‘Ôm’ giáo sư về trường chuyên: Câu chuyện sản xuất nhỏ
Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình lấy ý kiến về dự thảo tờ trình và nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên. Dự thảo đề xuất hỗ trợ 1 tỷ đồng cho GS, PGS về làm việc tại trường.
Trước đề xuất này, nhiều người quan tâm và có những ý kiến khác nhau.
Dự định hỗ trợ 1 tỷ đồng cho GS, PGS về trường chuyên là hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực, 1 trong 4 đột phá nhằm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Hòa Bình. Trong bối cảnh kinh tế và xã hội tỉnh còn những thách thức, khó khăn, việc làm đó đáng trân trọng. Mời GS, PGS cụ thể như thế nào – lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh đã tính toán; GS, PGS nào đồng ý đầu quân về tỉnh, họ cũng đã liệu tính.
Dày công đầu tư
Để đứng lớp ở trường chuyên và đạt yêu cầu của người sử dụng lao động, GS, PGS phải dày công đầu tư. Muốn có một tiết bồi dưỡng học sinh giỏi thành công, có những vấn đề thậm chí phải chuẩn bị vài tuần, ai qua rồi mới hay. Phía sau bục giảng là nỗ lực tìm kiếm tài liệu, chắt lọc và sắp xếp để trình bày nội dung chặt chẽ, tổ chức hoạt động để dẫn dắt học sinh nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Website nhà trường
Làm cán bộ quản lý tại một trường THPT chất lượng cao, có năm tôi bị “rát mặt” vì trò trượt học sinh giỏi quốc gia. Thầy N.T.X., lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở GD-ĐT, ý nhị hỏi tôi: “Cậu có yêu công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không?”, tôi ậm ừ và quyết “tam tứ núi cũng trèo”.
Dạy chuyên đòi hỏi kiến thức và kỹ năng phải phủ kín, mở rộng và chuyên sâu. Ở đây có rào cản về năng lực chuyên môn và sự say mê với công việc. Có thể có sự lúng túng giữa mục tiêu học sinh vào đại học, học sinh đoạt giải quốc gia và tính toán riêng chung của giáo viên trường chuyên.
Để giải quyết khó khăn này, lãnh đạo các trường chuyên (có sự hỗ trợ của sở GD-ĐT) sắp xếp đội ngũ giảng dạy một cách hợp lý. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên song song với kích hoạt năng lượng tự học ở mỗi thầy cô. Giải pháp này mới căn cơ, chứ có mời GS, PGS cũng chỉ đứng lớp một số chuyên đề của một môn học, những chuyên đề khác rồi sao?
Giữa mênh mông tài liệu dạy chuyên (cứng, mềm), có không ít giáo viên mất phương hướng! Dạy phần này, đề ra phần khác. Từ một vấn đề giảng dạy, hướng dẫn học sinh suy nghĩ, phát triển những vấn đề khác, điều đó không hoàn toàn đúng và trúng (với cuộc thi học sinh giỏi quốc gia).
Có trường chuyên mời nhà giáo giỏi và giàu kinh nghiệm (chiến trường thi học sinh giỏi) về bồi dưỡng giai đoạn nào đó cho học sinh. Nhiều trường tìm kiếm đề minh họa, có khi phải mua, nhằm tập dượt cho học sinh và cũng là cách bồi dưỡng cho giáo viên dạy chuyên.
Linh hoạt, sáng tạo thực hiện sẽ cho kết quả bền vững hơn là chi 1 tỷ đồng cho GS, PGS về trường chuyên.
Ngược chiều với giáo dục số
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, cần hợp tác và chia sẻ giữa giáo viên trong mỗi trường, giữa trường này với trường khác. Với ứng dụng công nghệ thông tin, sự hợp tác, chia sẻ ở mức rộng hơn, xa hơn và cho kết quả tốt. Mỗi thầy cô có thế mạnh một vài phân môn, một số chuyên đề. Trường học nói chung và trường chuyên nói riêng, thường thấy nổi trội ở một số môn nào đó. Bổ trợ cho nhau là cần thiết, để cùng nhau phát triển.
Điều này mang lại cơ hội cho nhiều trường đang cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. “Ôm” GS, PGS về trường chuyên, suy cho cùng là tư tưởng “sản xuất nhỏ”, chuyển động ngược chiều với giáo dục số!
Vào học trường chuyên trước hết là khát vọng của học trò, đòi hỏi sự chuẩn bị từ gia đình, chất lượng giáo dục ở tiểu học, THCS, PTTH. Chuẩn bị tích cực, thực hiện trách nhiệm và hiệu quả để phát triển giáo dục đại trà, giúp người học tự đánh giá, giúp trường chuyên tuyển được học sinh có tố chất, ước mơ, năng lực.
Video đang HOT
Tỉnh còn nghèo như Hòa Bình, kiến tạo sự tiến bộ đồng bộ ở các trường là điều cần ưu tiên, không một nhà trường nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào bị bỏ rơi. Trạng thái đó cho nguồn tuyển sinh đắt giá của trường chuyên.
Thầy cô giỏi giang, dạy học hiệu quả, lan tỏa hoài bão; lấy kiên trì làm nền tảng, sáng tạo làm phương châm, hợp tác và chia sẻ làm nguồn lực thì không chỉ có học sinh giỏi quốc gia mà quá trình đó góp phần đào tạo những công dân ưu tú dựng xây Việt Nam hùng cường.
TS Nguyễn Hoàng Chương
Từ Australia, GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ:
Hòa Bình muốn chi 1 tỉ đồng để tuyển GS về dạy trường trung học chuyên ở tỉnh. Trước đó, tỉnh Bắc Ninh cũng có chính sách tương tự, nhằm thu hút GS, PGS, TS về tỉnh. Vấn đề là tại sao lại mướn GS, PGS, TS dạy trung học?
Theo tôi thấy, mướn TS dạy trung học là một chủ trương không đúng. Bởi mục tiêu của chương trình học TS là đào tạo ra một nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientist). Văn bằng TS là một “hộ chiếu” để người đó có quyền làm nghiên cứu khoa học. Thường, TS có kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp (ví dụ như sinh học ung thư), nhưng đa số TS không có kĩ năng dạy học. Nhiều người mang chức danh GS (ở Australia và phương Tây), nhưng thật ra họ không có kĩ năng giảng dạy.
Dĩ nhiên, TS vẫn có thể dạy học, nhưng họ phải trải qua một chương trình huấn luyện về sư phạm. Dạy học, đặc biệt là dạy học sinh trung học, theo tôi thấy khó hơn là dạy cho sinh viên đại học. Cấp đại học thì sinh viên chủ yếu là tự học, còn GS thì có trợ giảng, nên họ chủ yếu là “diễn thuyết” chứ không dạy như cấp trung học. Còn cấp trung học, học sinh cần “cầm tay chỉ việc”, nên dạy học ở cấp này rất vất vả. Không có kĩ năng dạy học thì dù là GS đại học vẫn không thể là người thầy giỏi.
Theo tôi thấy, một giáo viên giỏi không nhất thiết phải là người có bằng cấp cao; cái cần thiết là có phương pháp dạy tốt. Phương pháp dạy học rất quan trọng để “kéo” học sinh đi theo mình. Phương pháp dạy đó phải gắn liền với thực tế.
Chẳng hạn như khi dạy về tích phân, tôi lấy diện tích ra làm ví dụ, vì học sinh trung học ai cũng biết ý nghĩa của diện tích. Hay khi dạy về hàm số mũ, tôi lấy ví dụ cha mẹ vay tiền từ ngân hàng để mua nhà và câu hỏi là cần phải trả bao nhiêu năm thì căn nhà thuộc về gia đình.
Những cách dạy rất thực tế như thế, chứ không phải bằng cấp cao, giúp cho các em học sinh hào hứng học toán. Từ kinh nghiệm đó, tôi thấy đâu có cần bằng cấp cao mới là một người thầy giỏi.
Có lẽ vấn đề là ở Việt Nam chúng ta quan trọng hoá bằng TS. Có người thậm chí có xu hướng “thần thánh hoá” TS. Dĩ nhiên, tôi không có ý nói TS không quan trọng; ngược lại, đào tạo TS rất quan trọng, nhưng phải sử dụng những người này đúng với mục đích của việc đào tạo TS. Có người nghĩ rằng thầy cô có bằng TS để giúp một vài học sinh đạt được vài giải thưởng, nhưng chưa có bằng chứng nào để nghĩ như thế và cũng không xứng đáng cho sự đầu tư.
Tôi nghĩ ngành giáo dục Việt Nam loay hoay với nhiều vấn đề cả mấy chục năm nay và có vẻ chẳng đi tới đâu. Là người ngoài cuộc, tôi thấy vấn đề lớn nhất cần phải cải cách, đó là đào tạo thầy cô giáo.
Hiện nay, sinh viên sư phạm được tuyển thẳng từ những học sinh tốt nghiệp trung học, và điểm thi vào cũng không quá cao. Nghề giáo càng ngày càng bị rẻ rúng. Nhiều giáo viên, trong đó có bà con tôi, bỏ nghề. Nếu là người lãnh đạo giáo dục, tôi phải xem đó là một sự khủng hoảng nguy hiểm.
Do đó, tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu là khôi phục lại danh vị và sự tôn nghiêm của nghề giáo, chứ không phải đi tìm TS và GS về dạy trung học.
Tiền tỷ mời giáo sư về trường chuyên: Các giám đốc Sở và hiệu trưởng nghĩ gì?
"... nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường chuyên không "gần" với nhiệm vụ của một giáo sư, phó giáo sư, trừ khi định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình khác phần còn lại" - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nói.
Chưa có giáo sư, phó giáo sư gây khó khăn cho bồi dưỡng học sinh giỏi
Thông tin Hòa Bình tính chi 1 tỷ đồng thu hút giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh đang gây ra quan điểm trái chiều.
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT chuyên..., giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/người; Giáo viên có trình độ tiến sĩ, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ 300 triệu đồng...
Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, hiện nay, các điều kiện để đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu trường THPT chuyên trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng là chưa đảm bảo.
Hòa Bình cũng chưa có chính sách riêng thu hút cán bộ, giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh về công tác, làm việc tại trường chuyên.
Trong khi đó, tỉnh này xác định số giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có trình độ cao đáp ứng được việc dạy các môn chuyên và tham gia ôn luyện đội tuyển quốc gia còn hạn chế, một số chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng mũi nhọn.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Hiện nay, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chưa có giáo viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và việc này gây nhiều khó khăn và hạn chế trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực.
"Chúng tôi quan niệm có thầy giỏi mới có trò giỏi. Học sinh trường chuyên được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Trường chuyên là nơi hội tụ những học sinh có học lực tốt nhất. Vì vậy, môi trường này rất cần giáo viên có trình độ cao về chuyên môn, giúp các học sinh phát triển tối đa trí tuệ và năng lực sẵn có. Người có trình độ cao, ngoài giảng dạy, còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh", bà Tuyến nói.
Ảnh minh họa.
'Giáo sư chưa chắc đã hơn giáo viên phổ thông'
Trao đổi với VietNamNet, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng chính sách thu hút thì tùy thuộc vào nhu cầu, định hướng và điều kiện của từng địa phương.
"Ở những khía cạnh nhất định, tôi nghĩ tất nhiên thu hút được người tài, thầy giỏi thì vẫn hơn là không. Tuy nhiên, không phải cứ bỏ tiền ra là sẽ có kết quả như kỳ vọng", ông Hùng nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho rằng, không nên quá lo ngại chuyện giáo sư chưa chắc đã dạy tốt được bậc phổ thông.
"Đúng là không phải cứ giáo sư là dạy giỏi hơn giáo viên phổ thông. Giáo sư, phó giáo sư đôi khi nghiệp vụ sư phạm không bằng giáo viên dạy chuyên. Kể cả cùng bộ môn, cũng chưa chắc đã hơn. Nhưng quan trọng là địa phương khi ra chính sách cũng phải có tiêu chí, chọn lọc để tuyển được đúng người, đúng môn, đúng những điều cần đáp ứng. Trong tuyển chọn các ứng viên phải đưa ra các điều khoản theo công việc, vị trí,... Tôi nghĩ các địa phương ra các chính sách như vậy cũng phải tuyển những người mà phù hợp với những điều họ cần", ông Hùng nói.
Còn thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm nhận định, chính sách này có thể tạo ra một luồng gió mới khi học sinh được tiếp cận những phong cách giáo dục mới, từ đó có thể thúc đẩy quá trình học tập. Ngoài ra, có thể góp phần thúc đẩy quá trình rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị.
Tuy nhiên, theo thầy Công, việc này là không phù hợp và khó đạt được kết quả như kỳ vọng, giống như "dùng dao mổ trâu để thịt gà".
"Giáo sư, phó giáo sư thường là những người được đào tạo chuyên sâu và phát triển kiến thức sâu ở một lĩnh vực nào đó, và thường giảng dạy và nghiên cứu ở một cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, viện nghiên cứu hơn là giảng dạy tại trường phổ thông.
Họ có thể rất chuyên sâu ở một lĩnh vực chuyên ngành hẹp, nhưng những kiến thức ở một số lĩnh vực khác của môn học hoặc thậm chí lĩnh vực gần, chưa chắc họ đã quan tâm đến.
Chưa kể, để được công nhận là giáo sư, phó giáo sư, thường cũng phải là những người đã có tuổi, họ đã dùng cả tuổi trẻ để phấn đấu theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu thì dễ gì có thể từ bỏ để trở thành giáo viên phổ thông thuần túy", thầy Công nói.
Cũng theo thầy giáo này, giáo dục chuyên ngày nay là sự mở rộng của giáo dục chuyên sâu, giáo dục phổ thông và giáo dục kĩ năng để các học sinh chuyên thực sự không chỉ giỏi về kiến thức mà còn tốt về kĩ năng. Do đó "đầu tư chỉ riêng cho một khía cạnh tôi e là chưa đủ".
Thầy Công cho rằng với kinh phí đó, nên kêu gọi người trẻ tài năng đi học ở các trường tốt, chọn lọc để về trường chuyên.
"Phân công đúng người, đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ tốt với những thành tích đạt được để thầy cô trẻ duy trì được tâm huyết với nghề, sống được với nghề, hy sinh thời gian và công sức để lăn lộn cùng với học sinh không chỉ trong mảng đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi mà còn các mảng khác như giáo dục kĩ năng,... Số tiền còn lại, có thể mời các giáo sư đầu ngành thỉnh giảng cho những học sinh thuộc tốp trên, nâng cao kết quả đào tạo mũi nhọn và góp phần nâng cao vị thế của trường chuyên để các học sinh khác cũng được hưởng lợi, thay vì tuyển cứng giáo sư về làm giáo viên".
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Nhiều vấn đề đặt ra nếu giáo sư về trường chuyên
TS Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói có thể hiểu ý tưởng của những người xây dựng chính sách rất muốn thu hút các chuyên gia đầu ngành về trường chuyên cũng như địa phương. Song việc thu hút phải đồng bộ nhiều vấn đề khác.
"Chức danh giáo sư, phó giáo sư thường phù hợp hơn với việc giảng dạy tại các trường đại học và thiên hướng nghiên cứu khoa học. Mô hình Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có thể coi là một trường hợp đặc biệt, bởi là một đơn vị trong trường đại học. Với các trường THPT chuyên thuộc/nằm trong các trường đại học, thì những thầy cô quản lý, giảng dạy có học hàm, học vị cũng là điều bình thường.
Còn ở các tỉnh, thường trường chuyên không thuộc trường đại học. Trong trường hợp này, tôi nghĩ nó sẽ không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi đơn giản nhiệm vụ, nhu cầu phát triển của trường chuyên cũng không "gần" với nhiệm vụ của một giáo sư, phó giáo sư, trừ khi định hướng, mục tiêu của trường chuyên ở Hòa Bình khác phần còn lại", ông Lợi nói.
Thực tế ở chuyên Khoa học Tự nhiên, có nhiều giáo sư, phó giáo sư tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, theo thầy Lợi, phần lớn là giáo viên thỉnh giảng, chỉ ở một số chuyên đề, nội dung kiến thức sâu, chứ không phải nhiệm vụ chính là dạy cho các học sinh trường chuyên.
"Ở những chuyên đề đó, nhà trường mời các thầy cô này dạy chứ họ không phải là giáo viên cơ hữu. Tất nhiên, cũng có một số thầy cô cơ hữu là phó giáo sư, nhưng số đó không nhiều và họ cũng không chỉ nhiệm vụ dạy học sinh trường chuyên mà vẫn kiêm nhiệm làm các công tác đào tạo và sau đại học ở các khoa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên".
Ông Lợi cũng cho rằng, không phải giáo sư, phó giáo sư nào khi về dạy ở trường chuyên là cũng hơn giáo viên phổ thông.
"Tôi nghĩ cần phân tích một cách kỹ càng, chứ không phải cứ nghĩ học hàm giáo sư, phó giáo sư như một thứ bằng cấp. Một hình thức nào đó kiêm nhiệm là khả thi nhất, chứ khả năng để các trường phổ thông tuyển được giáo sư, phó giáo sư về làm giáo viên dạy toàn phần là rất khó".
Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên thì vị trí việc làm sẽ được xác định ra sao.
"Với những yêu cầu để trở thành giáo viên hiện nay thì những gì họ có cũng chưa phù hợp. Rồi ngạch lương của họ được tính ra sao? Các giáo sư, phó giáo sư thường ở ngạch giảng viên cao cấp/chuyên viên cao cấp, nhưng giáo viên phổ thông thì làm sao có những ngạch đó", ông Lợi nói nếu thực tế diễn ra thì sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề khác.
Trước đó, giáo sư đứng đầu một trường ĐH ở TP.HCM, phân tích, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/07/2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Tại Điều 2 nêu rõ nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó 5 nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư, không có nhiệm vụ nào là "giảng dạy THPT".
Chi 1 tỉ đồng tuyển GS, PGS dạy trường THPT có khả thi? Đề xuất chi 1 tỉ đồng mời mỗi GS, PGS về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình đang gây tranh luận trái chiều Theo Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình, giáo viên có trình độ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) về công tác...