Obama đề cử nữ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cử Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) bà Janet Yellen thay ông Ben Bernanke làm Chủ tịch mới của Ngân hàng trung ương Mỹ.
Cả bà Yellen và ông Bernanke dự kiến sẽ xuất hiện cùng Tổng thống Obama để thông báo chính thức về việc đề cử vào ngày hôm nay (9/10) tại Nhà Trắng. Nếu được lựa chọn, bà Yellen sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch của FED.
Nhiệm kỳ Chủ tịch FED kéo dài suốt 8 năm của ông Bernanke đã kết thúc vào tháng 2/2013. Trong thời gian này, ông Bernanke đã có những đóng góp rất đáng kể giúp đưa nền kinh tế Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính tồi tệ nhất từ những năm 1930.
Bà Yellen nổi lên là ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch FED, sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã từ chối khi được ông Obama để cử vào vị trí người đứng đầu của FED vào tháng trước.
Bà Janet Yellen
Video đang HOT
Bà Yellen, 67 tuổi, được cho là sẽ tiếp tục chính sách của FED theo đường lối của người tiền nhiệm Bernanke đã đề ra. Với vai trò là đồng minh thân cận của ông Bernanke trong thời gian tại nhiệm, bà Yellen đóng vai trò là một kiến trúc sư quan trọng trong những nỗ lực của FED nhằm giữ lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trước khi đầu quân cho FED, bà Yellen từng dạy tại đại học Harvard và trường kinh tế London, cũng như nắm giữ một loạt các vị trí chính quyền cấp cao tại Mỹ.
Theo khampha
Quân đội Mỹ thoát khủng hoảng do CP đóng cửa
Quân đội Mỹ đã được cấp ngân sách trở lại để gọi phần lớn các nhân viên dân sự đang phải nghỉ việc không lương quay trở lại nhiệm sở.
Ngày 5/10, trong một động thái nhằm giảm bớt ảnh hưởng của cuộc đấu đá chính trị về vấn đề ngân sách đối với lực lượng vũ trang, Lầu Năm Góc Mỹ cho biết họ sẽ gọi các nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng quay trở lại nhiệm sở sau khi họ bị cho tạm nghỉ việc vì chính phủ Mỹ đóng cửa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết một văn bản dựa trên "Đạo luật Thanh toán cho hành động quân sự" được Tổng thống Obama ký vào thứ Hai tuần trước ngay trước khi chính phủ Mỹ đóng cửa cho phép Bộ Quốc phòng đưa hầu hết các nhân viên dân sự quay trở lại làm việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc cho biết ước tính có khoảng vài chục ngàn nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng vẫn phải tạm nghỉ việc. Do ảnh hưởng của việc chính phủ Mỹ đóng cửa, 350.000 nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ được xếp vào diện "không cần thiết" đã phải nghỉ ở nhà không lương để chờ đợi chính phủ mở cửa trở lại.
Từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu đóng cửa, quân đội Mỹ đã bắt đầu thấm thía hậu quả của những tranh cãi chính trị ở Washington trong vấn đề ngân sách. Lính hải quân kêu ca về sự trì hoãn trong việc thanh toán tiền phụ cấp tái ngũ thường niên, các học viên quân sự phải cho học viên nghỉ học, và một số cơ quan quan trọng của Lầu Năm Góc, trong đó có cả phòng tình báo, cũng bị giảm biên chế nghiêm trọng. Ngay cả các cửa hàng quân nhu chuyên bán nhu yếu phẩm cho các gia đình quân đội cũng bị đóng cửa.
Mặc dù việc các nhân viên dân sự quay trở lại làm việc sẽ hạn chế bớt tác động tiêu cực của chính phủ đóng cửa, tuy nhiên Lầu Năm Góc vẫn cảnh báo rằng họ vẫn không thể trả tiền tử tuất đúng hạn cho những binh sĩ không may thiệt mạng trong khi chính phủ đóng cửa.
Các nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng sẽ được quay lại làm việc
Các quan chức quốc phòng cũng cảnh báo rằng nếu chính phủ bị đóng cửa trong thời gian dài, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không có tiền để mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho nhân viên của mình làm việc, và khi đó, các nhân viên này sẽ lại phải nghỉ việc không lương.
Quân đội Mỹ đang phải trải qua một năm đầy khó khăn, khi hồi đầu tháng 8 vừa rồi họ cũng đã phải cho hơn 600.000 nhân viên dân sự nghỉ việc không lương để giảm bớt chi tiêu sau khi chính sách cắt giảm ngân sách toàn diện của chính phủ có hiệu lực từ tháng 3.
Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một đạo luật cho phép chi trả cho các nhân viên Bộ Quốc phòng trong thời gian chính phủ đóng cửa. Mặc dù vậy, tình hình bế tắc về ngân sách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển, và chính phủ Mỹ sẽ không thể mở cửa trở lại trong ngày một ngày hai.
Theo khampha
"Bom" nợ công chờ phát nổ Nợ công đang thực sự đe doạ không chỉ nền kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu khi nợ công của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này đang tiến tới mức kịch trần Người dân Mỹ biểu tình bên ngoài tòa nhà liên bang ở Los Angeles để phản đối việc chính phủ đóng cửa Bộ Tài chính...