Ông Obama muốn tìm lại ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi?
Ông Obama thăm châu Phi nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác, liệu Mỹ có tìm lại được ảnh hưởng khi TQ đang đầu tư sâu rộng vào đây?
Từ ngày 23/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du thăm hai nước châu Phi là Kenya và Ethiopia, đồng thời thăm trụ sở của Liên minh châu Âu (AU).
Đây là chuyến thăm thứ tư của ông Obama tới châu lục này kể từ khi lên làm tổng thống năm 2009. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết trọng tâm chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Barack Obama là thảo luận với các nhà lãnh đạo Kenya, Ethiopia và Liên minh châu Phi về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường các thiết chế dân chủ, hợp tác chống khủng bố và cải thiện tình hình an ninh.
Tổng thống Obama bắt tay Tổng thống Kenya, ông Kenyatta
Chuyến thăm còn là bước tiếp theo trong chủ trương của Nhà Trắng tăng cường can dự với khu vực này. Tháng 8/2014, Tổng thống Obama đã chủ trì cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần đầu tiên kéo dài trong ba ngày với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ các quốc gia châu Phi.
Mỹ cam kết sẽ đầu tư hơn 33 tỷ USD vào các lĩnh vực khác nhau của các nước châu Phi. Trong 33 tỷ này có 12 tỷ USD của chính phủ Mỹ, theo đó mở rộng Sáng kiến Năng lượng châu Phi (PAI) mà Tổng thống Obama đề xuất hồi tháng 6/2013 trong chuyến thăm châu Phi lần thứ ba.
Video đang HOT
Với khoản cam kết đầu tư lớn này, Tổng thống Obama cho biết chính phủ và các công ty của Mỹ muốn chuyển quan hệ với châu Phi từ thuần túy là cấp và nhận viện trợ nhân đạo sang xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng.
Ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình vào năm 2016, vì thế, rất có thể chuyến thăm châu Phi lần này là cú chót để ông tìm lại ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa này trước khi rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết hậu hĩnh từ phía Tổng thống Barack Obama, con đường giành lại ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi có lẽ sẽ còn rất gian nan khi Trung Quốc đang đầu tư sâu rộng vào đây.
Cách đây 1 thập kỷ, Trung Quốc có ảnh hưởng rất hạn chế tại châu Phi, tuy nhiên, đến thời điểm này “gió đã đổi chiều”. Theo một số liệu thống kê, năm 2013, trao đổi thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ dừng ở mức 85 tỷ USD, trong khi thương mại của Trung Quốc với khu vực này đã tăng lên mức 200 tỷ USD. Tương tự như vậy, trong khi Mỹ dành chưa đầy 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho châu Phi vào năm 2013, thì Trung Quốc đã dành ít nhất là 3,4% FDI của họ cho khu vực này.
Trung Quốc để ý đến khu vực châu Phi vì một lý do quan trọng là nơi đây có nguồn tài nguyên phong phú và dễ khai thác. Cường quốc Châu Á này tập trung sự chú ý vào những nước có nguồn tài nguyên dồi dào như Algeria, Nigeria, Nam Phi, Sudan và Zambia. Hiện nay, mối quan hệ đầu tư Trung Quốc- châu Phi đã mở rộng hơn. Chính phủ Bắc kinh đã lan sang các lĩnh vực đầu tư ngoài khoáng sản, tập trung vào những nước như Ethiopia và Congo. Lợi nhuận cao tại châu Phi đã thu hút nhiều công ty quốc doanh và công ty tư nhân cạnh tranh với nhau nhằm thống trị thị trường rộng lớn này. Lượng xuất khẩu dầu thô, khí đốt, kim loại và khoáng sản chiếm 3/4 trong tổng sản lượng xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc. Hàng Trung Quốc nhập khẩu của châu Phi thì đa dạng hơn, chủ yếu bao gồm các mặt hàng sản xuất cho xuất khẩu.
Trung Quốc đã đầu tư đáng kể trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng của các ngành then chốt như thiết kế cảng biển, viễn thông, vận tải, xây dựng và xử lý nước.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi không dừng lại ở kinh tế mà còn ở lĩnh vực vũ khí, quốc phòng. Vũ khí Trung Quốc đã xuất hiện ở nhiều nước châu Phi. Thậm chí, Trung Quốc còn đang đàm phán để lập căn cứ quân sự tại cảng chiến lược của Djibouti.
Cuộc thương thuyết trên làm dấy lên khả năng căn cứ quân sự của Mỹ và Trung Quốc sẽ nằm cạnh nhau tại quốc gia Vùng Sừng châu Phi nhỏ bé này. Đây được coi là địa điểm đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Mỹ và là đường dẫn vào Biển Đỏ để tới kênh đào Suez, hải mạch nối liền châu Á và châu Phi.
Theo BBC, đối với nhiều người sống trên lục địa này, vai trò của Mỹ đang ngày càng bị che mờ bởi một Trung Quốc đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng. “Các nhà đầu tư người Mỹ không đến châu Phi… Tôi nghĩ rằng họ chẳng biết nhiều về khu vực này. Trong khi đó, người Trung Quốc có mặt mọi nơi” – ông Motebang Mokoaleli, thuộc Hội đồng Phát triển quốc gia Lesotho, nói. Ở Lesotho, hầu như không ngôi làng nào không có người Trung Quốc.
Bởi vậy, Mỹ sẽ phải nỗ lực rất nhiều và phải mất nhiều thời gian để tìm lại ảnh hưởng của mình tại châu Phi.
An Nhiên(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Quyết trở lại châu Phi
Lần đầu tiên đến Kenya trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông B. Obama không chỉ như người con về thăm quê hương mà còn vì mục đích tìm con đường trở lại châu Phi cho nước Mỹ.
Chuyến thăm Kenya lần này của Tổng thống Obama rất khác so với cách đây 28 năm, khi ông còn là một thanh niên lần đầu tiên đến Kenya với nhiều câu hỏi lớn cần lời giải đáp về cội nguồn của mình. Khi đó, ông B. Obama đã tới thăm ngôi làng quê hương, gặp những người thân trong gia đình để cảm nhận được "sự thoải mái, kiên định và bản sắc", như lời ông B. Obama tự bạch sau này.
Còn lần này, ông trở về quê hương với tư cách là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Kenya và với nhiệm vụ nặng nề là tìm lại vị trí của Mỹ ở châu Phi. Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay các đối thủ. Mỹ hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau Trung Quốc và EU. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-châu Phi năm 2013 đạt 60 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 200 tỷ USD và 170 tỷ USD của Trung Quốc và EU.
Tổng thống B. Obama trong lễ đón tiếp tại sân bay Nairobi
Ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm ở châu Phi còn thể hiện ở nhiều con số khác nhau. Tính từ năm 2005 đến nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng gấp 30 lần. Năm ngoái, trong khi Mỹ dành chưa đầy 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho châu Phi, thì Trung Quốc đã dành ít nhất 3,4% FDI của họ cho khu vực này.
Trong cuộc đua toàn cầu, không thể để tụt hậu ở bất cứ khu vực nào, nhất là ở châu Phi vốn giàu tài nguyên cùng vị trí chiến lược. Theo con số thống kê, Nigeria và Angola xuất khẩu hơn 50% sản lượng dầu mỏ khai thác sang Mỹ. Chính vì thế, ông B. Obama kỳ vọng chuyến công du đến Kenya, sau đó dừng chân ở Ethiopia, sẽ giúp ông đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực mang điện, an ninh và dân chủ tới châu Phi, từ đó sẽ lấy lại ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa này.
Năm ngoái, tại hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi lần đầu tiên tổ chức tại Washington, Mỹ đã đưa ra các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính cho châu Phi lên tới 37 tỷ USD, trong đó 14 tỷ USD là số tiền đầu tư và kinh doanh, 12 tỷ USD đầu tư mới cho lĩnh vực điện, 7 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi và 4 tỷ USD là các khoản chi cho y tế, triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng cường khả năng thực thi luật pháp...
Để hiện thực hóa các cam kết trên trong bối cảnh muốn giành lại vị thế tại "lục địa Đen" trước Trung Quốc và châu Âu, ngay sau khi đặt chân đến Kenya, ông B. Obama đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh toàn cầu ở Nairobi, trong đó khẳng định đầu tư và kinh doanh ở châu Phi sẽ góp phần phá vỡ những rào cản và xây dựng những nhịp cầu giữa các nền văn hoá.
Cho rằng châu Phi đang chuyển mình và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ông B. Obama đã công bố cam kết sẽ huy động hơn 1 tỷ USD từ chính phủ, ngân hàng, các quỹ và những nhà từ thiện Mỹ để giúp đỡ châu Phi. Một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ và những người trẻ tuổi đang muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Những lĩnh vực mà Mỹ tập trung đầu tư là năng lượng, viễn thông và nông nghiệp.
Có thể nói, Mỹ đang quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi, "chứ không chỉ thuần túy nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này". Di sản và sự gắn bó với mảnh đất quê hương là cơ hội vàng để ông B. Obama thực hiện mục tiêu của mình, từng bước giành lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi.
Theo_An ninh thủ đô
Ông Obama kết thúc 'chuyến thăm quê' Ngày 26.7, Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Kenya, quê cha của ông, để đến Ethiopia, tiếp tục chuyến công du được nhiều người trông đợi tại châu Phi. Tổng thống Obama vẫy tay chào trước khi rời Kenya đến Ethiopia - Ảnh: Reuters Trong bài diễn văn trước 4.500 người tại Sân vận động Nairobi sáng cùng ngày, ông Obama thể hiện...