PGS Văn Như Cương: Ai cũng vào đại học là lạc hậu
Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục hiện tại là ứng thí, phục vụ “toàn dân lên lớp, toàn dân vào đại học”.
Sáng 23/10, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội giáo dục vì mọi người và Hội khuyến học Việt Nam tổ chức tọa đàm “Góp ý cho chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể”.
Theo PGS Văn Như Cương, chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.
Ông khẳng định, đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ “toàn dân lên lớp, toàn dân vào đại học”, không đảm bảo việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ gây hậu quả về vấn đề nguồn lực lao động.
PGS Văn Như Cương cho rằng, đổi mới giáo dục phải nêu bật bằng cấp không có giá trị. Ảnh: Quyên Quyên.
“Khi đất nước hội nhập ASEAN, chúng ta có thể thất bại vì phải nhập thợ chất lượng cao của nước ngoài, còn thợ Việt Nam chỉ đi làm thuê ở những ngành nghề đơn giản”, PGS Cương nói .
Từ đó, ông cho rằng, việc đổi mới giáo dục phải nêu bật được bằng cấp không có giá trị. Học tập phải tạo ra nguồn lao động giỏi, sản xuất tốt. Học tập là công việc suốt đời, học trong SGK chưa bao giờ là đủ.
PGS Văn Như Cương bày tỏ: “Tôi thương con em chúng ta khi phải học đủ mọi thứ như công dân với giáo dục, ý thức tư duy, biện chứng, vật chất nhưng nhiều em không biết làm gì, kể cả việc nấu cơm, rửa bát, lau cửa kính. Vì tất cả đều đã có ôsin, gia sư”.
Video đang HOT
Đồng tình với PGS Văn Như Cương, GS.TS Nguyễn Như Ý – nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải đề cập đến mục tiêu giáo dục. Trong đó, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế.
“Hàn Quốc từng chỉ ra những khiếm khuyết của nền giáo dục nước họ để đổi mới. Đó là nền giáo dục ứng thí, học để thi, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Họ thẳng thắn nhìn nhận nếu muốn có nhà khoa học như Isaac Newton hay họa sĩ Picasso là rất ngông nghênh”, GS.TS Nguyễn Như Ý nói.
Trong khi đó, nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu, đại diện trường THPT Đông Đô (Hà Nội) – người có kinh nghiệm 55 năm trong ngành giáo dục – lo ngại về chất lượng đầu vào đại học.
Ông chỉ ra kết cấu của đề thi bao gồm 60% câu hỏi dễ, 40% câu hỏi khó, trong khi nhiều trường lấy 18 điểm (3 môn), chứng tỏ trình độ vào đại học chỉ ở mức phổ thông.
Nói về kỳ thi THPT quốc gia, ông Diệu khẳng định, chất lượng vào đại học không đảm bảo, nguyện vọng của học sinh không đảm bảo dẫn đến tổng thể giáo dục “rối như canh hẹ”.
Bỏ ngỏ phân luồng học sinh sau THCS
Nhận xét về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa ra một số góp ý gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong đó, Việt Nam cần đặc biệt ưu tiên học tập kinh nghiệm của những nước có hệ thống giáo dục phổ thông tương tự theo định hướng của Nghị quyết 29.
Vấn đề phân luồng học sinh sau THCS vẫn đang bỏ ngỏ. Xu hướng chung hiện nay chương trình giáo dục phổ thông ở nhiều nước được phân luồng thành: Trung học nghề, trung học phổ thông kỹ thuật và trung học phổ thông. Trong khi đó, đề án của chúng ta chỉ đề cấp định hướng nghề nghiệp sau THCS.
Theo đánh giá của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đối với một số môn học, việc chuyển dần từ tích hợp rộng, tích hợp vừa đến phân hóa là hợp lý. Tuy nhiên, một số lưu ý là tên các môn học tích hợp nên phù hợp những quy định hiện hành của UNESCO.
Ví dụ, chúng ta không gọi Khoa học Xã hội (theo cách gọi của Liên Xô cũ) mà gọi là Khoa học Xã hội – Nhân văn (vì Lịch sử thuộc Nhân văn); Không xếp Địa lý tự nhiên vào Khoa học Xã hội…
Môn khoa học tự nhiên nên nhóm từ 4 phân môn: Khoa học Vật lý (gồm Vật lý và Hóa học), Khoa học Đời sống (gồm sinh học, sinh thái, giải phẫu, sinh lý…) và khoa học Trái đất (gồm Địa chất, Địa lý tự nhiên, Khí hậu – Khí tượng)…
Cấp THPT chỉ nên đưa vào các môn học đơn môn cho phù hợp với tính chất phân hóa.
Theo Zing
Nhà giáo sốc vụ ép học sinh súc miệng bằng nước xà phòng
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cảm thấy sốc trước việc cô giáo chủ nhiệm lớp 6C của trường THCS Nhân Đạo phạt học sinh bằng cách phải súc miệng bằng nước xà phòng.
Cho rằng 7 học sinh trong lớp nói tục nhiều lần, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh (chủ nhiệm lớp 6C Trường THCS Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã "ép" những em này phải súc miệng bằng nước xà phòng trong giờ sinh hoạt trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Hình phạt phản cảm của cô giáo này đã khiến dư luận bức xúc, lên án.
Trường THCS Nhân Đạo, Vĩnh Phúc, nơi xảy ra sự việc giáo viên ép học sinh súc miệng bằng xà phòng. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội.
Cho rằng giáo viên đã liều lĩnh, không nghĩ tới tính mạng học trò khi đưa ra hình thức kỷ luật nặng nề như thế, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, giáo viên răn đe học trò không được thì có thể đưa ra hình thức kỷ luật theo quy định. Nhưng nếu bắt học sinh súc miệng bằng xà phòng thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Ai cũng biết nước xà phòng rất độc, khi uống vào có thể gây sặc, nguy hiểm đến tính mạng. Nên xử phạt để học sinh rút ra bài học chứ không phải để các em thêm ác cảm.
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm: "Ngành giáo dục Vĩnh Phúc cần vào cuộc một cách nghiêm túc, đánh giá đúng tính chất của sự việc cũng như hệ quả của việc làm nói trên gây ra. Theo tôi, việc đưa ra hình phạt kiểm điểm cần dựa vào bản chất diễn ra hàng ngày của cô giáo này, tùy thuộc vào số lần sai sót để đánh giá. Nếu cô đã từng sai sót nhiều lần, hoặc việc bắt học sinh súc miệng bằng xà phòng nhiều lần thì cần xử phạt nặng".
Cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí là sốc trước hình phạt của giáo viên Vĩnh Phúc đối với học sinh, PGS Văn Như Cương(Chủ tịch trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng, giáo viên mà có hành vi đánh, mắng học sinh đã là không được.
Dù không đánh đập vào thân thể nhưng phương pháp kỷ luật của cô giáo là không chấp nhận được. Đây là hình thức xâm hại đối với thân thể, sức khỏe của học sinh.
"Trường nào cũng có hội đồng kỷ luật và nếu có hiện tượng gì thì cô giáo phải báo cáo để nhà trường xem xét, xử lý, giải quyết. Giáo viên chỉ có quyền cho học sinh nghỉ 1 ngày để xem xét, viết bản kiểm điểm. Hiệu trưởng mới có quyền yêu cầu họp hội đồng xem xét kỷ luật, đình chỉ học của học sinh 3 ngày. Chứ không phải tùy tiện mà phạt học sinh như thế. Nếu cô giáo này ở trường của tôi, với mức vi phạm như thế chắc chắn tôi sẽ sa thải" - PGS Cương nhận định.
Hiện, trường THCS Nhân Đạo cùng ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng đang tiến hành làm rõ và có hình thức kỷ luật đối với giáo viên này. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT giáo viên tuyệt đối không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học trò. Các trường hợp vi phạm tùy mức độ có thể tiến hành xử phạt hành chính, kỷ luật giáo viên.
Theo T.Hằng/Gia đình & Xã hội
Cấm thi tuyển vào lớp 6: Có thể mất kiểm soát tuyển sinh cấp THCS PGS Văn Như Cương: Nếu Bộ GD-ĐT tuyệt đối cấm không cho một số trường học thì có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trong khi tuyển sinh. Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường trung học cơ sở (THCS) có số lượng học...