Ông Nhậm Chính Phi : Mỹ đánh giá thấp sức mạnh của Huawei
Cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp Huawei, ông Nhậm Chính Phi khẳng định Huawei sẽ lấy Trung Quốc làm trung tâm, lấy Đông Âu làm căn cứ để phá vòng vây của Mỹ.
Nhà sáng lập Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Nhậm Chính Phi sáng nay (21/05) đã có cuộc gặp báo giới trong nước nhằm làm rõ lập trường và thái độ của Huawei trước lệnh cấm mua thiết bị của phía Mỹ.
Nhà sáng lập Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Nhậm Chính Phi. Ảnh: CCTV
Ông Nhậm Chính Phi khẳng định, giấy phép tạm thời 90 ngày của Mỹ không có nhiều ý nghĩa đối với Huawei, bởi Tập đoàn này đã có sự chuẩn bị cho riêng mình.
Ông chia sẻ, bản thân và gia đình vẫn sử dụng sản phẩm của Apple như điện thoại, máy tính. Ông cũng cảm ơn đóng góp của các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, chính khách Mỹ mới đáng bị chỉ trích và họ đã đánh giá thấp sức mạnh của Huawei. Hệ thống 5G của Tập đoàn này sẽ không bị ảnh hưởng, bởi về mặt công nghệ, các hãng khác cần vài năm mới có thể theo kịp. Ngoài ra, ông cũng cho biết, Huawei duy trì quan hệ mật thiết với châu Âu, vật liệu mà Tập đoàn này sử dụng cho mạng 5G rất phù hợp với châu lục này. Ông nhấn mạnh, Huawei sẽ lấy Trung Quốc làm trung tâm, lấy Đông Âu làm căn cứ, để phá vỡ vòng vây của Mỹ.
Ông khẳng định, Huawei sẽ không bị tăng trưởng âm và cũng không rơi vào tình trạng đứt nguồn cung mang tính cực đoan bởi đã có những tính toán từ trước. Ông thừa nhận lệnh cấm của Mỹ có ảnh hưởng đến sự phát triển của Huawei, song điều đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghiệp điện tử cho riêng mình. Ông cũng thừa nhận, nếu chỉ trông vào sáng tạo của riêng Trung Quốc sẽ rất khó thành công, mà cần dựa vào sự sáng tạo toàn cầu.
Video đang HOT
Ông nhấn mạnh, Huawei sẽ không hẹp hòi loại trừ chip của Mỹ, song đã có dự phòng, để trong trường hợp gặp khó khăn có thể sử dụng, bởi ngay trong “thời bình”, nửa số chip của Huawei là của Mỹ, nửa còn lại là của chính tập đoàn này. Ông khẳng định, Huawei có thể tự làm chip giống như của Mỹ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ không mua chip của nước này, mà ngược lại Huawei vẫn sẽ mua số lượng lớn chip của Mỹ.
Trước đó, ông Nhậm thừa nhận mức tăng doanh thu hàng năm của Huawei có thể chỉ dưới 20%, so với mức 26% của giai đoạn 2014-2018 vì các lệnh trừng phạt, tuy nhiên, ông cho rằng điều này không thể làm gục ngã “gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc” và nhấn mạnh công ty này không làm điều gì sai trái.
Bộ Thương mại Mỹ cách đây ít hôm liệt Huawei vào một “danh sách đen” khiến Huawei gần như không thể mua được công nghệ và linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh điều hành nhằm cấm các nhà mạng ở nước này mua thiết bị của Huawei. “Động thái kép” này được xem là nhằm triệt hạ Huawei – công ty đại diện cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc, đồng thời gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung./.
Theo PV/VOV-Trung Quốc
Khi "cha đẻ" Huawei bất ngờ phá vỡ im lặng
Người sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, Nhậm Chính Phi vẫn im lặng trước công chúng trong khi "đứa con" của ông phải chịu đựng một năm 2018 khủng khiếp, với các lệnh cấm và cảnh báo đối với các sản phẩm của họ tại Mỹ, Anh, Australia và New Zealand.
Ông thậm chí vẫn giữ im lặng khi con gái mình, Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada. Nhưng chỉ vài ngày sau khi một giám đốc điều hành của Huawei bị bắt ở Ba Lan vì cáo buộc gián điệp, ông đã phá vỡ im lặng, bảo vệ Cty của mình và ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nước ngoài. Cuộc nói chuyện đã làm sáng tỏ thêm về tỷ phú kín tiếng này.
Chủ tịch Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Asia News
Muốn mô phỏng Apple và Steve Jobs
Mỹ và chính phủ các nước phương Tây, vốn cảnh giác với Huawei trong nhiều năm qua luôn lo ngại rằng, Cty cuối cùng thuộc thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.
Khi được hỏi Huawei sẽ làm gì nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu Cty do thám thông tin nước ngoài, ông Nhậm đã chỉ vào Apple như một ánh sáng dẫn đường: "Luật pháp hiện hành của Trung Quốc không quy định các Cty phải bắt buộc liên kết cửa sau với chính phủ. Tôi xin khẳng định Tập đoàn Huawei chưa bao giờ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng và cả Cty. Apple là ví dụ mà chúng tôi hướng đến trong vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Chúng tôi sẽ học hỏi từ Apple". "Tôi yêu đất nước của tôi, và luôn ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi sẽ không làm gì gây hại cho thế giới. Tôi không thấy có kết nối gì giữa quan điểm chính trị của cá nhân tôi và việc kinh doanh của Huawei", ông Nhậm cho hay.
Năm 2016, Apple từ chối giúp FBI đột nhập vào iPhone của một trong những kẻ xả súng ở San Bernardino, California, gọi chỉ thị này là "sự vi phạm của chính phủ Mỹ". Thay vào đó, FBI mua một công cụ từ bên thứ ba cho phép xâm nhập vào thiết bị. Huawei nhiều lần bác bỏ những lo ngại, các sản phẩm của họ gây rủi ro an ninh quốc gia. Ông Nhậm cho biết cá nhân ông sở hữu 1,14% Huawei, nhưng gợi ý rằng ông có thể theo gương của người sáng lập Apple, Steve Jobs và giảm cổ phần của mình. Ông Jobs đã bán gần như toàn bộ cổ phần của mình tại Apple sau khi ông bị buộc rời khỏi Cty vào những năm 1980, và một lần nữa vào những năm 1990 khi ông mất niềm tin vào định hướng của Cty. "Cổ phần mà Steve Jobs có ở Apple là 0,58%. Điều đó có nghĩa là vẫn có khả năng để cổ phần của tôi bị giảm thêm. Tôi nên học hỏi Steve Jobs", ông nói.
Ông Nhậm dành nhiều năm để xây dựng Huawei thành một Cty điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông toàn cầu trị giá hàng tỷ USD. Nhưng ông nói rằng ông thà đóng cửa Cty hơn là chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ Trung Quốc để thay mặt họ theo dõi các nước khác. "Chúng tôi chắc chắn sẽ nói không với bất kỳ yêu cầu nào như vậy. Chúng tôi thà đóng cửa Huawei hơn là làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến lợi ích của khách hàng để tìm kiếm lợi ích của chính mình", ông Nhậm nói.
Không gần gũi với 3 đứa con
Bà Mạnh Vãn Chu, con gái của ông Nhậm bị đẩy vào giữa cơn bão ngoại giao khi bị bắt ở Canada theo yêu cầu của chính quyền Mỹ hồi tháng trước vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Bà Mạnh được tại ngoại, và vẫn bị quản thúc tại Vancouver, nơi bà sẽ ra tòa vào ngày 6-2 tới.
Mặc dù ông Nhậm tiết lộ rất nhớ con gái nhưng ông vẫn mơ hồ về mối quan hệ với con gái mình. "Đó là một mối quan hệ chặt chẽ ở một số khía cạnh và không quá gần gũi như những người khác", ông nói. "Trong suốt thời thơ ấu của con, tôi đã ở trong quân đội, điều đó có nghĩa là mỗi năm tôi đi vắng 11 tháng, chỉ dành một tháng cho gia đình. Mối quan hệ của chúng tôi trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của con không được sâu đậm", ông kể.
Trong những năm sau đó, ông phải chiến đấu vì sự sống còn của Huawei, thường xuyên làm việc 16 giờ một ngày. Ông thừa nhận không gần gũi với 3 đứa con của mình và luôn cảm thấy mắc nợ các con. Ông Nhậm bày tỏ lạc quan bởi niềm tin con gái ông vô tội và hy vọng "công lý sẽ thắng thế".
Muốn sống mãi mãi
Khi được hỏi khi nào ông sẽ nghỉ hưu ở Huawei, ông Nhậm, 74 tuổi, hy vọng về sự bất tử. "Thời điểm nghỉ hưu của tôi sẽ phụ thuộc vào thời điểm Google có thể phát minh ra một loại thuốc mới cho phép mọi người sống mãi mãi. Tôi đang chờ loại thuốc đó", ông nói.
Cty mẹ Google và các Cty khác ở Thung lũng Silicon đặt cược lớn vào nghiên cứu và công nghệ có thể một ngày nào đó "làm cho cái chết trở thành lựa chọn". Ông Nhậm có vẻ muốn sống càng lâu càng tốt. Nhấn mạnh cam kết của Cty với khách hàng, ông nói về chuyến thăm của ông đến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh gần đỉnh Everest. "Tôi đã nói với mọi người ở đó rằng, nếu cá nhân tôi sợ chết, làm thế nào tôi có thể thúc đẩy người dân của mình tiến lên phía trước?"
AN BÌNH
Theo CATPDN
Cuộc sống tại ngoại êm đềm của công chúa Huawei Bà Mạnh Vãn Châu đang có một cuộc sống khá thoải mái tại Vancouver, nơi bà bị giam lỏng để chờ xét xử, dẫn độ sang Mỹ. Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei đã bị bắt tại Vancouver, Canada vào tháng 12/2018 dưới yêu cầu của phía Mỹ. Sau gần 2 tuần xét xử, bà đã được cho tại ngoại...