Oái oăm quy đổi bằng Quản lý giáo dục: hiệu trưởng xuống hạng, giáo viên lên
Chỉ cần một điểm không phù hợp trong Thông tư là ảnh hưởng đến quyền lợi cả chục ngàn giáo viên, thậm chí hàng trăm ngàn giáo viên khi xếp hạng, xếp lương mới.
Câu chuyện văn bằng bắt đầu rắc rối, phức tạp kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học cơ sở công lập ra đời bởi nó gây ra nhiều bất lợi cho nhà giáo.
Đặc biệt là đối với Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT áp dụng về chuẩn trình độ cho giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở khi quy đổi, công nhận bằng Quản lý giáo dục với bằng chuyên môn của nhà giáo.
Sự bất cập cập này thể hiện rất rõ khi quy đổi, công nhận bằng quản lý giáo dục đối với giáo viên hạng II và hạng I. Hiệu trưởng đang ở hạng II đã có bằng quản lý giáo dục thì không được quy đổi sang chuẩn chuyên môn phù hợp thì phải xuống hạng III nhưng nếu giáo viên dạy lớp nếu có bằng quản lý giáo dục thì vẫn cho là có bằng chuyên môn phù hợp để xếp ở hạng I.
Nghịch lý này, không biết khi ban hành các Thông tư này thì lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có để ý tới hay không?
Cùng một chuyên ngành quản lý giáo dục nhưng giáo viên mỗi hạng có cách quy đổi khác nhau – (Ảnh do bạn đọc cung cấp)
Cùng một chuyên ngành học nhưng mỗi hạng giáo viên có cách quy đổi, công nhận khác nhau
Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khá nhiều những bài viết đề cập đến việc nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học và trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng vẫn không được tính đủ chuẩn trình độ theo Điều 72, Luật Giáo dục 2019.
Những bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều nhà giáo đang là quản lý ở các nhà trường của 2 cấp học này trên cả nước. Bởi, ai cũng biết việc học văn bằng quản lý giáo dục cũng vất vả không kém gì so với học bằng cử nhân chuyên môn, thậm chí chương trình đào tạo còn nặng hơn.
Nhưng, với cách tính, xếp hạng hiện nay đang được thực hiện ở các địa phương thì nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường đang là giáo viên hạng II theo các Thông tư 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV phải xuống hạng III theo các Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT.
Điều chúng tôi thấy băn khoăn vô cùng là tại sao khi xếp loại giáo viên hạng II cho nhà giáo thì bằng cử nhân quản lý giáo dục lại không được tính như bằng chuyên môn? Trong khi, nhiều nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì tấm bằng này đã đảm bảo tiêu chí “có bằng cử nhân phù hợp” theo hướng dẫn của Luật Giáo dục năm 2019.
Video đang HOT
Nếu lãnh đạo, quản lý nhà trường mà tấm bằng cử nhân quản lý giáo dục không được xem là “có bằng cử nhân phù hợp” thì bằng nào mới có thể phù hợp hơn?
Điều oái oăm nhất mà chúng tôi thấy là cũng trong Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT thì các tiêu chuẩn đối với giáo viên hạng I lại công nhận, quy đổi bằng quản lý giáo dục ngang hàng với bằng chuyên môn.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 3 Điều 5, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ bồi dưỡng của giáo viên tiểu học xếp hạng I như sau:
” Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên“.
Cũng tại điểm a, khoản 3 Điều 5, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, trình độ bồi dưỡng của giáo viên trung học cơ sở xếp hạng I như sau:
” Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên“.
Với giáo viên mầm non, yêu cầu bằng cấp đối với hạng I, hạng II theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT là:
Bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên; Hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và có bằng cử nhân quản lý giáo d ục trở lên.
Như vậy, nhìn vào hướng dẫn của Thông tư 01, 02,03/2021/TT-BGDĐT tiêu chuẩn, trình độ bồi dưỡng của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đối với giáo viên hạng I thì 3 văn bằng “có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên” hoặc “có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp” hoặc “có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên” đều có giá trị ngang nhau.
Vì 3 vế câu tại điểm a, khoản 3, Điều 5 của Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT được nối với nhau bằng từ “hoặc” nên ai cũng hiểu khi nhà giáo có 1 trong 3 văn bằng này là đảm bảo về trình độ chuẩn đối với giáo viên hạng I.
Vậy, tại sao giáo viên hạng I thì công nhận bằng chuyên môn và bằng quản lý giáo dục ngang nhau nhưng đối với giáo viên hạng II của cấp tiểu học và trung học cơ sở lại không công nhận những nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có bằng cử nhân quản lý giáo dục ngang với bằng đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chuyên ngành phù hợp?
Trong khi, tiêu chuẩn trình độ, bồi dưỡng giáo viên hạng II, hạng I cũng cùng nằm trong một Thông tư, cùng đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Nếu Bộ đã công nhận bằng thạc sĩ quản lý giáo dục ngang hàng với bằng thạc sĩ đào tạo giáo viên thì phải công nhận bằng đại học đào tạo giáo viên với bằng cử nhân quản lý giáo dục- đó mới là công bằng và hợp lý.
Mâu thuẫn này, có lẽ những nhà giáo đang chịu tác động trực tiếp của Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT không thể lý giải được mà phải nhờ lãnh đạo Bộ mà đặc biệt là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục giải thích giùm vậy!
Trách nhiệm của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trong sự việc này
Chúng ta đều biết, chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có tác động trực tiếp đến quyền lợi của hơn 1 triệu nhà giáo từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước. Chỉ cần một điểm không phù hợp là ảnh hưởng đến quyền lợi cả chục ngàn giáo viên, thậm chí hàng trăm ngàn giáo viên khi xếp hạng, xếp lương mới.
Chính vì thế, cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi ban hành một văn bản mới cần phải thực sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng và đặc biệt là nên cầu thị, lắng nghe tiếng nói từ những người chịu tác động trực tiếp của văn bản đó.
Song, hơn 10 tháng qua mọi thứ vẫn không hề thay đổi, cho dù hàng trăm bài viết phản biện về vấn đề này khá thấu đáo đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn không thay đổi được quan điểm chỉ đạo của Bộ.
Vậy nên, hàng triệu nhà giáo đã rất vui mừng khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng rà soát, sửa đổi chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trong phiên chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 11/11 vừa qua.
Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nói bằng những câu gan ruột của mình: “Trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau“. [1]
Ai cũng biết để ban hành chùm Thông tư này thì Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng văn bản.
Đặc biệt, ngày 12/3/2021 thì Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã ban hành Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do ông Đặng Văn Bình- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đặt bút ký.
Sau khi chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời và Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD được ban hành thì đa phần các địa phương đã có kế hoạch và triển khai việc xếp hạng giáo viên 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông với biết bao nhiêu công sức của nhiều cơ quan, đơn vị…
Bây giờ, ngoài việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chùm Thông tư này theo đề xuất của Bộ Nội vụ thì cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu ban hành các thông tư này, mặc dù có ai đó phải nhận trách nhiệm thì những hệ lụy từ chùm Thông tư này cũng rất lớn, không thể đong đếm được.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Huyện Quảng Xương: Thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Giảm số lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp, tổ chức dạy tăng giờ và có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện để thu hút giáo viên là con em về giảng dạy tại các trường là những giải pháp mà huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện nhằm giải quyết khó khăn do thiếu giáo viên.
Các em học sinh Trường THCS Quảng Lưu trong giờ học.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương, năm học 2021-2022, toàn huyện có 30 trường mầm non với 393 nhóm, lớp với 11.435 học sinh (tăng 479 học sinh so với năm học trước). Tổng số giáo viên mầm non biên chế là 668 giáo viên, thiếu 8 giáo viên biên chế và thiếu so với nhu cầu là 121 người làm việc. Cấp tiểu học có 28 trường với 580 lớp, 20.441 học sinh (tăng 1.311 học sinh so với năm học trước), 683 biên chế, thiếu so với tỉnh giao 67 biên chế, thiếu so với nhu cầu 233 người làm việc. Cấp THCS có 28 trường với 313 lớp với 11.999 học sinh (tăng 423 học sinh so với năm học trước), 632 giáo viên biên chế, thiếu so với chỉ tiêu tỉnh giao 20 biên chế và thiếu so với nhu cầu 95 người làm việc. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có 20 giáo viên biên chế, thiếu 3 biên chế tỉnh giao và thiếu so với nhu cầu là từ 4 - 5 giáo viên.
Số lượng học sinh tăng, trong khi tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở cả ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của các trường nói riêng và của huyện nói chung. Nhiều trường thiếu giáo viên dạy các môn chính và cả các môn phụ. Trường THCS Nguyễn Du là ví dụ điển hình. Theo ban giám hiệu nhà trường, với vai trò là trường THCS chất lượng mũi nhọn của huyện, năm học 2021-2022, nhà trường có nhu cầu bổ sung thêm 9 giáo viên dạy các môn thi học sinh giỏi cấp tỉnh, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân. Dù vậy, việc bổ sung giáo viên để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của năm học là khá khó khăn. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường THCS trên địa bàn huyện Quảng Xương hiện nay, nhất là khi một số trường còn có sự biến động về đội ngũ giáo viên do thuyên chuyển, nghỉ hưu, thôi việc.
Ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã, tình trạng thiếu giáo viên tại các trường tiểu học, THCS không quá bức thiết, tuy vậy, trường mầm non vẫn còn thiếu 6 giáo viên biên chế so với nhu cầu. Để khắc phục tình trạng trên trong khi chưa có sự bổ sung giáo viên biên chế theo định biên, trường mầm non xã buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng để bảo đảm công tác dạy và học. Các trường tiểu học, THCS căn cứ số lượng giáo viên biên chế còn thiếu để có các giải pháp khắc phục như cơ cấu lại số lớp, sĩ số từng lớp, bố trí dạy tăng giờ để bảo đảm đúng chương trình của năm học. Đồng thời, các trường đều chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học mới, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, để vừa giải quyết khó khăn do thiếu giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng công tác dạy và học.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương Nguyễn Thị Thu, cho biết: Căn cứ tổng số học sinh, tổng số lớp, số người làm việc hiện có của các nhà trường và nhu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên theo Quyết định 3185/QĐ-UBND của UBND tỉnh; để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022, ngày 2-11, UBND huyện đã có tờ trình gửi Thường trực Huyện ủy đề nghị cho chủ trương hỗ trợ kinh phí dạy tăng giờ, hợp đồng giao khoán công việc do thiếu giáo viên trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề trên địa bàn huyện, với tổng số 461 định biên. Mức kinh phí hỗ trợ là 3 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 9 tháng. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn cho các trường do thiếu giáo viên, bảo đảm chất lượng giáo dục tại các trường trong năm học này.
Được biết, trước tình trạng thiếu giáo viên biên chế trong những năm gần đây, bên cạnh những giải pháp cụ thể tại từng địa phương, từng trường học, UBND huyện Quảng Xương đang nghiên cứu cơ chế, chính sách kêu gọi, tạo điều kiện để con em của huyện là giáo viên có nguyện vọng trở về quê hương dạy học khi đáp ứng đủ các quy định của Nhà nước và nhu cầu thực tế của các trường. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất trình UBND tỉnh cho tuyển bổ sung giáo viên biên chế để bảo đảm công tác dạy và học trong bối cảnh số lượng học sinh mỗi năm học đều tăng.
Ra mắt khu trưng bày 'Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học' Đường sách TP.HCM hoạt động trở lại, khu vực trưng bày 'Tủ sách gia đình' và 'Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học' cũng được ra mắt để phục vụ bạn đọc. Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, cho biết việc hình thành tủ sách và khu trưng bày xuất phát từ thực tế các...