Ông giáo tật nguyền không bằng cấp, gần 30 năm mở lớp dạy học sinh nghèo
Dù được gọi là ông giáo nhưng người đàn ông này chưa từng qua một trường lớp đào tạo sư phạm nào, thậm chí tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 ông cũng không có.
Thế nhưng, ông giáo làng này đã nức tiếng cả một vùng đất hiếu học, bởi gần 30 năm qua ông đã chèo lái con thuyền tri thức đưa hàng ngàn em học sinh vào giảng đường đại học với số điểm cao.
Ông giáo ấy là Đặng Tiến Dũng (SN 1957, ở xóm 5 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), người đàn ông được người dân nơi đây thương mến gọi bằng cái tên gần gũi “ông giáo làng”.
Nghị lực của người đàn ông tật nguyền
Con đường nhỏ ngoằn nghèo dẫn vào thôn 5 xung quanh toàn những cây cổ thụ. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình ông Dũng nằm giữa đồi núi chỉ rộng 30m2 với những bộ bàn ghế cũ và bục giảng đặt ở góc nhà.
Người thầy không bằng cấp Đặng Tiến Dũng
Ông Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh chị em. Lúc chào đời, ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng bi kịch bắt đầu ập đến khi cậu bé Dũng được một tuổi. Sau cơn sốt vi rút ác tính, tứ chi của ông bất động hoàn toàn. Chạy chữa khắp nơi, sau cùng cũng chỉ cứu được hai tay, còn đôi chân ông hoàn toàn mất cảm giác.
Dù không lành lặn như mọi người, nhưng với niềm đam mê học chữ, ông Dũng vẫn được bố mẹ thay nhau cõng đến trường. Đến năm lớp 7, bất ngờ sau một trận sốt, một bên chân của ông Dũng lại cử động được. Sau tia hy vọng nhỏ nhoi đó, gia đình lại đưa ông đi chữa khắp nơi song không mang lại kết quả.
Trong thời gian nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, được các anh chị thương, bệnh binh giúp đỡ, ông Dũng đã xuất sắc tự học và hoàn thành xong chương trình cấp ba trung học.
“Lúc đó tôi tuyệt vọng lắm, mọi ước mơ của tôi đang còn dang dở. Mãi một thời gian sau mọi người khuyên nhủ nhiều tôi mới bình tâm lại. Tôi cứ nghĩ mỗi con người có một số phận, mình cứ lạc quan mà sống. Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả” – ông Dũng tâm sự.
Lớp học đơn sơ của “ông giáo làng”
Video đang HOT
Năm 1985, lối rẽ cuộc đời đến với chàng trai tật nguyền Đặng Tiến Dũng khi có cô gái làng khâm phục trước ý chí, nghị lực và đã đem lòng yêu thương ông. Cùng năm đó, ông tổ chức đám cưới, cuốn sách cuộc đời được lật sang một trang mới.
Lấy vợ, ông lần lượt sinh hạ được 5 người con. Quần quật mưu sinh với đủ thứ nghề, từ sửa xe, làm ruộng đến đan lát, viết sớ thuê, làm mộc…, ai kêu gì ông làm nấy để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Cũng bởi nghèo nên các con của vợ chồng ông đều không được đi học thêm. Thương con, ngày làm lụng, tối về ông chong đèn dạy con học chữ. Ấy vậy mà 5 đứa con ông, đứa nào cũng là học sinh giỏi của tỉnh, đều đỗ đạt cao.
Khi cô con gái đầu Đặng Thị Phương đậu vào Đại học Kinh tế Quốc dân mà không qua bất cứ lớp học thêm nào, tiếng lành về ông mới bắt đầu được biết đến.
“Hồi đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy vậy những người con của tôi đứa nào cũng ham học. Đêm nào, mấy bố con cũng chong đèn học cùng nhau, cái gì chúng không hiểu tôi hướng dẫn. Nhờ thế, đứa nào cũng học tốt. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào thì tôi dạy cho con họ như thế. Đứa nào đến học cũng đều tiến bộ” – ông Dũng chia sẻ.
Lớp học của “ông giáo” tật nguyền
Gần 30 năm nay, căn nhà nhỏ của ông Dũng như một lớp học nhỏ của các em học sinh nghèo vùng sơn cước này. Ở lớp học của ông, học sinh nhiều lứa tuổi, từ lớp 2 đến ôn thi chuyển cấp và đại học. Ông không phân lớp mà phân loại học sinh theo trình độ để kèm cặp. Riêng ôn thi cuối cấp, ông dạy 3 ca/3 lớp/ngày. Học sinh ở xa, ông cho ở lại nhà. Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông không thu học phí.
Vào ngày lễ, học sinh cũ lại tìm về nhà ông để tặng hoa, quà
Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ngoài lớp học ở nhà, ông còn có lớp học ở thị trấn Hương Khê với hơn 20 học sinh. Lớp này được dạy tại gia đình một em học sinh. Lúc rảnh, ông lại chạy xe máy hoặc đón xe buýt một mình lên dạy các em.
Vào vụ gặt hái, nhiều phụ huynh muốn ông chuyên tâm để dạy con của họ nên nhà ông có bao nhiêu sào ruộng, họ đều thay nhau đến cấy cày và gặt hái cho ông.
Theo ông Dũng, phương pháp tốt nhất là tự học, để các em học với nhau trước khi mình tham gia. Ông đã biến lớp học nhỏ của mình thành sân chơi cho các em tự tìm kiến thức.
“Không phải ngẫu nhiên mà có hàng nghìn học sinh theo học. Trong mọi vấn đề, điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn, việc học sẽ dễ dàng hơn”, ông giáo làng nói về phương pháp của mình.
Tính đến hiện tại, đã có hàng ngàn em học sinh theo học ông Dũng.
Người thầy mang tấm lòng người cha nên học sinh luôn trân quý. Mỗi năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà ông lại vui như ngày hội, rộn rã tiếng cười với tấm lòng tri ân của bao lớp học trò.
“Học sinh đến với tôi ăn ở như người trong nhà. Có hôm có đến 30 đứa ở lại ăn cơm. Nhiều hôm bọn chúng ghép bàn học làm thành giường nằm ngủ, chúng nó tình cảm lắm. Có những em học sinh học với tôi cách đây gần 20 năm rồi nhưng vẫn tìm về thăm. Thực sự rất xúc động” – ông Dũng trải lòng.
Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, thầy “giáo làng” Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Tất cả những điều ấy là niềm khích lệ, động viên ông tiếp tục đam mê với công việc gieo chữ của mình.
Mang tấm thân tật nguyền từ thuở nhỏ, với nghị lực vươn lên, vượt qua mặc cảm, ông Đặng Tiến Dũng đã trở thành niềm tự hào của người dân Hương Khê khi giúp cho con em họ có thêm niềm tin trước ngưỡng cửa cuộc đời mình.
Mấy chục năm thầm lặng cống hiến, thành quả của ông Dũng là rất nhiều học trò đã thành danh, nhiều người trong số họ hiện đang là cán bộ, công chức của một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thầy giáo xây bể bơi, dạy miễn phí cho học sinh nghèo
Có người thân mất vì đuối nước, chàng trai Phạm Văn Vũ (Thanh Hóa) tự hứa với bản thân phải học bơi để đem kiến thức về dạy cho trẻ em và người dân địa phương.
Các em học sinh say mê luyện tập dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Vũ. Ảnh: T.G
Giờ đây, không chỉ là giáo viên môn Thể dục, thầy Vũ còn xây dựng bể bơi trong khuôn viên gia đình để phổ cập bơi cho học trò nghèo.
Để không ai chịu cảnh mất người thân
Dưới cái nắng hè như đổ lửa, chúng tôi về thôn Công Trình, xã Phúc Do, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), tìm gặp thầy Phạm Văn Vũ, để nghe kể hành trình xây dựng bể bơi.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thầy Vũ (sinh năm 1980), cho biết: Bố mẹ chia tay, 3 mẹ con thầy sống cùng dì ruột và ông ngoại. Nỗi đau gia đình tan vỡ chưa nguôi, thì người em gái cùng cha khác mẹ không may qua đời vì đuối nước. Vũ khi ấy tự hứa với bản thân phải theo học ngành bơi, để đem những kiến thức đã học về phổ cập cho người thân, trẻ em và người dân địa phương.
Thầy Vũ tâm sự: "Huyện Cẩm Thủy thuộc khu vực miền núi. Phần đông người dân xã Cẩm Vân khi đi lao động, sản xuất hay học sinh THPT đi học đều phải qua đò, cầu phao bắc qua sông Mã. Nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra, nguyên nhân do người dân không biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước còn thiếu. Vì vậy, tôi quyết tâm xây dựng bể bơi, để dạy cho người dân nào muốn học, đặc biệt là học sinh và các em nhỏ ở địa phương".
Sau khi trở thành giáo viên dạy môn Thể dục ở Trường THCS Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa), thầy Vũ quyết tâm xây dựng bể bơi tại gia đình. Tháng 8/2016, thầy Vũ bắt tay xây dựng ngôi nhà cấp 4, tại xã Phúc Do (Cẩm Thủy), không quên dành phần đất cho bể bơi. Ban đầu, thầy dự định làm bể bơi không có mái che, không ốp lát gạch và công trình phụ trợ... bởi suy nghĩ đơn giản đây là bể bơi gia đình.
"Khi biết tôi xây nhà ở, trong đó có bể bơi, nhiều người dân địa phương đã động viên nên đầu tư thêm công trình đi kèm để việc dạy bơi hiệu quả hơn", thầy Vũ cho biết. Từ những lời động viên ấy, thầy Vũ quyết tâm xây dựng bể bơi cho ra tấm ra món. Thế nhưng, để có kinh phí xây dựng, không phải là điều đơn giản. Vì thế, thầy Vũ chạy vạy khắp nơi, vay mượn tiền của người thân, vay ngân hàng để lấy kinh phí nâng cấp bể bơi và làm thêm các công trình phụ trợ như mái che, nhà tắm nam, nữ, hành lang, khu khởi động, bãi để xe...
Thầy Phạm Văn Vũ dạy học sinh những động tác khởi động trước khi xuống nước.
Dạy bơi miễn phí cho học trò nghèo
Nhớ lại thời điểm đó, thầy Vũ kể: Xây dựng xong bể bơi, gia đình vô cùng khó khăn về tài chính. Tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng được gần 12 triệu đồng, nhưng phải trả nợ ngân hàng hơn 18 triệu. Để có tiền trả nợ và lo ăn cho gia đình, ngoài giờ làm việc của cơ quan, ban ngày, thầy làm thuê cho một gia đình mổ thịt trâu bò tại xã Quý Lộc (Yên Định). Còn ban đêm, cứ 2 giờ sáng, thầy Vũ lại qua lò mổ lợn tại xã Phúc Do kiếm việc. Ngoài ra, thầy còn tranh thủ đi làm phụ hồ, hoặc sửa điện nước...
"Đến kỳ nghỉ hè, tôi vừa đi làm thuê và dạy thêm tại bể bơi khách sạn Sao Mai, TP Thanh Hóa, để kiếm tiền trả nợ và nuôi con. Lúc ấy, tài sản đáng giá của gia đình là chiếc tivi và hai xe máy, là phương tiện đi làm của hai vợ chồng. Biết bể bơi gia đình tôi bị vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ và chưa hoạt động kinh doanh được, các chủ nợ đến đòi và bắt gạt nợ bằng cái tivi. Cũng may, họ còn thương tình, nên để lại cho vợ chồng tôi hai chiếc xe máy, để có phương tiện đi làm", thầy Vũ tâm sự.
Từ khi bể bơi được phép hoạt động, thầy Phạm Văn Vũ liên hệ với các trường THCS và Tiểu học Cẩm Vân, Cẩm Yên, Cẩm Tân, Cẩm Phú để dạy bơi miễn phí cho học sinh. Hai năm qua, nhờ hướng dẫn của thầy, gần 200 học sinh biết bơi.
Để khuyến khích người dân tập bơi, thường xuyên bơi lội, thầy Vũ làm tờ trình gửi lên huyện, đề xuất được làm chính sách ưu đãi đến năm 2030: Miễn phí vé vào bể bơi cho tất cả người dân không may mắc bệnh xương khớp. Giảm 50% vé tháng (còn 150.000 đồng/tháng) và phí học bơi cho gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách. Giảm 50% vé tháng và phí học bơi trong năm cho học sinh đạt học lực giỏi từ cấp trường đến cấp huyện. Miễn phí vé vào và phí học bơi trong năm cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Miễn phí không thời hạn vé vào và dạy tất cả các kiểu bơi cho học sinh giỏi cấp quốc gia.
Hiện ngoài những buổi dạy thể dục ở trường, thầy Vũ tranh thủ dạy bơi miễn phí cho học sinh ở bể bơi của gia đình vào các buổi sáng. Còn buổi chiều, thầy lại đi xe máy/bus xuống TP Thanh Hóa dạy tại bể bơi của khách sạn Sao Mai và khách sạn Vinpearl Thanh Hóa, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình cũng như tích lũy nguồn kinh phí tu sửa bể bơi.
Tháng 4/2019, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cẩm Thủy nhờ thầy Vũ tìm vận động viên và huấn luyện đội bơi cho huyện, để đi dự giải Bơi - Lặn cứu đuối toàn tỉnh Thanh Hóa. Thầy đã liên lạc được 6 VĐV là người dân địa phương và học sinh Trường THCS Cẩm Tân, THCS Cẩm Vân, THPT Cẩm Thủy 3. Tại cuộc thi, đoàn vận động viên huyện Cẩm Thủy do thầy Vũ dẫn đầu đoạt 8 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 6 huy chương đồng ở các môn bơi. Huyện Cẩm Thủy vinh dự xếp thứ Nhì toàn đoàn.
Chắp cánh ước mơ của học sinh nghèo Thông qua chương trình "Nâng bước em tới trường", LLVT tỉnh đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ban CHQS huyện Tiên Yên nhận đỡ đầu, trao học bổng cho em Trần Đức Khiêm (thôn Đồng Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên). Đầu tháng 6 vừa...