Pakistan: Cựu Thủ tướng Imran Khan được tại ngoại về tội danh kích động bạo lực
Ngày 30/5, cựu Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan đã được bảo lãnh tại ngoại về tội danh mới là kích động bạo lực chống quân đội khi những người ủng hộ ông tiến hành biểu tình chống lại việc bắt giữ ông về tội tham nhũng.
Cựu Thủ tướng Imran Khan (giữa) tới Tòa án cấp cao Islamabad, ngày 12/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Khan, 70 tuổi, khẳng định các cáo buộc tham nhũng chống lại ông là bịa đặt. Việc bắt giữ ông Khan hôm 9/5 đã làm bùng phát các cuộc biểu tình. Những người ủng hộ ông đã tấn công nhiều cơ sở quân sự, làm dấy lên lo ngại mới về sự bất ổn của đất nước vốn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sau đó, ông đã được tại ngoại theo lệnh của tòa án.
Luật sư của cựu Thủ tướng Khan, ông Intezar Hussain Punjotha cho biết tòa chống khủng bố xác nhận cho ông Khan tiếp tục được tại ngoại liên quan đến cáo buộc mới sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Ông Khan – từng là ngôi sao bóng bầu dục quốc tế – lên nắm quyền năm 2018 với sự ủng hộ của quân đội và đã phải từ chức sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào năm 2022.
Từ đó, ông kêu gọi bầu cử trước thời hạn nhưng người kế nhiệm ông là Shahbaz Sharif không chấp nhận tổ chức bầu cử trước thời điểm luật định là trong năm nay.
Căng thẳng chính trị đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Pakistan khi lạm phát liên tục đạt kỷ lục, tăng trưởng yếu trong bối cảnh nguy cơ vỡ nợ nếu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không giải ngân gói hỗ trợ đang bị trì hoãn lâu nay.
Pakistan đặt thời hạn bắt các đối tượng kích động bạo lực
Ngày 13/5, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif đã ra lệnh cho nhà chức trách trong vòng 72 giờ phải xác định và bắt giữ tất cả những người liên quan đến các hành vi bạo lực sau vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan hôm 9/5, khiến hàng trăm người thương vong.
Người biểu tình ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan gây bạo loạn tại Lahore ngày 9/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, cụ thể, Thủ tướng Sharif đã yêu cầu cơ quan chức năng Pakistan trong 72 giờ phải bắt giữ tất cả các đối tượng liên quan tới hành vi bạo lực, từ lập kế hoạch, xúi giục cho tới tham gia bạo động.
Những đối tượng này sẽ bị xét xử trong các phiên tòa theo luật chống khủng bố.
Biểu tình đã bùng phát thành bạo lực xảy ra tại nhiều địa phương của Pakistan sau khi cựu Thủ tướng Khan bị bắt giữ khi đang trình diện trong một phiên xử tại tòa án. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng, hàng trăm cảnh sát bị thương, hàng chục trụ sở cơ quan chính quyền bị hư hại, trong các vụ bạo động này. Cho đến nay trên 2.800 đối tượng đã bị bắt.
Hôm 11/5, Tòa án Tối cao Pakistan phán quyết việc bắt giữ cựu Thủ tướng Khan liên quan đến vụ lừa đảo đất đai hôm 9/5 là "không hợp lệ và bất hợp pháp". Đến ngày 12/5, ông Khan đã được tòa cho tại ngoại 2 tuần và trở về quê hương ở Lahore trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.
Tòa án Tối cao Pakistan: Việc bắt giữ cựu Thủ tướng Khan là trái phép Hội đồng xét xử của Tòa án Tối cao Pakistan cho rằng việc quân đội bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan với cáo buộc tham nhũng là bất hợp pháp. Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan (giữa) tới tòa án ở Lahore, ngày 17/3. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 11/5, Tòa án Tối cao Pakistan đã ra phán quyết nêu rõ việc bắt giữ...