Nữ sinh Việt Nam là “Thợ săn học bổng” tại Hàn Quốc: Chia sẻ bí quyết cực độc để bắn trôi chảy ngoại ngữ, nghe là phì cười
Quỳnh Anh là sinh viên nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh tại Hàn Quốc bởi liên tiếp dành nhiều giải thưởng cao quý trong học tập.
Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1997), quê gốc ở tỉnh Bắc Giang. Quỳnh Anh hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ, chuyên ngành Digital Management tại trường Đại học Soongsil, Hàn Quốc. Trước đó, nữ sinh đã lấy bằng cử nhân tại Đại học Seoul. Hiện cô bạn vừa nhận chức Trưởng bộ phận Kinh doanh thị trường Việt Nam của một công ty mỹ phẩm.
Chân dung nữ sinh Quỳnh Anh – người được mệnh danh là “Thợ săn học bổng”.
Trong quá trình học tập, Quỳnh Anh là một trong những sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất tại Hàn Quốc. Nữ sinh dành trọn tình cảm quý mến của thầy cô giáo bởi liên tiếp giành được các giải thưởng học tập cao quý. Đặc biệt, bạn bè xung quanh đặt biệt danh cho nữ sinh gốc Việt là “Thợ săn học bổng”.
Dưới đây là những thành tích học tập vượt trội mà nữ sinh Quỳnh Anh đạt được:
- Dành liên tiếp 7 học bổng toàn phần 100% do trường Đại học Seoul trao.
- Học bổng Giáo sư trị giá 16.000.000 VNĐ năm 2018.
- 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng Sinh viên ưu tú Khoa Thể thao năm 2018, năm 2019.
- Học bổng Nghiên cứu Khoa học trị giá 60.000.000 VNĐ năm 2019.
- Học bổng Nghiên cứu Khoa học trị giá 72.000.000 VNĐ năm 2020.
- Học bổng của Chính phủ Hàn Quốc trị giá 100.000.000 VNĐ năm 2020.
Hãy cùng trò chuyện với Quỳnh Anh để hiểu về quá trình gian nan nhưng đáng tự hào mà nữ sinh đã chinh phục thành công!
Từng nhớ nhà phát khóc, nằng nặc đòi về Việt Nam
- Quỳnh Anh đi du học từ khi nào? Du học có phải là ước mơ của bạn?
Đi du học chưa bao giờ là ước mơ của mình. Năm lớp 12, một công ty chuyên đưa học sinh sang nước ngoài về trường giới thiệu các gói học bổng. Nghe thầy cô chia sẻ đất nước Hàn Quốc có nhiều điều thú vị nên mình quyết định xin bố mẹ cho đi. Bố mình khá tin tưởng con gái, bố bảo rằng: “Con hãy làm những điều con yêu thích, con đủ 18 tuổi để quyết định mọi thứ, bố mẹ ủng hộ con”.
Được bố mẹ động viên, mình càng quyết tâm hơn, tự hứa với bản thân sẽ giành học bổng để đỡ phần gánh nặng cho gia đình. Đợt đó, mình đánh liều nộp hồ sơ, quyết tâm giành học bổng trong quá trình học đại học. May mắn sao, mình đỗ vào Đại học Seoul – một trong những ngôi trường hàng đầu tại Hàn Quốc.
Mình bắt đầu học Tiếng Hàn ở Việt Nam vào tháng 7/2015. Tháng 9/2017, mình nhập học, khi đó mình đã đạt Chứng chỉ TOPIK 4. Mình có ước mơ sau khi học xong sẽ về Việt Nam mở Trung tâm phát triển chiều cao và thể dục chỉnh hỉnh. Hiện chiều cao của người Việt khá thấp nên mình muốn cải thiện chiều cao trung bình cho mọi người.
- Quỳnh Anh đã có khoảng 1 năm học Tiếng Hàn tại Việt Nam. Vậy khi sang Hàn Quốc, bạn có gặp nhiều khó khăn không?
Video đang HOT
Ngay khi bước chân xuống máy bay là thách thức ập đến. Buổi sáng hôm ấy rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời là -18 độ C, tuyết phủ trắng xoá. Nhưng mới sang nên thích lắm, chẳng chú ý giữ gìn sức khoẻ đâu. Mình không đeo khẩu trang, không mặc ấm nên tối về ốm ngay.
Dù việc học tập gặp khó khăn nhưng Quỳnh Anh luôn có những người bạn tốt bụng giúp đỡ.
Mình rơi vào tình trạng ho kéo dài suốt 1 tháng, có lúc lên cơn ho, cảm tưởng như moi hết ruột gan ra ngoài. Mình có mang thuốc từ Việt Nam nhưng uống không khỏi. Có những hôm đau cổ họng quá, không ngủ được, vừa nằm vừa khóc rưng rức. Lúc đó, mình không dám kể với bố mẹ bởi sợ bố mẹ lo lắng, cứ âm thầm chịu đựng, may mà cuối cùng cũng khỏi.
Điều khó khăn thứ hai, mình chắc chắn du học sinh nào cũng gặp phải là rào cản ngôn ngữ. Dù được học Tiếng Hàn ở Việt Nam nhưng sang khi sang bên này, nghe người bản địa nói vẫn không hiểu gì. Những gì học được chỉ là điều cơ bản, chưa thể giao tiếp được. Vì vậy, thời gian đầu, mình nghe họ nói chuyện như “vịt nghe sấm”.
Cách tốt nhất để luyện tiếng là ra chợ dân sinh hằng ngày. Ngày nào mình cũng ra chợ mua đồ, nghe các thím, các dì nói chuyện rồi bập bẹ nói theo. Mình tập mặc cả hàng hoá, hỏi họ cách nấu nướng, không nghe được cũng hỏi loạn lên.
Có những lúc bị người bán hàng mắng té tát: “Mua không? Sao không mua mà hỏi nhiều thế?”. Những lúc đó, lại rối rít xin lỗi người ta. Nhưng đa phần, họ niềm nở trả lời bởi biết mình là người nước ngoài. Người dân ở đây ít nói, luôn giữ trật tự nơi công cộng nên khó bắt chuyện làm quen lắm!
- Khó khăn như vậy, có khi nào bạn nhụt chí, muốn trở về Việt Nam?
Lúc mới sang có nhiều thách thức lắm! Mình nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bố mẹ nữa. Ngày sinh nhật đầu tiên khi sang Hàn, mình đã khóc nức nở gọi điện về cho bố. Lúc đó, mình muốn bỏ hết tất cả để về Việt Nam. Kiến thức bài vở khá nặng cộng với việc phải viết luận văn, làm hồ sơ chuẩn bị lên đại học khiến mình rơi vào stress.
Nhưng bố đã động viên một câu giúp mình vững bước theo đuổi ước mơ: “Bố không cấm con về. Nhưng con phải biết, khi đã quyết định việc gì thì phải nỗ lực hết sức. Nếu con bỏ dở giữa chừng sẽ không có bằng đại học khi về Việt Nam. Như vậy, tương lai khó có công việc tốt”.
Bí quyết thành công là nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác
- Là sinh viên người Việt ưu tú tại Hàn Quốc, bạn làm thế nào để có thành tích học tập xuất sắc như vậy?
Khoa mình có 200 sinh viên, còn lớp học có 39 sinh viên nhưng có duy nhất mình là người nước ngoài nên được thầy cô quý mến. Các bạn trong khoa cũng giúp đỡ nhiều khiến việc học trở nên suôn sẻ hơn.
Tiêu chí xét học bổng 100% của trường là: GPA đứng top đầu của 10% sinh viên ngoại quốc; Đạt Chứng chỉ TOPIK 6 Tiếng Hàn (Chứng chỉ cao nhất). Ngay từ khi bước vào năm hai đại học, mình đã đạt được TOPIK 6 nên chỉ cần phấn đấu các môn học còn lại.
Giấy khen Sinh viên xuất sắc của Khoa mà Quỳnh Anh nỗ lực dành được.
Học kỳ đầu tiên, mình không nhận được học bổng bởi chưa quen phương pháp giáo dục. Nhưng 7 học kỳ sau, mình đều đạt được học bổng 100%. Ngoài ra, mình đứng thứ nhất toàn khoa trong 2 học kỳ liên tiếp, nhận Học bổng Giáo sư 3 lần. Cảm giác lên nhận học bổng hạnh phúc và tự hào lắm! Vì đây là học bổng trao cho những người đang học lên thạc sĩ, tiến sĩ; rất hiếm khi sinh viên nhận được.
Để có được thành công trong học tập, mình luôn phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần so với các bạn. Mỗi kỳ học mới bắt đầu, mình phải “vắt chân lên cổ chạy”. Đó là cách duy nhất để không bị lỡ nhịp. Các bạn chỉ học 2 tiết/tuần/môn, còn mình phải học 4 tiết/tuần/môn.
Không chỉ các môn thực hành phải cố gắng đâu, môn nào cũng vậy hết. Mọi người đi xa rồi, mình mới ở vạch xuất phát, nhiều lúc tủi thân lắm! Nhưng đấy cũng là động lực để cố gắng.
Thầy Hwang Seon – Hwan đã trao Học bổng Giáo sư 3 lần cho nữ sinh Quỳnh Anh.
Bên cạnh đó, đi làm thêm cũng giúp bản thân có thêm kiến thức và kỹ năng trong công việc. Mình được thầy giáo giới thiệu vào làm tại Học viện Phát triển chiều cao và Thể dục chỉnh hình TallnFit năm 2018. Gọi là đi làm thì hơi quá, chủ yếu là mình làm những việc lặt vặt và học tập mọi người. Họ có trợ cấp nhưng rất thấp, mình vẫn vui vẻ chấp thuận.
Mình cho rằng kinh nghiệm quý giá hơn nhiều so với tiền trợ cấp. Được làm đúng chuyên ngành học nên hào hứng lắm! Ngoài ra, mình cũng trở thành thông dịch viên cho một số hội thảo thương mại xuất nhập khẩu Hàn – Việt. Công việc này giúp cải thiện ngôn ngữ và có thêm nhiều mối quan hệ đặc biệt.
- Theo bạn, muốn nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng để tạo thuận lợi trong việc học tập cũng như trong cuộc sống, du học sinh người Việt cần trang bị những kỹ năng gì?
Đầu tiên, ngay khi các bạn trẻ có định hướng học tập, làm việc tại Hàn Quốc hay bất kể quốc gia nào đều phải cố gắng học tiếng thật tốt. Đây là điều vô cùng quan trọng. Không biết tiếng, bạn không giao tiếp được, không dám đi đâu, không dám nói chuyện với ai. Bản thân rơi vào tình cảnh sợ hãi, hoang mang, tự ti.
Quỳnh Anh trong buổi lễ nhận khen thưởng Sinh viên xuất sắc năm 2018.
Điều thứ hai, khi đã ra ngoài thì cần cởi mở, năng động. Các bạn hãy học cách giao tiếp, cách tạo mối quan hệ và tạo nên vòng tròn xã hội. Chẳng hạn như: Trên lớp nói chuyện với bạn bè thế nào? Trao đổi gì với thầy cô giáo? Ở chỗ làm thêm cần cư xử như thế nào? Việc du học sinh được thầy cô quý mến, bạn bè hỗ trợ sẽ đem lại nhiều thuận lợi.
Xây dựng và phát triển vòng tròn xã hội rất quan trọng. Điều này giúp bạn tạo ra một môi trường có thể tiếp xúc với những người là đồng nghiệp mai sau. Từ đó, đem lại cơ hội việc làm tốt.
Khao khát một ngày về Việt Nam khởi nghiệp
- Trong những năm tháng đại học, Quỳnh Anh có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
Mình đã có được một thanh xuân tươi đẹp đúng nghĩa, luôn được các thầy cô giáo hỗ trợ, có những người bạn ngoại quốc tốt bụng giúp đỡ. Có quá nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó mình nhớ nhất là buổi học trượt tuyết đầu tiên vào năm nhất đại học.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nữ sinh là lần đầu tiên học trượt tuyết.
Đợt đó, cả lớp đăng ký đi học trượt tuyết 4 ngày tại một khu resort. Lần đầu tiên, mình thấy một ngọn núi phủ toàn tuyết trắng xoá cao đến 600m. Các bạn người Hàn tiếp xúc với tuyết từ bé, không còn lạ lẫm môn thể thao này. Nhưng với mình thì tất cả giống như trang giấy trắng. Mình lại là đứa phải trượt đầu tiên, ai cũng nghĩ “đứa nước ngoài kia biết chơi rồi”, Còn mình thì không dám hỏi mọi người vì ngại. Thế là mình lao từ đỉnh núi xuống, không biết cách nào để phanh lại.
Lúc ấy mới biết sợ hãi, mắt nhắm tịt, tim đập thình thịch rồi cầu khấn tổ tiên phù hộ. Càng trượt càng nhanh nhưng mình bình tĩnh nghĩ cách ngã xuống lưng chừng núi. Trước đây, mình từng học kỹ năng ngã mà không gây nguy hiểm. Thấy mình ngã sõng soài, thầy giáo vội vàng đỡ dậy, “dở khóc dở cười” hỏi: “Thế trò không biết phanh sao không nói sớm hả?”.
Hội bạn thân bên Hàn Quốc của Quỳnh Anh.
- Vậy dự định trong tương lai của Quỳnh Anh là gì? Bạn sẽ ở lại Hàn Quốc làm việc chứ?
Khi mới sang học, mình dự định học xong sẽ mở Học viện giáo dục thể dục chỉnh hình cho trẻ em. Nhưng sau khi tìm hiểu, mình thấy kế hoạch này không khả thi bởi trang thiết bị đắt đỏ. Khó khăn thứ hai là để mở học viện, cần một đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp về y khoa thể dục chỉnh hỉnh, xương khớp.
Khó nhằn quá nên mình đổi hướng, giờ đang quan tâm phát triển ngành xuất khẩu nông sản/đồ thủ công, mỹ nghệ ở Việt Nam. Mình dự định 2 năm nữa sẽ về Việt Nam khởi nghiệp. Giờ mình đang học Cao học, chuyên ngành Digital Management để bổ trợ cho công việc sau này.
Cảm ơn Quỳnh Anh vì cuộc trò chuyện!
Tân cử nhân trường Đại học Tân Tạo có 3 công bố nghiên cứu khoa học uy tín quốc tế
Tân cử nhân Phạm Thái Điền không những có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trong lĩnh vực khoa học máy tính mà còn tham gia trong những nghiên cứu liên kết với các lĩnh vực y khoa.
Thái Điền là tác giả chính và đồng tác giả của 03 công bố nghiên cứu khoa học uy tín quốc tế, đã nhận được học bổng tài trợ bởi giáo sư cho chương trình kết hợp Thạc sĩ & Tiến sĩ tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) ngay khi tốt nghiệp. Đây cũng là 1 trong 2 chủ nhân của Giải thưởng TTU President's Honor Award 2021.
Tân cử nhân Phạm Thái Điền - Khoa Khoa học máy tính
Cùng nhận được giải thưởng này là tân bác sĩ Dương Phúc Hải. Phúc Hải là tác giả chính và đồng tác giả của 2 bài báo khoa học đăng trên tập san Tim Mạch Châu Âu và một báo cáo ấn tượng tại Hội nghị tim mạch Châu Âu, cũng đã trúng tuyển Bác sĩ nội trú chuyên khoa Ngoại vào Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
TTU President's Honor Award là giải thưởng danh dự từ Chủ tịch trường Đại học Tân Tạo nhằm vinh danh và khích lệ những sinh viên đã cố gắng và vượt trội trong suốt quá trình học tập cũng như tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại Trường Đại học Tân Tạo với mong muốn hỗ trợ và thúc đẩy những sinh viên xuất sắc này có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập và nghiên cứu ở bậc sau đại học. Đây cũng là lần đầu tiên trường Đại học Tân Tạo có 02 sinh viên cùng nhận danh hiệu này.
Ông Đặng Quang Hạnh - Phó chủ tịch Hội đồng trường trao biểu trưng cho tân bác sĩ Dương Phúc Hải (Một trong 2 sinh viên nhận giải thưởng TTU President's Honor Award)
Xuất phát từ tâm nguyện giúp thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận với mô hình giáo dục chất lượng cao của thế giới, đặc biệt là bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, GS. TS. Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Hội đồng Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo đã nhiều năm đi kiếm tìm một mô hình giáo dục đại học tiến bộ, ưu việt, có khả năng đào tạo những con người toàn diện cả đức lẫn tài. Cuộc gặp gỡ lịch sử vào đầu những năm 2000 với những Nhà sáng lập là những nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà khoa học danh tiếng của các đại học hàng đầu nằm trong Top 20 của Hoa Kỳ như cựu chủ tịch Đại học Rice - GS. Malcolm Gillis, nhà vật lý học - cựu hiệu trưởng Đại học Rice - GS. Eugene H. Levy, cựu hiệu trưởng Đại học Duke GS. Peter Lange... đã tạo nên một bước ngoặt lớn cho sự ra đời Trường ĐH Tân Tạo ngay sau đó ít năm.
Phút mặc niệm tưởng nhớ Giáo sư Malcolm Gillis, Giáo sư nguyên là Chủ tịch danh dự Đại học Rice - Hoa Kỳ, Thành viên hội đồng sáng lập trường Đại học Tân Tạo, Chủ tịch đầu tiên Hội đồng học thuật trường Đại học Tân Tạo
64% giảng viên của Trường Đại học Tân Tạo là các Giáo sư, Tiến sĩ người nước ngoài hoặc người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài. Tập thể đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên của Nhà trường luôn sát cánh cùng chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến và những nhà sáng lập chia sẻ tầm nhìn, đồng hành và sẵn sàng vượt qua bao rào cản, khó khăn, từng bước xây dựng một trường đại học tư thục phi lợi nhuận đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam.
Chương trình giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Tân Tạo chú trọng đào tạo những con người có tính sáng tạo tư duy logic và có khả năng lãnh đạo. Tất cả sinh viên Trường Đại học Tân Tạo được học các khóa học nghệ thuật khai phóng với 25% chương trình học tập, giúp sinh viên có thể nhanh chóng thích nghi với thực tế xã hội, có kiến thức tổng quát ở nhiều lĩnh vực, hướng đến trở thành những "công dân toàn cầu" để theo đuổi sự nghiệp học tập lâu dài và đóng góp nhiều giá trị cho xã hội.
Trong lễ tốt nghiệp năm nay, nhà trường cấp bằng tốt nghiệp cho 82 sinh viên các ngành học: Công nghệ sinh học, Khoa học máy tính, Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Y đa khoa. Trong đó có 7 bạn tốt nghiệp loại Xuất sắc, 47 bạn tốt nghiệp loại Giỏi, 26 bạn tốt nghiệp loại Khá. Không chỉ giành được học bổng toàn phần Tiến sĩ tại Hàn Quốc, các sinh viên trường Đại học Tân Tạo còn trúng tuyển vào chương trình Bác sĩ nội trú, Bác sĩ thực hành của các bệnh viện và đại học y khoa lớn, các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia ngay khi tốt nghiệp.
Năm 2022, trường Đại học Tân Tạo sẽ tuyển sinh song song 2 chương trình giảng dạy: Chương trình dạy 100 % bằng tiếng Anh với chuẩn đầu ra tiếng Anh IELTS từ 6.0 đến 7.0 và chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Từ chàng kỹ sư suýt thất nghiệp đến hơn 50 công bố quốc tế Tan vỡ giấc mơ trở thành chàng kỹ sư đóng tàu thủy ở quê nhà, Mai Thế Vũ tình cờ gặp cơ hội du học rồi trở thành một nhà nghiên cứu chuyên về các phương tiện không người lái. Trước khi trở thành Giáo sư trợ lý tại Khoa Kỹ thuật Cơ điện tử thông minh, Đại học Sejong (Hàn Quốc), Mai...