Ở đời, cái gì thừa mứa quá cũng ngán, tình yêu cũng không ngoại lệ
Chị cay đắng nhận ra, giữa anh và chị không thể tìm được tiếng nói chung. Một cô bạn từng mắng chị: “Ai biểu bà yêu chồng tới mức bán thân bán mạng. Đàn ông, đừng tử tế với họ quá”.
Gặp lại nhau sáu năm sau khi ra trường, anh kể lúc còn đi học, anh thầm yêu chị mà không dám nói. Lúc đó, anh vừa đi học vừa đi làm thêm, ăn bữa nay lo bữa mai, làm sao dám ngỏ lời với chị. Nghe anh kể nhiều hôm đói, phải vào chùa xin cơm, chị khóc. Tình yêu của anh ngày xưa không phải chị không biết, nhưng vì thấy anh quá nhút nhát, lại chẳng dám ngỏ lời, nên chị lướt qua anh như từng lướt qua nhiều chàng trai mờ nhạt khác. Giờ anh đã có bằng thạc sĩ, còn làm giám đốc công ty. Người đàn ông từng trải bao khó khăn ấy, giờ đứng trước mặt chị vẫn bối rối khi ngỏ lời: “Hãy để anh chăm sóc em được không?”.
Về với nhau, chị chăm sóc anh như một đứa trẻ. Chị lên mạng học mấy món ăn cầu kỳ, mày mò tập nấu. Tới bữa, chị gắp vào chén anh đầy ú, dỗ anh ráng ăn thêm. Trong tình yêu chị dành cho anh, có cả nỗi xót thương những tháng ngày lận đận đắng cay anh từng trải. Những cố gắng của chị là để anh được ấm áp và hạnh phúc, xoa dịu những tháng ngày bơ vơ cơ khổ.
Ánh mang tính minh họa: Internet
Anh phải sớm long đong ngoài đời nguyên nhân là vì anh em bất hòa, anh tự ái nên bỏ nhà đi. Một bữa, chị thấy trên facebook anh tải về bức ảnh gia đình sum vầy, cùng dòng status “người ta có anh em đủ đầy, còn tôi bơ vơ giữa đời”. Chị xót xa khi thấy anh như con chim lạc bầy, xoay bên nào cũng thấy thiếu hơi ấm bầy đàn.
Ngày giỗ má anh, chị làm mâm cơm để anh cúng má. Lúc anh thắp nhang, chị bất ngờ khi thấy anh bật khóc. Nhìn thấu nỗi tủi buồn của anh, chị không thể im lặng mãi. Chị âm thầm lên kế hoạch kéo anh về với gia đình. Muốn công phá bức tường ngăn cách giữa mấy anh em, chị phải đánh cổng hậu trước, nghĩa là phải lấy lòng hai chị dâu và chị ruột của anh. Phụ nữ vốn dễ tha thứ và cảm thông nên hai chị dâu đã ủng hộ chị.
Chủ nhật hôm ấy, sau cữ cà phê sáng, anh về nhà, kinh ngạc khi thấy hai anh trai và anh rể trong phòng khách. Trong bếp, hai chị dâu và chị Ba đang cùng vợ anh chuẩn bị bữa cơm. Anh quát trống không: “Ai bày trò này đây?”. Ba người đàn ông bật dậy đầy bẽ bàng. Anh Hai chỉ mặt anh: “Từ nay đừng hòng tao bước chân vào nhà mày”. Trước khi ra khỏi cửa, chị Ba gằn giọng: “Tại tụi này nể mặt vợ cậu. Thì ra “bấy lâu anh ấy rất hối hận, luôn ước mong anh em hòa thuận” là do mợ ấy vẽ vời thôi”.
Chị nép vào một góc, hãi hùng nhìn anh điên cuồng ném tung tóe thức ăn: “Tại sao không hỏi ý anh, hả? Em là vợ anh hay là má anh?”. Chị rụng rời, tim nhói buốt như vừa bị trúng đạn. Từ hôm đó, dường như có gì đó đã rạn vỡ giữa anh và chị.
***
Chị có lòng tự trọng, có niềm kiêu hãnh của bản thân nhưng vì yêu anh, chị nhẫn nhịn, cố dẹp tự ái để nhắc anh chuyện này chuyện kia, năn nỉ, khóc lóc… Thấy chị khóc, anh mềm lòng. Anh giải thích, từ lâu anh đã quen tự giải quyết mọi vấn đề, không thích bị người khác xỏ mũi. Chị làm vợ, phải biết chừng mực, đừng học thói quản chồng. Chị chết lặng. Chăm sóc anh, lo nghĩ giùm anh, cùng chia sẻ mọi việc với anh sao có thể gọi là quản thúc, là xâm phạm quyền riêng tư của anh?
Chị cay đắng nhận ra, giữa anh và chị không thể tìm được tiếng nói chung. Một cô bạn từng mắng chị: “Ai biểu bà yêu chồng tới mức bán thân bán mạng. Đàn ông, đừng tử tế với họ quá”. Chị ngậm ngùi, anh dần rời xa chị chỉ vì chị yêu anh chân thành, chăm anh quá kỹ sao? Ở đời, cái gì thừa mứa quá cũng ngán, tình yêu cũng không ngoại lệ sao?
Theo Đức Phương/Baophunu