Nửa đầu năm 2021, doanh số laptop tăng mạnh, liên tục khan hàng ở Việt Nam
Những năm trước đây, nhu cầu mua sắm, sử dụng laptop của người dùng tại Việt Nam tương đối ổn định. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ thay đổi.
Theo chia sẻ từ một số hệ thống, doanh số laptop đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 do nhu cầu làm việc từ xa của người dùng.
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng laptop tăng cao
Thông thường, doanh số laptop chỉ tăng trưởng mạnh vào một số giai đoạn nhất định, như mùa tựu trường của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi trong hơn một năm trở lại đây.
Từ đầu năm 2020, thế giới đã phải gồng mình để đương đầu với đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, nhiều khu vực, thành phố cũng liên tục bị phong tỏa, giãn cách xã hội để thực hiện công tác phòng chống dịch. Có những lúc, thời gian giãn cách kéo dài đến gần 3 tháng.
Việc người lao động, học sinh buộc phải làm việc và học tập tại nhà đã khiến nhu cầu mua laptop để đáp ứng công việc, học tập cũng như giải trí là rất lớn.
Trao đổi với Dân trí, đại diện một số hệ thống bán lẻ máy tính lớn tại Việt Nam cho biết, nhu cầu của người dùng đối với máy tính xách tay và các phụ kiện hỗ trợ, như bàn phím, webcam…, đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 mà FPT vừa công bố, doanh thu lũy kế của công ty đạt 9.024 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 55% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh thu mảng laptop đạt 1.329 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020.
“Tổng kết 5 tháng đầu năm 2021, FPT Shop đang là chuỗi cửa hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, vươn lên đứng đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần, theo số liệu GfK. Mảng laptop gaming tại hệ thống cũng tăng trưởng kỷ lục 217%, gần gấp 3 lần so với 5 tháng cùng kỳ năm 2020, chiếm đến 20% trong doanh thu của mảng laptop”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động của FPT Shop chia sẻ.
Video đang HOT
Không chỉ riêng mặt hàng laptop, nhiều loại phụ kiện máy tính khác cũng liên tục rơi vào tình trạng khan hàng.
“Trong nửa năm qua, doanh số laptop bao gồm cả laptop gaming cũng như các loại phụ kiện webcam, bàn phím hay chuột đều tăng mạnh. Nguyên nhân chính đến từ sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều trường học yêu cầu học sinh, sinh viên học tập online tại nhà”, ông Đào Đức Tiến, đại diện hệ thống An Phát PC cho biết.
Ông Tiến cũng cho biết thêm một số mẫu webcam còn liên tục rơi vào tình trạng khan hàng vì nhu cầu của người dùng tăng cao một cách đột biến. Có những thời điểm, giá bán của chúng bị đẩy lên cao hơn 30-40% so với bình thường.
Ngoài ra, các mặt hàng khác, như tai nghe, tay cầm chơi game, ghế gaming hay các thiết bị phục vụ giải trí, cũng có sức tiêu thụ tốt hơn so với nhu cầu trung bình của người dùng những năm trước.
Laptop khan hàng, tăng giá vì thiếu nguồn cung linh kiện
Nhu cầu của người dùng tăng mạnh so với mọi năm đang khiến cho nhiều mẫu laptop rơi vào tình trạng khan hàng tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ cơn sốt chip bán dẫn và linh kiện trên toàn cầu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử, trong đó có laptop.
Nhiều mẫu laptop rơi vào tình trạng khan hàng, tăng giá do nguồn cung hạn chế.
“Từ đầu năm, sự thiếu hụt về nguồn cung linh kiện, vật liệu chế tạo đã bắt đầu có những tác động nhất định đến quá trình sản xuất máy tính xách tay. Thêm vào đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho quá trình vận chuyển, nhập hàng lại càng khó khăn hơn”, đại diện truyền thông của một hãng laptop nói với Dân trí.
Theo chia sẻ từ các đại lý, tình trạng khan hàng đang xảy ra đối với rất nhiều dòng sản phẩm từ tất cả các hãng như Dell, Asus, Acer, HP, Lenovo… Điều đó đã khiến cho mặt hàng này đồng loạt tăng giá.
“Từ quý II, hệ thống đã buộc phải tăng giá bán nhiều mẫu laptop sau nhiều nỗ lực giữ giá. Đến nay, một số dòng sản phẩm đã trải qua khoảng 4-5 lần tăng giá liên tiếp, mỗi lần tăng khoảng 3-8%. Hiện tại, tình trạng khan hàng vẫn đang xảy ra với nhiều mẫu laptop, thậm chí một số dòng sản phẩm còn không đủ hàng để kinh doanh”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống bán lẻ CellphoneS cho biết.
Bất chấp mức giá tăng cao cùng với một số hạn chế về nguồn cung, các đại lý vẫn đưa ra dự báo rằng nhu cầu của người dùng đối với mặt hàng này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
“Mặc dù doanh số laptop đã tăng rất cao trong những tháng mùa dịch vào quý II vừa qua. Tuy nhiên, theo dự báo, quý III vẫn sẽ có mức tăng trưởng khoảng 10-20% bởi chuẩn bị bước vào mùa tựu trường”, đại diện hệ thống FPT Shop nhận định.
Cũng theo nhận định từ các chuyên gia, nhiều khả năng, phải đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nguồn cung laptop tại thị trường Việt Nam mới có thể trở lại ổn định. Khi đó, mức giá của mặt hàng này cũng sẽ bình ổn trở lại.
Sức tiêu thụ laptop chơi game tăng gấp 3 lần tại Việt Nam
Nhu cầu chơi game đang tăng đều đặn, cộng với cú hích Covid-19 khiến thị trường laptop gaming tăng đột biến tại Việt Nam.
Theo GfK, latop gaming tại Việt Nam tăng trưởng 217% (tức tăng hơn gấp 3 lần) trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sức mua và nhu cầu chơi game của một bộ phận game thủ tăng rất cao trong giai đoạn dịch bệnh.
Nhu cầu laptop chơi game tăng đột biến do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo số liệu này, laptop chơi game đang chiếm khoảng 20% doanh thu laptop nói chung trên toàn thị trường.
Theo GfK, FPT Shop dẫn đầu thị phần laptop trong các chuỗi tại Việt Nam, chiếm 31% lượng máy tính xách tay bán ra. Chuỗi này cũng chiếm 35% thị phần laptop gaming.
Nói với PV, phía Lenovo cho biết thị trường laptop chơi game tăng tưởng đều đặn khoảng 50 - 60% vài năm trước. Trong hai năm gần đây mức tăng trung bình hơn 70% vì khách hàng sẵn sàng bỏ thêm tiền để giải trí tại nhà, do dịch Covid-19 khiến hạn chế đi lại.
Laptop chơi game nói riêng và ngành game nói chung tăng trưởng mạnh trong 5 - 6 năm gần đây. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người phải ở nhà hơn, dẫn đến nhu cầu giải trí như chơi game tăng lên, kéo theo sức mua ở phần mềm, phần cứng liên quan.
Một trong những nguyên nhân khiến laptop chơi game tăng trưởng là do giá bán đã được giảm xuống khá nhiều. Cách đây 3 - 4 năm, muốn mua laptop chơi game, các game thủ phải bỏ ra tầm 30 triệu đồng trở lên để có được máy đủ cấu hình phù hợp game phổ biến.
Tuy nhiên ở giai đoạn này, người chơi chỉ cần bỏ khoảng 20 triệu đồng đã có thể mua về một laptop phục vụ gaming. Điều này một phần do sự phổ biến của cả ngành công nghiệp, khiến các nhà phát hành game cũng tối ưu game cho máy cấu hình không cao.
Ở tầm giá trên dưới 20 triệu, các hãng Acer, MSI, Lenovo, Dell đều có sản phẩm cho game thủ. Ngay cả Asus ROG cũng có laptop ở mức giá này để người mới chơi có thêm lựa chọn.
Trước đây, laptop chơi game thường được thiết kế góc cạnh, nhiều màu sắc thể hiện cá tính, nhiều đèn màu, to và dày. Nhưng hiện giờ có thêm xu hướng thiết kế mới, mỏng gọn hơn và vẻ ngoài trung tính hơn.
Điều này do có một nhóm khách hàng văn phòng đặc thù. Những người này muốn mua những laptop có thể đảm đương các công việc văn phòng nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để chơi game khi rảnh rỗi, hoặc mang về nhà chơi ngoài giờ làm việc.
Do đó, nhóm khách này chuộng các thiết kế không gây chú ý, vẫn đủ lịch sự để mang lên văn phòng hay khi đi gặp khách hàng. Mặc dù có thay đổi về thiết kế nhưng yêu cầu máy có hiệu năng cao để đủ chơi game.
Một báo cáo mới đây của Adsota (thuộc Appota) thể hiện số lượng người chơi game nói chung tại Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt giai đoạn sau Covid-19.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ tư về tỷ lệ người chơi game hàng ngày trong năm 2020, khi so với các quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Brazil. Việt Nam đứng số 1 về tỷ lệ tìm game mới mỗi tuần trong các quốc gia này.
Sau giai đoạn Covid-19, lượng người chơi game tại Việt Nam tăng 30% so với trước, cán mốc 3,99 triệu người.
Không chỉ laptop chơi game mà thị trường máy tính xách tay nói chung tại Việt Nam cũng tăng trưởng. Đại diện Lenovo cho biết do Covid-19, nhiều người phải làm việc và học tập từ xa, dẫn đến tăng trưởng laptop 3 tháng gần đây tăng 80% so với cùng kỳ.
Bất chấp mùa dịch, laptop vẫn bán đắt như tôm tươi Laptop là ngành hàng hiếm hoi có được sự tăng trưởng vượt bậc về doanh số. Mặc cho diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các sản phẩm laptop vẫn tiếp tục là ngành hàng sinh lời tại nhiều hệ thống bán lẻ. Các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí như laptop gaming tiếp tục đứng đầu về doanh số....