Nước mắt “giang hồ” đã từng xem yêu thương là gánh nặng
Chính sự nghiêm khắc đến cứng nhắc của bố và sự yêu thương vô điều kiện của mẹ khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, muốn “bứt” mình ra khỏi gia đình. Khi đối diện với 4 bức tường trại giam tôi mới nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ nhiều điều quý giá…
Tuổi trẻ bồng bột và nổi loạn khiến Đ.Đ.C thấy ngột ngạt với chính những yêu thương mẹ cha giành cho mình.
Tôi là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Bố tôi là một quân nhân về hưu, những năm tháng trong quân ngũ đã tạo nên con người nghiêm khắc, nguyên tắc. Mẹ tôi là người phụ nữ hiền hậu, cam chịu và yêu thương con. Đáng lẽ, với nhiều người khác thì đây là nền tảng gia đình thuận lợi để họ phấn đấu vươn lên nhưng tôi lại thấy ngột ngạt với chính gia đình mình, với những nguyên tắc cứng nhắc của bố và sự yêu thương đến mù quáng của mẹ.
Học đến lớp 10, tôi nằng nặc nghỉ học. Không phải tôi dốt nát hơn chúng bạn mà đó là cách để thôi ngấm ngầm phản đối cha mẹ. Bố tôi cầm chiếc roi mây lên nước bóng loáng, hỏi tôi tại sao không chịu đi học. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài van nài tôi quay trở lại trường. Mặc kệ, tôi quyết không đi học trở lại dù ngọn roi mây của bố quất rát da, bầm thịt. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ, tôi sẽ sống tốt, theo cách của tôi mà không cần đến chữ nghĩa từ sách vở hay những lời rao giảng của bố tôi.
Nghỉ học, tôi mặc sức theo đám bạn xấu đi chơi, quậy phá khắp nơi. Lúc đầu bố tôi còn quất cái roi mây lên nước bóng loáng vào lưng đứa con trai bất trị nhưng rồi ông chán, ông kệ tôi với những lần đi chơi thâu đêm suốt sáng. Những lần trở về với tấm thân bầm dập – hậu quả của những lần đánh nhau với đám đối thủ, bố tôi như không nhìn thấy tôi. Chắc đối với ông, tôi đã không còn tồn tại bởi tôi chính là sự xấu hổ, là vết nhơ trong truyền thống hiếu học của gia đình.
Mẹ vẫn thế. Mẹ vẫn yêu thương tôi, vẫn lén giấu bố cho tôi tiền đi chơi, vẫn cặm cụi xoa những vết bầm tím trên thân thể đứa con trai đang muốn chứng tỏ mình với đời. Lúc đầu nhưng giọt nước mắt của bà còn khiến tôi day dứt, ăn nặn nhưng rồi những cuộc vui, những trận thư hùng kéo tuột tôi đi khỏi vòng tay mẹ.
Khi đám bạn cùng lứa tuổi đang miệt mài ôn thi đại học thì tôi dắt một đứa con gái về đòi cưới. Vợ tôi không phải là đứa con gái hư hỏng, nhưng vì yêu tôi nên bất chấp tất cả để gắn bó cuộc đời với tôi mà chưa lường trước những khó khăn sẽ phải vượt qua. Trước áp lực của tôi, bố mẹ phải cắn răng tổ chức một đám cưới chu toàn cho con bởi sau những ngày ăn chơi quên đời thì ngoài tấm thân bầm dập tôi chẳng có lấy một cắc bạc trong tay.
Những ngày tháng cải tạo trong trại giam giúp C. nhận ra được nhiều điều, biết được giá trị của yêu thương và sức lao động.
Có vợ rồi tôi vẫn không bỏ được đám bạn mà tôi vẫn nghĩ chúng mới là anh em, tri kỷ của mình. Tôi cứ trượt dài trong những trận vui, trong những trận “thư hùng” nơi cái phố huyện nghèo nàn của mình. Lần này, mẹ tôi đã có thêm người bạn để khóc cùng mỗi khi tôi trở về với chi chít vết thương trên người. Có lẽ, hai người phụ nữ của tôi sẵn sàng vắt kiệt nước mắt để đổi lấy sự lành lặn trên cơ thể và trong tâm hồn tôi?
Tôi cứ như con thú hoang, vẫn mải miết đi tìm lẽ sống bằng nhưng gậy gộc, thậm chí là đao, kiếm. Khi vợ vác cái bụng bầu gần 9 tháng chuẩn bị cho cuộc vượt cạn đầu tiên trong đời thì tôi bị công an bắt giữ sau khi đâm một nhát dao thấu phổi đối thủ.
7 năm tù là cái án mà pháp luật dành cho kẻ ngông cuồng như tôi. Tôi choáng váng, xây xẩm mặt mày khi ông chủ tọa phiên tòa đọc bản án. Tôi thấy mẹ tôi khóc ngất lên. Tôi thấy vợ tôi lầm lũi bế đứa con đỏ hỏn thấp thỏm ở nách phòng xử án. Tôi thấy mái tóc bạc của bố tôi rũ xuống, khuôn mặt ông đanh lại như đổ xuống đôi vai gầy.
Tại sao phải đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng mình đã làm khổ bố mẹ, làm khổ vợ con, làm khổ chính cuộc đời mình?
Vào trại giam, tôi chán chường, buông xuôi. Bố mẹ và vợ tôi vẫn đều đặn đến thăm nuôi mỗi khi có cơ hội. Mẹ vẫn khóc mỗi khi nhìn thấy tôi. Bố thì vẫn vậy, chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt nghiêm khắc nhưng chất chứa nỗi buồn. Bố mẹ chưa một lần thốt ra lời trách cứ đứa con ngỗ nghịch này
Vợ tôi gầy gò, đôi mắt trũng sâu. Từ ngày tôi bị bắt rồi bị kết án mới hơn nửa năm nhưng vợ tôi như già thêm đến 5-6 tuổi. Tôi ân hận và thấy có lỗi ghê gớm. Tôi oán ghét chính mình. Vì tôi mà bao nhiêu người phải buồn khổ. Nếu mọi người oán trách, giận dữ, có lẽ tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Video đang HOT
Giữa 4 bức tường trại giam nhiều đêm tôi không ngủ được. Thằng đàn ông 25 tuổi đã khóc. Khóc vì hối hận, khóc vì thấy mình đã chối bỏ quá nhiều điều tốt đẹp mà gia đình dành cho mình. Hai năm vào trại, bố mẹ vẫn đều đặn lên thăm nhưng vợ tôi thì ngày một thưa thớt hơn. Tôi cũng lờ mờ đoán ra.
Tôi buồn nhưng không trách vợ. Cô ấy còn quá trẻ, một tay cô ấy không thể xoay sở nuôi con, chăm bố mẹ chồng và tích cóp để tiếp tế cho chồng ở trại. Chúng tôi ly hôn, con trai tôi ở với ông bà nội. Giờ vợ tôi đi đâu tôi cũng không biết, chỉ mong cô ấy lấy được tấm chồng tử tế để nương tựa. Tôi cay đắng nhận ra rằng mình đã mất quá nhiều thứ quý báu bằng những ngông cuồng của tuổi trẻ bồng bột và hiếu chiến. Gần 30 tuổi, tôi vẫn chưa làm gì được cho bố mẹ mà còn đặt thêm gánh nặng lên đôi vai gầy của họ. Đôi mắt buồn rầu của cha, những giọt nước mắt của mẹ, khuôn mặt như thiên thần của con trai đã giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu, cải tạo tốt.
Tôi được cán bộ quản giáo giúp đỡ, được anh em bạn tù đùm bọc, thương yêu và tín nhiệm bầu làm trưởng buồng. Tôi nhận ra rằng vào tù không phải là chấm hết. Cảnh cổng nhà tù là trường học giúp tôi nhận ra lỗi lầm và làm lại cuộc đời. Ngày 2/9 vừa qua tôi được giảm án 5 tháng. Đó là món quà lớn nhất mà tôi tặng cho bố mẹ mình từ khi được sinh ra.
Đường về của tôi được rút ngắn xuống gần nửa năm, tôi vẫn còn 1,5 năm để trả giá cho những lỗi lầm của mình nhưng tôi tin, bằng những yêu thương của cán bộ quản giáo, tình yêu thương của bố mẹ, của đứa con trai bé nhỏ, tôi sẽ nhanh chóng vượt qua được quãng thời gian ấy.
1,5 năm sẽ chỉ như một giấc ngủ, để rồi khi tỉnh giấc tôi sẽ trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, để được ôm chặt đứa con trai vào lòng. Tôi tin, những mất mát ngày qua sẽ cho tôi những bài học lớn, để biết sống không phải hổ thẹn với chính mình!
Hoàng Lam
(ghi theo lời kể của phạm nhân Đ.Đ.C, phân trại số 2, Trại giam số 3 – Bộ Công an)
Theo Dantri
Phận tù 'mồ côi', Tết về rưng rưng nước mắt
Ngoài đời mồ côi đã khổ, vướng lao lý, tù "mồ côi" còn khổ gấp bội phần. Tết là lúc tái tê nhất của phạm nhân "mồ côi" khi cô đơn xâm chiếm hiện tại và vô định choán mất tương lai.
Năm 2010, sau một sự cố đáng buồn, tác giả bài báo này phải nhận bản án 7 năm tù giam và được tự do sau 3 năm thụ án.
Vướng vào vòng lao lý là sự cố đau đớn trong đời nhưng theo tác giả, anh thấy mình vẫn còn may mắn hơn những anh em, bạn tù phải "sống kiếp mồ côi".
Đời tù tội có nhiều loại "mồ côi": Không cha mẹ thân thích, chưa một lần thăm nuôi suốt những năm tháng tù đằng đẵng như gọi là "mồ côi thứ thiệt" hay "mồ côi bền vững"
Loại thứ hai, thời gian đầu phạm nhân cũng cha mẹ, anh em, vợ con thăm hỏi, sau quá ngán án dài hàng chục năm nên bỏ luôn thành "bỗng dưng mồ côi".
Loại thứ ba đang "mồ côi", gia đình nghĩ lại, thăm nuôi vài ba lần lại tiếp tục bỏ. Một vài năm sau quay lại thăm tiếp. Do có quy ước bất thành văn ai không thăm nuôi 6 tháng liền cũng được xếp vào diện mồ côi nên loại này được coi như "mồ côi tạm thời".
Các phạm nhân trở về trại sau giờ lao động
Những người sợ Tết
Càng gần giao thừa, chúng tôi càng thao thức bởi nỗi nhớ nhà, cả buồng giam không ai ngủ nổi. Tiến, thằng nhóc mồ côi mới 20 tuổi đã ăn 3 cái Tết trong tù, chợt quay qua tôi: "Tù mồ côi như con khỏe chú ơi, có ai thân thích đâu mà nhớ?".
Lời ồn ào bất chợt của thằng nhóc khiến tôi vừa bực vừa thấy cay cay khóe mắt.
Trong số gần 200 tù "mồ côi" tại phân trại số 4 (K4 trại giam Xuân Lộc) thời tôi thụ án (2013), mồ côi "bền vững" như Tiến cỡ 50 người. Đau khổ nhất là những anh em lâm vào hoàn cảnh bi đát này.
Từ nhỏ đã không một tiếng gọi mẹ kêu cha, cuộc đời lăn lộn đá cá lăn dưa bụi đời từ thơ ấu. Đến khi vô tù cũng chịu nhiều tiếng khinh khi.
Năm Châu, người nằm cạnh tôi hơn 6 tháng than: "Cười cười vậy chớ tủi lắm! Ở tù không ai ngó ngàng, mai mốt hết án về biết chui vào nhà nào, vợ con không có - chó cũng không mày ơi!".
Nguyễn Như Tiến chịu án 12 năm tội cướp giật, ở 6 năm 8 tháng dù chưa ai một lần ghé thăm. Đặc xá đợt tới Tiến nhiều hy vọng được ra tù. Nhưng ra rồi chưa biết về đâu! Tiến kêu, con tủi lắm nhưng mình làm mình chịu kêu ai thấu chú?
Lao động khiến các phạm nhân khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
"Mồ côi" như Tiến sợ nhất Tết về, khi mà những bạn tù có thân nhân trong trại háo hức mong đợi rồi nô nức ra thăm gặp người nhà, lũ lượt vác bao quà đẫm vị đời vô chia nhau ăn Tết.
Có năm tôi thấy Tiến lủi vô góc sụt sùi, ông già Hỉ, kẻ "mồ côi bền vững" còn hơn Tiến, an ủi mãi mới nguôi.
Anh em bạn tù cũng san sẻ quà cáp cho nhau dù ít dù nhiều. Nhưng chai sạn mấy, ở tù nhiều hơn ngoài đời rồi cũng có lúc mủi lòng. Nhiều người Tết về lại mơ màng nhớ hồi xưa Tết má tao nấu món này ba tao cắt chậu kiểng kia...Thèm hai tiếng "gia đình"
Hùng "đầu búa", chịu án 18 năm tội giết người, mồ côi cha mẹ khi mới 7 tuổi, luôn tâm sự với tôi hắn mơ không dưới chục lần gia đình sum vầy ăn Tết, con gái loanh quanh chân cha khắp xóm chúc bà con năm mới bình an.
Nhiều người trong số họ chỉ mong có một mái ấm khi quay về đời, điều mà Năm Châu chọc ghẹo "mơ thì mơ cho tới, mong cả ba má sống dậy lạy tạ ông bả luôn chớ bay".
Già Dũng, 62 tuổi 8 tiền án ngậm ngùi: "Tao không biết tụi nó sao chớ giờ răng rụng hết mẹ nó rồi, ăn gì mấy. Chỉ thèm một tiếng kêu mẹ gọi con, được vợ gởi cho mấy chai dầu gió... mà chắc hết đời tù cũng hổng có mày ơi".
Hơi ấm gia đình, đó là thứ phạm nhân thèm khát nhất mỗi khi xuân về.
Già Dũng ước vậy chớ lấy gì mà có. Không cha mẹ vợ con, ở gầm cầu Chà Và (Q.8 TP HCM) từ bé, già thuộc dạng "mồ côi bền vững" nhất K4 này. Anh em cùng hoàn cảnh như Già Dũng, nhiều ông muốn... ở tù hoài không muốn về!
Lê Đình Văn, án 10 năm tội trộm cắp than: "Ở trong này mất tự do chút nhưng còn có nơi ăn chốn ở, bịnh có trạm xá chớ về Sài Gòn không biết lấy gì bỏ miệng, lại ngủ vỉa hè mua nắng đổ bịnh hoài ngán thấy mẹ".
Bỗng dưng côi cút
Chỉ Tây "lai" vác bao đồ thăm nuôi ì ạch vô buồng giam, Ngạc "sọ não" thở dài: "Mới năm trước tao còn ngon hơn nó giờ điếu thuốc cũng phải xin".
Ngạc hay trách mẹ, trách vợ. Nhưng mới đi án 8 năm về chưa đầy năm lại chơi tiếp án 16 năm vợ nào chịu thấu, còn mẹ gần 80 ngoài đời không biết sống chết sao. Ngạc đành "bỗng dưng mồ côi".
Cảm giác của "tù mồ côi" kiểu Ngạc đôi khi khó chịu hơn đám "mồ côi bền vững". Vì mồ côi từ nhỏ, vô tù biết chắc mình không ai quan tâm cũng quen rồi. Chớ đang được thăm nuôi, hơi ấm gia đình còn vảng vất bỗng mất không còn dấu vết, rất hụt hẫng.
Phạm nhân rớt nước mắt khi đọc thư nhà.
Tuấn "mèo", án chung thân vì ma tuý, hai năm đầu vợ thăm đều như vắt chanh, giữa năm thứ ba lặn không sủi tăm đến 2013 thì vừa tròn 6 năm. Tuấn tìm mọi cách liên lạc về nhưng chưa bao giờ có hồi âm.
Tuấn nói đôi lúc hoảng loạn giữa ngổn ngang vợ đi lấy chồng, con bơ vơ hay nhà bị nạn gì đấy mà không cách nào biết, nghĩ án dài chán không muốn sống.
Cán bộ và bạn tù thời gian đầu phải canh chừng Tuấn hoài, sợ làm bậy.
Ngán nhất là những anh gia đình báo tin "vợ mày bỏ đi rồi", có khi không tăm tích, không biết con cái sống chết ra sao.
Hồi ấy, ti vi hay chiếu đoạn quảng cáo gì có cảnh cha lâu mới về con ra cửa nhìn rồi hỏi vọng vô nhà "mẹ ơi có ai đến nhà mình kìa". Xem riết, anh em có gia đình như tôi vừa tủi vừa nghĩ quẩn "chắc con mình cũng vậy, không chừng còn kêu ba ơi có ai tìm mẹ"!
Theo Tri Thưc Tre
Án mạng do rú ga gây ồn ào Bị Luận nhắc nhở vì bấm còi, rú ga gây ồn ào, Ngân Văn Hoàn cầm hung khí đến thách thức và bị đánh. Thấy anh trai bị đánh, Ngân Văn Dũng cầm dao chạy lại ứng cứu. Hậu quả, Dũng đâm chết 1 người, gây thương tích cho 2 người khác. Giết người vì anh trai bị nhắc nhở do rú ga...