Ôn thi THPT: Rèn tinh thần “thép” cho sĩ tử vùng cao
Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT được các trường ở Điện Biên chủ động ngay từ đầu năm học theo hình thức cuốn chiếu. Các trường đều có chung quan điểm sẽ rèn cho sĩ tử tinh thần “thép” trước cửa trường thi…
Một buổi ôn tập ngoài giờ cho học sinh nội trú của trường THPT Nậm Pồ, Điện Biên
Sát sao từng học sinh…
Năm học 2020 – 2021, trường THPT huyện Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) có 122 học sinh theo học tại 4 lớp thuộc Khối 12. Số này hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở các xã biên giới trên địa bàn.
Cũng bởi nhận thức của học sinh ở đây hạn chế hơn so với các vùng thuận lợi như thị trấn, thị xã và thành phố nên việc bồi dưỡng kiến thức căn bản để các em có đủ điều kiện tốt nghiệp là mục tiêu ban đầu của Nhà trường. Sau khi tốt nghiệp, tùy năng lực mỗi học sinh và điều kiện hoàn cảnh của gia đình, mỗi em sẽ lựa chọn các trường mà mình mong muốn theo đuổi.
Xác định rõ điều này, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Nậm Pồ đã đồng thời vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức ôn luyện theo phương châm “học đâu chắc đó”.
“Cứ buổi sáng học kiến thức như thế nào thì buổi chiều chúng tôi cho các em ôn lại những kiến thức đó như một hình thức nhắc lại. Việc làm này duy trì từ đầu năm học chứ không phải bây giờ mới thế.
Bởi vậy mà ngay từ đầu, chúng tôi đã sàng lọc và phân loại chất lượng học sinh. Từ đó có kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ của mỗi đối tượng học sinh”, thầy giáo Lương Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Nậm Pồ cho biết.
Thầy trò Trường THPT Nậm Pồ miệt mài ôn luyện
Theo thầy Tuấn, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa và hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT thì Nhà trường đã chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch ôn thi đối với các tổ chuyên môn để phù hợp với thực tiễn.
“Cuối tháng 4 chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn 2 của đợt ôn thi, cũng là lúc kết thúc năm học. Ngay sau đó sẽ tổ chức ôn thi đợt 3. Qua 3 lần thi thử, nhận thấy kết quả cơ bản đảm bảo theo mục tiêu phấn đấu của Nhà trường. Chiều 14/4, trường tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp lần thứ 2, đánh giá lại toàn bộ quá trình ôn tập trong 2 giai đoạn vừa qua; đồng thời định hướng cho giai đoạn sắp tới”, thầy giáo Lương Đình Tuấn chia sẻ.
“Ở đây học sinh của chúng tôi lực học yếu hơn so với các nơi khác. Vì vậy, theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì phương pháp hiệu quả nhất phải là bám sát đối tượng học sinh của mình. Từ đó, đưa ra giáo trình dạy học phù hợp. Qua mỗi bài dạy mới, đến tiết ôn tập sẽ có định hướng riêng cho từng đối tượng học sinh. Với những em có học lực yếu thì sẽ có những giáo án riêng, trình độ riêng, học sinh khá sẽ có giáo án riêng”, cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên trường THPT Nậm Pồ nói.
Video đang HOT
“Từ việc phân loại đối tượng học sinh, tôi sẽ chia nhóm với các thành viên phù hợp. Mỗi một nhóm sẽ có nhiều đối tượng. Ví dụ như trên lớp sẽ quan tâm đặc biệt đến những em có học lực yếu. Còn ở nhà thì trong 1 nhóm sẽ có những cấp bậc khác nhau, có cả học sinh khá, yếu, trung bình để các em có sự tương tác hỗ trợ nhau.
Theo giai đoạn nhất định, các nhóm phải báo cáo kết quả hoạt động của nhóm mình. Mục tiêu làm sao học sinh yếu cũng phải hoàn thành được những kiến thức căn bản mà thầy cô giao”, cô Thuận nói thêm.
Trường THPT Nậm Pồ khen thưởng, động viên những học sinh có kết quả cao sau mỗi đợt thi thử. Phần thưởng là những túi xà phòng, bánh kẹo, mì tôm… (đồ dùng thiết yếu với học sinh) để động viên các em học tốt
Để học sinh “không sợ” trường thi…
Trường THPT Tủa Chùa ( thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) có 279 học sinh lớp 12. Các em đang trong giai đoạn 2 của quá trình ôn thi tốt nghiệp. Nửa tháng nữa các em bước vào giai đoạn “nước rút” của quá trình ôn tập. Sau 3 đợt thi thử nghiêm túc, khách quan, học sinh trong trường phần nào cũng vững tin hơn để bước vào kỳ thi THPT năm nay.
“Quá trình tổ chức các đợt thi thử, chúng tôi làm rất gắt, nghiêm túc như kỳ thi thật. Làm vậy để các em không thể chủ quan khi đi thi được. Thực tế có những năm, ở một số nơi có trường hợp thí sinh mải ôn bài ngày hôm trước, hôm sau đi thi thì mệt quá, ngủ quên không đến được trường thi.
Lại có những em cũng chủ quan không đặt chuông báo thức, khi tỉnh dậy, đến trường thi thì đã muộn. Như vậy cơ hội thi đã bị trượt mất, đành phải chờ đến năm sau”, thầy giáo Nguyễn Văn Huynh, Hiệu trưởng Trường THPT Tủa Chùa chia sẻ.
Ôn thi tại trường THPT Tủa Chùa
Chỉ thời gian ngắn nữa là Hoàng Ngọc Sen (HS lớp 12 trường THPT Tủa Chùa) bước vào kỳ thi THPT. Sen vẫn thầm khát khao được học dưới mái trường Đại học Điện lực hoặc trường Đại học Quốc gia Hà Nội nên em đã chủ động đăng ký nguyện vọng vào hai ngôi trường này. Hàng ngày, Sen vẫn miệt mài ôn luyện, song là lần đầu đi thi cũng không khỏi bỡ ngỡ.
“Càng gần đến kỳ thi thì em càng lo lắng và đôi lúc còn sợ hãi bởi vì mình không biết lúc thi thật sẽ như thế nào. Nhưng sau khi được thầy cô động viên, an ủi và hướng dẫn tận tình thì bản thân em đã tự tin hơn.
Qua các đợt thi thử, em thấy các thầy cô nghiêm khắc như vậy nên cũng quen và nghĩ rằng có làm được bài hay không là do mình chứ không phải do áp lực khi đi thi. Em sẽ cố gắng thi tốt, có kết quả tốt, đạt được nguyện vọng để khỏi phụ lòng bố mẹ và thầy cô”, em Hoàng Ngọc Sen bộc bạch.
Nhiều học sinh có tâm thế tốt, sẵn sàng bước vào kỳ thi
Thầy giáo Lê Trường Giang – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú -THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, việc tổ chức các đợt thi thử cũng được thực hiện nghiêm túc bởi các thầy cô luôn e ngại tâm lý rụt rè, nhút nhát của học sinh dân tộc thiểu số. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bài thi.
Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh các phương pháp ôn luyện phù hợp, quá trình tổ chức thi thử Nhà trường đã nghiêm túc ngay từ đầu như một kỳ thi thật. Điều này vừa để các em làm quen mới quy chế thi, vừa là cách đánh giá thực lực của mỗi học sinh. Trên cơ sở đó, Nhà trường đề ra giải pháp và lượng kiến thức phù hợp để phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh ở giai đoạn cuối của đợt ôn tập.
“Chúng tôi chủ động phân loại học sinh để giúp cho việc tổ chức các lớp ôn tập phù hợp. Do một số học sinh còn hạn chế về năng lực nên chúng tôi đang tổ chức các buổi ngoài giờ để phụ đạo, làm sao có thể đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng để đạt được mục đích đặt ra.
Với những học sinh yếu, nhà trường tư vấn cho gia đình và bản thân các em nên đi học nghề, hoặc vừa học vừa làm. Còn những học sinh có năng lực thực sự thì tư vấn định hướng cho các em thi các trường Cao đẳng, Đại học phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Có mục tiêu rồi thì các em sẽ cố gắng, không chịu áp lực nhiều”, thầy Lê Trường Giang chia sẻ.
Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Luyện theo đề minh họa, thi thử cọ xát
Ôn luyện theo phương án "thi gì học nấy" được các trường THPT tại Hà Tĩnh lựa chọn để giúp học sinh lớp 12 có sự chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Các trường THPT toàn tỉnh Hà Tĩnh đồng loạt cho học sinh làm thử đề thi minh họa của Bộ.
Xây dựng ngân hàng đề thi
Thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Từ đầu năm học, các trường tổ chức cho HS học và củng cố kiến thức 6 môn. Chẳng hạn, HS dự tính chọn bài thi tự nhiên sẽ củng cố 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Còn HS có xu hướng chọn bài thi xã hội, ngoài 3 môn bắt buộc, sẽ ôn đều kiến thức 3 môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân.
"Việc nghiên cứu, phân tích ma trận đề minh họa là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng ngân hàng đề thi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình ôn tập. Vì thế, trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận phân tích cấu trúc đề thi kỹ càng để xây dựng ma trận đề thi sát với bộ đề minh họa" - thầy Quang cho hay.
Theo đánh giá của ông Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh), đề thi minh họa năm nay bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Đề cũng có tính phân hóa cao, đáp ứng với yêu cầu vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học.
Ở các môn Toán, Lý, Hóa, số lượng câu hỏi phân loại nhiều hơn so với trước. Kiến thức ở phần phân hóa chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, để làm được những câu hỏi này, ngoài khả năng tư duy, học sinh cần vận dụng thêm kiến thức đã học từ lớp 11 mới có thể đạt điểm tuyệt đối. Ở bộ môn Ngữ văn, hầu như không có sự thay đổi, phần làm văn, câu hỏi nghị luận xã hội là kỹ năng quen thuộc với học sinh trong quá trình ôn luyện...
Giáo viên giảng dạy lớp 12 ở Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để xây dựng mỗi môn một đề thi tham khảo theo cấu trúc đề minh họa của Bộ. Theo đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn triển khai nội dung này đến các nhà trường. Đồng thời sử dụng đội ngũ cán bộ cốt cán cấp tỉnh ở các bộ môn biên tập thành ngân hàng đề thi. Từ đó gửi về cho nhà trường để triển khai cho học sinh ôn tập.
Qua làm đề thi thử, học sinh sẽ rút ra được kinh nghiệm trong việc ôn và làm bài thi sau này.
Học sinh bám sát đề minh họa
Song song với việc thảo luận, nghiên cứu, các trường học ở Hà Tĩnh bắt đầu cho học sinh làm quen với đề minh họa. Tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (huyện Cẩm Xuyên), ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn lớp 12 in và phát cho học sinh làm ngay để kiểm tra năng lực của các em.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết: Làm đề thi minh họa giúp các em làm quen với ma trận đề, thầy cô đồng thời kiểm tra năng lực học sinh. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh.
Ngoài ra, việc chữa đề thi minh họa cũng được các giáo viên bộ môn ở tất cả trường THPT toàn tỉnh triển khai đồng loạt. Em Võ Xuân Hương, HS lớp 12A3, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc) cho hay: Chúng em được tiếp xúc, làm và chữa đề minh họa. Điều này đã hỗ trợ kiến thức và kinh nghiệm trong việc ôn và làm đề thi sắp tới.
Việc công bố sớm đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã làm yên lòng giáo viên, học sinh cuối cấp. Đây là định hướng quan trọng để nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho học sinh. Các trường ở Hà Tĩnh đang cố gắng điều chỉnh kế hoạch dạy học, phấn đấu đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ kết thúc chương trình chính khóa để tập trung ôn tập cho lớp 12.
Tổ chức thi thử
Việc truyền đi "bí kíp" giải đề thi cũng được đẩy mạnh tại các trường THPT. "Sau khi xây dựng ngân hàng đề thi, các trường sẽ tổ chức thi thử cho học sinh. Đây là biện pháp đánh giá năng lực, vốn kiến thức của học sinh, xác định bản thân đang ở trình độ nào, có đủ kiến thức cho mùa thi và đáp ứng đủ tiêu chuẩn đầu vào ở ngôi trường dự định chọn đăng ký nguyện vọng hay không?" - ông Tú nói.
Theo thầy Hoàng Quốc Quyết, dựa vào các cuộc thi thử tại trường, học sinh có thể điều chỉnh kế hoạch học của mình, nâng cao kết quả mỗi lần thi thử cho đến khi đạt đến ngưỡng yêu cầu của ngôi trường mơ ước.
"Hơn nữa, việc liên tục cọ xát qua thi thử còn là cách để thí sinh ghi nhớ, cập nhật kiến thức liên tục, nhanh chóng nhận ra và sửa lỗi sai thường gặp. Thi thử giúp HS phân chia thời gian hợp lý cho từng tuyến câu hỏi, tránh hết giờ mà vẫn chưa hoàn thiện, từ đó sẽ giảm được các lỗi đáng tiếc khi đi thi thật" - thầy Quyết nói thêm.
Thầy Hồ Tiến Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn (huyện Hương Sơn) thông tin: Ngoài tham khảo cấu trúc đề thi minh họa tốt nghiệp THPT của Bộ, giáo viên còn phải nghiên cứu định dạng đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH để xây dựng chuyên đề ôn tập đáp ứng theo mục tiêu của kỳ thi. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy, giáo viên có bổ sung thêm tình huống thực tế, tập cho HS kỹ năng làm bài thi đánh giá năng lực.
Một yếu tố quan trọng trong phòng thi chính là tâm lý. "Căng thẳng, áp lực đè nén, mất bình tĩnh" là những vấn đề lớn khiến các sĩ tử mất tự tin và làm giảm kết quả thi. Như vậy, việc rèn luyện tinh thần "thép" thông qua kỳ thi thử chính là một phương pháp giúp thí sinh trấn an, bình tĩnh và tự tin hơn. - Thầy Hoàng Quốc Quyết
Nghiên cứu đề minh họa, các trường THPT ở Hà Tĩnh lên kế hoạch ôn tập cho học sinh Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã kịp thời chỉ đạo các trường THPT nghiên cứu kỹ để xây dựng ngân hàng đề thi, ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT quốc gia. Giáo viên nghiên cứu kỹ đề thi Thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng Trường...