PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Chúng tôi muốn làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sách giáo khoa bị loại!
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho biết, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại rất có lợi cho người học nên không phải chỉnh sửa.
Trưa 23/11, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Kế Hào – người đại diện cho Trung tâm Công nghệ Giáo dục gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ về việc SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại cho biết: Mong muốn của chúng tôi lúc này là sớm được làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chúng tôi muốn bộ SGK Công nghệ giáo dục được sử dụng khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới vì có lợi cho dân. Không chỉ thế, SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục có lợi hơn hẳn những SGK khác đã và đang được thực hiện.
“Hiện nay, SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã được trên 920.000 học sinh lựa chọn (chiếm 60% trên tổng số học sinh lớp 1) ở 48 tỉnh thành như Lai Châu, Lào Cai, Bình Phước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… Sách này được các phụ huynh tự nguyện dùng vì thấy có lợi cho con em của họ. Khi học hết lớp 1, các em đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả, không tái mù chữ, thậm chí có nơi còn chữa được ngọng” – PGS Kế Hào khẳng định.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định hai bộ sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh.
Vì thế, “nếu Hội đồng thẩm định quốc gia yêu cầu điều chỉnh, chúng tôi sẽ không thực hiện. Vì SGK không phải là pháp lệnh. Sách có mục tiêu và chuẩn đầu ra đáp ứng là được. Sách cũng không vi phạm về chính trị, khoa học” – ông Hào nói. Nếu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần chứng minh thì căn cứ vào các hội đồng thẩm định từ trước đến nay, đánh giá của các địa phương và mời một số chuyên gia xem xét thêm.
Trước đó, ngày 22/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào – Trung tâm Công nghệ giáo dục về bộ SGK công nghệ giáo dục.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”. Đồng thời, rà soát, thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Chiều 22/11, tại buổi họp báo công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết: Liên quan đến SGK công nghệ giáo dục của GS.TS Hồ Ngọc Đại, khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư đến Thủ tướng cũng có gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký thư trả lời và gửi qua đường hành chính rất rõ ràng. Bộ GD&ĐT cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để nói rõ về việc sách của GS của GS Hồ Ngọc Đại vì sao không đạt và cũng trả lời cho PGS.TS Nguyễn Kế Hào.
SGK lớp 1 Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đã được trên 920.000 học sinh ở 48 tỉnh thành lựa chọn.
Ông Thái Tài cho biết, ngay trong quá trình thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định đã đối thoại với chính tác giả 2 lần. Lần thứ nhất là tác giả lên trình bày bản thảo nội dung của mình. Trong lần đó, Hội đồng thẩm định đã có những trao đổi về quan điểm, nội dung. Sau 7 ngày làm việc, Hội đồng đã phân tích những yếu tố từ bản thảo và sau đó khi có kết luận cuối có mời chính tác giả SGK lên thông báo và hỏi tác giả có ý kiến gì không. Tại buổi đối thoại đó, GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì.
Video đang HOT
“Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định và quyền lợi của tác giả được ghi trong Thông tư 33. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với những người liên quan; nếu có nhu cầu tiếp tục đối thoại, chúng tôi sẽ xin ý kiến tham mưu củai Bộ trưởng để tiếp tục tiến hành…” – ông Thái Văn Tài cho biết.
Còn về việc Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm”, ông Tài phản hồi: Trong năm 2017, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cho đánh giá lại các nội dung liên quan đến nội dung SGK Tiếng Việt 1 chương trình công nghệ. Tại thời điểm đó, hội đồng đã kết luận bản thảo sách này chỉ phù hợp với chương trình hiện hành, điều chỉnh cho đến khi triển khai chương trình GDPT mới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những nội dung mà Bộ GD&ĐT đã tiến hành trong thời gian vừa rồi” – ông Tài cho hay.
Theo kinhtedothi
Hạn cuối thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, số phận Bộ SGK Công nghệ giáo dục sẽ ra sao?
Một bộ sách đã qua thực tế hơn 40 năm với hơn 900.000 học sinh theo học, được tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện trong gần 50 năm..., số phận bộ sách sẽ ra sao khi hôm nay là hạn cuối cùng của quá trình thẩm định SGK trước khi trình Bộ trưởng Bộ GDĐT?
Câu chuyện về bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục (SGK CNGD) do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên "trượt" thẩm định vòng 1 khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về cách làm việc của Hội đồng thẩm định SGK cũng như các tiêu chí để lựa chọn SGK cho cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây cũng là chủ đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo đang giảng dạy theo SGK CNGD, các bậc phụ huynh có con đang học sách này...
Số phận bộ Sách giáo khoa CNGD sẽ ra sao sau 30/9/2019 (ảnh: Lao động)
Liên tục được chỉnh sửa để học sinh lớp 1 có thể tiếp thu tốt nhất
Bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1 do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên đã trải qua lịch sử thăng trầm gần 50 năm (trong đó, 7 năm để nghiên cứu và hơn 40 năm được triển khai giảng dạy thực tế, và bộ sách này đã được hoàn thiện cách đây 2 năm - theo GS.TS Hồ Ngọc Đại.
Bộ sách liên tục được chỉnh sửa, mặc dù cũng từng phải gián đoạn giảng dạy nhưng từ năm học 2016 tới giờ đã có 48 tỉnh thành sử dụng bộ SGK này để giảng dạy, năm học 2018-2019 có hơn 923 nghìn học sinh học sách này.
Tuy nhiên, để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu phải xây dựng bộ SGK phù hợp các tiêu chí của chương trình này. Đây cũng là khởi điểm cho việc lựa chọn có hay không tiếp tục giảng dạy theo bộ SGK CNGD, bất kể bộ sách này đang được đánh giá là giúp cho trẻ em tiếp cận tốt hơn với kiến thức khởi đầu cho một quá trình học tập lâu dài.
Bộ sách luôn hướng tới học sinh, bộ sách đã qua thực tế kiểm chứng, giảng dạy, bộ sách đã qua 3 lần thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Trong khi SGK chính thống từng phải cải cách, thì SGK CNGD vẫn được học sinh tiếp nhận, đảm bảo được tính ổn định lâu dài cho quá trình triển khai.
Thế nhưng, trong đợt thẩm định đầu tiên, Hội đồng thẩm định SGK đã chấm "Không đạt" đối với bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, trong đó, sách Toán và Tiếng Việt không đạt, sách Đạo đức đạt.
Chiều 12/9, các Hội đồng thẩm định đã có giải thích chi tiết về kết quả thẩm định bộ SGK Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Có những ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, nhiều nội dung trong SGK quá nặng với học sinh lớp 1 (?)
Vậy câu hỏi đặt ra là, với các bộ sách còn lại trình thẩm định, những bộ sách chưa từng được thực tế kiểm chứng, thì căn cứ nào để cho rằng các bộ sách đó sẽ phù hợp với khả năng tư duy và nhận thức của học sinh?
Nếu bám theo tiêu chí thẩm định thì cần phải có một hội đồng thẩm định các tiêu chí này, để xem thực sự các tiêu chí có phù hợp với thực tế và có bằng chứng khoa học nào cho thấy các tiêu chí này sẽ là chuẩn mực để các thành viên hội đồng thẩm định "bám" vào để so sánh, để loại bỏ các cuốn sách không phù hợp?
Năm học 2018-2019 có 48 tỉnh thành với hơn 923.000 học sinh học SGK CNGD (ảnh: KH&ĐS)
Những ý kiến đáng để suy nghĩ
Trong thời gian này, ý kiến của Trung tâm CNGD gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đáng để những người cầm cân nảy mực suy nghĩ. Đó là, "Nhìn lại cả quá trình, đây là bộ sách mới được hình thành và ngày càng hoàn thiện theo những quan điểm giáo dục nhất quán và được kiểm nghiệm trong thực tiễn, phù hợp với đường lối đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay". Vậy có cần thiết loại bỏ một bộ sách đã "sống" cùng nhiều thế hệ học sinh Việt Nam?
Con số thống kê hơn 923 nghìn học sinh theo học SGK CNGD, trong khi trung bình cả nước hàng năm có khoảng 1,7 triệu học sinh học lớp 1, như vậy con số 55% này có đáng để những nhà quản lý, những người làm công tác nghiên cứu, các thầy cô giáo phải suy nghĩ?
Hay ý kiến của một trong hàng triệu học sinh từng học theo SGK CNGD, GS. Ngô Bảo Châu "Sách của thầy Đại đã có 40 năm, cả triệu trẻ dùng nó để học chữ. Nó đã là một phần của cuộc sống rồi. Đúng là quản lý nhà nước thì cần có thẩm định, có chuẩn... nhưng đem cuộc sống ra thẩm định thì cũng buồn cười".
Thêm vào đó, học sinh sau khi học hết SGK CNGD lớp 1 có thể tiếp tục học lên lớp 2 sử dụng SGK theo chương trình chung mà không gặp trở ngại.
Chưa kể đến những giáo viên đã và đang giảng dạy học sinh lớp 1 sử dụng bộ sách này của 48 tỉnh thành, nghĩa là họ đã có kiến thức và kinh nghiệm để truyền tải các kiến thức từ bộ sách sang học sinh. Những thầy cô giáo này sắp tới có bị loại bỏ theo bộ sách?
Một bộ SGK mới ra đời cần phải có thực tế mới có thể đánh giá được là bộ sách đó có phù hợp hay không? có giúp ích gì cho quá trình học tập lâu dài của học sinh hay có quá khó với quá trình tiếp thu của trẻ lớp 1. Hoặc một đề án, một dự án luôn cần phải nghiên cứu tính khả thi khi triển khai thực hiện đề án, dự án đó.
Từ câu chuyện lựa chọn SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới này, thiết nghĩ nên công khai những tiêu chí lựa chọn sách mà các hội đồng thẩm định bám vào đó để đánh giá, lựa chọn, và cũng cần có thực tế kiểm chứng xem những SGK đạt thẩm định có thực sự vì trẻ em? Phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực của trẻ?
Đây cũng cần xem như một tham chiếu thực tế để việc lựa chọn các SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới của các cấp còn lại được công khai, minh bạch, trên tất cả là hướng tới học sinh và vì học sinh.
Quy trình thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 33
Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, trong năm 2020-2021, sẽ thực hiện việc giảng dạy sách giáo khoa theo chương trình mới đối với lớp 1.
Ngày 16/7 Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngày 30/9 sẽ là hạn cuối của quá trình thẩm định SGK trước khi trình Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng sách.
Theo quy định của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về quy trình thẩm định SGK, các bản mẫu SGK sẽ được Hội đồng thẩm định đánh giá theo các bước trước khi đưa ra kết luận theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt".
Ngày 01/8, Bộ GDĐT đã khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi Hội đồng công bố kết quả cuối cùng của đợt thẩm định lần này, sẽ có đại diện của cơ quan thẩm định quốc gia chứng kiến và ký biên bản. Sau đó các nhóm tác giả và nhà xuất bản sẽ được mời đến để thông báo về kết quả thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo, theo kết quả đánh giá ở 3 mức và nộp bản thảo cho thẩm định lần hai (nếu có).
Theo lịch làm việc của Hội đồng thẩm định quốc gia dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 30/9/2019 và Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ công bố kết quả thẩm định các bộ SGK để các địa phương thực hiện các bước lựa chọn SGK theo thẩm quyền và các NXB thực hiện các nội dung liên quan đến việc phát hành và tập huấn sử dụng cho các địa phương chọn SGK.
Khánh Vân
Theo toquoc
Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt thẩm định: Sửa sách hay thông tư? Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 đã chỉ ra gần 300 lỗi cần chỉnh sửa ở bộ sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cái cần sửa là Thông tư 32 và Thông tư 33 chứ không phải là bộ sách. Liên quan tới bộ sách Công nghệ...