“Ông giáo làng” chấp nhận “làm liều” cho học trò vùng biên
15 năm công tác trong ngành giáo dục thì có gần 10 năm gắn bó với miền viễn biên của Tổ quốc, biên giới Việt Nam – Campuchia, và cũng ngần đó năm đi vận động học sinh dân tộc thiểu số đến trường…
Đó là câu chuyện về thầy giáo Võ Hoàng Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, thuộc xã Mô Rai, huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Bám bản để “gieo chữ” vùng biên
Trường Tiểu học -Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp được thành lập vào năm học 2015, đây là ngôi trường ra đời muộn nhất ở huyện biên giới Sa Thầy. Được biết, trường thành lập để đào tạo cho các con em công nhân của Công ty đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và bảo vệ biên giới do đơn vị Kinh tế Quốc phòng 78 (Công ty 78, thuộc Binh đoàn 15 BQP) hỗ trợ về kinh phí xây dựng ngôi trường…
Nhà trường có tất cả 31 giáo viên (bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên), 18 lớp học với 511 học sinh ở cả 2 cấp – hầu hết các em học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cũng như dân tộc thiếu số ở miền Bắc vào sinh sống. Điều đặc biệt, nhà trường có nguồn giáo viên mới ra trường theo dạy hợp đồng, họ đã và đang cống hiến tuổi xuân để mang con chữ đến với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Đường đến trường của các thầy, cô Trường Tiểu học -Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp.
Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (xã Mô Rai) trong những ngày của tháng 11, giữa tiết trời đầy khắc nghiệt của núi rừng Tây Nguyên. Hành trình tìm đến ngôi trường cũng thật gian nan, bởi lẽ chúng tôi phải vượt qua gần 60km cung đường đèo sạt lở mà người dân đặt tên là tuyến đường sạt lở “huyền thoại”, những hạt mưa một lúc càng nặng hạt thêm như muốn nói lên niềm vất vả của những giáo viên đi “gieo chữ” nơi miền viễn biên của tổ quốc Việt – Cămpuchia.
Trước mắt chúng tôi là hình ảnh của ngôi trường nhỏ nhưng cũng đầy khang trang nằm trọn vẹn giữa bạt ngàn cây cao su, và được bao quanh bởi núi rừng nguyên sinh của vùng biên… Tiếp đón chúng tôi là “ông giáo làng” – thầy Sơn, ấn tượng đầu tiên về thầy có lẽ không có gì khác ngoài dáng người nhỏ nhắn với giọng nói đặc sệt của người con xứ Nghệ.
Gặp chúng tôi, thầy Sơn vui vẻ mời vào trường. Qua những lời hỏi thăm được biết “ông giáo làng” quê ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Vào năm 2004, khi tốt nghiệp trường sư phạm thì thầy Sơn đã chọn Tây Nguyên làm nơi “gieo chữ”, sau đó được lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện phân công đi “cắm bản” ở điểm trường vùng sâu – vùng xa, để rồi thầy giáo trẻ năm nào giờ đây tóc đã điểm sương nhưng vẫn quyết tâm bám trụ vùng biên cương của tổ quốc.
“Bản thân mình rất may mắn khi được hoạt động trong ngành giáo dục, nhất là được gắn bó với trẻ em nghèo vùng biên giới, cho dù ở đây có khó khăn và thiếu thốn nhưng gặp các em học sinh rồi thì tôi cũng như các đồng nghiệp của mình đều không nỡ bỏ đi”, thầy Sơn chia sẻ.
Video đang HOT
Thầy Sơn (áo đen) trên đường đi vận động học sinh đến trường.
Theo thầy Sơn, từ năm 2011 – 2015 thầy công tác ở Trường THCS Ya Xiern, đây cũng là điểm trường đặc biệt khó khăn của huyện vùng biên Sa Thầy. Nói về quãng thời gian gắn bó với các em học sinh nơi đây, thầy Sơn nhớ lại: “Mình cũng như những giáo viên khác ở vùng sâu – vùng xa thôi, khó khăn thì có lẽ vẫn là quá trình vận động các em học sinh đi học. Mình có một kỷ niệm không bao giờ quên ở ngôi trường này là đi vận động em A Khiên, cứ mỗi lần leo bộ vào rẫy vận động em đi học là em lại bỏ trốn, thậm chí cả ba mẹ em cũng không muốn cho em đi học vì không có tiền. Thế nhưng, với quyết tâm cao thì cuối cùng mình cũng vận động cho em được đi học hết lớp 9, rồi em mới nghỉ học”.
Cũng từ năm 2015 đến nay, thầy Sơn lại tiếp tục được nhận công tác ở xã biên giới Mô Rai của huyện Sa Thầy: “Vì đây là xã biên giới nên trách nhiệm cũng như tấm lòng của những người giáo viên như chúng mình càng phải nhiệt huyết và quyết tâm hơn nữa. Các em học sinh ở đây chiếm 99,9% là người đồng bào dân tộc thiểu số với cuộc sống khó khăn, chính vì lý do đó nên cha mẹ các em cũng không muốn cho con đi học. Và rồi chúng tôi là tiếp tục công cuộc đi vận động, đưa các em quay lại trường học, tính đến thời điểm hiện tại thì đã gần như là ổn định.
Đó là những khó khăn về học sinh, còn khó khăn nữa là thiếu cơ sở vật chất – phương tiện dạy học, đồ dùng học sinh đều đi mượn trường khác về dạy học. Chưa hết, nhà trường còn thiếu phòng ở cho giáo viên, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng… Dù có khó khăn, vất vả thiếu thốn đến đâu thì chúng tôi, những người làm công tác giáo dục vẫn cứ động viên nhau, cùng nhau bám bản để “gieo chữ”, hơn hết là góp một phần công sức nhỏ bé để bảo vệ biên giới của Tổ quốc”, thầy Sơn cho biết thêm.
Chia sẻ yêu thương với học sinh nghèo
Sau khi tâm sự về khó khăn của thầy và trò nơi vùng biên xong, thì thầy Sơn cũng không quên khoe với chúng tôi về những “chiến tích” mà tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đạt được. Đó là mô hình kinh tế, có vườn rau, cây ăn quả, vài bụi măng, rồi nuôi thêm con gà, con vịt… tất cả đều nhằm cải thiện bữa ăn của giáo viên và học sinh nơi đây.
Hình ảnh thầy Sơn cùng học sinh Y Thu (hình chụp trong lần đưa học sinh Y Thu đi khám tim tại Đà Nẵng).
Không chỉ là người thầy, “ông giáo làng” còn được biết đến với vai trò là cha của rất nhiều học sinh nghèo ở ngôi trường này. Khi được hỏi về những hoàn cảnh học sinh khó khăn, thầy Sơn cười rồi nói: “Hầu hết, những em học sinh của trường chúng tôi đều rất khó khăn về kinh tế, nên tập thể giáo viên nhà trường thường trích tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ các em. Cũng có một số trường hợp học sinh muốn đi học mà không có giấy tờ hợp pháp để đi học nên tôi chấp nhận “làm liều” nhận các em vào học trước rồi làm giấy tờ sau. Đó là trường hợp của 2 em Lý Văn Lộc và Bằng Văn An, cả 2 em đều là người đồng bào Sán Dìu, theo gia đình vào làm công nhân cho Công ty cao su Duy Tân. Có một điều hết sức phấn khởi vì 2 em học sinh này sau khi được nhà trường tạo điều kiện đều có thành tích học tập rất tốt, đứng nhất, nhì trong trường”.
Được biết “ông giáo làng” cũng thường xuyên kêu gọi từ thiện như quyên góp quần áo, xin sách cũ… để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Đặc biệt là hoàn cảnh của em Y Thu (học sinh lớp 5, đang theo học tại trường) người đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm: “Em Y Thu có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hơn nữa lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy tôi cũng như tất cả các giáo viên nhà trường đều giúp đỡ em, đồng hành cùng em để vượt qua căn bệnh. Tôi đã đưa Y Thu vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khắm và làm thủ tục… và dự kiến khi nào học sinh tôi mổ tim thì tôi vẫn mong lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy tạo điều kiện cho phép tôi đưa học sinh mình đi mổ tim”, thầy Sơn chia sẻ.
Trên thực tế, công việc giảng dạy ở vùng viễn biên nói chung đều rất khó khăn, thế nhưng những khó khăn đó qua lời kể của “ông giáo làng” cũng như các thầy cô giáo nơi đây khiến chúng tôi thấy thật nhẹ nhàng. Bởi lẽ, ở họ – những con người “gieo chữ”, bám bản vùng biên đều mang trong mình trái tim nhân hậu.
Có một điều hết sức “lạ” rằng, khi chúng tôi hỏi duy nhất một câu hỏi rằng: nếu được chuyển về trung tâm thị trấn giảng dạy thầy có sẵn sàng về không? Ngay lập tức câu trả lời của thầy Sơn lại là không muốn về, tất cả chỉ vì một lý do duy nhất, đó là: “Tôi cũng như các giáo viên ở đây thương các em”.
Thương các em học sinh chỉ có thể xuất phát từ một trái tim biết chia sẻ yêu thương, và sự chia sẻ yêu thương ấy đều có ở tất cả các giáo viên nơi đây. Họ là những con người dám chấp nhận rời xa quê hương, dám cống hiến tuổi xuân nơi viễn biên của Tổ quốc… để rồi cũng chính những người giáo viên ấy đã và đang ươm mầm cho thế hệ mai sau.
Nam Ninh
Theo toquoc
Thanh xuân "gieo chữ" vùng cao
Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Mai Thị Lâm (sinh năm 1967), giáo viên Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú - THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, ngày ngày lặng lẽ cống hiến tuổi xuân cho cuộc hành trình tìm con chữ của các em học sinh vùng cao biên giới.
17 năm qua cô giáo Mai Thị Lâm luôn tận tình với sự nghiệp "gieo chữ" nơi vùng cao. Ảnh: Hoài Thu
Tình yêu với trẻ em nghèo
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng hơn 200 km đường gập ghềnh, khúc khuỷu để có mặt tại Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý khi trời đã xế chiều. Khó khăn, vất vả là thế nhưng gần 20 năm qua, cô giáo Mai Thị Lâm vẫn cần mẫn ngược - xuôi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Nga Thạch (Nga Sơn). Năm 1995, cô Lâm rời quê hương lên Mường Lát (lúc đó đang thuộc huyện Quan Hóa) ở với chị gái đang làm công nhân lâm trường. Sau một thời gian sinh sống, chứng kiến cuộc sống vất vả, cơ cực của bà con nơi đây; nhiều gia đình "cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc" nên việc học hành đành gác lại phía sau chuyện "cơm áo"... đã thôi thúc cô quay về Trường Đại học Hồng Đức nộp đơn thi vào ngành sư phạm.
Nhớ đến những ngày tháng gian khó đó, mọi ký ức trong cô lại ùa về, cô Lâm kể: "Ngày ấy, đường sá đi lại vô cùng khó khăn! Chưa có cầu bê tông như bây giờ, mà phải qua sông bằng phà. Xe máy không có, phương tiện đi lại duy nhất là bằng xe ca. Mỗi lần đi từ huyện Nga Sơn lên Mường Lát, phải mất 2 ngày. Khi lên ở với chị gái được vài năm, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của con em đồng bào nơi đây nên tôi thương lắm. Cuộc sống quá khổ đã khiến cho nhiều trẻ em thất học, đó là chưa kể đến việc giáo viên dạy chữ cho chúng cũng thiếu rất nhiều".
Chính tình yêu thương vô điều kiện ấy đã gắn kết cô với miền đất vùng biên này. Năm 2002, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, cô quyết định quay trở lại Mường Lát. Và rồi, cô giáo Mai Thị Lâm được huyện phân công về nhận công tác tại Trường THCS Quang Chiểu - một ngôi trường cách trung tâm huyện Mường Lát gần 30km đường rừng. Sau một thời gian công tác ở đây cô được điều động về dạy ở xã Trung Lý.
Mang tuổi xuân "gieo chữ"
Mới đó đã 17 năm trôi qua. 17 năm cô miệt mài "gieo chữ" cho miền sơn cước này. 17 năm gắn bó, cũng là ngần ấy thời gian cô Lâm phải sống xa gia đình, xa cha, mẹ già, xa nơi "chôn rau cắt rốn". Vào thời điểm ấy, không điện, không đường, không bạn bè, tuổi lại đang trẻ nên cũng buồn, cũng nản lắm! Tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tiếng tàu xe khiến cô nhiều đêm mất ngủ. Những lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời thăm hỏi, động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những khó khăn, vất vả, gian truân... tất cả đã không thắng được lòng yêu nghề của cô.
Nhắc tới chuyện gia đình, mắt cô bỗng đỏ hoe. Cách đây chục năm, được bạn bè giới thiệu, mai mối, cô giáo Lâm kết duyên với một người đàn ông công tác ở Lâm trường Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Cùng bấy nhiêu thời gian, 2 vợ chồng chạy chữa đã nhiều nơi nhưng vẫn không thể giúp cô thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của người phụ nữ là được làm mẹ dẫu chỉ một lần.
Cô Lâm chia sẻ: "Những vất vả về tinh thần, vật chất tôi cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Dù vất vả, nhưng không có những người như mình, thì ai sẽ đem con chữ đến với các em thơ ở đây?. Nhiều lúc thương cha mẹ già, thương người chồng luôn phải sống xa vợ hơn trăm cây số đường rừng, "dăm thì mười họa" mới được ở gần nhau mà muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây lại giúp tôi có thêm nghị lực để bước tiếp. Hiện chồng tôi đã nghỉ hưu, mỗi tháng lương hưu chưa đầy 3 triệu đồng, vì vậy phải đi làm thêm với bạn bè mới đủ chi tiêu trong tháng. Vả lại, tôi lại ở tận mãi trên này, anh ở nhà một mình cũng buồn, nên đi làm thêm cho khuây khỏa. Chỉ mong những người trong gia đình mình luôn mạnh khỏe và thông cảm cho tôi, để tôi có thể yên tâm công tác".
Được biết, từ khi về đây công tác, nhà trường bố trí cho cô một phòng ở khu nhà công vụ. Hằng ngày, một mình cô tự nấu ăn bởi ở đây ai cũng có gia đình. Dù đồng lương cũng đã tạm ổn, nhưng giá cả đắt đỏ, hơn nữa cô cũng phải chắt chiu để còn lo cho gia đình.
Gần 20 năm sống, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp "trồng người" ở vùng đất biên cương này, cô cũng đã nếm trải nhiều truân chuyên lắm. Đã có lần cô Lâm làm đơn xin chuyển công tác về xuôi, nhưng bất thành. Từ đó, cô không làm đơn lần nào nữa và cố chờ đợi thêm thời gian nữa rồi về hưu. Và có lẽ, ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô là những giọt nước mắt lăn dài và nhiều đêm thức trắng.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Thế Lập - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý, cho biết: "Ở đây, đa số các thầy, cô giáo đều có gia đình dưới xuôi. Tuy nhiên, hoàn cảnh của cô giáo Lâm rất đặc biệt, vì vậy, chúng tôi luôn động viên, chia sẻ, mong chị bớt suy tư để vui vẻ trong cuộc sống và cống hiến cho ngành. Chị dạy môn Địa lý và cũng là một trong những người lớn tuổi nhất ở trường hiện nay".
Chia tay vùng đất biên cương của Tổ quốc, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng câu nói của nữ giáo viên "cắm bản": "Khi lựa chọn nghề dạy học, tôi đã xác định: Dù có khó khăn, thử thách đến đâu, cũng sẽ cố gắng vượt qua. Tuổi thanh xuân của tôi đã dành trọn cho giáo dục vùng khó, nay không có lý do gì mà chùn chân, mỏi bước. Tôi sẽ mãi là "cô giáo bản", để ngày ngày được "cõng chữ" lên non".
Hoài Thu
Theo baothanhhoa
Ước mơ ở nơi không có phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, không phải thầy cô nào cũng ngóng chờ những món quà giá trị, chờ phong bì của phụ huynh... Những ngày này, các thầy cô công tác tại những vùng khó khăn đang trăn trở chuyện nghề hơn là quà cáp, phong bì từ phụ huynh. Chia sẻ niềm vui vào những dịp 20/11,...