Nữ Trưởng phòng GD&ĐT bị “tuýt còi” vì… cho mở lớp học “chui”
Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành có nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo của đơn vị.
Trụ Sở Phòng Giáo dục và đào tạo Châu Thành
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo số 994/BC-SGDĐT báo cáo kết quả xác minh đơn phản ánh những sai phạm liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang).
Kết quả xác minh, Phòng GD&ĐT huyện đã không thực hiện đúng các quy đinh như: xin chủ trương trước khi mở lớp, thời gian học không đảm bảo, không nắm nội dung chương trình học trong việc tổ chức lớp học thi thăng hạn.
Cụ thể, lớp học Chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên bậc Trung học Cơ sở, Tiểu học và Mầm non do Trường Trung Cấp Hồng Hà tại Cần Thơ đứng ra tổ chức theo thông báo Tuyển sinh của Trường Đại học Vinh. Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành thông báo chiêu sinh.
Đáng nói, Phòng GD& ĐT cũng đã cho Trường Trung cấp thuê Hội trường của đơn vị với giá 500.000 đồng/ ngày và đã dạy được 4,5 ngày.
Về phương diện cá nhân, ông Võ Minh Tuấn (cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành) đã tự ý cho trường Trung cấp nói trên mở lớp và tự ý chiêu sinh. Bản thân ông Tuấn đã sử dụng mail của mình để gửi thông báo chiêu sinh xuống các trường thuộc địa bàn huyện.
Đến khi lớp học được 1 ngày, ông Tuấn mới mang Tờ trình đến Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang để xin chủ trương và không được cho phép.
Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện này rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục của huyện.
Lãnh đạo đơn vị kiểm điểm trách nhiệm và phân công lại đối với cán bộ phụ trách công tác tổ chức của đơn vị do có sai phạm trong trong tác tham mưu mở và quản lý lớp bồi dưỡng chuyên môn.
Ngoài ra, trong đơn tố cáo còn đề cập đến việc, bà Trần Thị Thùy Linh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, đã cho con trai mở tiệm sửa chữa, mua bán thiết bị văn phòng ngay trong cơ quan.
Kết quả xác minh, đơn vị có cho một nhân viên văn phòng mượn một phòng để sữa chữa các thiết bị trường hoc, máy vi tính. Trong quá trình sửa chữa, người này có thuê hai giáo viên dạy công nghệ thông tin để sửa, trong đó có con trai của bà Linh.
Video đang HOT
Con bà Linh có sửa chữa thiết bị tại phòng, nhưng việc mở tiệm là không đúng. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cho rằng, việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến dư luận.
Theo baogiaothong
Cách dạy nhằm lấp đầy khoảng trống trong giáo dục phổ thông
Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, giáo viên phổ thông và cha mẹ nên dạy sâu những gì cần cho cuộc sống và giúp trẻ có độ nhạy trực giác.
Sau bài chia sẻ về bốn khoảng trống trong giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Chí Hiếu tiếp tục đưa ra quan điểm về việc dạy để lấp đầy những khoảng trống đó.
Mỗi ngày đi qua, càng nhiều trường học, thầy cô và bố mẹ chỉ chăm chăm vào điểm số, kỳ thi, giải thưởng mà không hiểu thật sự điều gì đang diễn ra trong đầu học sinh. Chúng nạp cái gì vào đầu, nạp vào bằng cách nào, nạp rồi thì cái gì nằm lại, cái gì thật sự có ích cho ngày mai?
Có lẽ đã đến lúc cần nhìn thật sâu xem chúng ta đã và đang làm gì với lũ trẻ, để từ đó biết cách dạy thế nào cho chúng thật sự thành những cánh chim tự lập, tự tin và tự do đập cánh tung trời mai kia nơi biển lớn.
Cái gì cần cho cuộc sống thì dạy
Khoảng trống số 1: Học gì mà bắn đại bác vẫn chưa tới đánh đúng căn bệnh thâm niên của phần lớn trường phổ thông trên thế giới. Học sinh như bị "cướp đoạt" thời gian, không gian, trí lực và năng lượng, chỉ để nạp vào đầu những thứ kiến thức mà hơn 95% sẽ không sờ đến trong tương lai.
Vì lẽ đó, khi thiết kế chương trình học hay dạy con trẻ ở nhà, người lớn nên tập trung dạy trẻ kiến thức, đặt câu hỏi, ra đề bài mà chúng thật sự cần đến cho cuộc sống mai kia. Những thứ quá phức tạp, cao siêu thì hãy gác qua một bên và để dành cho đại học hay cao học giải quyết.
Nếu giáo dục phổ thông dạy cho tụi nhỏ kiến thức nền tảng, năng lực tư duy, các kỹ năng xã hội và định hướng phát triển tính cách, giá trị sống thì quá tuyệt.
TS Nguyễn Chí Hiếu có phần chia sẻ trong một buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ chương trình Eisenhower Fellowships diễn ra tại Mỹ. Ảnh: NVCC
Đại học Harvard (Mỹ) đang thiết kế lại chương trình khoa Sư phạm để đào tạo thế hệ giáo viên tương lai những thứ này: cảm thụ mỹ thuật, văn hóa và đạo đức, lập luận toán học (chứ không phải giải toán), xã hội của thế giới, thế giới tự nhiên và thế giới vật chất, bối cảnh phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, không ít trường ở châu Âu đang định hướng dạy cho học sinh ý nghĩa bản thân, sức khỏe thể chất, phát triển bền vững, tồn tại trong cộng đồng, các kiểu biểu đạt sáng tạo, hệ thống và hình thức giao tiếp, dự báo và giải quyết vấn đề, cách kết nối với các môi trường quanh ta.
Tuy vậy, số lượng trường học, thầy cô và bố mẹ tiên tiến được như thế thật ra đếm trên đầu ngón tay so với bạt ngàn những tư duy cũ kỹ. Thế thì đừng trách vì sao con em mình điểm trên trường 12 năm cao chót vót, huy chương, giải thưởng đầy mình nhưng lại quá non nớt khi một mình bước ra thế giới.
Đừng dạy nông mà hãy dạy sâu
Khoảng trống số 2: Cần gì học, chỉ cần... bấm chuột là ra chỉ rõ rằng phần lớn kiến thức đang được dạy trên trường lớp là những thứ Google giỏi và biết nhiều hơn thầy cô "lão làng".
Vì vậy, nếu cách dạy theo kiểu thầy giảng - trò chép chỉ chăm chăm nhắm vào sự kiện, con số, thông tin thì 90% thời gian học ở lớp là vô bổ. Tụi nhỏ sẽ bước ra khỏi trường lớp với lượng kiến thức quá nông và hoàn toàn không có cái nhìn sâu sắc bên dưới mỗi đơn vị kiến thức.
Tụi nhỏ biết rất nhiều chi tiết về các sự kiện lịch sử, tên gọi hoặc lý thuyết hiện tượng khoa học, đặc điểm địa lý vùng miền, tiểu sử tác giả, bối cảnh ra đời tác phẩm, nhưng những cái gạch đầu dòng đó hoàn toàn không đủ. Chúng khó có thể phân tích nguồn cơn của các cuộc chiến xuyên suốt lịch sử loài người, ảnh hưởng của những hiện tượng khoa học đến đời sống và tương lai, vì sao mỗi vùng đất lại được hình thành như thế và đâu là triết lý nhân văn về bản chất con người hay cuộc sống ẩn dưới từng câu chữ, lời văn.
Để lấp đầy khoảng trống ấy, giờ đây không ít trường học tiên tiến trên thế giới đã mạnh mẽ cắt gọt chương trình một cách "thô bạo", với phương châm cho tụi nhỏ học ít thôi nhưng học cái gì cũng phải sâu và kỹ, học cách tìm tòi và nghiên cứu, học cách lập luận và tư duy, học cách trăn trở với mỗi kiến thức ngày qua ngày để đi đến tận cùng vấn đề. Đó mới là cách mạng giáo dục.
Có trường ở Nhật Bản cho học sinh lớp 4 cả một năm học chỉ "vật lộn" với một tác phẩm mỹ thuật; có trường ở Mỹ cho học sinh cấp 3 một năm chỉ "soi mói" một cuộc chiến; học sinh lớp 7 học khoa học cả một kỳ chỉ toàn lực, toàn ý, và toàn tâm "xây đắp" một hệ thống sông ngòi. Chúng có thể biết ít hơn học sinh bao nơi khác, nhưng chúng biết sâu và biết rõ.
Và quan trọng hơn cả, với cách lật tung mỗi đơn vị kiến thức như thế, chúng "vô tình" bỏ túi một cái kim chỉ nam thật lợi hại. Để mai kia, chúng biết cách tự lật tung bất kỳ kiến thức nào trong một thế giới mà nhiều thông tin hầu như đã có sẵn, chỉ cần biết cách tìm, đọc, tư duy và lý luận để tự chuyển biến kiến thức thành nội hàm của bản thân.
Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa, ông bà ta ngày xưa tư tưởng tiến bộ hơn nhiều người thời nay.
Dạy sao cho tụi nhỏ có độ nhạy của trực giác
Khoảng trống số 3: Tham vọng dạy học sinh thành "đa chuyên gia" đang đem hàm lượng kiến thức theo phong cách nhà nghiên cứu đè bẹp đôi vai, ánh mắt, tâm trí và nhiều khi là cả tâm hồn của lũ trẻ. Chúng phải tính Toán, học Hóa, làm Văn, giải Lý, phẫu Sinh, phân tích Anh, nhẩm Sử, chép Địa... như những nhà nghiên cứu, chuyên gia.
Đến thi học kỳ là mỗi đứa một xấp đề cương ôn tập, mỗi môn không ít hơn 10 trang. Còn trong năm thì quá nhiều, chỉ thấy xót cho tụi nhỏ. Các siêu sao lắm lúc còn thấy đuối hơi mệt não thì nói chi đến phần lớn học sinh.
Với cách tiếp cận kiểu "chuyên nghiệp tập thể" ấy, học sinh giờ đây nhiều lúc cứ như cỗ máy. Dẫu có nạp vào đầu nhiều điều đao to búa lớn, độ nhạy trực giác của chúng với hiện thân của các môn học trong đời sống rất kém. Khi cách dạy và kiểm tra tập trung quá nhiều vào điều kiện giả định, những dạng bài tập phi thực tế, chúng ta cũng sẽ nhào nặn ra những cái máy giải đề, càng giải càng xa rời thực tế, và đánh mất đi cái trực giác vốn dĩ rất tự nhiên của con người mà lẽ ra giáo dục nên giữ gìn và phát triển.
Dạy học sinh thật nhiều bài toán phương trình bậc 2 để làm gì, trong khi cái trực giác về xác suất của chúng gần như bằng 0? Dạy cho học sinh một đống bài tập rối rắm về cơ học để làm gì, trong khi chúng nhìn vào một cái đồng hồ cũng không biết động cơ bên trong chạy thế nào? Dạy cho học sinh một đống bài tập tiếng Anh nhấn trọng âm, chế biến ngữ pháp, viết lại mẫu câu, chuyển đổi từ vựng để làm gì, trong khi chúng không viết nổi một bài văn ra hồn...
Học đi đôi với hành, có lẽ "hành" mà ông bà ta nói đến không chỉ là "thực hành giải bài tập". "Hành" ở đây, tôi nghĩ và tin là hãy để mọi thứ chúng học được bước ra từ cuộc sống và đi vào trong cuộc sống.
Triết lý giáo dục chân chính là...
Khoảng trống số 4: Ngộ nhận một rừng triết lý có lẽ là cái điểm chết người nhất của giáo dục thời nay. Khi mà nhiều người đang làm giáo dục còn chưa nhận ra hoặc chưa biết làm gì để lấp đầy ba khoảng trống trên thì một rừng "nhà giáo dục", "công ty, tổ chức giáo dục" nhảy vào để tung ra một rừng sản phẩm, khóa học, công nghệ, đổ thêm vào một đống tiền quảng cáo và tiếp thị cốt để làm sao "cách mạng" giáo dục nhanh nhất và nhiều tiền nhất.
Muốn dạy cho tụi nhỏ thật sự thành những người giỏi và sống có ích, thành công và hạnh phúc theo cách riêng của chúng và sống tốt giữa cái thế giới hỗn tạp, biến đổi không ngừng này, có lẽ trước hết nhà trường, thầy cô và bố mẹ cần dừng chân đủ lâu, đọc thật sâu, nghĩ thật kỹ và cảm thật nhiều để hiểu giáo dục cuối cùng là gì?
Đem về quá nhiều nguyên vật liệu và thảy tất cả vào nồi hầm, chưa chắc nước lèo đã có chất. Nhiều khi ta mất công hầm thật lâu để rồi phải đem đi vứt bỏ vì nước lèo quá tạp nham. Đôi khi, một bó rau muống giản đơn đem đi luộc nước trong thôi cũng có thể cho ra một bát canh mát, chất lừ và khó quên.
Giáo dục đôi khi là vậy, giống như người xưa vẫn dạy: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Có những vật dụng chỉ cần chất gỗ tốt thì vẫn đi cùng năm tháng và sáng màu giữa tạp nham cuộc đời. Giá trị của chất gỗ đó chỉ tăng qua thời gian, chứ không hề giảm đi.
Trong một xã hội mà niềm tin và yêu thương lắm lúc đã bị xói mòn trước sự lên ngôi "đáng rùng mình" của đồng tiền, giáo dục giờ đây cứ như bị biến thành một rạp xiếc. Người ta đào tạo cho những con vật diễn được bao trò hay ho, nhưng lại đi ngược với bản năng và sự phát triển tự nhiên của chúng, cốt chỉ để người người trầm trồ, nhà nhà vỗ tay khen hay.
Giáo dục mà không nhìn thật nhiều, nghĩ thật sâu, làm thật kỹ và cảm nhận, yêu thương thật tình thì những cái vỏ bên ngoài, dẫu có lung linh cách mấy, cũng sẽ âm thầm lấy đi rất nhiều điều tốt đẹp của đám trẻ. Để rồi thời gian trôi nhanh, đến một lúc nào đó, người ta mới nhận ra thì có khi đã trễ.
"Lành dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên". Có lẽ, "dạy con thông minh cho ngày mai" là như vậy. Cứ hy vọng và cứ làm, bước từng bước trong niềm tin vững chãi và tấm lòng an yên.
Đã chọn cái nghề và nghiệp mang tên "giáo dục" thì chắc trước sau gì, ai cũng sẽ mong được trở về và neo đậu mãi với một chữ không dễ gì gìn giữ trong cuộc đời này. Đó là chữ "Tâm".
Nguyễn Chí Hiếu
Theo VNE
Bạn đọc viết: Áp lực học tập đến từ ai? Đọc bài viết "Chấp nhận con bị điểm kém, thật khó!" và lắng nghe chia sẻ của tác giả, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng của một người mẹ khi con bị điểm thấp trong đợt kiểm tra cuối kỳ. Ảnh minh họa Áp lực học tập vẫn luôn là gánh nặng mà các em học sinh phải vác trên lưng. Học...