Nước Pháp vinh danh Giáo sư Trịnh Xuân Thuận
Giáo sư thiên văn học kiêm nhà văn Trịnh Xuân Thuận sẽ là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Thế giới Cino del Duca do Viện Pháp quốc (Institut de France) trao vào hôm nay 6/6/2012.
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Viện Hàn lâm Pháp (thuộc Viện Pháp quốc). Đặc biệt, Giáo sư Thuận được vinh danh trong hai tư cách nhà khoa học và nhà văn.
Đây là giải thưởng văn chương và khoa học danh giá, trị giá 300 nghìn euro, do hội đồng 14 thành viên của 4 viện hàn lâm thuộc Viện Pháp quốc xét tặng. Mục tiêu của giải thưởng Cino del Duca là nhằm khen thưởng “một tác giả Pháp hoặc ngoại quốc mà công trình, dù thuộc lãnh vực văn học hay khoa học, hàm chứa một thông điệp của tinh thần nhân văn hiện đại”.
Với tinh thần đó, thông cáo của Viện Pháp quốc nêu rõ: “quyết định trao Giải thưởng Thế giới năm 2012 cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn và nhà văn, về công trình phổ biến khoa học của ông bằng tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà bản thân ông rất trân trọng”.
Viện này ghi nhận: “Song song với công việc nghiên cứu, ông (GS Thuận – PV) còn viết nhiều sách phổ biến tri thức khoa học dành cho công chúng rộng rãi, với cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học giàu phẩm chất nhân văn, coi con người là “con đẻ của các vì sao”, “sinh vật biết tự vấn về vũ trụ” ông luôn tin tưởng vào vị thế của con người trong vũ trụ”.
Video đang HOT
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng với các công trình phổ cập kiến thức khoa học về vũ trụ viết bằng tiếng Pháp. Từ cuốn sách đầu tiên năm 1988, đến nay, ông đã cho ra mắt hơn một chục tác phẩm.
Nhiều tác phẩm của ông phổ biến tri thức khoa học sâu sắc, ở trình độ cao, lưu hành rộng rãi ở hơn 20 nước trên thế giới, được dư luận quốc tế đánh giá rất cao như: Giai điệu bí ẩn (1988), Một nhà vật lý thiên văn (1992), Số phận của vũ trụ – Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000), Những con đường của ánh sáng (2008), Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (2009), Vũ trụ và hoa sen (2011)…
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là người Việt đầu tiên và là người châu Á thứ hai nhận được giải thưởng Cino del Duca. Trước ông, đã có giáo sư y khoa Trung Quốc Vương Chấn Nghị, được giải thưởng vào năm 1998.
Trước đó, ông từng được tặng Giải thưởng Lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp về triết học (2007) và Giải thường Kalinga của UNESCO về phổ biến tri thức khoa học (2009).
Giải thưởng Thế giới Cino del Duca từng được trao tặng cho những nhân vật lớn, có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật như: Andrei Sakharov, nhà vật lý người Nga Vaclav Havel, Tổng thống Cộng hòa Czech Léopold Sesdar Senghor, Tổng thống Cộng hòa Senegal và các nhà văn nổi tiếng như Gorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera…
Hải Tâm (TH)
Theo VietNamNet
Giáo sư hàng đầu về thiên văn học trò chuyện với bạn trẻ TPHCM
GS.TS Trịnh Xuân Thuận mong ngày nào đó Việt Nam sẽ có ngành khoa học vũ trụ để những bạn trẻ đam mê thiên văn học có đất dụng võ. Tuy nhiên, muốn theo đuổi khoa học này, các bạn trẻ phải chuẩn bị thật chắc hai môn vật lý và toán học.
"Vũ trụ vốn dĩ rất đẹp và đã hoàn tất cho sự sống của con người. Và, sự tồn tại của con người là rất quan trọng để vũ trụ không trở thành vô nghĩa" - câu mở đầu buổi toạ đàm của GS.TS Trịnh Xuân Thuận đã kích thích hàng loạt câu hỏi khác của khán thính giả liên tục đặt ra trong suốt hơn hai giờ đồng hồ.
Những vấn đề quan tâm của giới trẻ
Toạ đàm chủ đề "Con người, vũ trụ và niềm đam mê khám phá" diễn ra từ 9g30 - 11g45 ngày 22.12 tại toà nhà PACE, 341 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM với diễn giả chính là GS.TS Trịnh Xuân Thuận, dẫn chương trình là TS Hồ Trung Dũng, viện Vật lý TP.HCM. Khán phòng hầu như không đủ chỗ cho hơn 300 người thuộc nhiều thành phần: sinh viên - học sinh, nhân viên văn phòng, doanh nhân, trí thức, nhà giáo...
Theo GS.TS Trịnh Xuân Thuận, con người hiện đại đang hướng về vũ trụ với cái nhìn khắc khoải, lần mở những bí mật huyền diệu. "Có thể nói rằng, vũ trụ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có người quan sát để thưởng ngoạn, khâm phục vẻ đẹp thánh thiện cùng sự hoà điệu tuyệt vời của nó. Cuộc truy đuổi giữa một bên là suy luận thuần tuý logic và một bên là sự huyền bí siêu nhiên ắt hẳn rất khó có hồi kết, bởi vì câu trả lời thường không có cho mọi câu hỏi", ông nói.
GS.TS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách cho độc giả sinh viên TPHCM.
Không chỉ nổi tiếng là nhà vật lý thiên văn có nhiều công trình nghiên cứu về vũ trụ gây tiếng vang lớn, GS.TS Trịnh Xuân Thuận còn là nhà văn, nhà thơ, một triết gia, một phật tử và nhà hoạt động cho môi trường và hoà bình. Do vậy, sự xuất hiện của ông tại TP.HCM lần này đã tạo nên một sự quan tâm lớn trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Thiên Thanh, nhân viên marketing cho công ty phần mềm NTS trụ sở tại quận 1 đã xin nghỉ việc cả buổi sáng để nghe GS Thuận. "Mình mê thiên văn từ hồi đi học, từng đọc Giai điệu bí ẩn của ông và không thể không gặp ông lần này để tìm hiểu thêm về những gì mình từng ấp ủ trong lòng", Thiên Thanh cho biết. Còn sinh viên Nguyễn Thanh Hùng, đến từ Đại học Bách khoa TP.HCM tiết lộ anh là một tín đồ của vật lý thiên văn. Hùng mê vũ trụ đến mức thần tượng Einstein và từng dự định theo học ngành khoa học vũ trụ, nhưng rất tiếc ở Việt Nam hiện chưa có ngành học này.
Hàng chục câu hỏi đã được các thính giả đặt ra cho GS Trịnh Xuân Thuận. Có những thắc mắc thuần về khoa học vật lý thiên văn, cũng có thắc mắc đậm màu sắc triết học và cũng... rất đời. Như những câu hỏi từ nguồn gốc của vũ trụ và giới hạn, bí mật của không gian và thời gian, làm thế nào để biết được nguồn gốc của ánh sáng, thuyết Big Bang có vĩnh viễn hay không và liệu có bao nhiêu vũ trụ đang tồn tại... cho đến những nghi vấn con người đến từ đâu và sẽ đi về đâu, mối quan hệ giữa tôn giáo, triết học và thiên văn học...
Giáo dục giúp con người vượt qua sự hữu hạn
Nhiều thính giả, đặc biệt là các bạn sinh viên đã cùng chung thắc mắc là làm thế nào để theo đuổi niềm đam mê khoa học và cách thức để đến với thiên văn học trong hoàn cảnh của nền giáo dục Việt Nam. GS Thuận mong ngày nào đó Việt Nam sẽ có ngành khoa học vũ trụ để những bạn trẻ đam mê thiên văn học có đất dụng võ. Tuy nhiên, muốn theo đuổi khoa học này, các bạn trẻ phải chuẩn bị thật chắc hai môn vật lý và toán học. Nếu không có niềm đam mê thì rất khó thành công trong việc gì, có đam mê mà trời còn cho tài năng nữa thì quá tốt. "Thời gian đời người chỉ là một cái tích tắc so với thời gian của vũ trụ, cho nên hãy dành thời gian quý báu ngắn ngủi của mình trên trái đất này làm việc gì đó có ích cho bản thân và cho người khác".
Đề cập đến nền giáo dục Việt Nam, ông Thuận cho rằng vũ trụ bao la vô tận nhưng kiến thức của con người là hữu hạn, vì vậy, một nền giáo dục ưu việt là biết dạy cho con người cách suy nghĩ. Nền giáo dục hiện đại là tạo ra những con người biết tôn trọng thầy mình nhưng phải vượt qua thầy. "Quan trọng của việc học là sáng tạo những gì chứ không phải làm theo những cái mà người trước đã làm ra", GS Thuận nói chính lối suy nghĩ này đã khiến ông từ bỏ một trường kỹ thuật để chuyển sang giảng dạy và bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học.
Trong một câu hỏi rất riêng về mối quan hệ giữa con người khoa học và một phật tử trong bản thân ông, GS Thuận trình bày: khoa học và Phật giáo có cái nhìn khác nhau về vũ trụ nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Thiên văn học là cái nhìn ra bên ngoài để khám phá vũ trụ còn Phật pháp giúp con người nhìn vào vũ trụ bên trong của chính mình. Khoa học tìm kiếm, khảo cứu thế giới bằng con đường thực nghiệm, không cần đến tôn giáo. Nhưng tôn giáo cần thiết để giúp đỡ ý chí, suy nghĩ của con người trở nên bình thản, bỏ qua những thứ ham muốn thường tình là những thứ chất độc của trí tuệ. Với luận đề rất "triết học" về sự sống và cái chết của con người, GS Trịnh Xuân Thuận suy tư, khoa học chưa trả lời được câu hỏi sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu. Nhưng trên tinh thần của Phật giáo, ông nói: "Tôi tin rằng sau khi tôi chết linh hồn của tôi sẽ tiếp tục hành trình và mang trí tuệ đến với những tâm hồn khác".
Theo SGTT
Nhà thiên văn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu vũ trụ tới giới trẻ Ngày 8/12, vị Giáo sư hàng đầu về thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã cùng giao lưu trò chuyện với sinh viên ĐH FPT về chủ đề nghiên cứu thiên văn học và khám phá con người trong vũ trụ. GS Trịnh Xuân Thuận tại buổi giao lưu với sinh viên ĐH FPT. Tại buổi giao lưu kéo dài trong hai giờ...