Ông Đinh Mạnh Thắng được giảm 2 năm tù
Nhận định bị cáo Đinh Mạnh Thắng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà) đã rất thành khẩn khai báo, tỏ ra thật sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội, HĐXX tòa phúc thẩm quyết định giảm cho bị cáo này 2 năm tù.
Sáng 8/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc đọc bản án phúc thẩm.
Theo đó, HĐXX tòa phúc thẩm nhất trí với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát về việc giảm một phần hình phạt đối với Đinh Mạnh Thắng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà) do bị cáo này đã rất thành khẩn khai báo, tỏ ra thật sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội. Hơn nữa, sau khi Thái Kiều Hương tác động, Đinh Mạnh Thắng đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Bản thân bị cáo có công lao với Nhà nước, gia đình bị cáo có công với cách mạng.
HĐXX cho hay, căn cứ tài liệu đã được thẩm tra công khai, căn cứ lời khai các bị cáo và ý kiến tranh luận của người bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy, các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Nguyễn Thị Kim Thoa đều giữ nguyên kháng cáo. Trong đó, bị cáo Thoa kêu oan. Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, một số luật sư cho rằng việc quy kết các bị cáo đồng phạm về tội tham ô là chưa thuyết phục. Tòa phúc thẩm cho rằng, căn cứ lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.
Cụ thể, Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) cùng các đồng phạm đã thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị thực tế để chiếm đoạt phần tiền chênh lệch.
Đầu năm 2010, bị cáo Lê Hòa Bình đã cùng Nguyễn Thị Kim Thoa thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã mua toàn bộ diện tích dự án Nam Đàn Plaza bằng việc mua 24 triệu cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, tổng giá trị tương đương 52 triệu đồng/m2.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.
Sau khi ký thỏa thuận đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký chuyển nhượng cổ phần riêng đối với từng cổ đông với mức giá trên. Riêng hợp đồng ký với PVP Land, Bình chỉ chuyển nhượng với giá 34 triệu đồng/m2, tạo chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.
Các bị cáo đã tham ô, chia nhau số tiền 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng, các bị cáo khác tham ô tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng. Do vậy, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên là hoàn toàn có căn cứ.
Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng, HĐXX cho rằng, sau khi được Thái Kiều Hương nhờ vả, Thắng đã trực tiếp tác động Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong để thông qua việc chuyển nhượng dự án Nam Đàn. Sau đó, Thắng được Hương chuyển 5 tỷ đồng và cũng được Thái Kiều Hương nhờ đưa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo khai rằng không biết số tiền này nằm trong khoản chênh lệch từ việc ký hợp đồng, tuy nhiên HĐXX nhận thấy có đủ căn cứ kết luận Đinh Mạnh Thắng nắm rõ nguồn gốc tiền. Bản án sơ thẩm xác định hành vi của bị cáo Thắng là tham ô tài sản hoàn toàn có căn cứ.
Đối với 2 bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Thái Kiều Hương, các bị cáo khẳng định chỉ là người môi giới, nhận thức pháp luật hạn chế nên bị người khác khác lợi dụng. HĐXX thấy rằng, Duy và Hương là người môi giới xuyên suốt quá trình vụ án. Các bị cáo có vai trò giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm thực hiện hành vi tham ô tài sản.
Đối với bị cáo Hương, HĐXX cho rằng, tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới nên HĐXX giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Đối với kháng cáo của bị cáo Thoa, HĐXX thấy rằng, thực chất bị cáo không phải kêu oan mà cho rằng quy kết không đúng tội danh. Bị cáo cho rằng bản thân phạm tội “Không tố giác tội phạm”, không phải tội “Tham ô”. Tại CQĐT, Thoa khai biết việc chuyển nhượng cổ phần giá thấp nhưng vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình (Chủ tịch Công ty 1/5). Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy bị cáo dù biết việc bán lại cổ phần với mức giá thấp nhưng vẫn chung ý chí thực hiện việc rút tiền và chuyển tiền trái quy định. Do đó, việc quy kết bị cáo đồng phạm tội tham ô là có căn cứ.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định giảm hình phạt với các bị cáo Đinh Mạnh Thắng và Thái Kiều Hương, giữ nguyên án sơ thẩm đối với Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Nguyễn Thị Kim Thoa.
Cụ thể, tòa tuyên phạt ông Đinh Mạnh Thắng 7 năm tù (sơ thẩm: 9 năm), Thái Kiều Hương 8 năm tù (sơ thẩm: 10 năm), Nguyễn Thị Kim Thoa: 6 năm tù, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy: 10 năm tù.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng nghẹn ngào khi nói lời sau cùng
Ông Đinh Mạnh Thắng mong muốn được giảm án để sớm về với gia đình, bởi từ ngày bị bắt, cha mất cũng không có cơ hội chịu tang.
Sau hai ngày xét xử, chiều 6.6, bốn người kháng cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land, đã được chủ tọa Ngô Hồng Phúc (TAND Cấp cao tại Hà Nội) cho nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử ra phán quyết vào sáng thứ Sáu tới.
Ông Đinh Mạnh Thắng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà - em trai ông Đinh La Thăng) cảm ơn Hội đồng xét xử, VKSND Cấp cao tại Hà Nội tạo cơ hội trình bày thêm các tình tiết liên quan đến vụ án.
Bị cáo cho hay, mục tiêu kháng cáo là để HĐXX xem xét hành vi, định tội cho rõ ràng. Ông cũng mong muốn HĐXX công tâm, khoan hồng để sớm về với gia đình. "Bị cáo hối hận, ăn năn. Từ khi xa gia đình đến nay, không được về chịu tang cha", ông Thắng nghẹn ngào.
Hai bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới tự do), Thái Kiều Hương (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan), mong muốn được công bằng trong phán quyết sắp tới và xem xét giảm nhẹ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu Kế toán trưởng Công ty 1/5) tiếp tục không phục vì cáo buộc đồng phạm tham ô.
Trước đó, chuyển sang phần đối đáp, chủ tọa Ngô Hồng Phúc đề nghị VKS và luật sư cần làm rõ các bị cáo tham ô ở chỗ nào; có thỏa mãn đặc điểm về tội phạm hay không (tài sản chiếm đoạt, mặt chủ quan, khách quan); nếu chứng cứ có phần mờ nhạt có thể chuyển sang các tội danh (do các luật sư đưa ra gồm ba tội là Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi, Không tố giác tội phạm, Chiếm hữu trái phép tài sản)...
VKS Cấp cao: Nếu rạch ròi thì đã truy tố các bị cáo hai tội danh
Đối đáp ý kiến luật sư về việc Huỳnh Nguyễn Quốc Duy tham gia là người môi giới, mục đích chỉ là hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giữa hai công ty trên, công tố viên cho hay, trước khi thoái vốn, bị cáo đã liên lạc chuyển nhượng cổ phần PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Khi đàm phán, thỏa thuận với Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC), Hương và Duy qua Đinh Mạnh Thắng tới gặp để tác động về giá.
Theo VKS Cấp cao, thực tế sau khi gặp gỡ, trao đổi giữa Hương, Duy cùng một số lãnh đạo của PVP Land, công ty này đã ký với Công ty Minh Ngân (Lê Hòa Bình làm chủ) chuyển nhượng chỉ với giá 34 triệu đồng/m2, tạo ra chênh lệch giá. Số tiền chênh lệch đó, Bình đã chỉ đạo Thoa chuyển một phần cho các bị cáo chia nhau.
"Hương, Duy là những người tác động đến các thành viên của PVP Land để thoái vốn, bán với giá thấp hơn", đại diện VKS Cấp cao nói. Sau đó, Hương trực tiếp nhận 19 tỷ đồng tiền chênh lệch giá, chuyển cho Đinh Mạnh Thắng. Những chứng cứ như vậy thể hiện các bị cáo biết giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế. Hai bị cáo cùng ý chí để Thanh, Thắng... chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Duy là người môi giới, trung gian, nhiệm vụ chỉ là đàm phán về giá cả. Dù bị cáo này không thừa nhận, song hai lãnh đạo của PVP Land có lời khai thể hiện vai trò đồng phạm của Duy.
Về việc chuyển tội danh cho bị cáo theo đề nghị của luật sư, công tố viên nêu: "Nếu như bị cáo chỉ dừng ở việc tác động, đến khi sau này được cảm ơn bao nhiêu thì VKS có thể xem xét tội danh, song bị cáo đã giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước".
Tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần, PVP Land đã chiếm hơn 50%, trong đó PVC chiếm đa số, áp đảo nên có tiếng nói khi quyết định bán cho Minh Ngân. "Nếu rạch ròi ra, xem xét tiền nhà nước bao nhiêu, cổ đông bao nhiêu thì đã truy tố các bị cáo hai tội danh tham ô và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vì vốn Nhà nước chiếm phần lớn nên truy tố tội Tham ô", đại diện VKS Cấp cao đối đáp, phản bác ý kiến của luật sư bào chữa cho ông Thắng, bà Hương về đề nghị thay đổi tội danh cho thân chủ.
Bà Thoa trong phần tự bào chữa đề nghị VKS Cấp cao làm rõ bị cáo đồng phạm giúp sức như thế nào. VKS cho rằng, bị cáo giúp sức cho những người có chức vụ, khi đồng tình giá thấp, chuyển tiền cho họ chiếm đoạt khoản chênh lệch. Động cơ của bị cáo là muốn nhanh chóng được ký hợp đồng của dự án Nam Đàn Plaza nên đã làm theo chỉ đạo của ông Bình. "Bị cáo trực tiếp tham gia, tiếp nhận chuyển tiền, a dua giúp sức chứ không phải là hành vi không tố giác tội phạm", đại diện VKS Cấp cao nói.
Từ đó, VKS Cấp cao thấy không có cơ sở xem xét thay đổi tội danh theo đề nghị của luật sư, bị cáo. "May vụ án được phát hiện kịp thời, nếu không các bị cáo sẽ không chỉ chịu mức án như cấp sơ thẩm đã tuyên", kiểm sát viên phiên tòa nói.
Ông Đinh Mạnh Thắng (thứ hai từ trái qua) cùng ba bị cáo kháng án, trước khi nói lời sau cùng.
Theo bản án sơ thẩm, qua môi giới của Duy, thương vụ chuyển nhượng 50,5% cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương được bán cho Công ty Minh Ngân với giá hơn 13.000 đồng/cổ phần, tương ứng 34 triệu đồng/m2 tại dự án Nam Đàn Plaza. Giá này thấp hơn với thực tế là 52 triệu đồng. Số tiền chênh lệch Công ty Minh Ngân đã chuyển cho PVP Land là 49 tỷ đồng, trong đó ông Thanh hưởng lợi 14 tỷ, Thắng 5 tỷ, Duy 11 tỷ... Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thắng bị tuyên phạt 9 năm tù, Duy và Hương mỗi bị cáo 10 năm, Thoa 6 năm cùng đồng phạm Tham ô tài sản với Trịnh Xuân Thanh (bị tuyên chung thân).
Theo Việt Dũng (VNE)
Xét xử phúc thẩm vụ PVP Land: Bị cáo Đinh Mạnh Thắng được đề nghị giảm nhẹ mức án Đại diện VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, bác kháng cáo kêu oan và xin giảm mức án của 3 bị cáo khác. Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ngày 6.6, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ Tham ô xảy ra ở Công ty...