PGS Văn Như Cương đề nghị lập Trại viết SGK
Trước dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa ( SGK) của Bộ GD-ĐT kéo dài đến 2022, PGS Văn Như Cương đề nghị lập Trại viết SGK để rút ngắn thời gian xuống còn một năm.
Sáng 8/3, tại hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015, PGS.TS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đã có bài phát biểu ấn tượng, trực tiếp đề cập những vấn đề còn yếu kém.
PGS Văn Như Cương phát biểu tại hội nghị sáng 8/3 do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức.
&’10 năm đổi mới là quá dài’
Về lộ trình thực hiện đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (sau 8 năm), ông đánh giá: “Theo kinh nghiệm của tôi thời gian có thể sẽ kéo dài đến 2024. Như vậy, 10 năm để chúng ta thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được.
Thời gian đó có thể là nhiệm kỳ của 2-3 vị bộ trưởng khách nhau của ngành giáo dục. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi. Rất nhiều người ngồi trong cuộc họp này cũng không còn làm việc, thậm chí chí không còn”.
Bởi vậy, PGS Cương đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này: “Một mặt, chúng ta cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. Xã hội không thể chờ và đợi như thế”.
Kiến nghị xây dựng Trại viết SGK
Để có thể đẩy nhanh tiến độ, vị hiệu trưởng này cho rằng: “Cần bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi. Việc gì làm trước được thì cứ làm, không nhất thiết phải tuần tự”.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Tôi tha thiết đề nghị tổ chức Trại viết SGK”. Ở đó, các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính. Họ phải tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung hoàn toàn cho công việc này.
Video đang HOT
Trước đây, các tác giả đều làm chính tại đơn vị công tác của mình, tranh thủ và sắp xếp thời gian để viết sách giáo khoa. Đó là nguyên nhân khiến công việc này kéo dài.
“Làm việc theo công thức này tôi tin rằng chắc chắn sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần trước đây. Tôi dự trù sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1-12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần đầu, công việc biên soạn sách giáo khoa tập trung ở trại chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất”, thầy Cương phân tích.
Đồng loạt thay sách giáo khoa từ lớp 1-12
PGS Văn Như Cương còn phản biện nội dung thay sách giáo khoa mới theo kiểu cuốn chiếu của Bộ GD-ĐT và cho rằng phải mất 5 năm để hoàn thành nếu làm theo phương án này.
Ông phân tích: “Hãy hình dung tình trạng sau đây ở các trường tiểu học, giả sử năm nay thay sách lớp 1 theo kiểu cuốn chiếu thì các em lớp 2 vẫn học chương trình cũ. Ba năm tiếp theo (lớp 3-5) họ vẫn học theo chương trình cũ, còn học sinh lớp dưới được học chương trình mới.
Hai kiểu đào tạo cũ và mới cùng tồn tại trong một trường là không ổn về mặt tâm lý, tổ chức giảng dạy và nhiều vấn đề khác. Đó là chưa bàn những vấn đề sẽ nảy sinh đối với trường có 2 hoặc 3 cấp học”.
Qua đó, ông đề nghị nên cương quyết thay đồng loạt sách từ lớp 1-12. Nếu làm theo phương án này lộ trình thực hiện chỉ mất một năm.
Theo VNE
PGS Văn Như Cương: 'Bộ Giáo dục có những quyết định lạ'
Quy định về môn thi tự chọn, không trộn thí sinh khác trường vào một phòng thi... sẽ khiến xuất hiện nhiều phòng thi 'lạ' chỉ có 1 hoặc vài thí sinh.
Thay đổi chóng mặt
Còn 3 tháng nữa mới đến kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng những thông tin, chỉ thị, quyết định, bình luận, góp ý... liên quan đến kỳ thi đã tràn ngập báo chí và được dư luận hết sức quan tâm, lo lắng.
Điều đầu tiên dễ nhận thấy là kỳ thi năm nay có rất nhiều đổi mới, thậm chí các dự định đổi mới cho năm nay cũng liên tục thay đổi: từ thi 6 môn xuống còn 4 môn; từ điểm thi quyết định 100% kết quả tốt nghiệp thành 50% điểm thi và 50% kết quả rèn luyện lớp 12.
Rồi dự định môn Ngoại ngữ thi để cộng điểm khuyến khích được thay bằng thi tự chọn; môn Ngoại ngữ không chỉ thi trắc nghiệm mà kết hợp cả tự luận; dự định miễn thi 20% học sinh cũng bị loại bỏ ngay sau khi công bố mấy hôm. Phương án thi mấy ngày tưởng đã chốt rồi lại đưa ra lấy ý kiến: nên thi 2 ngày, 2,5 ngày, 3 ngày hay 4 ngày? Năm trước thi theo cụm trường, năm nay mỗi trường một hội đồng thi, nếu phải thi liên trường thì phòng thi không được trộn trường này với trường khác...
Thầy Văn Như Cương cho rằng năm nay Bộ Giáo dục đã có những quy định kỳ lạ. Ảnh:Hoàng Thùy.
Thay đổi để làm gì, theo hướng nào?
Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu rõ: "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học...".
Theo tinh thần đó, chúng ta thấy rõ những thay đổi mà Bộ GD&ĐT đang cố gắng làm là muốn "giảm áp lực và tốn kém cho xã hội". Cụ thể là phương thức thi mới đã giảm các môn thi, giảm thời gian thi, tổ chức lại cách thi, cách chấm thi... Một quan chức của Bộ đã giải thích: "Thời gian thi cũng được giảm. Ví dụ, Ngữ văn trước đây phải thi trong 150 phút, nay giảm xuống 120 phút. Không cần các em phải viết nhiều làm gì, văn hay chỉ cần viết một đoạn là biết".
Môn Toán cũng vậy, từ 150 phút giảm còn 120 phút, không thấy quan chức nào giải thích, nhưng từ trong ý tứ mà suy thì có lẽ cũng tương tự "không cần các em phải giải nhiều bài toán mà làm gì, Toán giỏi chỉ cần làm vài bài là biết, không cần làm nhiều". Ngoài ra, từ việc thi trong 3 ngày như trước, nếu năm nay chỉ còn thi 2 ngày thì tuy có tăng áp lực, căng thẳng cho thí sinh nhưng rõ ràng sẽ giảm tốn kém cho xã hội...
Còn tiêu chí "vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học" thì sao? Ở đây có nhiều vấn đề đáng băn khoăn.
Thứ nhất, giảm thi từ 6 môn xuống còn 4 môn chắc chắn là sẽ làm giảm độ tin cậy trong việc đánh giá toàn diện học sinh. Việc cho học sinh tự chọn 2 môn thi cũng làm giảm nhiều việc đánh giá kết quả dạy và học của các môn. Ví dụ, trước đây khi Lịch sử là môn thi bắt buộc (em nào cũng phải thi) thì tỷ số học sinh có điểm thi dưới trung bình nhất định sẽ nói lên được một số khía cạnh nào đó về chương trình, SGK môn Lịch sử, về sự dạy và thái độ học tập của học sinh... kể cả về chất lượng đề thi.
Nhưng theo cách tự chọn thì không thể đánh giá được điều đó. Ta có thể dự đoán rằng trong những em chọn thi môn Lịch sử thì hầu hết đều có điểm trên trung bình. Điều đó là hiển nhiên, ai đã chọn thì đều tin rằng mình làm được trên trung bình, chỉ trừ những em biết mình làm Sử điểm kém nhưng vẫn chọn vì chọn môn khác còn kém hơn.
Người ta lo lắng rằng nếu cứ thi như theo kiểu có môn tự chọn như thế thì việc học lệch sẽ không ngăn chặn được. Mỗi học sinh vào lớp 10 sẽ xác định môn tự chọn của mình ngay và các môn học khác sẽ bị lơ là.
Việc xác định điểm tốt nghiệp năm nay rất mới và bất ngờ. Năm ngoái chỉ cần điểm trung bình các môn thi không dưới 5 điểm là đã đỗ. Năm nay, để xét tốt nghiệp còn cần đến điểm tổng kết năm học lớp 12. Công thức là lấy điểm trung bình của 4 môn thi cộng với điểm tổng kết năm học lớp 12 rồi chia đôi. Đó là cái "phao cứu sinh" rất tốt cho các sĩ tử. Điểm trung bình 4 môn thi nếu có là 4 (thậm chí là 3 hoặc 2) đi nữa vẫn có thể đỗ, vì chỉ cần điểm tổng kết lớp 12 được 6 phẩy (7 hoặc 8 phẩy) là xong.
Phải chăng do áp lực "phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học" trong nghị quyết 29 mà Bộ GD&ĐT phải đưa ra một công thức vội vàng và bất hợp lý đến như vậy? Sở dĩ tôi nói bất hợp lý vì chắc chắn là có những kẽ hở để tiêu cực lọt qua.
Đổi mới thi cử phải chăng là "khâu đột phá"?
Tôi đã nhiều lần nghe Bộ trưởng và các Thứ trưởng Giáo dục khẳng định rằng trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này, việc đổi mới thi cử được chọn làm khâu đột phá. Người ta giải thích rằng tác động vào khâu đột phá (thi cử) này sẽ làm rung động và chuyển động các khâu khác như dạy, học, chương trình, SGK...
Các vị cho rằng "thi gì thì học nấy" - điều đó đúng nhưng không nên quên một nguyên tắc quan trọng "học gì thi nấy". Đây không phải là chuyện con gà có trước hay là quả trứng có trước. Dứt khoát phải xác định học cái gì, học như thế nào đã, rồi sau đó mới bàn chuyện thi cái gì, thi như thế nào? Cho nên tôi nghĩ rằng khâu đột phá của đổi mới giáo dục phải là chương trình và SGK.
Cố nhiên không phải chờ mọi việc làm xong mới tiến hành thay đổi thi cử. Quá trình thực hiện đổi mới, nếu có vấn đề bất cập thì vẫn có thể chỉnh sửa để làm cho hợp lý hơn.
Thời gian qua theo tôi, Bộ đã quá vội vàng, thiếu thận trọng khi đưa ra những đổi mới về thi cử. Tôi không phân tích toàn bộ những điều không hợp lý đang gây tranh cãi, mà chỉ xin nêu một ví dụ mới nhất mà Bộ vừa ban hành. Những năm trước các Hội đồng thi được thành lập theo từng cụm trường. Danh sách phòng thi được sắp xếp theo thứ tự a, b, c, d và có học sinh của các trường khác nhau cùng ngồi một phòng.
Không hiểu vì lý do gì, năm nay Bộ lại quyết định mỗi trường thành lập một Hội đồng thi và nếu phải thi liên trường thì không được trộn học sinh các trường khác nhau trong một phòng. Điều gì sẽ xảy ra nếu có 3 trường A, B, C mà số học sinh thi môn Sử lần lượt là 1 người, 3 người và 4 người? Khi đó hội đồng thi ấy sẽ có ba phòng thi kỳ lạ: phòng thứ nhất có 1 thí sinh, phòng thứ hai có 3 thí sinh, phòng thứ ba có 4 thí sinh và buồn cười nhất là mỗi phòng thi ấy vẫn có 2 giám thị, chưa kể giám thị biên... Đúng là như có người nói: "Quy định từ trên trời".
PGS Văn Như Cương
Theo VnExpress
Truyện tranh dùng bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa chưa chính xác Trong khi các NXB tư nhân vẫn đang tiếp tục hoàn thành những cuốn sách để tuyên truyền về vấn đề biển đảo, thì hệ thống SGK chính thống vẫn chưa có sự quan tâm cần thiết đến vấn đề này. Thậm chí, vì chưa có những thông tin chính xác, có hệ thống nên nội dung sách của các NXB tư nhân...