Nữ thủ khoa nhận cùng lúc 2 bằng đại học từng sốc vì trượt nguyện vọng yêu thích
Sau cú sốc trượt nguyện vọng vào trường yêu thích, Yến lấy lại tinh thần, hoàn thành 4 năm đại học với thành tích đáng nể.
Tròn một tháng sau sinh nhật tuổi 22, Yến có mặt trong buổi vinh danh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022. Cầm trên tay bằng khen và cúp vinh danh thủ khoa, Phương Yến thầm cảm ơn chính bản thân vì 4 năm trước đã không bỏ cuộc.
Nguyễn Phương Yến là thủ khoa đầu ra trường Đại học Thăng Long năm 2022. Nữ sinh nhận cùng lúc 2 bằng cử nhân ngành Tài chính và ngành Kế toán với GPA lần lượt 9,1 và 9.
Khi còn là học sinh, Yến từng tham gia các cuộc thi về Lịch sử và đoạt nhiều giải thưởng. Lớp 11, Yến bất ngờ chuyển hướng quyết định thi khối A, thay vì khối D78 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh) như dự định trước đó. Yến mong muốn được theo học tại một trường đại học kỹ thuật có tiếng tại Việt Nam.
Năm 2018, nữ sinh trượt nguyện vọng mơ ước. “Em buồn, khóc suốt một tháng”, Yến nói.
10x quyết định mua bộ 2.000 mảnh về để ghép hình và tự nhủ, khi bức tranh hoàn thành cũng là lúc gạt nỗi buồn sang một bên để bước tiếp. Suốt thời gian đó, bố mẹ Yến cũng luôn bên cạnh động viên con gái.
Nguyễn Phương Yến là thủ khoa đầu ra Đại học Thăng Long năm 2022. (Ảnh: Hoài Anh)
Nhập học Trường Đại học Thăng Long, nữ sinh đăng ký theo chuyên ngành Kế toán. Sau 2 năm học, khi dần hứng thú với những thứ liên quan đến phân tích, Yến quyết định đăng ký học thêm chuyên ngành Tài chính. Mỗi ngành, em học khoảng 50 môn, trong đó 25 môn trùng nhau (bao gồm môn đại cương và những môn của ngành Kinh tế).
Yến miêu tả việc đăng ký tín chỉ trên đại học như cuộc chạy đua – điều quan trọng nhất nằm ở tốc độ. Với một sinh viên bình thường đăng ký một ngành đã không hề dễ dàng, trong khi Yến phải “cân” tới 2 ngành học.
Trước khi đăng ký tín chỉ, 10x có thói quen lập ra các kế hoạch đăng ký khác nhau. Trường hợp không đăng ký được môn như mong muốn, em lập tức chuyển sang phương án tiếp theo nhằm tối ưu hóa thời gian, ra trường đúng hạn.
Do 2 chuyên ngành nhiều nét tương đồng nên việc học song song giúp Yến hoàn thành tốt môn học của ngành này nhờ những môn của ngành kia và ngược lại.
Khó khăn lớn nhất nữ sinh gặp phải là thời gian học và những kỳ thi dồn dập cuối kỳ. Em thường học tại trường từ 7h đến 18h – thay vì chỉ 1 buổi/ ngày như các bạn còn lại. Có ngày, em thi 2 môn của 2 ngành khác nhau.
Để không bị “ngộp” kiến thức, trên lớp Yến tập trung, tiếp thu bài một cách tối đa để không mất quá nhiều thời gian ôn lại bài tại nhà. Nữ sinh ghi chép lại những điều giảng viên giảng ngoài giáo trình để tránh bỏ lọt kiến thức.
Trước thi 2 ngày, Yến sẽ ôn tập từ 20h đến đêm muộn, tổng hợp lại những kiến thức đã học để có cái nhìn bao quát nhất. Tuy vậy, nữ thủ khoa cho rằng đây không hẳn là cách học đáng khích lệ, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nguyễn Phương Yến còn thương xuyên tham gia các hoạt động của câu lạc bộ nghệ thuật trong trường. (Ảnh: NVCC)
Dù học 10 tiếng một ngày tại trường, Yến vẫn luôn cố gắng dành thời gian tham gia câu lạc bộ nghệ thuật. Đây là thời điểm em thích nhất trong ngày, lúc tâm trí có thể dồn hoàn toàn vào những bước nhảy và tiếng cười đùa cùng bạn bè.
“Đầu tiên mục tiêu của em chỉ là ra trường đúng hạn, bởi việc học song song 2 bằng đã là điều không hề đơn giản. Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa đầu ra”, 10x nói.
Sau khi ra trường, Yến sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và tìm ra hướng đi tốt nhất cho bản thân trong công việc. Em cũng đặt mục tiêu học thạc sĩ trong thời gian tới, song song với đó là trau dồi thêm tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung.
Làm công nhân may để kiếm tiền trước khi đỗ thủ khoa đại học
Trúng tuyển đại học, nhà không có tiền, Huyền không thể nhập học, cô quyết định xin đi làm công ty may.
Một năm sau, cô xuất sắc đỗ thủ khoa ngành Kế toán, Học viện Ngân hàng với số điểm 28,05 khối A00.
Tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền, Học viện Ngân hàng xuất sắc đỗ thủ khoa ngành Kế toán với số điểm 28,05 chưa tính điểm cộng ưu tiên - Ảnh: HÀ THANH
Một năm trước, Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi, quê Hà Nam, hiện là tân sinh viên Học viện Ngân hàng) trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế lao đao, trong nhà chẳng xoay trở nổi 10 triệu đồng đóng học ban đầu, vậy là Huyền quyết định không nhập học nữa.
"Tôi có trao đổi với mẹ là muốn đi học, nhưng điều kiện kinh tế không có, nếu tôi đi học mẹ phải vay mượn rất mệt nhọc. Cả nhà chỉ có một mình mẹ cáng đáng, không có công ăn việc làm ổn định. Lúc không đi học nữa, tôi bàn với mẹ: "Hay con đi làm công ty một năm, năm sau mẹ cho con thi lại nhé?" - Huyền bộc bạch.
Bàn bạc với mẹ xong, Huyền xin làm cho một công ty may ở gần nhà. Đôi tay gầy guộc của cô gái nhỏ không thuần thục đường kim mũi chỉ, nên chỉ đành xin phụ việc.
Cô đảm nhận việc ủi vải, khâu móc, làm gia công, mỗi tháng được trả 3 triệu đồng tiền công, nếu tăng ca sẽ được 4 triệu đồng.
Tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền trải lòng từng "đứt gánh học" vì nghèo khó, nay cô quyết tâm theo đuổi việc học đến cùng - Video: HÀ THANH
Tôi chưa bao giờ trách bố mẹ, làm sao mà trách được? Bệnh tật chẳng ai chọn được cả, biết gia đình như vậy mình phải cố gắng hơn thôi. Tôi sẽ không khóc nữa đâu, vì mỗi người một hoàn cảnh, có thể mình thấy mình khổ cái này nhưng người ta còn khổ hơn mình nữa
Tân sinh viên TRỊNH THỊ THANH HUYỀN, Học viện Ngân hàng
Có bữa phải làm đến đêm, mệt lắm mà lương không cao. Lúc đó cô nghĩ nếu không đi học, nếu chỉ làm như thế này thì cả đời không thể khá lên được. Do đó, cô quyết tâm thực hiện ước mơ học tập, không để "đứt gánh học" nữa.
Nhờ đi làm công nhân may kiếm được tiền, mỗi tháng cô đưa cho mẹ 1 - 2 triệu đồng lo chi phí trong nhà, còn lại xin được giữ lại để dành tiền đi học.
Để không quên kiến thức, ngày đi làm, nếu đêm nào được về sớm, cô gái nhỏ sẽ dành thời gian ôn luyện. Miệt mài làm ở công ty may đến dịp ra Tết, Huyền xin nghỉ việc để tập trung cho ôn thi.
Không khuất phục trước khó nghèo, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi) trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Với số điểm 28,05 khối A00 chưa tính điểm cộng, Huyền xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của ngành Kế toán.
Cô thật thà thừa nhận, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng đã quyết định chọn ngôi trường này để theo đuổi ước mơ, cũng vì học phí ít tốn kém hơn các trường khác. Với số tiền 10 triệu đồng dành dụm được nhờ làm công nhân, Huyền đóng học phí ban đầu hơn 4 triệu đồng, còn lại để trang trải chi phí đắt đỏ ở thủ đô như tiền trọ, tiền sinh hoạt phí, tiền xe buýt...
Huyền dự tính, sau khi ổn định chỗ ở sẽ đi kiếm việc làm thêm, vào dịp tết hoặc dịp hè được nghỉ học, cô sẽ về quê xin làm công ty tiếp để dành dụm tiền cho năm sau.
Vừa học vừa làm đòi hỏi phải biết sắp xếp, cân bằng thời giờ, nhưng cô sẽ quyết tâm tìm kiếm thêm các học bổng để trang trải cho việc học.
"Tôi mong sẽ nhận được học bổng Tiếp sức đến trường để có tiền đóng học cho năm tới. Tôi biết rằng các quỹ học bổng chỉ trợ sức ban đầu thôi, điều quan trọng nhất là mỗi sinh viên phải tự thân, do đó tôi sẽ nỗ lực đi làm thêm, kiếm tiền.
Tôi cũng mong muốn trong quá trình học sớm được công ty nhận thực tập, sau đó có công ăn việc làm ổn định, có mức lương tốt để nuôi sống bản thân, có khoản tiết kiệm cho mẹ" - tân sinh viên Trịnh Thị Thanh Huyền bày tỏ mong ước.
"Không cho con học, sau này có gì sẽ hối hận lắm"
Chồng qua đời vì bệnh tật, từ đó một mình bà Nguyễn Thị Nhung phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà, nuôi hai đứa con ăn học, dưới Huyền còn một em trai hiện đang học lớp 12. Năm ngoái, người mẹ đành nén nỗi đau để con gái lỡ dở việc học.
"Ngày làm công nhân, đêm nào về con cũng khóc và xin mẹ cho con đi học lại. Nhưng nhà không có tiền, lấy đâu ra tiền cho con học" - bà Nguyễn Thị Nhung nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Nhưng năm nay thấy con đỗ cao và quyết chí theo học đến cùng, bà Nhung nói dù gia đình khó mấy cũng sẽ cố gắng chạy vạy để Huyền đi học.
"Tôi cũng thương con nên sẽ cố gắng vay mượn cho con học. Con chăm học như vậy, không cho nó đi học thì tội lắm, sau này có chuyện gì thì mình hối hận lắm" - bà Nhung giãi bày.
'Lên đại học, giáo viên sẽ không quan tâm đến bạn'? Một thủ khoa của Trường ĐH Tài chính Marketing đã phủ nhận ý nghĩ rằng 'Lên đại học, giáo viên sẽ không quan tâm đến bạn' sau một tháng trở thành tân sinh viên. Trường Đại học (ĐH) Tài chính Marketing vừa tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023 và chào đón hơn 4.600 tân sinh viên vừa trúng tuyển kỳ tuyển...