Nữ thạc sĩ Việt tại ĐH Stanford bàn về hiện tượng “trẻ em cao tuổi”
Theo Huyền Chip, nhiều người coi làm người lớn là điều mặc định – họ trở thành người lớn khi có cơ thể trưởng thành, biết làm người lớn hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng trẻ vị thành niên. Hệ quả của việc này được cô ví là hiện tượng “ trẻ em cao tuổi”.
Hành trình trở thành người lớn
Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền, tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Stanford, Mỹ) chia sẻ về đam mê, về ước mơ, về nỗi sợ của tuổi trẻ, về cuộc hành trình qua nhiều nước và bài học, kỹ năng cô học được trong suốt quá trình trưởng thành, tìm kiếm con đường của riêng mình trong buổi giao lưu tối 25/5 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Các nhà tâm lí học tranh luận về độ tuổi nào mang tính bước ngoặt trong hành trình trở thành người lớn. Với tôi, tuổi 22 luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt.
Tuổi 22 là lứa tuổi mà tôi nhìn thấy rõ rệt nhất sự thay đổi trong cách sống của bạn bè mình từ việc là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đến việc trở thành người kiếm tiền”, Huyền Chip nói.
Nữ diễn giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip – váy đen) trong buổi giao lưu.
Cách đây khoảng 6 năm, tác giả cuốn “Xách ba lô lên và đi” gây tranh cãi đặt ra khá nhiều mục tiêu bản thân cần đạt được trước năm 25 tuổi. Sau đó, cô nhận ra rằng rất nhiều điều mình mong muốn đạt được hồi bé chỉ là mơ ước viển vông.
Bạn bè cô bên Mĩ hầu hết đều trong độ tuổi nửa đầu 20, nên một trong những điều cô hay nghe bạn bè than thở nhiều nhất là “I don’t know how to adult” (tạm dịch: Tôi không biết phải làm người lớn thế nào).
Khi về Việt Nam, Huyền Chip thấy ít sự nỗ lực này trong bạn bè đồng trang lứa. Quá trình trở thành người lớn ít được mọi người chú trọng, dẫn đến việc các bạn trẻ không nhận ra được mình trở thành người lớn từ khi nào và phải chịu trách nhiệm ra sao về cuộc đời mình.
Nhiều người coi làm người lớn là điều mặc định – họ trở thành người lớn khi có cơ thể trưởng thành, biết làm người lớn hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng trẻ vị thành niên. Hệ quả của việc này theo Huyền Chip thấy là hiện tượng “trẻ em cao tuổi” khá phổ biến.
Huyền Chip gần gũi tương tác với từng khán giả muốn giao lưu trực tiếp với cô.
Huyền Chip chia sẻ: “Trở thành người lớn là một quá trình chứ không phải sự thay đổi một sớm một chiều. Những người tôi gặp ý thức được rằng trở thành người lớn cần sự trưởng thành về ý thức và trách nhiệm và họ nỗ lực để đạt được sự trưởng thành đó”.
Khánh Huyền đưa ra ba điều theo nghiên cứu của tiến sĩ tâm lí học Jeffrey Jensen Arnett tại Đại học Clark để một người trở thành người lớn: chịu trách nhiệm cho bản thân, đưa ra những quyết định độc lập và độc lập về mặt tài chính.
Video đang HOT
Nhận thức đúng về học
Khán giả trẻ đặt nhiều câu hỏi cho cựu sinh viên Việt tại Đại học Stanford như: “Tại sao phải học đại học và làm thế nào để tận dụng tối đa quãng thời gian đại học?”, “Thích nhiều thứ và học song ngành được không?”, “Có điều gì khiến Huyền Chip chán nản khi học tại Đại học Stanford?”, “Rào cản lớn nhất của việc học là gì?”,…
Một số câu hỏi khán giả thắc mắc cũng chính là những câu hỏi Huyền Chip đã từng trăn trở suy nghĩ quyết định.
Huyền Chip cho biết, cô có cơ hội gặp gỡ một người mà bản thân quan tâm đã lâu là Francois Chollet – tác giả của Keras, một thư viện mã nguồn mở cho học máy phổ biến thứ hai hiện tại, chỉ sau TensorFlow của Google. Trong buổi nói chuyện hồi đó, cô đã hỏi anh ấy một số câu hỏi như người tham dự đã hỏi cô hôm nay.
Khán giả hào hứng đặt câu hỏi cho Huyền Chip.
Theo cô và Francois, rào cản lớn nhất của việc học hiện nay không phải là học phí, giáo viên hay giáo trình, mà là người học có muốn hay không. Kiến thức đầy rẫy trên mạng. Nếu muốn học về chủ đề gì thì chỉ cần dùng Google tìm kiếm sẽ ra nhiều tài liệu. Người muốn học sẽ tìm được cách để học. Mấu chốt để khuyến khích người học là người học hiểu được mục tiêu của việc học.
Sinh ra trong một gia đình cha mẹ tôn trọng quyền tự quyết của con cái, Huyền Chip lại sống trách nhiệm và kỉ luật hơn với bản thân mình. Khi học tập, tham gia các dự án, cô tự đặt ra mục tiêu cho bản thân và ép mình thực hiện các nguyên tắc để hoàn thành mục tiêu đó.
Sau bốn năm học ở Mĩ, tác giả cuốn sách “Giấc mơ Mĩ – Đường đến Stanford” chia sẻ rằng dù yêu thích Stanford từ lâu nhưng quyết định du học xuất hiện khi hai tập “Xách ba lô lên và đi” có những ồn ào.
Cô đã từng trải qua cảm giác chán nản học bởi áp lực vì ở Stanford nhiều người giỏi buộc Huyền nỗ lực nhiều hơn. Phong cách dạy ở Mĩ có nhiều điểm khác biệt với phong cách dạy ở Việt Nam như: thầy cô cảnh báo mình mắc lỗi, khuyến khích tính tương tác,…
“Khi mệt mỏi và chán nản, tôi chấp nhận cảm xúc bản thân hiện có. Tôi thường tự vấn bản thân và dừng lại những việc mình đang làm. Viết là cách giải tỏa tâm lí rất tốt với tôi”, Huyền Chip cho biết.
Niềm tin trên mỗi chặng đường
Niềm tin với bản thân là động lực thúc đẩy để Huyền Chip vượt qua ý kiến dư luận trái chiều về mình.
Huyền Chip trải lòng: “Đi tìm con đường của chính mình thật khó khi bản thân chưa biết con đường đó là gì. Nhiều người khen tôi dũng cảm, dám vượt qua định kiến xã hội. Nhưng tại thời điểm tôi đưa ra quyết định không tuân theo những quy tắc, hầu hết mọi người lại kêu tôi dại dột và ra sức ngăn cản”.
Với việc nhiều bạn trẻ đọc thông điệp “Xách ba lô lên và đi. Cuộc sống là để trải nghiệm” lại hiểu tự lập là thoát li và không hiểu sau chuyến đi như thế, người thân ở nhà rất lo lắng cho mình, cô gái làm việc tại Netflix kết luận: “Có nhiều người hiểu cứ đi là trải nghiệm. Trải nghiệm là trải nghiệm về mặt địa lí, làm thế nào để xa gia đình không hẳn là điều tôi muốn truyền tải qua những cuốn sách, qua các chuyến đi.
Trải nghiệm không nhất thiết là chỉ di chuyển về mặt địa lí. Mà đó là chúng ta thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, các thói quen và tự đặt ra cho mình mục tiêu mới, lối đi mới. Có rất nhiều cách khác trải nghiệm. Con người cảm nhận cuộc sống thông qua những thay đổi”.
Huyền Chip, tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990. Sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định.
Năm 2012, cô ra mắt hai tập sách “Xách ba lô lên và đi”.
Năm 2014, Huyền Chip lên đường theo học Đại học Stanford theo diện học bổng toàn phần, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt.
Năm 2016, cô là tác giả cuốn sách “Giấc mơ Mĩ – Đường đến Stanford”.
Hiện tại, cô vừa hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ, chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Stanford (Mĩ).
Hồng Vân
Theo Dân trí
Xách ba lô lên và đến Đại học Stanford
Huyền Chip chia sẻ bí quyết vượt qua áp lực học tập ở Đại học Stanford, một trong những trường hàng đầu thế giới.
Cô gái từng gây tranh cãi với cuốn Xách ba lô lên và đi tâm sự về cách để "sống sót" với khối lượng học tập, thực hành lớn cùng việc lựa chọn ngành phù hợp và gây dựng mối quan hệ với giáo sư ở ngôi trường hàng đầu thế giới.
Quản lý thời gian đến từng 15 phút
Nữ sinh Việt đang là sinh viên năm thứ ba ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học máy tính cho biết để tốt nghiệp, cô cần hoàn thành 180 tín chỉ (một tín chỉ tương đương 3 tiếng/1 tuần) trong vòng 4 năm (mỗi năm 3 quý thay vì 2 học kỳ như ở Việt Nam).
Mỗi tuần, 9X cần làm việc khoảng 45 tiếng, nhiều hơn giờ làm việc văn phòng một chút.
Tuy nhiên, về mặt thực hành, con số đó không phải luôn chính xác. Ít người học đúng 180 tín chỉ có thể tốt nghiệp, bởi không phải ai cũng biết mình muốn học gì từ năm đầu tiên. Nhiều người đổi ngành sau 2 năm nên phải học thêm các môn mới.
Ngoài ra, nhiều giáo sư không quan tâm lắm đến tín chỉ của sinh viên nên một số môn vượt quá khối lượng tín chỉ theo hướng dẫn chính thức của trường.
"Đầu quý, bàn ăn nào cũng rôm rả chuyện sinh viên chọn lớp. Giảng viên thông báo ngay từ đầu rằng lớp này rất nặng, ai muốn một quý nhàn nhã thì không nên học", Huyền Chip nhớ lại.
Nữ du học sinh cho hay việc học trên lớp chỉ là một phần trong quy trình giáo dục ở Stanford. Sinh viên ở đây rất năng động, hầu hết đều tham gia các câu lạc bộ.
Theo Huyền Chip, sinh viên Đại học Stanford rất đam mê khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.
Một điểm thú vị là sinh viên Stanford khởi nghiệp nhiều đến mức bộ phận phụ trách nơi ở phải đưa ra quy định không cho sinh viên mở công ty trong ký túc xá.
Qua 6 quý, nữ sinh Việt chắc chắn rằng sinh viên Stanford phải làm việc ít nhất 60 tiếng/1 tuần mới giải quyết hết bài vở. Huyền Chip làm trợ giảng cần thêm 12 đến 15 tiếng/tuần, tham gia câu lạc bộ Muay Thái thêm 3 tiếng/tuần.
Huyền Chip tên thật Nguyễn Thị Khánh Huyền, 26 tuổi, cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi phát hành cuốn sách Xách ba lô lên và đi gây nhiều tranh cãi, Huyền giành học bổng toàn phần (hơn 60.000 USD/năm) của Đại học Stanford.
Cô khoe vừa trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ, có cơ hội hoàn thành cả hai chương trình (đại học và thạc sĩ) trong vòng 4 năm thay vì 6 năm.
Với lịch học và hoạt động dày như vậy, kỹ năng quan trọng của sinh viên Stanford là quản lý thời gian.
Theo Huyền, cô và bạn bè thường dùng Google Calendar, lên lịch đến từng 15 phút. Quan hệ bạn bè, yêu đương cũng được thiết kế để phù hợp lịch làm việc này.
Huyền Chip kể cô gặp bạn bè bằng cách rủ nhau làm bài cùng, hẹn nhau ăn trưa hoặc ăn tối, thường giới hạn thời gian khoảng 30 phút hay một tiếng.
Cách tìm ngành học phù hợp và kết nối với giáo sư
Huyền Chip bật mí cách để có hứng thú trong học tập là học những môn bản thân... hứng thú. Để chọn được lớp phù hợp, đầu quý, 9X ngồi học thử các lớp xem mình thích lớp nào nhất.
Một số lớp học bắt buộc, sinh viên không được bỏ dở, dù không thích. Với những "ca" này, bí quyết của Huyền là ép bản thân học lớp đó khoảng 30 phút, rồi học môn khác mình thích, hết chán lại học tiếp.
Cô cũng hẹn bạn thân cùng làm bài để có người "than vãn" và tự nhận thấy đó là cách hiệu quả với mình.
Theo Zing
Dám uớc mơ sẽ chạm đến thành công Người ta thường nói: "Được làm công việc mình yêu thích thì cả đời bạn sẽ không cảm thấy phải làm việc". Biết rằng con đường tìm được công việc mơ ước và sống trọn với nó không phải lúc nào cũng "màu hồng" nhưng nếu không khám phá, bạn sẽ không bao giờ biết được mình muốn gì, thích gì và sẽ...