Obama: Trung Quốc đang dùng luật của kẻ mạnh ở Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc Trung Quốc dùng luật của kẻ mạnh trong tranh chấp ở Biển Đông, nói Washington sẽ “tiếp tục kiểm tra” xem Bắc Kinh có chân thành trong cam kết dừng hoạt động quân sự hóa hay không.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN kết thúc ngày 16/2. Ảnh: Reuters.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang dùng đến cách chân lý thuộc về kẻ mạnh, trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để đưa ra yêu sách và giải quyết tranh chấp”, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Channel News Asia ngày 16/2, bên lề hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN tổ chức tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California.
Bình luận trên được đưa ra trước khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh hiện vẫn không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc điều tên lửa ra Biển Đông. Tuy nhiên, Global Times dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận nước này “đã triển khai các vũ khí trên đảo từ lâu”. Bộ không nói cụ thể loại vũ khí trên đảo.
Theo Tổng thống Obama, hiện “vẫn còn nguy cơ lớn xảy ra xung đột” giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ông từ chối nhắc đến khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tổng thống Obama tháng 9/2015 có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ông Tập đã đảm bảo rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
“ASEAN đã khẳng định điều này nên được thực hiện. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra sự chân thành trong việc thực hiện các nỗ lực của Trung Quốc”, ông nói.
Video đang HOT
Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2. Giới phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ hối thúc 10 quốc gia thành viên ASEAN ra tuyên bố chung về Biền Đông. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị lại không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, thay vào đó kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Như Tâm
Theo VNE
Thành công ngoài văn bản của hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN
Mỹ và ASEAN đã đạt được những đồng thuận mang tính thực tiễn cho vấn đề khó khăn và phức tạp liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lãnh đạo Mỹ - ASEAN tham dự hội nghị ở Sunnylands. Ảnh: Reuters
Sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnylands kết thúc, nhiều nhà quan sát, phân tích chính trị đã lên tiếng chỉ trích Washington và các quốc gia Đông Nam Á về lập trường yếu ớt đối với vấn đề Biển Đông, nhất là khi tuyên bố chung của hội nghị không hề đề cập đến Biển Đông cũng như những hành động gần đây của Trung Quốc ở vùng biển này.
Đây không phải là lần đầu tiên một hội nghị có liên quan đến ASEAN bị chỉ trích vì vấn đề này, và bình luận viên Prashanth Parameswaran củaDiplomat cho rằng đó cũng không phải là lần cuối cùng. Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra rằng việc đặt quá nhiều kỳ vọng về vấn đề Biển Đông trong một hội nghị ASEAN sẽ là thiếu thực tế, và điều đó đã được thể hiện rõ trong hội nghị Sunnylands.
Theo ông Parameswaran, ASEAN là một khối vận hành trên nguyên tắc đồng thuận, trong khi chỉ có 4 trên 10 thành viên của khối có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, thế nên tổ chức này luôn có xu hướng áp dụng một mẫu số chung tối thiểu đối với vấn đề này.
Với những quan điểm khác nhau của các nước thành viên - từ Philippines, quốc gia đã đệ đơn kiện "đường chín đoạn" của Trung Quốc lên tòa án quốc tế, cho tới Campuchia, nước không quan tâm nhiều đến Biển Đông và thường thể hiện lập trường thân Trung Quốc - các tuyên bố chung của khối thường không nói thẳng đến Trung Quốc dù Bắc Kinh có hành động gì trên Biển Đông, và thật thiếu thực tế nếu kỳ vọng rằng điều này sẽ sớm thay đổi, Parameswaran nhận định.
Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của cả Mỹ và ASEAN từ lâu đã hiểu rõ những vấn đề thuộc về cơ cấu, tổ chức khiến khối này khó có thể đưa ra lập trường mạnh mẽ hơn. Đó là lý do hai bên thường có xu thế hướng tới những thỏa thuận thực tế dựa trên những nguyên tắc lớn trong ASEAN để đảm bảo tính gắn kết của khu vực.
Ông Parameswaran cho rằng Mỹ và ASEAN luôn tìm kiếm những thỏa thuận chung dựa trên bộ nguyên tắc mà tất các nước, dù là nước có tranh chấp trực tiếp, hay có liên quan, hoặc không quan tâm đến vấn đề Biển Đông, đều có thể chấp nhận và tuân thủ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị. Ảnh: Reuters
Bởi vậy, phép thử thực sự cho sự đoàn kết của ASEAN không phải là việc khối này bất ngờ đạt được sự đồng thuận chưa từng có nhưng lại thiếu thực tế trong vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như chỉ đích danh Trung Quốc trong bản tuyên bố chung. Thay vào đó, ASEAN chỉ duy trì được sự đoàn kết khi khối này đưa ra các thỏa thuận dựa trên những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh vấn đề Biển Đông, bất chấp những khác biệt về quan điểm trong khối.
Khi nhìn vào bản tuyên bố chung Mỹ - ASEAN sau hội nghị Sunnylands, người ta dễ dàng nhận thấy sự nhất trí chung, dù khiêm tốn nhưng lại rất thực tế, về một bộ nguyên tắc. Phần đề cập đến vấn đề Biển Đông thể hiện tất cả các nguyên tắc hiện có, trong đó có việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, và cam kết về tự do hàng hải, hàng không. Những đồng thuận dù tối thiểu này còn tốt hơn rất nhiều so với sự thất bại dưới bất cứ hình thức nào.
Ngoài ra, dù ngôn ngữ trong bản tuyên bố chung Sunnylands không mấy quyết liệt, nó lại giúp dư luận hiểu rõ hai bên đã nhất trí được gì trên Biển Đông, cả về hướng đi của chính quyền Obama cũng như bản chất của hội nghị cấp cao này.
Ba trong số 17 vấn đề của tuyên bố chung đề cập đến an ninh hàng hải, nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác, thể hiện sự quan tâm chung của cả Mỹ và ASEAN sau hội nghị. Ngoài ra, giới quan sát cho rằng những cụm từ như "tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý và không đe dọa sử dụng vũ lực" là tín hiệu cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về "đường chín đoạn" trên Biển Đông sẽ được tuyên vào tháng 5.
Bằng tuyên bố này, chính quyền Obama đã thành công trong việc vạch ra vai trò của Mỹ và ASEAN trong vấn đề Biển Đông không chỉ là về Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền, mà còn là duy trì một trật tự thượng tôn pháp luật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những quy tắc chung mà hai bên đạt được sau hội nghị có thể áp dụng cho cả những nước lớn lẫn nước bé, đó là nguyên tắc đảm bảo an ninh, tự do đi lại trên Biển Đông, theo đuổi sự cởi mở và cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy pháp trị, nhân quyền, những vấn đề thực tiễn nhất đối với khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Trước khi hội nghị diễn ra, một quan chức Mỹ tuyên bố với Diplomat rằng mục đích của hội nghị là vạch ra một bộ quy tắc thống nhất về an ninh hàng hải giữa Mỹ và ASEAN, có tính đến những khác biệt trong khối và sự phức tạp của vấn đề Biển Đông. Bởi vậy, nếu tuyên bố chung sau hội nghị chỉ đích danh và lên án Trung Quốc, nó sẽ khiến người ta có ấn tượng rằng hội nghị này nhằm mục đích nhắm vào Bắc Kinh hơn là xây dựng những quy tắc chung.
Chuyên gia Parameswaran chỉ ra rằng bản tuyên bố chung không phải là thứ duy nhất đánh giá mức độ thành công của hội nghị Sunnylands. Theo những quan chức tham dự, lãnh đạo các bên đã thảo luận chi tiết hơn về các vấn đề an ninh trong những phiên họp kín trong ngày hội nghị thứ hai, trong đó có đề cập đến cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng như bất cứ hội nghị cấp cao nào khác, những gì diễn ra trong các phiên họp kín cũng quan trọng tương đương, nếu không muốn nói là hơn, những gì được viết ra trên tuyên bố chung.
Tên lửa Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Đồ họa: Reuters
Theo chuyên gia này, bản tuyên bố chung Sunnylands không nhất thiết phải chỉ đích danh Trung Quốc, khi những hành động ngang ngược gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông đã nói lên tất cả. Hành động triển khai tên lửa phòng không của Trung Quốc xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm dấy lên những quan ngại sâu sắc trong khu vực.
"Có thể Mỹ và ASEAN không đề cập tới Trung Quốc trong bản tuyên bố chung, họ sẽ làm như vậy bằng những cách ý nghĩa hơn, chẳng hạn như tăng cường quan hệ hợp tác an ninh giữa Washington và các nước Đông Nam Á riêng lẻ, cũng như phát động chiến dịch ngoại giao quyết liệt hơn chống lại Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết Biển Đông vào tháng 5", ông Parameswaran nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Mỹ - ASEAN: Cú hích mới Đối với mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ, hội nghị cấp cao đặc biệt đang diễn ra ở Sunnylands là dấu mốc lịch sử và có ý nghĩa rất quan trọng. Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao đang diễn ra ở Sunnylands - Ảnh: Reuters Lần đầu tiên có hội nghị thượng đỉnh song...