Ở nơi “cơn lũ” ma túy và HIV đi qua
Đó là vùng đất mà từ lâu, rất lâu rồi, từ bên kia sườn núi, cơn bão ma túy tràn sang gây nên những cái chết trắng ở bản nghèo. Hãi hùng và nơm nớp lo sợ, nhiều cô thiếu nữ ở đây không dám lấy chồng vì sợ bị dính vào cái vòng tròn oan nghiệt của ma túy và HIV…
Rùng mình tìm về ký ức
Hai bên là thác ghềnh và hốc xoáy được tạo nên từ những hòn đá tảng, con sông Luông được ví như cái nghèo, cái khó của người dân nơi sườn đèo, đỉnh dốc. Bản Poọng và bản Lát (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) trước đây, suốt một thời gian dài được nhắc đến như “rốn lũ” của cơn bão ma túy và HIV.
Như dòng sông Luông trong mùa nước lũ, người dân bản Poọng cũng oằn mình trong nỗi ám ảnh về những cái chết trắng reo rắc lên bản nghèo.
Sóng gió bắt đầu nổi lên từ cuối những năm 2001, khi ma tuý và HIV/AIDS tràn qua rồi hợp thành “cơn lũ”. Người dân trong bản kẻ chết vì nghiện ngập, vì nhiễm HIV, người đi buôn ma tuý bị bắt cũng nhiều.
“Cơn lũ” ma túy và HIV ập tới, cướp đi trụ cột, làm xiêu vẹo những ngôi nhà sàn, cướp đi ngọn lửa trong nhiều nóc nhà người Thái nơi bản Poọng. “Cơn lũ” cứ dùng dằng mãi như không chịu bỏ đi khiến cho người dân nơi đây gần như không còn chút sức lực nào để tự vệ. Những đứa trẻ vốn dĩ như cây con trồng trên đất khó, lại phải đón nhận trận sạt lỡ, tương lai càng thêm mịt mờ hơn khi không còn bố, còn mẹ.
Như nhiều đứa trẻ khác, hai chị em Hà Thị Thoái và Hà Văn Thướng cũng bị cái con “ma xấu” bắt mất cả bố lẫn mẹ. Năm 2008, khi chúng vẫn còn là những đứa trẻ, như ngọn cây non đang cần bàn tay chăm sóc, thì đã phải tập tễnh làm công việc của người lớn để lấy cái nuôi nhau. Dưới sự che chắn yếu ớt của người bà ngoại đã già và không còn đủ sức lao động, khi bố mẹ lần lượt bỏ chúng “đi theo Giàng”.
Video đang HOT
Còn như hoàn cảnh của bé Kha, nó vẫn còn nhớ thời gian bố nghiện và chỉ có biết “yêu cái thuốc phiện thôi”, trong nhà có bao nhiêu thóc gạo đều mang đi. Rồi một hôm người ta bảo bố nó bị sốc thuốc chết. Chỉ được một thời gian sau, mẹ nó bị lở loét và rụng hết cả tóc, rồi “về với Giàng” cùng bố nó. Để lại nó với cậu em trai. Hai chị em Kha bỏ học rồi chuyển qua ở cùng với bà ngoại và tập quen dần với cuộc sống tự lập trong thiếu thốn.
Phần lớn thế hệ trẻ ở bản Poọng nói riêng, bộ phận không nhỏ tuổi trẻ ở xã Tam Chung suốt một thời gian dài trước đây, oằn mình trong vòng quay ác nghiệt của heroin. Nhưng rồi phần đông trong số chúng như có được sức sống mãnh liệt hơn, khi vùng vẫy thoát ra được khỏi “con ma xấu” mang tên ma túy mà tồn tại, mà sống tốt hơn.
Cai nghiện phát được 20.000 m2 đất rẫy
Trở lại bản Poọng trong một ngày cuối xuân, chúng tôi thấy những giọt nước còn đọng lại trên tàu lá rừng sau cơn mưa buổi sáng. Cánh rừng như bất chợt bừng lên trên nền trời xanh ngát, những chồi xanh đang vươn ra trên những thân cây tưởng như khô gầy và che dần những sỏi đá.
Khi những viên đá hộc to hơn cả chiếc xe công nông thưa và nhỏ dần, những ngôi nhà sàn xuất hiện trước mắt chúng tôi. Thấy nhà sàn mọc san sát, chúng tôi cảm nhận được một sự đổi thay đến ngỡ ngàng.
“Đây là trung tâm bản Poọng, nơi mà chỉ cách đây mấy năm thôi, nếu là lính trinh sát vào đây sẽ không đi bằng xe máy hay xe ô tô để tránh đội “ong, ve” của những ông trùm ma túy và cái nhìn xa lánh của con nghiện…” anh trinh sát tên Bảy giới thiệu.
Những ngày sau “cơn lũ” ma túy và HIV đi qua, bản làng trở nên tiêu điều, số phận nghiệt ngã, cuộc sống lay lắt của những đứa trẻ trở nên khốn khó hơn bao giờ hết. Đất nương rẫy thì khô cằn sỏi đá. Trong lúc tăm tối ấy, nơi đây lại bừng lên cái sức sống lạ thường, như cây rừng được trồng trên đất khó lại thêm rắn rỏi và vươn mình xanh tốt.
Vi Văn Cháu (SN 1981, người bản Poọng, xã Tam Chung) lấy vợ hồi đầu năm 2011. Lấy vợ về nhưng tính tình vẫn còn ham chơi, theo lời rủ rê của bạn bè, Cháu “bập” vào ma túy từ khi nào không rõ.
Rồi Cháu bị trinh sát Bảy bắt trong một lần truy quét, Cháu được đưa lên trung tâm cai nghiện một thời gian về. Lúc này anh mới biết tin trong số đám bạn có 2 người bị bắt vì tội tàng trữ và tiêu thụ trái phép chất mà túy, một người thì bị chết do sốc thuốc. Ngẫm lại hoàn cảnh gia đình khó khăn, Cháu quyết tâm cai nghiện nhờ vào sự giúp đỡ của người vợ hiền Lò Thị Luyến (SN 1982).
Gặp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, vùi cây củi cho ngọn lửa cháy bùng lên để giữ ấm cho ngôi nhà, bế cô con gái nhỏ lại bàn trà pha nước mời khách, chị Luyến không thể giấu nỗi niềm vui, khi nhắc đến câu chuyện cai nghiện cho anh Cháu.
Để cách ly được Cháu với “nàng tiên nâu”, gia đình đã dày công sức khuyên răn. Ngày đó, cứ mỗi lần thấy chồng chuẩn bị lên cơn, chị Luyến lại giục chồng vác dao vào rừng phát rẫy làm nương. Thời gian thấm thoát trôi, cô con gái đầu lòng của anh chị được sinh ra cũng là từ những lần hai vợ chồng cùng nhau vào rừng phát rẫy.
Gia Đình anh Cháu sum vầy hạnh phúc trong ngôi nhà không còn bị ám ảnh bởi bóng dáng “nàng tiên nâu”.
Trước đây gia đình anh Cháu bữa đói bữa no với sắn độn rau rừng, nay đã sắm được tivi và trữ được thóc lúa cho ngày giáp hạt khi anh Cháu cai nghiện thành công.
Lúc đó, gần như suốt ngày anh Cháu chỉ ở trong rừng phát rẫy để dứt được cơn nghiện. Anh Cháu kể lại thời gian đầu cơn thèm thuốc ập đến trong người khó chịu lắm, nhưng do cả ngày đi phát rẫy đã mệt nhoài, cộng thêm việc vợ ở bên nên cai nghiện được.
“Đến nay, sau khi cai nghiện thành công, anh Cháu đã để lại được thành quả là được 2 ha đất trồng xoan, hơn 1 mẫu đất đất trồng ngô, 1 mẫu đất trồng lúa (tính ra được hơn 40.000m2 đất). Trước đây nhà không có gì để ăn, nhưng từ ngày anh Cháu cai nghiện thành công, gia đình cũng giành dụm được ít thóc lúa không còn lo bị đói nữa…!” chị Luyến vui mừng nói.
Chị Hà Thị Huệ (một người phụ nữ bản Lát) chia sẻ: “Bản Lát trước đây cuộc sống khó khăn lắm, đàn ông thì nghiện ngập nhiều, cả phụ nữ cũng có, chỉ lo cái ăn thôi cũng đã thấy chật vật. Đồ đạc trong mỗi gia đình cũng không có gì, ngày mùa thì cũng phải thu hoạch sớm rồi cất đi nếu không muốn bị mất. Nhưng nay thì chúng tôi yên tâm rồi, bà con đã không còn bị ám ảnh nhiều về cái con ma xấu nữa, yến tâm mà sống tốt thôi…”
Ông Hoàng Văn Xùm (trưởng công an xã Tam Chung) cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 48 người nghiện nằm trong diện quản lý và có hồ sơn của công an, có 18 người đang đi cai nghiện tại cộng đồng. Riêng bản Pọong có 36 người thì đã có 31 người bị chết vào những năm 2008-2009, còn lại 8 người thì đang được đưa đi cai nghiện, có 2 người đã cai nghiện thành công và đang tái hòa nhập cộng đồng. Con số 25 người còn lại đều tập trung ở bản Lát, nhưng địa phương cũng đang cho khoanh vùng để vận động đưa đi cai nghiện hết con số này, trong thời gian tới địa phương phấn đấu sẽ không có người nghiện mới…
Theo Khampha