Pakistan – Ấn Độ: ‘có thực sẽ vực được đạo’?
Pakistan vừa bất ngờ thông qua quy chế tối huệ quốc cho Ấn Độ, làm dấy lên kỳ vọng rằng quan hệ vốn chìm trong các mối bất đồng, kình địch và xung đột truyền thống trong suốt 6 thập kỷ qua giữa hai nước sớm được cải thiện.
“Nhất cự ly…”
Nhiều người kỳ vọng việc Pakistan thông qua quy chế thương mại tối huệ quốc cho Ấn Độ sẽ nhanh chóng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước. Ảnh: Tribune.
Trước đó, phía Ấn Độ trao quy chế này cho Pakistan vào năm 1996, theo đó giảm thuế quan, phá bỏ các rào cản thương mại và tăng hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Pakistan.
Có thể nói, những bất đồng về mặt chính trị tồn tại trong một thời gian quá dài đã cản trở Ấn Độ và Pakistan hợp tác phát triển thương mại. Tuy nhiên, với việc thông qua quy chế tối huệ quốc cho Ấn Độ lần này, có vẻ như cuối cùng Islamabad cũng nhận ra “tầm quan trọng” của Delhi trong bối cảnh kinh tế đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự suy giảm nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ, vốn là “nguồn bảo trợ” cho Pakistan, khiến các khoản viện trợ từ Washington cho Islamabad không còn dồi dào như trước.
Video đang HOT
Hơn nữa, những căng thẳng và rạn nứt thời gian qua trong quan hệ với Mỹ khiến Pakistan nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu họ có thêm nhiều đối tác mới.
Phải thừa nhận rằng, Islamabad rất khôn ngoan khi tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, an ninh và nhiều lĩnh vực khác song “con rồng châu Á” vẫn không thể nào thay thế được Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia tin rằng quy chế tối huệ quốc mới này sẽ không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế cho cả Ấn Độ và Pakistan mà còn là đòn bẩy giúp hai bên giải quyết nhiều khúc mắc trong quan hệ song phương vốn chìm trong các mối bất đồng, kình địch và xung đột truyền thống kéo dài 6 thập kỷ qua .
Nếu quá trình bình thường hóa quan hệ thương mại diễn ra suôn sẻ, quân đội Pakistan có thể sẽ tiến tới giải quyết luôn vấn đề Kashmir với Ấn Độ.
Thực tế là, trước đó, phía Pakistan đã có chủ ý này. Song về sau, những khúc mắc liên quan đến các vấn đề về kinh tế, an ninh và chính trị giữa hai nước lại nổi lên, khiến Pakistan từ bỏ lại tất cả ý định trên.
Tuy nhiên, thời nay đã khác. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Firdous Ashiq Awan tuyên bố: “Chúng ta không thể tồn tại trong sự cô lập”.
Và theo ngay sau tuyên bố của Awan là các nỗ lực đàm phán ngoại giao giữa lực lượng quân đội Pakistan với Ấn Độ thời gian qua.
Đây được coi là một bước phát triển mới kể từ khi quân đội hai bên tái thiết quan hệ hồi năm ngoái. Do đó, nhiều người kỳ vọng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan có thể nhờ vậy mà đạt được bước đột phá thực sự.
Khó khăn, thách thức vẫn còn đó
Tuy nhiên, tại thời điểm này, hai nước vẫn chìm trong nhiều khó khăn, thách thức mà nếu xử lý không khéo, tất cả những kỳ vọng trên có khả năng tan vỡ.
Những cáo buộc Pakistan hỗ trợ các nhóm khủng bố tấn công, làm rối loạn Ấn Độ hiện đang là nỗi bận tâm cơ bản của Delhi và chắc chắn sẽ là rào cản cho tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Chưa hết, Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại cho sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân của Pakistan khi an ninh quốc gia của nước này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng.
Ngoài ra, cả hai bên cũng có những mối bất hòa liên quan đến Afghanistan.
Trong khi Washington đang chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của họ tại đây với kế hoạch rút hầu như toàn bộ quân về nước vào năm 2014 thì Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc bắt đầu để tâm đến Afghanistan.
Ấn Độ quan ngại trong tương lai Afghanistan rơi vào vòng kiểm soát của Taliban, dẫn tới những mối nguy khó mà lường trước cho an ninh khu vực, có can hệ trước tiếp đến sự ổn định của Delhi.
Đáng ngại hơn, Pakistan đang đối mặt với nhiều cáo buộc “đỡ đầu” cho các nhóm khủng bố để nhắm mục tiêu tấn công vào Afghanistan như Taliban hay Hanqqani. Điều này khiến Ấn Độ cảnh giác hơn với Pakistan.
Về phía Islamabad, họ lại tỏ vẻ nghi ngại khi nhận thấy Delhi cũng đang thực hiện chiến lược “xích lại gần” Kabul.
Từ những thực tế trên, nhiều người cho rằng một bước đột phá thực sự trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ – Pakistan sẽ khó mà đạt được trong thời điểm này.
Song bất cứ một động thái nào có khả năng làm dịu đi các căng thẳng, bất đồng đều được hoan nghênh bởi cả hai nước và toàn bộ khu vực.
Và việc bình thường hóa thương mại chính là bước đi khôn ngoan mà Pakistan cần nắm lấy và Ấn Độ chắc chắn sẽ hiểu “tấm lòng” của họ. Hiện các doanh nhân Ấn Độ “đang chờ xem liệu Chính phủ Pakistan có thể tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự thân thiện, kích thích sự phát triển của thương mại hay không”.
Theo PLXH