện nên Bộ không ban hành tinh giản.
Giáo dục Việt Nam đã có 3 hệ chương trình Tiếng Anh phổ thông được áp dụng: hệ 3 năm, hệ 7 năm và hệ 10 năm.
Hệ 3 năm là chương trình Tiếng Anh phổ thông 3 năm cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12.
Hệ 7 năm là chương trình Tiếng Anh phổ thông 7 năm dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.
Hệ 10 năm là chương trình Tiếng Anh phổ thông 10 năm dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.
Và hiện nay, phổ biến trên toàn quốc là hệ 7 năm và hệ 10 năm.
Chương trình Tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
HUYÊN NGUYỄN
Để dạy học chất lượng khi học sinh không đến trường mùa dịch Covid-19
Thế giới chao đảo trước đại dịch Covid-19. Hàng tỉ học sinh trên toàn cầu phải nghỉ học. Việt Nam cũng có hàng triệu học sinh không đến trường. Ngày nào học sinh được đi học trở lại là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Học sinh theo học trực tuyến trong thời gian nghỉ ở nhà vì dịch Covid-19 - Đậu Tiến Đạt
Đất nước ta đang trong "cuộc chiến không tiếng súng", trường học cũng cần phải thay đổi và chuyển sang trạng thái thích ứng mới. Đó là việc cho học sinh học từ xa (trực tuyến, truyền hình).
Còn nhiều vướng mắc cần giải quyết
Trên thế giới hiện nay, việc dạy học trực tuyến (qua internet) là một giải pháp, là một hình thức dạy mới nhưng không thể thay thế hình thức dạy học truyền thống. Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần đẩy nhanh đầu tư để xây dựng được một chiến lược mang tính lâu dài.
Hiện nay do điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, kỹ năng của giáo viên... nên khó áp dụng dạy học trực tuyến rộng rãi ở tất cả các địa phương. Một bộ phận trường học ở nước ta còn nghèo, nhất là ở vùng xa, vùng hải đảo, việc mua thiết bị công nghệ thông tin đã khó và khi vận hành được vào trong dạy học sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Nếu chúng ta có một cuộc khảo sát đầy đủ ở gần 3 vạn trường phổ thông trên cả nước sẽ thấy được bức tranh về sự thiếu thốn và không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố và giữa các trường học khác biệt lớn như thế nào.
Dạy học trên truyền hình tưởng dễ thực hiện hơn dạy học qua internet, vì đa phần gia đình học sinh hiện đã có ti vi. Tuy nhiên, việc quản lý học sinh học trên một phạm vi rộng ở các địa điểm học tại gia đình các em sẽ là bài toán không dễ với từng giáo viên và các trường.
Như vậy, để tổ chức thực hiện học từ xa có hiệu quả thì UBND tỉnh, thành quyết tâm thực hiện và sẵn sàng hỗ trợ các sở GD-ĐT vào cuộc. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần có chỉ thị gửi UBND tỉnh, TP về việc triển khai dạy học trực tuyến trong các trường học.
Phải tổ chức học bù, giảm môn thi
Chúng ta lo chất lượng giáo dục cho học sinh và tìm mọi cách để các em được tiếp tục học tại nhà hay học trực tuyến trong lúc này là quan điểm rất đúng. Nhưng cũng phải dựa vào khả năng hiện có của các trường, các địa phương mà đưa ra chủ trương và hướng dẫn hành động một cách hợp lý. Chúng ta vẫn còn khoảng thời gian học bù khi hết dịch và học sinh trở lại trường. Vì vậy hiện nay cần khuyến khích các trường dạy học trực tuyến theo điều kiện và khả năng hiện có của mình.
Vì vậy, dạy học trực tuyến chỉ tổ chức ở các trường đã từng thí điểm dạy học trực tuyến hoặc các trường đã có sẵn cơ sở hạ tầng theo quy định của "trường học trực tuyến". Đặc biệt hệ thống các trường tư, các trường ở thành phố đã có trải nghiệm dạy học trực tuyến trong nhiều năm qua; nội dung dạy học nên tập trung vào hệ thống hóa kiến thức và các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Khuyến khích các trường bồi dưỡng chuyên môn, dạy học ứng dụng công nghệ thông tin và thử nghiệm cho nhóm những học sinh hoặc những lớp có đủ điều kiện.
Những hoạt động có tính khả thi cao, như thực hiện theo tinh thần Công văn số 509/BGDĐT-GDTrH ngày 22.2.2020 của Bộ GD-ĐT về các địa phương phải tổ chức tự học bù để kịp với kế hoạch năm học khi mà Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh. Giữ quan điểm Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức học bù khi học sinh trở lại trường. Theo chúng tôi, sớm nhất là đầu tháng 5.2020. Khi đó, học sinh sẽ học bù 3 tháng hè (do 3 tháng các trường nghỉ học chống dịch bệnh) và khai giảng năm học mới vào đầu tháng 10.2020.
Bộ GD-ĐT đã ban hành giảm thời lượng và nội dung dạy học của kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho tất cả các lớp từ lớp 1 tới 12. Bộ cũng nên giảm môn thi THPT quốc gia và giảm các môn thi hoặc chỉ chọn hình thức xét tuyển vào lớp 10 năm học 2020 - 2021.
Trong lúc xã hội đang căng mình chống dịch, thiết nghĩ nên tìm cách giảm áp lực, khó khăn cho các gia đình và nhà trường. Các trường ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh.
Đặng Tự Ân
(Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT)
Nghỉ học do dịch Covid-19: Giúp con học ở nhà hiệu quả Gần đây, UNESCO ước tính có hơn 500 triệu trẻ em trên toàn cầu phải nghỉ học do đại dịch Covid-19. Học sinh lớp 9 ở Hà Nội học qua chương trình trực tuyến - Ảnh: Ngọc thắng Do thời gian nghỉ kéo dài, rất nhiều giải pháp đã được các nước sử dụng để duy trì việc học cho học sinh. Một...